Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km

Thứ ba, ngày 25/04/2023 09:36 AM (GMT+7)
Những tấm ảnh chụp Trái Đất gợi nhiều cảm xúc khi cho chúng ta thấy hành tinh của mình từ những trạm vũ trụ hoặc hành tinh xa hàng triệu, tỷ km.
Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km - Ảnh 1.

Chúng ta đã quen với hình ảnh Trái Đất chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Tuy nhiên, theo Mashable, tấm ảnh chụp Trái đất khơi gợi nhiều cảm xúc nhất thường là những tấm ảnh chụp hành tinh từ khoảng cách xa nhất. "Pale Blue Dot" (đốm xanh mờ) là bức ảnh được chụp ở khoảng cách xa nhất do tàu vũ trụ Voyager 1 của NASA chụp ngày 14/2/1990 ở vị trí cách Trái Đất 6,06 tỷ km. Bức ảnh cho thấy sự nhỏ bé của Trái Đất giữa vũ trụ rộng lớn. “Hành tinh của chúng ta còn nhỏ hơn một pixel ảnh”, NASA cho biết. Nhà thiên văn Carl Sagan cho rằng sự nhỏ bé của Trái Đất trong tấm ảnh cho thấy ý nghĩa to lớn của việc bảo vệ hành tinh xanh. “Nhìn vào đốm sáng ấy đi. Đó chính là nhà, là chúng ta. Đó cũng là nơi những người ta yêu thương, quen biết và cả những người ta chưa từng gặp mặt tồn tại và sinh sống”, ông chia sẻ trong cuốn sách của mình năm 1994. Ảnh: NASA.

Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km - Ảnh 2.

Hình ảnh đầu tiên của Trái đất từ ngoài không gian được chụp vào ngày 24/10/1946, trước cả khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik vào quỹ đạo tầm thấp năm 1957. Tấm ảnh này được chụp bằng một chiếc máy ảnh gắn vào tên lửa V-2 phóng từ căn cứ quân sự White Sands Missile ở bang New Mexico, Mỹ. Máy ảnh được gắn trong một hộp thép nhằm bảo vệ nó trước lực ma sát với không khí. Tên lửa phóng lên trời với vận tốc 150 m/s và độ cao tối đa đạt được là 105 km. Nhờ đó, chiếc camera gắn trong tên lửa đã chụp một tấm ảnh xa gấp 5 lần so với kỷ lục trước đó. Ảnh: Applied Physics Laboratory.

Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km - Ảnh 3.

20 năm sau, bức hình về Trái đất đầu tiên được chụp bởi một tàu vũ trụ đang di chuyển quanh quỹ đạo Mặt trăng. Bức hình được tàu con thoi Lunar Orbiter I của Mỹ truyền tải về Trái Đất vào ngày 23/8/1966. Trong bức ảnh, hành tinh màu xanh đang “mọc” trên đường chân trời của Mặt trăng. Ảnh: NASA.

Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km - Ảnh 4.

Ngày 24/12/1968 trở thành sự kiện lịch sử khi phi hành gia đầu tiên bay vòng quanh Mặt Trăng trên tàu vũ trụ Apollo 8, đồng thời ghi dấu bức ảnh nổi tiếng "Trái Đất mọc" (Earthrise), chụp lại "hành tinh xanh" dưới góc nhìn từ quỹ đạo quanh Mặt Trăng. Theo Business Insider, "Earthrise" là một trong những bức ảnh vũ trụ được sao chép nhiều nhất mọi thời đại. Hình ảnh xuất hiện trên tem thư, poster của Mỹ, được in lên bìa tạp chí Time vào năm 1969. “Sự cô đơn bao trùm nơi đây rất kinh diễm. Nó khiến tôi nhận ra những điều đang đợi mình ở Trái Đất”, phi hành gia Jim Lovell của NASA chia sẻ. Ảnh: NASA.

Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km - Ảnh 5.

Tàu vũ trụ OSIRIS-REx với sứ mệnh lấy mẫu tiểu hành tinh Bennu đã chụp thành công bức ảnh quỹ đạo Mặt Trăng quay quanh Trái Đất ở khoảng cách 63,6 triệu km ngoài không gian. Bức ảnh được chụp vào tháng 1/2018, khi con tàu đang di chuyển với vận tốc 30.600 km/h. Trong ảnh, Trái Đất là đốm sáng lớn còn Mặt Trăng là đốm sáng nhỏ hơn sát bên phải. Hai hành tinh cách nhau gần 400.000 km. Ảnh: NASA.

Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km - Ảnh 6.

Năm 2004, tàu thám hiểm Spirit của NASA lại tiếp tục chụp được bức ảnh lịch sử về Trái Đất trong quá trình thám hiểm bề mặt Hỏa tinh. “Đây là bức ảnh đầu tiên chụp Trái Đất từ một hành tinh khác ngoài Mặt Trăng”, NASA khẳng định. Trong tấm hình, Trái Đất xuất hiện dưới dạng chấm nhỏ rất mờ nhạt. Ảnh: NASA.

Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km - Ảnh 7.

Năm 2013, tàu vũ trụ Cassini tiếp tục gửi khoảnh khắc đặc biệt về Trái Đất khi đang bay gần Thổ tinh. Tấm ảnh được chụp khi ở cách Trái Đất tới 1,4 tỷ km. Ở khoảng cách này, các vành đai Thổ tinh nhìn rất rõ, trong khi Trái Đất chỉ nhỏ giống như một đốm sáng. “Với khoảng cách này, Trái Đất tỏa sáng nhất trong các ngôi sao giữa vũ trụ và đặc trưng bởi đốm sáng màu xanh dương”, NASA cho biết. Ảnh: NASA.

Bức ảnh chụp Trái Đất ở khoảng cách... 6 tỷ km - Ảnh 8.

Trên đường đến Mộc tinh năm 2013, tàu vũ trụ Juno đã đi ngang qua Trái Đất để thực hiện kỹ thuật “gravity assist”, lợi dụng trọng lực nhằm tăng vận tốc cho tàu vũ trụ. Trên đường đi, một chiếc máy ảnh được gắn bên ngoài tàu vũ trụ đã chụp lại toàn bộ cảnh tượng Juno bay ngang Trái Đất và Mặt Trăng với khoảng cách hơn 965.000 km. “Kết quả là một bức ảnh rất độc lạ, cho chúng ta biết thế giới của con người trông như thế nào khi nhìn từ vũ trụ”, Jet Propulsion Laboratory của NASA viết. Ảnh: NASA.

PV (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem