Sáng nay (24/11), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói với chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn".

Báo NTNN/điện tử Dân Việt được giao phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thực hiện Diễn đàn.

Trước khi sự kiện diễn ra, PV Báo NTNN/điện tử Dân Việt đã phỏng vấn đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về mục đích, ý nghĩa của Diễn đàn lần này.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 1.

Thưa Chủ tịch, trước tiên xin Chủ tịch cho biết mục đích, ý nghĩa của việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" về lĩnh vực tài nguyên và môi trường lần này?

- Như chúng ta đã biết, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị đề xuất của hội viên, nông dân là một trong những nhiệm vụ cốt lõi và trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam. Đặc biệt, tại Nghị quyết 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Theo đó, mục tiêu tổng quát của trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, đó là: Đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh; làm tốt vai trò đại diện; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Trên tinh thần đó, trong thời gian vừa qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thảo luận, nhất trí và ban hành nhiều Kế hoạch, Chương trình hành động cụ thể để đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, trong đó nhấn mạnh vào nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam đó là, thường xuyên lắng nghe, trao đổi với những vấn đề mà người nông dân quan tâm. 

Mới đây nhất, ngày 14/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lắng nghe nông dân nói và đạt kết quả tốt, có sức lan tỏa, tạo đưc sự phấn khởi, tin tưởng đối với người nông dân. Ngay tại Diễn đàn, nhiều vấn đề thiết thực cũng đã được giải đáp, tháo gỡ, các vấn đề lớn khác, chúng tôi sẽ tổng hợp để có các kiến nghị gửi các cấp liên quan.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 2.

Đây là lần đầu tiên đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì, cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Nhằm tiếp tục phát huy và tăng cường hoạt động lắng nghe, trao đổi về những vấn đề chuyên sâu về từng lĩnh vực cụ thể, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói vào ngày 24/11 với chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn".

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 3.

Mục tiêu của Diễn đàn lần này được thực hiện dựa trên các căn cứ, nhiệm vụ mà hai bên đã được giao tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Diễn đàn cũng là dịp để chúng tôi được lắng nghe các nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các ý kiến, nguyện vọng đối với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế, chính sách liên quan đến các vấn đề chính về đất đai, khí hậu và môi trường.

Đồng thời, sự kiện này là tiền đề để lãnh đạo hai đơn vị trực tiếp lắng nghe, trao đổi với nông dân, hợp tác xã trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2024.

Xin Chủ tịch cho biết, vì sao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn chủ đề chung là "Lắng nghe nông dân" và ý nghĩa của chủ đề tại Diễn đàn lần này?

- Trong các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, từ nhiều năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ trì và phối hợp tổ chức rất nhiều hoạt động như gặp gỡ, hội nghị, hội thảo; song để tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, chúng tôi đã lựa chọn hình thức "Lắng nghe nông dân nói". 

Ý nghĩa của chủ đề chính là "lắng nghe" và trao đổi với chủ thể chính là "người nông dân". Diễn đàn diễn ra hoàn toàn mở, người nông dân, hợp tác xã tự do chia sẻ, nêu ý kiến về các vấn đề mà mình quan tâm, những vấn đề, câu chuyện từ chính cuộc sống, trong lao động sản xuất của chính họ.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 4.
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 5.
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 6.
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 7.

Gửi tâm tư, ý kiến đến Diễn đàn, nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc, các Giám đốc HTX tiêu biều cho rằng cần cơ chế đặc thù, tháo gỡ rào cản trong việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Về phía lãnh đạo các đơn vị, chúng tôi sẽ trực tiếp lắng nghe toàn bộ những câu chuyện, vấn đề, đề xuất, kiến nghị của người nông dân, hợp tác xã. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ trực tiếp trao đổi, giải đáp lại các vấn đề trong phạm vi, chủ đề và chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. 

Đối với những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, đến các địa phương, chúng tôi sẽ tổng hợp để chuyển thông tin kiến nghị và cao nhất là có báo cáo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề xuất, kiến nghị có tính chất bao trùm tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân.

