Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden được nhiều người cho là "cuộc đua" quan trọng bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ, thậm chí là cuộc tranh cử sống còn cho nước Mỹ.
Bầu cử Mỹ là sự kiện được cả thế giới chú ý, chờ đón.
BBC nhận định, vị trí Tổng thống Mỹ mang tầm quan trọng đặc biệt. Bởi đây không chỉ là người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới mà còn là chỉ huy trưởng cho hệ thống sức mạnh quân sự lớn nhất hành tinh.
Cuộc thăm dò gần đây của Gallup cho thấy, 77% cử tri Mỹ đã đăng ký cho biết, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden quan trọng với họ hơn các cuộc bầu cử trước đó của Mỹ, theo Fox News.
Chỉ có 2% cử tri Mỹ cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay không quan trọng bằng các cuộc bầu cử trước đó và 21% tin rằng cuộc bầu cử lần này giống như mọi cuộc bầu cử khác.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là cuộc tranh cạnh của 2 ứng viên Joe Biden (trái) của đảng Dân chủ và đương kim Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra 4 năm 1 lần. Theo quy định ban hành ở Mỹ, ứng viên tổng thống phải là người trên 35 tuổi, sinh ra tại đất Mỹ và phải sống ở đất nước tối thiểu 14 năm. Bên cạnh đó, không ai được giữ chức vị Tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Ngày bầu cử được ấn định theo luật Mỹ là ngày thứ Ba, sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 (không tính ngày 1/11).
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra cùng lúc với cuộc bầu cử vào Thượng viện và Hạ viện.
Bầu cử tổng thống Mỹ là một quá trình gián tiếp. Theo Hiến pháp, chỉ có đại cử tri đoàn mới có quyền bầu chọn tổng thống trực tiếp. Các thành viên trong đại cử tri đoàn cho mỗi tiểu bang được người dân tiểu bang đó chọn, và họ có quyền bầu cho bất cứ cá nhân nào, nhưng họ rất hiếm khi bầu cho những nhân vật khác người được chỉ định. Số phiếu được đếm và chứng nhận vào đầu tháng 1 năm sau. Người nào giành được trên nửa số phiếu đại cử tri sẽ là người thắng cuộc.
Người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 dự kiến sẽ được nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Thách thức đầu tiên của ứng viên Tổng thống là phải cạnh tranh để trở thành người đại diện cho đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà, hai đảng lớn nhất tại Mỹ. Bên cạnh đó còn các đảng nhỏ khác là Cải cách, Xanh, Tự do...
Để vượt qua bước này, các ứng viên phải cạnh tranh gay gắt với đối thủ ở nội bộ đảng suốt thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 của năm bầu cử. Các ứng viên thường đi khắp đất nước để vận động tranh cử.
Việc lựa chọn thời gian bầu cử xuất phát từ bối cảnh nông nghiệp của nước Mỹ thế kỷ 19. Quốc hội Mỹ năm 1845 thông qua một đạo luật liên bang chỉ định thứ Ba sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11 là ngày bầu cử tổng thống.
Nguyên nhân chọn ngày này xuất phát từ bối cảnh nông nghiệp của Mỹ thế kỷ 19. Trong những năm 1800, hầu hết công dân Mỹ là nông dân và sống xa nơi bỏ phiếu. Họ thường phải mất ít nhất một ngày để đến điểm bầu cử nên các nhà lập pháp cần phải tạo ra khoảng trống hai ngày để người dân di chuyển.
Tổ chức vào dịp cuối tuần là bất hợp lý vì hầu hết mọi người đi nhà thờ vào Chủ nhật, còn thứ 4 là ngày họp chợ của nông dân. Vì vậy, thứ Ba là ngày thuận tiện nhất trong tuần để tổ chức bầu cử.
Ngoài ra, nước Mỹ chọn ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 để tránh cuộc bầu cử rơi vào ngày 1/11, trùng vào ngày Lễ các Thánh và ngày mà các thương lái tổng kết doanh thu, công việc từ tháng trước.
Tuy nhiên, ngày nay có ý kiến cho rằng, lựa chọn ngày bầu cử như trên không còn phù hợp với thời hiện đại. Nghị sĩ Steve Israel năm 2009 cho rằng cần thay đổi ngày bầu cử vì việc tổ chức bầu cử vào ngày làm việc (thứ Ba) khiến cho số người đi bầu thấp đi.
Tháng 11 được chọn vì đây là tháng nông nhàn. Nếu tổ chức vào mùa xuân và đầu mùa hè, cuộc bầu cử sẽ trùng với mùa gieo hạt. Vào cuối mùa hè và đầu mùa thu thì cuộc bầu cử sẽ trùng với mùa thu hoạch. Vì vậy, tháng 11 - thời điểm cuối thu sau khi nông dân đã thu hoạch xong và trước khi đón mùa đông khắc nghiệt là lựa chọn tốt nhất.
Khoảng 156 triệu cử tri Mỹ ngày 3/11 sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống giữa hai ứng viên, Joe Biden của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa, theo ước tính của Catalist. Tuy nhiên, chiếc ghế tổng thống Mỹ không tự động thuộc về người giành quá bán số phiếu phổ thông này, mà được định đoạt trong một cuộc họp của Cử tri đoàn, diễn ra vào ngày 14/12.
Đó là cuộc họp của Cử tri đoàn, với tổng cộng 538 đại cử tri, diễn ra tại tòa thị chính, văn phòng bầu cử, văn phòng thư ký bang của 50 bang trên khắp nước Mỹ. Số lượng đại cử tri của mỗi bang được phân bổ dựa trên quy mô dân số của bang đó, tương ứng số đại diện họ có trong 435 ghế hạ viện và 100 ghế thượng viện. Ba đại cử tri còn lại đến từ thủ đô Washington.
California là bang đông dân nhất nước Mỹ nên cũng có số lượng phiếu đại cử tri lớn nhất là 55. Một số bang khác có nhiều đại cử tri như Florida, Pensynvania, Ohio với trên 20 phiếu.
Thông thường, đại cử tri là những người cống hiến tận tụy cho đảng, có thể là các nhà hoạt động, lãnh đạo đảng, quan chức dân cử của bang và thậm chí là những người có quan hệ cá nhân hoặc chính trị với ứng viên tổng thống.
Người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng là người giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/12.
Tuy nhiên, các đại cử tri này không được bỏ phiếu bầu tổng thống theo ý thích của mình, mà phải tuân theo cam kết nghiêm ngặt được đưa ra trong quá trình lựa chọn đại cử tri.
Đại cử tri thường bỏ phiếu theo kết quả phiếu phổ thông của bang mình đại diện, nhưng cũng có những người không làm vậy. Họ được gọi là "đại cử tri bất tuân", nhưng trường hợp này rất hiếm khi xảy ra. Dù vậy, 29 bang và thủ đô Washington đã ra quy định riêng để ngăn chặn đại cử tri bất tuân. Theo đó, những đại cử tri bất tuân có thể bị truy tố hoặc phạt tiền nếu bỏ phiếu cho ứng viên trái với phiếu phổ thông của bang.
Lý do Mỹ định đoạt kết quả bầu tổng thống bằng hệ thống đại cử tri mà không dựa trên phiếu phổ thông bắt nguồn từ yếu tố lịch sử. Khi nước Mỹ giành độc lập, chiến dịch vận động và bỏ phiếu đồng loạt ở quy mô quốc gia gần như là điều không thể do khả năng truyền đạt thông tin thời đó còn thô sơ, cũng như sự ngờ vực giữa các bang, đảng phái và cả mối lo ngại về phổ thông đầu phiếu.
Những người soạn ra Hiến pháp năm 1787 của nước Mỹ bác bỏ cả hai cách thức bầu tổng thống là thông qua quốc hội (do nguyên tắc phân lập quyền lực) lẫn qua cách bầu trực tiếp của cử tri (do lo ngại người dân sẽ chỉ bầu cho ứng viên người địa phương và các bang lớn sẽ nắm vai trò thống trị).
Một yếu tố khác là các bang miền nam nước Mỹ rất ủng hộ hệ thống bầu tổng thống qua đại cử tri. Những nô lệ tại khu vực này không có quyền bỏ phiếu nhưng được tính bằng 3/5 người thường khi thống kê quy mô dân số của mỗi bang.
Ngày nay, hình thức bỏ phiếu cử tri đoàn vẫn được coi là cách hiệu quả, công bằng phản ánh lá phiếu phổ thông nhưng cũng đảm bảo các bang nhỏ không chịu thiệt thòi trong việc bầu chọn lãnh đạo mới của đất nước.
Mỗi nhóm cử tri của một bang được bỏ một phiếu bầu tổng thống duy nhất. Điều đó có nghĩa là California, bang có 53 nghị sĩ (đảng Dân chủ chiếm thế áp đảo 46/7 so với đảng Cộng hòa), cũng có quyền lực tương tự như Wyoming, bang có một nghị sĩ Cộng hòa duy nhất"
Kyle Kondik, chuyên gia từ Trung tâm Chính trị thuộc Đại học Virginia
Ví dụ, bang lớn nhất California chiếm 12,03% dân số nước Mỹ, nhưng cử tri đoàn gồm 55 đại cử tri của họ chỉ chiếm 10,22% số đại cử tri trên cả nước. Trong khi bang Wyoming có dân cư thưa thớt chỉ chiếm 0,18% dân số nước Mỹ nhưng họ có 3 phiếu đại cử tri, chiếm 0,56% tổng số đại cử tri Mỹ. Hệ thống đại cử tri cũng đồng nghĩa với việc một ứng viên muốn chiến thắng phải nhận được sự ủng hộ của các lá phiếu trên phạm vi cả nước chứ không chỉ tập trung ở những bang đông dân.
Ở Mỹ, việc bỏ phiếu không mang tính chất bắt buộc. Dựa vào xu hướng bỏ phiếu trong quá khứ, giới bình luận Mỹ gọi các tiểu bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa là tiểu bang đỏ. Các tiểu bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ được gọi là tiểu bang xanh.
Các tiểu bang khác được gọi là tiểu bang nghiêng ngửa (bang lung lay) vì tính chất cạnh tranh cao và có thể ngả về đảng này hoặc đảng kia. Các tiểu bang này sẽ là chiến trường mà mỗi phe cố gắng xây dựng một liên minh để thắng.
Hiện bản đồ bầu cử đang dao động chưa từng thấy với các bang từng ủng hộ phe Dân chủ như Minnesota, đang bị cạnh tranh dữ dội bởi đảng Cộng hòa và các bang từng ủng hộ đảng Cộng hòa như Georgia, đang được đảng Dân chủ tập trung thu hút.
Các bang có xu hướng ủng hộ và nghiêng về đảng Cộng hòa gồm: Alabama (9 phiếu đại cử tri), Alaska (3 phiếu), Arkansas (6 phiếu), Arizona (11 phiếu), Idaho (4 phiếu), Indiana (11 phiếu), Kentucky (8 phiếu), Kansas (6 phiếu), Louisiana (8 phiếu), Mississippi (6 phiếu), Missouri (6 phiếu), Montana (3 phiếu), Nebraska (5 phiếu), Bắc Dakota (3 phiếu), Oklahoma (7 phiếu), Nam Dakota (3 phiếu), Nam Carolina (9 phiếu), Tennessee (11 phiếu), Tây Virginia (5 phiếu), Texas (38 phiếu), Utah (6 phiếu), Wyoming (3 phiếu).
Các bang có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ gồm: California (55 phiếu), Connecticut (7 phiếu), Colorado (9 phiếu), Delaware (3 phiếu), Hawaii (4 phiếu), Illinois (20 phiếu), Maryland (10 phiếu), Massachusetts (11 phiếu), New Jersey (14 phiếu), New Mexico (5 phiếu), New York (29 phiếu), Oregon (7 phiếu), Rhode Island (4 phiếu), Vermont (3 phiếu), Washington (12 phiếu), District of Columbia (3 phiếu).
Các bang chiến trường gồm: Florida (29 phiếu đại cử tri), Georgia (16 phiếu), Iowa (6 phiếu), Maine (4 phiếu), Michigan (16 phiếu), Minnesota (10 phiếu), Nevada (6 phiếu), New Hampshire (4 phiếu), Bắc Carolina (15 phiếu), Ohio (18 phiếu), Pennsylvania (20 phiếu), Virginia (13 phiếu), Wisconsin (10 phiếu).
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ được quyết định bởi 7 bang quan trọng nhất, với số cử tri đăng ký là gần 37 triệu người, chiếm 11% dân số.
Các bang này gồm: Ohio, North Carolina, Arizona, Michigan, Wisconsin, Florida và Pennsylvania.
Đây là những nơi được xem là tâm điểm trong cuộc chiến giành giật phiếu cử tri đoàn giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.