Cô chủ tiệm cây chia sẻ bí quyết "nằm lòng" chăm sóc cây cảnh trong nhà để quanh năm xanh tốt
Cơ duyên gắn bó với việc trồng cây cảnh trong nhà
Chị Nguyễn Thị Hương ( 34 tuổi,ở Hà Nội) – cô chủ một tiệm cây nhỏ - người rất mát tay trong việc chăm sóc cây cảnh trong nhà cũng như ngoài vườn chia sẻ,
Do ảnh hưởng từ ông nội, nên chị Hương yêu thích cây cối từ nhỏ. Nhà ông nhiều cây cối, hoa lá, chị hay theo dõi ông chăm cây, tưới cây. Thỉnh thoảng, ông lại chỉ cho chị tên cây này, cây kia.
"Mình cứ lẩm nhẩm rồi nhớ tên các loài cây, loài hoa từ đó. Xong lớn hơn chút, biết tự tay trồng được thì mình tha lôi đủ thứ cây về trồng ở vườn nhà. Thậm chí còn xin mẹ cả hạt lạc, hạt mùi xong tự gieo ngoài vườn rồi ngóng trông nó nảy mầm từng ngày.
Dù ngày ấy mình trồng cây chẳng ra hàng ra lối gì nhưng mình rất hào hứng và say mê với việc đó. Cảm giác mỗi lần nhìn cây lớn thêm, cây ra hoa là mình hớn hở, tự hào như nhận được quà", chị Hương nhớ lại.
Tuy nhiên, khi lên Hà Nội học thì chị đã bỏ bẵng một thời gian khá dài không chạm tới cây cối. Phần vì hồi đó chưa có phong trào trồng cây trong nhà như bây giờ, cộng thêm không gian, đất đai không có để mà trồng, phần vì sinh viên cũng không chưa điều kiện để mua cây.
Cho tới cách đây khoảng 4 năm, chị Hương mới bắt đầu trở lại với sở thích cây cối. Đó là thời điểm chị có một vài biến cố trong cuộc sống riêng. Lúc đó, chị mới thật sự cảm thấy, chị cần phải sống chậm lại, quay về với chính mình, cần chữa lành cho bản thân nên chị đã chọn trồng cây.
Lúc đầu chị Hương cũng chỉ chọn trồng những loại cây phổ biến mà mọi người hay trồng như: Cỏ lan chi, kim ngân, kim tiền, hoa mười giờ… Và toàn bộ số cây ngày chị mới trồng đều hỏng hết sau một thời gian. Chứng kiến cây mình chăm sóc một cách tâm huyết lụi tàn, chị có hơi nản một chút và nghĩ bụng, hồi chị bé trồng cây ngoài vườn không khó tý nào, cứ trồng xuống là sống mà sao giờ trồng cây này khó thế.
Đặc biệt, chị Hương nhớ lại ngày cây kim ngân chị trồng bị yếu dần, chị cố cứu nó trong tuyệt vọng. Sau lần đó thì chị quyết tâm lên mạng để đọc, tìm hiểu về các loại cây trong nhà và nhất định muốn chinh phục. Tiếp theo chị mạnh dạn mua một loạt cây về trồng lại, không cần biết chúng sẽ thế nào.
Chị cứ vừa tìm hiểu vừa mò mẫm để chăm bẵm và rút kinh nghiệm dần dần về cách tưới nước, về nhu cầu ánh sáng của cây, về đất đai, bón phân. Sau con số cây kha khá bị hỏng, "đau thương" đầy mình thì cuối cùng chị cũng rút ra cho mình được cơ số kinh nghiệm cho bản thân trong cách trồng và chăm sóc từng loại cây. Và chị bắt đầu tự tin hơn với cây cối.
Bí quyết chăm sóc cây cảnh trong nhà cho người mới bắt đầu
Bật mí về bí quyết chăm sóc cây, chị Hương tiết lộ, cây sống khỏe hay không phụ thuộc vào một vài yếu tố chủ đạo, gồm: đất, nước, ánh sáng, nhiệt độ, phân bón,... Cứ đảm bảo tốt mấy yếu tố này sao cho đúng với nhu cầu của từng loại cây là được.
Về cách tưới nước
Nhu cầu nước của mỗi loại cây là khác nhau. Nhưng để nhớ từng loại, cây thì 2 ngày, cây 4 ngày, cây 7 ngày, cây 15 ngày, dễ loạn và nản lắm. Thực tế, cuộc sống chúng ta còn khá nhiều thứ phải nhớ và phân tâm mà. Vậy nên, để dễ dàng nhất cho người mới bắt đầu thì không cần thiết phải nhớ lịch quá cụ thể. Mọi người cứ nhìn đất để tưới cây, thấy mặt đất khô thì tưới. Cách tưới như sau:
Ví dụ, hôm nay thấy mặt đất trong chậu khô se, lấy nước tưới đẫm cho cây (sao cho nước thoát ra ngoài lỗ thoát nước ở đáy chậu). Cứ để thế cho tới khi mặt đất khô se tiếp thì mới tưới lần tiếp theo và cứ lặp lại chu trình như vậy.
Nhiều bạn có thói quen tưới cây lắt nhắt, ngày nào cũng tưới một tý hoặc tiện tay là tưới mà không quan tâm tới việc cây có đang cần nước hay không. Cây thừa nước cũng có thể hỏng, cây thiếu nước cũng có thể hỏng, vậy nên mọi người tránh việc này nhé.
Lượng nước tưới bao nhiêu là đủ? Cái này tùy tùy theo kích cỡ của chậu. Bạn có thể ướm theo thông số chậu dưới đây: chậu cây đường kính khoảng 10 - 15cm, tưới khoảng 150 - 250ml; đường kính 18 cm, tưới khoảng 350 - 400ml; đường kính 24 - 26 cm, tưới khoảng 500 - 600ml nước; đường kính 30cm, tưới khoảng 700 - 800ml nước.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số tương đối thôi, bạn hãy dừng tưới khi thấy nước thoát ra khỏi lỗ thoát nước ở đáy châu. Cộng thêm với việc môi trường, nhiệt độ chỗ bạn đặt cây khác nhau sẽ dẫn tới việc đất khô nhanh hay chậm khác nhau nên vẫn là nhìn đất để tưới cây.
Về ánh sáng
Ánh sáng là yếu tố quan trọng thứ hai bạn cần chú ý khi chăm cây. Thực tế, hầu hết các dòng cây lá trong nhà đều có thể thích nghi được môi trường ánh sáng tán xạ hoặc đèn huỳnh quang (tức là đặt trong nhà được). Một số loại cây có thể sống cả ở trong nhà lẫn ngoài trời. Nhưng cũng có một số loại khác chỉ có thể sống khỏe và phát triển tốt ở môi trường ánh sáng tự nhiên, thậm chí ở môi trường hoàn toàn ánh sáng tự nhiên cường độ mạnh.
Cách tốt nhất để nắm bắt được lượng ánh sáng cần thiết cho cây nào đó thì bạn nên hỏi trực tiếp người bán cây hoặc tìm kiếm thông tin cách chăm cây trên website của một số cửa hàng cây uy tín. Không nên vì thích mà bắt cây cần đầy đủ sáng tự nhiên sống trong nhà và bắt cây ưa râm mát trong nhà sống ngoài trời. Nó giống như việc bắt cá sống trên bờ và bắt chim sống dưới nước.
Về đất trồng
Đây là yếu tố quan trọng tiếp theo đối với sức khỏe của một cái cây trong nhà. Đất trồng tốt cho cây phải là loại đất có đủ dinh dưỡng, có khả năng thoát nước tốt. Điều này quyết định sống còn của cây. Lý do là vì cây trong nhà thường trồng trong chậu, không gian chật hẹp nên nếu đất thoát nước kém thì dễ dẫn tới cây bị úng nước.
Nếu tự trồng tại nhà, bạn có thể mua bao đất thịt, trộn cùng trấu hun, mùn dừa, đá perlite và phân trùn quế theo tỷ lệ 2:1:1:1:1 hoặc trộn theo cảm quan sao cho đất tơi xốp, bông rời chứ không ướt bết là được.
Lưu ý: Mọi người không nên mua đất Tribat rồi không trộn gì mà trồng cây vì loại đất này cực kỳ bí, nóng nên dễ làm hỏng cây.
Về phân bón
Thực tế, khi trồng cây mình cũng ít khi bón phân lắm. Đấy là sự thật, 1 năm chắc mình bón 1-2 lần phân trùn quế - một loại phân hữu cơ khá lành tính. Hiện nay, trên thị trường cũng có một số loại phân bón hữu cơ lắm nên mọi người có thể thoải mái lựa chọn.
Ngoài ra, mọi người có thể tận dụng rác thải hữu cơ từ nhà bếp như: rau thừa, vỏ hoa quả, vỏ trứng… để tự làm phân bón. Cách làm thì đã được chia sẻ rất nhiều trên các hội nhóm rồi, chỉ cần gõ từ khóa trên google là biết cách làm thôi ạ.
Chị Hương chia sẻ thêm, kể từ khi gắn bó với cây cối, cái được đầu tiên chính là chị được gần gũi với cây cối, thiên nhiên, bình an, nhẹ nhàng hơn. Mỗi khi căng thẳng, mệt mỏi, cứ ra chăm sóc, tỉa lá, tưới cây một lúc là mình quên hết, đầu óc nhẹ bẫng.
Thời điểm mà chị bắt đầu trồng cây cối, tâm chị không ổn. Khi được tiếp xúc đến cây cối, dần dần tâm chị gần như được chữa lành và dần bước qua được những khó khăn ấy. Nó không phải là quá trình biến đổi đột ngột mà cứ thấm dần, thấm dần.
Mắt thấy màu xanh mỗi ngày, nhìn thấy cây cối lớn lên, phát triển, nhìn thấy những mầm xanh, lá mới khiến mình có những vui vẻ hơn. Đó là niềm vui mà chị nghĩ chỉ khi thật sự quan sát, hòa mình vào, chậm lại một chút và chú tâm hơn với cây cối thì chị mới có được.
"Nhiều khi mình tủm tỉm cười và có cả ngày hớn hở chỉ vì sáng hôm đó tưới cây và thấy một mầm lá mới. Rồi sáng sớm dậy, thong thả tưới cây, hít thở không khí trong lành cũng là một cách mình được tĩnh lại.
Với lại, mình có con nhỏ, con được chăm sóc, gần gũi cây cối hàng ngày, con sẽ học được cách sống vui vẻ, hồn nhiên, biết sống có trách nhiệm và yêu thương hơn. Điều này có ảnh hưởng tích cực trong suốt hành trình khôn lớn của con", chị Hương bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.