Riêng về chủ đề "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn", việc chọn chủ đề lần này đã được Trung ương Hội Nông Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất rất cao, bởi đây là các vấn đề vừa thời sự, vừa thiết thực, vừa có tính chất lâu dài. Có những vấn đề cần phải kịp thời giải quyết trước mắt, nhưng cũng có những vấn đề đòi hỏi phải có thời gian xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Tôi nói đơn cử như đất đai, trong bối cảnh chúng ta đang tập trung triển khai đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024. Đây là Luật liên quan trực tiếp đến người nông dân. Qua tiếp nhận thông tin từ các cán bộ, hội viên nông dân, chúng tôi nhận thấy, hầu hết bà con nông dân đang rất quan tâm đến chủ đề này, vì thế cần có những trao đổi, giải đáp, kịp thời tạo sự đồng thuận cao để khơi thông nguồn lực về đất đai.

Hay vấn đề về "hướng tới mục tiêu NetZero", đây là một vấn đề lớn khi Việt Nam đã cam kết đến năm 2050, nước ta sẽ cam kết giảm phát thải ròng về 0. Người nông dân có vai trò rất lớn trong việc tham gia vào quá trình này, một mặt họ sẽ phải chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm phát thải và một mặt tăng trồng rừng và các cây trồng khác để hấp thụ carbon.

Đối với vấn đề môi trường hiện cũng đang có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết như về xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn, rác thải trong nông nghiệp, nước sạch, vấn đề về triển khai tiêu chí thứ 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 8.

Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều hoạt động phối hợp trong việc bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xin Chủ tịch chia sẻ thêm về những kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa 2 bên trong thời gian qua?

- Những năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều hoạt động phối hợp trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ngày 22/11/2017, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp số 48-2017/CTPH-HND-BTNMT giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với 7 nội dung trọng tâm giai đoạn 2018 – 2023.

Có thể khẳng định, việc triển khai chương trình phối hợp đã góp phần tăng cường sự tham gia của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc huy động hội viên và nông dân tham gia bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp; vệ sinh và giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn và làng nghề; phát triển mô hình bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 9.
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 10.
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 11.
Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 12.

Các cấp Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều hoạt động phối hợp trong việc bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông dân các địa phương xây dựng, duy trì hàng nghìn mô hình điểm về bảo vệ môi trường, mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu…

Hai bên đã phối hợp hỗ trợ nông dân các địa phương xây dựng, duy trì hàng nghìn mô hình điểm về bảo vệ môi trường, mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu…Thông qua hoạt động của của các cấp Hội, cùng ngành tài nguyên và môi trường, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng được khởi sắc và thực sự mang lại hiệu quả, tạo nên những miền quê đáng sống với môi trường nông thôn trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp. Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: Với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn những tồn tại nhiều hạn chế, cả về mặt khách quan và chủ quan như tính phức tạp trong quản lý đất đai, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân đặt ra nhiều thách thức; khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ... Những khó khăn, vướng mắc đó đang dần được tháo gỡ bằng các cơ chế, chính sách của cả Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Lắng nghe nông dân nói để khơi thông nguồn lực đất đai, chuyển đổi xanh, bền vững - Ảnh 13.

Đúng như Chủ tịch chia sẻ, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Vậy tại Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói lần này, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ưu tiên tập trung giải quyết những vấn đề nào cho nông dân, thưa Chủ tịch?

- Tính đến thời điểm này, qua tổng hợp ý kiến của các hội viên, nông dân cả nước thông qua tổ chức Hội Nông dân các cấp và qua nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin khác nhau; trong đó có các ý kiến của cán bộ, hội viên, các nông dân, hợp tác xã từ chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, đã có trên nghìn câu hỏi cũng như ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp gửi đến chúng tôi nhằm giải đáp các thắc mắc về một số vấn đề lớn:

Một là, các vấn đề về đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 với các nội dung về: Nhanh chóng triển khai thi hành Luật Đất đai, về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Hai là, các vấn đề về biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon như về: Cơ chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo đời sống, sản xuất cho người nông dân; Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (NetZero), nông dân tham gia sản xuất hấp thụ carbon thấp.

Ba là, các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như: xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở nông thôn. Thực tiễn trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; Cơ chế, chính sách trong thực thi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nông thôn.

Trên tinh thần "cùng lắng nghe, cùng trao đổi", tại Diễn đàn lần này, chúng tôi rất mong muốn bà con nông dân, các hợp tác xã, các chuyên gia, doanh nghiệp nông nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ trên tinh thần cởi mở, thân tình nhưng cũng thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cần giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch!


Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem