Chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương cao hơn bình quân cả nước có phù hợp?

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 05/07/2022 14:46 PM (GMT+7)
Dù trước đó đã có ý kiến không đồng thuận, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Bình Dương đánh giá, tiêu chí thu nhập trong dự thảo Nghị quyết về chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Bình Dương cao hơn mức chuẩn nghèo chung của Trung ương là phù hợp.
Bình luận 0

Chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương cao hơn Trung ương

Dự thảo Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 - 2025 vừa được Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Bình Dương họp thẩm tra và thông qua.

Mức chuẩn nghèo chung tại Nghị định 07 năm 2021 của Chính phủ quy định tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng.

UBND TP.Thuận An tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở phường Bình Nhâm có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Minh Trí

UBND TP.Thuận An tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở phường Bình Nhâm có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Minh Trí

Dự thảo Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương, về tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, tiêu chí thu nhập trong dự thảo Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương cao hơn 600.000 đồng/người/tháng so với Nghị định số 07 của Chính phủ.

Trước khi Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Bình Dương họp thẩm tra để trình Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khóa X (năm 2022), đã có ý kiến chưa thực sự đồng thuận với tiêu chí thu nhập trong dự thảo Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh này.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh, Sở Tài Chính đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét lại nội dung tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương.

Căn cứ theo tình hình thực tế các tỉnh thành liên quan như Hà Nội, Đà Nẵng, Sở Tài chính đề xuất tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn là 2 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Đời sống của một bộ phận người dân ở Bình Dương vẫn còn gặp nhiều khó khăn hậu Covid-19. Ảnh: T.L

Đời sống của một bộ phận người dân ở Bình Dương vẫn còn gặp nhiều khó khăn hậu Covid-19. Ảnh: T.L

Theo ông Hà Văn Út - Giám đốc Sở Tài chính, khi Bình Dương ban hành nhiều chính sách sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung. Vì từng lĩnh vực đã có định mức cụ thể, khi tăng khoản này sẽ phải giảm khoản khác.

Sở Tài chính đề nghị cần cân đối theo định mức mà Trung ương phân bổ dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ nữa, theo ông Út, so với các tỉnh thành khác, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội và ở mức cao.

Nếu xử lý không khéo, Bình Dương sẽ trở thành vùng trũng; và dẫn đến tình trạng nghèo bền vững. Bởi vì có thực tế, nhiều người không muốn thoát nghèo.

"Chính sách phải giải quyết vấn đề mang tính tổng thể. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần cân nhắc kỹ trong điều hành ngân sách chung thuộc lĩnh vực mình", ông Út đề nghị.

Cần thiết ban hành Chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương

Đầu giai đoạn 2020 - 2025, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã tổ chức tổng điều tra, rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo chung của Trung ương.

Kết quả, toàn tỉnh có 4.008 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,21%; hộ cận nghèo là 2.922 hộ, chứa tỷ lệ 0,88%.

Kết quả này cho thấy, hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 theo chuẩn chung của Trung ương trên địa bàn tỉnh thấp hơn 50% so với dự kiến. (Dự kiến có khoảng 8.000 -10.000 hộ nghèo; tỷ lệ 2,4-3% trên tổng số hộ nhân dân toàn tỉnh).

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo tại TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: T.L

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo tại TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: T.L

Ông Hà Minh Trung - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong điều kiện kinh tế hậu Covid-19 còn khó khăn, nếu không sớm được hỗ trợ, nhiều hộ dân có khả năng rơi vào tình trạng nghèo và khó khăn hơn.

Về thực tiễn, liên tục từ 2009 đến nay, Bình Dương đã 4 lần sây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn chuẩn nghèo đa chiều Trung ương từ 1,7-3 lần.

Hiệu quả và tính khả thi của chính sách xây dựng mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn cả nước đã được kiểm chứng trong thực tế những năm qua.

"Vì thế, việc ban hành Nghị quyết về chuẩn nghèo riêng, đặc thù của tỉnh Bình Dương theo hướng cao hơn chuẩn Trung ương trong giai đoạn mới là cần thiết", ông Trung cho biết.

Ông Trần Đức Tài – Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, chuẩn nghèo là do Chính phủ quy định trong từng giai đoạn. Giai đoạn trước, HĐND tỉnh đã thông qua chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương cao hơn chuẩn nghèo Trung Ương.

Giai đoạn mới, Chính phủ ban hành NĐ 07, quy định về tiêu chí thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và thành thị.  

Quy định chuẩn nghèo đa chiều ở TP.HCM, về tiêu chí thu nhập là 3 triệu đồng/người/tháng, không phân biệt nông thôn với thành thị. Trong ảnh: TP.HCM hỗ trợ bồn chứa nước sạch cho các hộ nghèo huyện Cần Giờ. Ảnh Nguyên Vỹ

Quy định chuẩn nghèo đa chiều ở TP.HCM, về tiêu chí thu nhập là 3 triệu đồng/người/tháng, không phân biệt nông thôn với thành thị. Trong ảnh: TP.HCM hỗ trợ bồn chứa nước sạch cho các hộ nghèo huyện Cần Giờ. Ảnh Nguyên Vỹ

Trước đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã soạn thảo tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn là 2,3 triệu đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị là 2,8 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, Tổng Cục Thống kê cho rằng mức đề xuất của Bình Dương vượt khung mô hình. Mức cao nhất trong mô hình chuẩn nghèo Trung ương là từ 2,1-2,6 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và thành thị.

"Vì thế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất lại, lấy mức khung cao nhất là 2,1-2,6 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và thành thị", ông Tài thông tin thêm.  

Mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã họp thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội trình Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X. Tại cuộc họp, Ban Văn hóa - Xã hội thông qua báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 – 2025.

Ban Văn hóa - Xã hội đánh giá, việc quy định về tiêu chí thu nhập nêu trên cao hơn mức chuẩn nghèo chung của Trung ương để áp dụng cho tỉnh Bình Dương là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, đúng với quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem