Chân dung tân Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ và bước ngoặt đáng nhớ tại Vietinbank

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 04/07/2021 07:18 AM (GMT+7)
Ông Lê Đức Thọ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank đã tạo bước ngoặt đáng nhớ cho ngân hàng này trước khi rời "ghế nóng" tại doanh nghiệp để sang làm Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre theo quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.
Bình luận 0

Ông Lê Đức Thọ, thôi làm Chủ tịch VietinBank, làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Chiều 3/7, tại Tỉnh ủy Bến Tre, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã dự Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của tỉnh Bến Tre.

Tại hội nghị, bà Trương Thị Mai đã trao quyết định của Bộ Chính trị về việc ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Viettinbank) thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VietinBank để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ông Lê Đức Thọ đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre thay ông Phan Văn Mãi đã được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh.

Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1970. Trên con đường học vấn của mình, ông Thọ từng lấy bằng Cử nhân Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, chuyên ngành kế hoạch hóa năm 1991 trước khi theo học và lấy bằng Thạc sỹ Kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1996- 1999), rồi tiếp tục theo học và lấy bằng Tiến sỹ Kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2001-2005).

Ngoài ra, ông Thọ cũng đã hoàn tất Cao cấp Lý luận chính trị sau khoảng thời gian theo học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông Lê Đức Thọ bầu làm bí thư Lạng Sơn - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thọ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch VietinBank giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. (Ảnh: CTG)

Trong sự nghiệp, ông Lê Đức Thọ đã gắn bó cùng VietinBank từ năm 1991 và trải qua nhiều vị trí khác nhau trước khi giữ vị trí Phó Tổng giám đốc VietinBank vào năm 2010, như Phó trưởng phòng kinh doanh VietinBank - Chi nhánh Phú Thọ; Cán bộ Phòng Tín dụng Trung dài hạn và Quản lý Dự án VietinBank rồi lần lượt kinh qua các vị trí: Phó Trưởng phòng Cân đối tổng hợp, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp và Đầu tư; Trưởng Phòng Đầu tư.

Bước ngoặt trong sự nghiệp của ông Thọ là việc được bổ nhiệm chức Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước hồi tháng 8/2013.

Tuy nhiên, sau 8 tháng thay đổi đơn vị công tác, ông Lê Đức Thọ trở lại VietinBank tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Từ 31/10/2018, ông Thọ được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT VietinBank và trúng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII vào tháng 1/2021.

VietinBank hoạt động ra sao dưới thời ông Lê Đức Thọ?

Dưới sự chèo lái của ông Lê Đức Thọ, VietinBank đã hoàn thành tốt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch Kinh doanh trung hạn 2018 - 2020.

VietinBank hiện đang xây dựng Chiến lược phát triển VietinBank giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045, Kế hoạch Kinh doanh trung hạn giai đoạn 2021 - 2023.

Ông Lê Đức Thọ bầu làm bí thư Lạng Sơn - Ảnh 2.

Tổng hợp báo cáo của VietinBank. (Ảnh: LT)

Hiện, VietinBank nằm trong TOP 3 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng với 1,341 triệu tỷ đồng, tính đến cuối năm 2020 và tăng lên 1,344 triệu tỷ đồng ghi nhận vào cuối quý I/2021.

VietinBank cũng là nhà băng có quy mô vốn điều lệ đứng thứ 2 hệ thống chỉ sau BIDV với 37.234 tỷ đồng vào 31/3/2021.

Về kết quả kinh doanh, trong 5 năm gần nhất, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đã tăng gấp hơn 2 lần từ mức 8.454 tỷ đồng (năm 2016) lên 17.085 tỷ đồng (năm 2020). Bình quân, mỗi năm lợi nhuận của VietinBank tăng trưởng 25,5%.

Ông Lê Đức Thọ bầu làm bí thư Lạng Sơn - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo của Vietinbank. (Ảnh: LT)

Nói về lợi nhuận của VietinBank trong 2 năm ngồi ghế Chủ tịch, theo ông Thọ đó là "trái ngọt" của cả quá trình mấy năm tái cấu trúc.

Năm 2019, lần đầu tiên con số lợi nhuận lên trên 10.000 tỷ đồng, đến năm 2020 thì số hợp nhất lên hơn 17.000 tỷ đồng và đứng thứ 2 về lợi nhuận trong hệ thống chỉ sau ngân hàng lợi nhuận tỷ USD Vietcombank.

Theo dự báo của nhiều tổ chức trong năm 2021 này VietinBank của Chủ tịch Lê Đức Thọ có thể trở thành nhà băng thứ 2 của Việt Nam có lợi nhuận trước thuế đạt mốc tỷ USD.

6 tháng đầu năm nay, VietinBank báo lãi 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả lợi nhuận nửa đầu năm nay của VietinBank tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 77% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm của riêng ngân hàng mẹ.

Dấu ấn của Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ, người được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - Ảnh 4.

Một trong những chỉ tiêu khác đo lượng sức khỏe tài chính, độ an toàn của ngân hàng đó là chỉ tiêu về nợ xấu.

Thống kê từ báo cáo tài chính của VietinBank cho thấy, dưới sự chèo lái của Chủ tịch Lê Đức Thọ tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng giảm mạnh từ mức 1,6% năm 2018 xuống chỉ còn 1,13% năm 2019 và xuống dưới mức 1% vào năm 2020. VietinBank cũng là một trong số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.

Hơn nữa, từ tháng 10/2020 VietinBank đã chủ động tất toán được toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trong chưa đầy 2 năm thay vì 5 năm theo kế hoạch.

Tại thời điểm đó, Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết: "VietinBank có thể tất toán được toàn bộ nợ này bởi vì trong thời gian qua chúng tôi đã tập trung xử lý, thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản nợ đó từ các nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xử lý công nợ, hàng tồn kho và tài sản của khách hàng có khoản nợ như vậy.

Đồng thời, VietinBank cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh; tăng trưởng, phát triển tốt đi đôi với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của VietinBank là cải thiện mạnh mẽ, hiệu quả năng suất làm việc, chất lượng trong quá trình tăng trưởng.

Chính vì vậy, VietinBank cũng có được những kết quả rất tích cực về năng lực tài chính kết hợp với kết quả xử lý thu hồi các khoản nợ, tạo ra nguồn lực cần thiết để tất toán toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC".

Ông Lê Đức Thọ "giải bài toán" tăng vốn của VietinBank

Cũng giống như 3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh khác là Vietcombank, Agribank và BIDV, tăng vốn là một trong những vấn đề khiến cho ông Lê Đức Thọ "đau đầu" nhất kể từ khi ngồi vào "ghế nóng" tại VietinBank.

Ông Lê Đức Thọ bầu làm bí thư Lạng Sơn - Ảnh 6.

VietinBank nhiều năm không tăng vốn điều lệ. (Ảnh: LT)

Còn nhớ, tại không ít hội thảo của ngành ngân hàng hay các cuộc họp cổ đông của nhà băng này trong năm 2019 và 2020, ông Thọ đã nhiều lần thừa nhận tăng vốn điều lệ là nội dung rất cấp bách đối với VietinBank và tha thiết "xin" Chính phủ sớm phê duyệt phương án tăng vốn cho VietinBank.

“Hoạt động của VietinBank rất phụ thuộc vào việc tăng vốn của VietinBank. Trong những năm vừa qua, VietinBank đã rất chủ đồng và nỗ lực tăng vốn.

Đặc biệt, kể từ năm 2013 đến nay, trong các giới hạn Nhà nước cho phép nhằm khai thác các nguồn lực về vốn như tỷ lệ sở hữu Chính phủ, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, VietinBank cũng đã khai thác tới hạn.

Điều này đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của VietinBank cũng như kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Chính vì vậy, kế hoạch tăng vốn tự có của VietinBank là nội dung rất cấp bách", ông Thọ phân tích.

Ông Lê Đức Thọ bầu làm bí thư Lạng Sơn - Ảnh 5.

VietinBank dưới thời Chủ tịch Lê Đức Thọ đã"gỡ" được nút thắt tăng vốn. (Ảnh: CTG)

Trong quá trình "chờ đợi" được các bộ, ngành "bật đèn xanh" cho tăng vốn trong khi dư địa tăng vốn hầu như đã cạn, đe dọa đến hoạt động của ngân hàng này, VietinBank dưới sự chèo lái của ông Lê Đức Thọ chưa vẫn luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 9%.

Tuy nhiên, để có được kết quả kinh doanh ấn tượng như kể trên, VietinBank đã phải "xoay sở" nhiều cách như tái cấu trúc danh mục tài sản, tái cấu trúc danh mục đầu tư sử dụng vốn tự có, cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2...

Đến nay, câu chuyện tăng vốn của VietinBank đã được giải tỏa khi mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi VietinBank chấp thuận cho VietinBank thực hiện tăng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng.

Gỡ được "nút thắt" trong tăng vốn - đây chính là bước ngoặt quan trọng và cũng là dấu ấn đáng nhớ của ông Lê Đức Thọ trước khi rời ghế Chủ tịch HĐQT VietinBank.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem