Sau khi Thủy Tiên công khai sao kê, các cuộc tranh cãi vẫn diễn ra "nảy lửa" trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng Thủy Tiên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, trong khi đó, không ít ý kiến vẫn khẳng định sao kê chỉ là "bề nổi" của tảng băng chìm. Minh bạch trong từ thiện cần nhiều hơn thế.

Để rộng đường dư luận về vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư (LS) Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Giám đốc Công ty Luật InvestPro.

Chỉ có tuyệt đối minh bạch nguồn tiền vào – ra, Thủy Tiên mới lấy lại được sự trong sáng - Ảnh 1.

Thưa bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, mới đây, dư luận dậy sóng về vấn đề minh bạch các khoản tiền quyên góp từ thiện, đặc biệt là hoạt động kêu gọi ủng hộ từ thiện của các nghệ sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội. Theo bà, đây có phải tín hiệu tích cực sau một thời gian dài các hoạt động này diễn ra dưới hình thức tự phát, thiếu sự kê khai rõ ràng về tài chính?

- Chúng ta đều biết hoạt động từ thiện là một nét đẹp truyền thống lâu đời, thể hiện bản chất tương thân, tương ái của người Việt Nam. Trong những lúc nguy nan vì thiên tai, dịch bệnh,… người dân mọi tầng lớp trong xã hội đều hướng tới nơi mà đồng bào mình đang gặp khó khăn. Bên cạnh sự kêu gọi quyên góp của các tổ chức, đoàn thể chính thống, cũng đã xuất hiện rất nhiều những tổ chức, cá nhân - trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng đứng ra kêu gọi, tập hợp đóng góp của bạn bè, đồng nghiệp, các nhà hảo tâm và tự liên hệ với các địa phương để thực hiện hoạt động từ thiện.

Không thể phủ nhận công lao, đóng góp, những nghĩa cử cao đẹp đáng trân trọng của các cá nhân đó khi họ không quản ngại vất vả, nguy hiểm của thiên tai, bão lũ đến từng hộ gia đình trong vùng ngập lụt lút mái để trao quà, động viên. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, hoạt động từ thiện như vậy còn mang tính tự phát và thường không đáp ứng được đầy đủ quy định của pháp luật.

Chỉ có tuyệt đối minh bạch nguồn tiền vào – ra, Thủy Tiên mới lấy lại được sự trong sạch - Ảnh 2.

Hệ quả của những hoạt động mang tính tự phát là gì? Đó là khâu tổ chức không chặt chẽ, kế hoạch thực hiện không được xây dựng chi tiết, cụ thể… Kết quả tất yếu của sự không chuyên nghiệp đó là sự thiếu minh bạch, gây lùm xùm khiến dư luận dậy sóng trong thời gian này. Theo tôi, lùm xùm đó thật ra là tín hiệu tích cực mặc dù hơi muộn.

Mới đây, trong phóng sự về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, VTV cho rằng các nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh đều thiếu minh bạch trong việc sử dụng tiền từ thiện khi không thể công khai sao kê hoặc "ngâm" tiền quyên góp từ thiện trong tài khoản quá lâu. Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng, nghệ sĩ chỉ cần sao kê và giải trình các chứng từ với những người quyên góp, còn sao kê trên mạng xã hội dẫn tới rất nhiều hệ lụy khi lộ thông tin tài khoản, quan điểm của bà thế nào về vấn đề này?

- Tôi đồng ý với quan điểm những nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh, Trấn Thành… chỉ cần sao kê, giải trình chứng từ với những người có đóng góp từ thiện. Tuy nhiên, việc này cần được các nghệ sĩ chủ động làm ngay sau khi kết thúc chương trình từ thiện, chứ không nên chờ đợi sự giục giã từ các nhà hảo tâm như hiện nay mới sao kê để chứng minh sự minh bạch tài chính của mình. Chính sự không chủ động, chậm trễ này đã dẫn đến nhiều thông tin trái chiều không hay trên mạng xã hội. Và công chúng hoàn toàn có lý do để phẫn nộ trước sự "mập mờ" đó, dù vô tình hay cố ý.

Chỉ có tuyệt đối minh bạch nguồn tiền vào – ra, Thủy Tiên mới lấy lại được sự trong sáng - Ảnh 3.

Thực tế cho thấy, sau khi sao kê toàn bộ số tiền quyên góp từ thiện, các nghệ sĩ như Trấn Thành, Thủy Tiên vẫn bị công chúng đặt ra dấu hỏi về sự minh bạch. Theo bà, ngoài việc sao kê, đâu là hành động cần thiết để gỡ bỏ những nghi ngờ của dư luận ở thời điểm hiện tại?

- Việc tổ chức huy động và phân phối tiền quyên góp từ thiện cần được coi là một hoạt động chuyên nghiệp, phải có một ê kíp thực hiện, đòi hỏi mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị các công việc liên quan như lập kế hoạch, điều phối, công tác hành chính, báo cáo, kể cả việc kiểm tra chéo, … mục đích cuối cùng là để minh bạch hóa việc thu chi. Như đã nói ở trên, có thể do sự cấp thiết, do mong muốn sớm được hỗ trợ đồng bào ở vùng bị thiên tai nên hoạt động này đã mang tính tự phát, và do vậy việc tổ chức thực hiện trao quà khó mà chu toàn được.

Việc sao kê tài khoản ngân hàng, giả sử có đảm bảo tính chính xác và trung thực đi chăng nữa thì vẫn khó thể hiện được thực tế số tiền đó đã được dùng vào những việc gì, khi nào, cho ai, ở đâu, bao nhiêu,…? Những tờ giấy sao kê sẽ không có quá nhiều ý nghĩa nếu người đứng ra kêu gọi quyên góp nhận tiền chuyển khoản vào tài khoản cá nhân nhưng lại chi ra bằng tiền mặt. 

Như trường hợp của Thủy Tiên, tiền quyên góp được chuyển vào tài khoản cá nhân của Thủy Tiên và Thủy Tiên tự rút tiền và cũng tự tay phân phát tiền ủng hộ, tức là Thủy Tiên "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Do vậy, dù Thủy Tiên có thực sự trong sáng thì cũng rất khó có được niềm tin tuyệt đối của các nhà hảo tâm và những người khác.

Với Thủy Tiên, có thể trong quá trình trao phát quà, cô ấy đã thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hoặc một bên thứ ba để kiểm đếm, ghi nhận theo một quy trình chuẩn mực trước. Thậm chí cần phải có việc ký nhận của người nhận quà. Vì thế chính điều này làm Thủy Tiên khó khăn trong việc minh bạch.

Với chương trình từ thiện của Thủy Tiên mùa lũ năm ngoái, để giúp cô ấy gỡ bỏ những nghi ngờ của dư luận hiện nay, tôi cho rằng bên cạnh việc sao kê, cần làm rõ số tiền phân phát có khớp với số tiền được địa phương xác nhận hay không. Việc này hoàn toàn có thể được xác minh với sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền ở một số địa phương mà Thủy Tiên đã trao quà theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra số người nhận quà và thời lượng cô có mặt tại địa phương đó có phù hợp không. 

Chỉ có tuyệt đối minh bạch nguồn tiền vào – ra, Thủy Tiên mới lấy lại được sự trong sáng - Ảnh 4.

Nhiều người đặt dấu hỏi về tính chính xác của việc sao kê, cho rằng các nghệ sĩ có thể yêu cầu chỉnh sửa hoặc cắt bỏ một số khoảng thời gian trong sao kê. Bà cho rằng điều này có xảy ra không? Và nếu ngân hàng can thiệp vào sao kê thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật?

- Theo quy định của Luật Tổ chức Tín dụng 2010: Tổ chức tín dụng cung cấp thông tin cho chủ tài khoản về giao dịch và số dư trên tài khoản của chủ tài khoản theo thỏa thuận với chủ tài khoản (Điều 13) và tổ chức tín dụng phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng; không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự chấp thuận của khách hàng (Điều 14).

Như vậy, việc sao kê là hành động tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch của khách hàng theo yêu cầu của họ. Theo quy định của pháp luật thì hoạt động này được thực hiện "theo thỏa thuận". Và khi đã theo thỏa thuận mà không phải là bắt buộc thì tính chính xác và đầy đủ sẽ là một dấu hỏi. 

Chỉ có tuyệt đối minh bạch nguồn tiền vào – ra, Thủy Tiên mới lấy lại được sự trong sáng - Ảnh 5.

Trong phát biểu của mình, Công Vinh - chồng nữ ca sĩ Thủy Tiên khẳng định: Các công ty kiểm toán không vào cuộc do đây là tài khoản cá nhân. Trong khi đó, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết sẽ mời kiểm toán làm việc để lấy lại danh dự. Vậy thực tế ai đúng, ai sai, liệu các công ty kiểm toán có thể tham gia vào việc minh bạch các khoản tiền này không, thưa bà?

- Theo Khoản 6 Điều 5 của Luật Kiểm toán độc lập, "đơn vị được kiểm toán" phải là tổ chức (không phải là cá nhân), vì vậy phát biểu của Công Vinh – chồng nữ ca sĩ Thủy Tiên là có căn cứ. Theo đó các công ty kiểm toán không thể lập báo cáo kiểm toán cho một cá nhân nào đó.

Tuy nhiên, theo điểm a và g trong Điều 40 của Luật kiểm toán độc lập thì ngoài các dịch vụ kiểm toán, các công ty kiểm toán còn được quyền thực hiện các dịch vụ "tư vấn tài chính, thuế", và "các dịch vụ liên quan khác về tài chính, kế toán, thuế theo quy định của pháp luật". Vì vậy, Đàm Vĩnh Hưng cũng có thể tìm một công ty kiểm toán đồng ý cung cấp dịch vụ dưới hình thức phù hợp. Ví dụ như, một văn bản tư vấn trả lời các câu hỏi của nam ca sĩ đối với bản sao kê ngân hàng của mình mà công chúng đang quan tâm, ví dụ bản sao kê của Đàm Vĩnh Hưng thể hiện các giao dịch chuyển tiền vào tài khoản kêu gọi đóng góp tiền từ thiện từ ngày nào đến ngày nào, có đầy đủ các giao dịch hay không, có được lập theo đúng tiêu chuẩn sao kê ngân hàng (nếu có) hay không ...

Liệu Đàm Vĩnh Hưng có tìm được công ty kiểm toán sẵn sàng cung cấp dịch vụ để anh ấy có thể trả lời chính xác câu hỏi mà công chúng quan tâm thì phải chờ kết quả thực tế khi nam ca sĩ làm việc trực tiếp với công ty kiểm toán. 

img
img

Thủy Tiên tới ngân hàng sao kê số tiền 177 tỷ, nhưng lùm xùm vẫn chưa chấm dứt. (Ảnh: Mỹ Quỳnh)

Nếu các khoản tiền đóng góp của nhà hảo tâm được sử dụng một cách không minh bạch, thì trách nhiệm về mặt luật pháp của cá nhân đứng ra kêu gọi thế nào, thưa bà?

- Về vấn đề này, nhiều luật sư cũng đã nêu quan điểm trên mạng xã hội. Như chúng ta đều biết, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, ngoài các tổ chức, đơn vị như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; Cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép… [ Điều 5 ].

Trong thực tế, xuất phát từ tấm lòng tương thân, tương ái, đồng cam cộng khổ… không chỉ các nghệ sĩ mà đông đảo người dân, tổ chức vẫn tự phát huy động tiền, hàng không vì mục đích gì khác ngoài sự chia sẻ khó khăn trong hoạn nạn với đồng bào ở vùng bị thiên tai. Việc làm này sẽ thật sự ý nghĩa với điều kiện số tiền quyên góp, ủng hộ đó phải đến được tận tay người thụ hưởng theo đúng mục đích kêu gọi. Việc các cá nhân, nhà hảo tâm chuyển tiền theo vận động của các nghệ sĩ có thể hiểu là những giao dịch dân sự. 

Trong trường hợp có căn cứ xác định khoản tiền đóng góp của các nhà hảo tâm được sử dụng một cách không minh bạch, sai mục đích, thậm chí là không được trao cho người dân bị thiên tai thì hành vi này có thể xem xét có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ. Trên cơ sở đó cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"(Điều 174) hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (Điều 175) theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cũng theo quy định của pháp luật, vụ việc có thể được kiểm tra, xác minh khi có đơn tố giác của cá nhân, tổ chức đóng góp hoặc khi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận vụ việc từ thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, bất kỳ nhà hảo tâm nào đã từng chuyển tiền cho các nghệ sĩ và có đầy đủ chứng cứ về việc khoản tiền từ thiện của mình được sử dụng không đúng mục đích thì hoàn toàn có quyền tố giác hành vi đó đến cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, khi cơ quan có thẩm quyền nhận thấy sự việc làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, có tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thanh kiểm tra, xác minh vụ việc. 

Chỉ có tuyệt đối minh bạch nguồn tiền vào – ra, Thủy Tiên mới lấy lại được sự trong sạch - Ảnh 7.

Đặt bà vào trường hợp của Thuỷ Tiên, bà sẽ xử lý việc này thế nào? Trong vụ việc này, đâu là mấu chốt của vấn đề?

- Tuyệt đối minh bạch tài chính trong hoạt động thiện nguyện, đặc biệt đối với những khoản tiền được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Minh bạch nguồn tiền dưới mọi hình thức (chuyển khoản, tiền quà trao trực tiếp) với các khoản đầu ra. Muốn được minh bạch như vậy không có cách nào khác là phải có một ê kíp chuyên nghiệp đồng hành cùng Thủy Tiên từ đầu đến cuối và phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi trao quà. Khi sự việc đã ồn ã như hiện nay, giải pháp duy nhất để giúp Thủy Tiên lấy lại được sự vô tư, trong sáng của mình là phải khớp được số tiền, quà đã nhận với số đã trao (tức là khớp thu-chi).

Đúng như ông cha ta đã nói "của cho không bằng cách cho". Bản thân tôi cũng đã từng tham gia những sự kiện trao quà cho mấy ngàn người, nhưng việc trao quà được tổ chức rất chuyên nghiệp với sự trân trọng đối với từng người nhận. Chúng tôi không được đếm, phát tiền một cách tùy hứng. 

Chỉ có tuyệt đối minh bạch nguồn tiền vào – ra, Thủy Tiên mới lấy lại được sự trong sáng - Ảnh 7.

Ngoài Thủy Tiên, nhiều nghệ sĩ khác như Hoài Linh, Trấn Thành... cũng vướng lùm xùm trong việc giải ngân tiền quyên góp từ thiện. (Ảnh: FBNV)

Lùm xùm giữa ca sỹ Thuỷ Tiên và bà Phương Hằng nảy sinh đã lâu. Số tiền lớn, hoạt động từ thiện tác động tới không ít đối tượng (cả người quyên góp và người nhận tiền hỗ trợ) nhưng hiện vẫn chưa thấy cơ quan, tổ chức nào vào cuộc. Đây đâu phải chỉ là chuyện của hai cá nhân trên. Bà nghĩ sao về điều này?

- Nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng lớn, phủ sóng phương tiện truyền thông, có được lòng tin yêu của nhiều khán thính giả. Mọi hành động của nghệ sĩ, người nổi tiếng đều có thể trở thành đề tài bàn tán, tranh luận trên mạng xã hội. Đặc biệt, vấn đề kêu gọi, nhận tiền quyên góp của ca sĩ Thủy Tiên là câu chuyện liên quan đến nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước chứ không chỉ là câu chuyện cá nhân giữa Thủy Tiên và bà Phương Hằng.

Để chấm dứt điều qua tiếng lại giữa hai cá nhân, nếu có căn cứ cho rằng bà Hằng đã có những lời lẽ xúc phạm mình khi phát ngôn trên mạng xã hội thì Thủy Tiên có thể xem xét khởi kiện hoặc tố giác bà Hằng vi phạm các quy định về Luật an ninh mạng (Điều 8.1.d và Điều 17.1.d), Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Điều 5.1.d), Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 155, 156). Hiến pháp 2013 ghi nhận công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng chúng ta phải hiểu rằng, tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép và mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm.

Vì chuyện này thực tế là đang gây ảnh hưởng đến xã hội, do vậy tôi không nghĩ rằng sẽ không có cơ quan nào vào cuộc để xác minh, làm rõ. Hiện cả nước đang dồn mọi nguồn lực để tập trung chiến đấu chống dịch bệnh Covid-19 nên có thể chỉ là chưa vào cuộc thôi.

Chỉ có tuyệt đối minh bạch nguồn tiền vào – ra, Thủy Tiên mới lấy lại được sự trong sạch - Ảnh 9.

Nếu sự việc không được giải quyết sớm, môi trường mạng và niềm tin vào những điều tốt đẹp của công chúng sẽ ngày càng mai một. Giải pháp xử lý vấn đề này như thế nào, xin bà chia sẻ?

- Như đã nói ở trên, để có thể xử lý triệt để vấn đề này, trước mắt cần sự tham gia xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Tiếp theo là Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 64 với những quy định mở và cập nhật hơn đối với hoạt động từ thiện.

Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khi tiến hành từ thiện bằng nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm thì cần chủ động công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận quyên góp cũng như các khoản thu chi chứ không chỉ mỗi việc sao kê. Đặc biệt là đối với nghệ sĩ, khi có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng thì càng cần chủ động minh bạch, tránh gây hiểu nhầm và mất lòng tin, xích mích trong cộng đồng, trực tiếp gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Và điều quan trọng nhất là cần tuân thủ quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Dự thảo lần này đã bổ sung quy định cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện với sự quản lý chặt chẽ hơn hơn. Các khoản do cá nhân vận động quyên góp phải bảo đảm công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu. Bộ Tài chính nhấn mạnh tổ chức, cá nhân được khuyến khích làm việc thiện nguyện, đứng ra kêu gọi nhưng cần bảo đảm quyền lợi của người đóng góp để việc làm từ thiện được hiệu quả, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Đây sẽ là giải pháp vĩ mô để chấm dứt những lùm xùm không đáng có làm xấu đi sự nhân văn của hoạt động từ thiện.

Tôi cũng luôn tin rằng, nét đẹp của bản chất tương thân, tương ái và tính cộng đồng của con người Việt Nam ta không dễ gì bị tác dộng, bị ảnh hưởng bởi một số các nhân, một số hành vi cá biệt.

Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Bài: Mộc Linh 

 Trình bày: Yên Fong

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem