Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiện các ngành nghề đang bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế thời hậu Covid-19 sau khi bị dịch bệnh này giáng những đòn nặng nề. Chính phủ đã kịp thời đưa ra những gói hỗ trợ đối với các lĩnh vực, doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế thời hậu Covid-19.
Tuy nhiên, muốn nền kinh tế "bật như lò xo" sau dịch như mong muốn của Thủ tướng, muốn nền kinh tế nước nhà nắm bắt được những thời cơ vàng trong nguy cơ thì những người có trách nhiệm cần phải có những quyết sách quyết liệt, kịp thời và đúng đắn. Điều này là thách thức không nhỏ cho những vị tướng lĩnh đang cầm quân trên mặt trận kinh tế.
Loạt bài "Liều thuốc đặc hiệu cho kinh tế thời hậu Covid-19" đăng tải trên Dân Việt giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về những hậu quả nặng nề của doanh nghiệp Việt Nam do Covid-19 gây ra, họ chuẩn bị những gì sau thời gian "ngủ đông" vừa qua, hiệu quả từ những gói hỗ trợ của Chính phủ trong việc hồi phục lại nền kinh tế, đề xuất của các chuyên gia về những "liều thuốc" đặc hiệu - giải pháp cấp bách, cần thiết ngay lúc này.
Để kết thúc loạt bài, Dân Việt có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group, xoay quanh những vấn đề nóng, những trăn trở về hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế, và hơn thế nữa nghe ông chia sẻ về những giải pháp cho công cuộc khôi phục kinh tế mà Chính phủ hay các doanh nghiệp có thể tham khảo, áp dụng trong thực tiễn.
Thưa, ông có đánh giá gì về hậu quả và mức độ nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 này gây ra cho kinh tế Việt Nam?
- Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Đánh giá dưới góc độ y tế thì thành tích chống dịch của Việt Nam vừa rồi là rất tốt, rất đáng khen. Cái đáng khen nhất và cũng khiến nhiều người ngạc nhiên nhất là cho đến phút này không có người tử vong. Hôm qua tôi có làm việc với một nhà ngoại giao Nhật Bản, cô ấy nói có lẽ bây giờ những người Nhật làm việc tại Việt Nam thấy hối tiếc khi vội vã về nước thời điểm trước mà không chọn ở lại Việt Nam.
Nói đến các hậu quả về mặt kinh tế, tuy dịch Covid-19 không trực tiếp tàn phá ở Việt Nam nhưng nó vẫn gây ra những hậu quả nặng nề.
Dịch bệnh làm cho hầu hết các đối tác của nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Cả những thị trường mà Việt Nam vẫn cung ứng hàng hóa lẫn những thị trường cung ứng hàng hóa cho Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng.
Nói cách khác, trên lãnh thổ Việt Nam sự tàn phá của dịch Covid-19 đối với sức khỏe con người, đối với hệ thống y tế thấp, do đó ít ảnh hưởng trực tiếp lên kinh tế. Tuy nhiên, nó lại tàn phá tất cả các nguồn phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới. Cho nên tôi phỏng đoán rằng ảnh hưởng kinh tế đối với chúng ta cũng sẽ khá nặng nề.
Hiện nay chúng ta vừa mới bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, chưa ai kịp đánh giá những thất thiệt về kinh tế. Chúng ta vốn cũng không có được sự thống kê đầy đủ, nên đánh giá thiệt hại về kinh tế là đánh giá không đầy đủ, nhưng ở mức độ phỏng đoán thì đã có thể thấy là thiệt hại nặng nề.
Nếu kiểm điểm lại theo hướng Việt Nam là một quốc gia đã toàn cầu hóa đầy đủ thì sẽ thấy sự thiệt hại là rất lớn. Chúng ta đã mất rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang nước láng giềng là Trung Quốc. Trước đây, chúng ta cũng tưởng rằng có thể thích hay không thích hoạt động hợp tác kinh tế với thị trường này. Nhưng giờ chúng ta hiểu rằng, dịch bệnh đã gây ra sự đứt gãy khá lớn trong các hoạt động thương mại với Trung Quốc thì kinh tế của chúng ta phải gánh chịu thiệt hại như thế nào.
Thậm chí trong việc sản xuất khẩu trang (trước đây vốn ít được chú ý) chúng ta cũng gặp khó vì thiếu vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc. Chúng ta chữa căn bệnh nhập siêu từ Trung Quốc bằng việc xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng đến phút này chúng ta cũng thấy rằng nền kinh tế Hoa Kỳ mấp mé bên bờ khủng hoảng. Giá dầu đã xuống (-)40 USD/thùng và có những người mạnh mẽ phỏng đoán rằng nó sẽ còn xuống tới mức (-)100 USD/thùng.
Thế giới bây giờ không còn năng lực để dự trữ dầu nữa. Sự khủng hoảng thừa của năng lượng là do tình trạng ngừng trệ của sản xuất trên quy mô toàn cầu. Báo chí khắp nơi trên thế giới đưa tin hàng ngày về tình trạng mất việc làm, thất nghiệp.
Một vài thông tin như vậy để nói rằng rất khó trả lời cặn kẽ cho câu hỏi này. Ở nước ta, các cơ sở nghiên cứu cũng chưa có đánh giá nào một cách chuyên nghiệp về ảnh hưởng quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam. Hàng ngày chúng ta vẫn nói là chúng ta tham gia toàn cầu hóa và do đó lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài.
Nói một cách định tính thì dễ nhưng nói một cách định lượng thì không có khả năng. Bây giờ, tình thế làm bộc lộ ra chúng ta lệ thuộc thế giới đến mức nào, nói cách khác, chúng ta đang trở thành “con tin của quá trình toàn cầu hóa”. Có lẽ chúng ta phải chờ các diễn biến thực tế để đánh giá một cách lâm sàng sự suy thoái kinh tế của Việt Nam sau dịch bệnh.
Hai ba tháng vừa rồi dịch Covid-19 gây ra cho thế giới hậu quả lên tới con số hàng chục nghìn tỷ đô la. Chúng ta biết rằng sự thiệt hại ấy được chia cho các quốc gia bằng sự thiệt hại thu nhập cụ thể.
Chính phủ đã đưa ra các gói cứu trợ trị giá hàng chục nghìn tỷ. Ví dụ gói 30.000 tỷ nhằm giãn, giảm thuế, gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ xã hội… Theo ông những gói hỗ trợ này sẽ đem lại hiệu quả tới đâu?
- Khi chúng ta chưa phỏng đoán, ước tính được chính xác mức độ ảnh hưởng của Covid-19 tới nền kinh tế và xã hội, chúng ta khó có hy vọng cứu trợ được ngay lập tức. Chúng ta cũng không nên lẫn lộn giữa gói cứu trợ cho hoạt động nhân đạo trong dịch bệnh với gói cứu trợ cho một nền kinh tế.
Trong cách đặt vấn đề này tôi thấy báo chí chưa có sự phân tích rõ ràng. Báo chí mới đề cập nhiều đến các hình thức cứu trợ doanh nghiệp dưới dạng cứu trợ những người lao động phải nghỉ việc, giúp các doanh nghiệp trả lương cho người lao động, nhưng thực ra đấy vẫn là cứu trợ xã hội thuần túy.
Nếu cứu trợ các doanh nghiệp tức là cứu trợ một nền kinh tế thì chúng ta phải phân tích sự thiệt hại của kinh tế, nhưng chúng ta không có điều kiện để phân tích cho đầy đủ. Nên tôi lưu ý rằng chúng ta không nên nhầm lẫn giữa cứu trợ nhân đạo, cứu trợ xã hội với cứu trợ một nền kinh tế và cũng không nên nhầm lẫn giữa các gói cứu trợ mà thế giới có với gói cứu trợ mà chúng ta có thể đưa ra.
Vậy theo ông, cần hỗ trợ theo cách nào thì được coi là một gói cứu trợ kinh tế?
- Để trả lời câu hỏi này một cách chính xác thì câu trả lời của tôi là chúng ta chưa đánh giá được sự thiệt hại về kinh tế, cho nên, chúng ta chưa có các chính sách cứu trợ kinh tế phù hợp. Chúng ta chỉ mới thực thi giai đoạn đầu tiên trong phạm vi trách nhiệm của một Chính phủ là cứu trợ nhân đạo.
Khi nào bắt đầu đòi hỏi các nguồn năng lượng để cứu trợ kinh tế thì chúng ta mới hiểu nền kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào và chính sách lúc bây giờ mới là chính sách cứu trợ kinh tế. Còn hiện nay là cái ban đầu vẫn chủ yếu mang tính cứu trợ xã hội.
Có lẽ thời điểm này chúng ta chỉ nên dừng các phân tích ở mức đó. Chính phủ đang chống dịch một cách thành công. Tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ tích cực hơn, sẽ đủ điều kiện để đưa ra các chính sách chống sự suy thoái kinh tế do dịch bệnh trong một vài tuần nữa.
Trong quá khứ, nền kinh tế thế giới và Việt Nam đều đã từng trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng vì thiên tai, dịch bệnh. Những kinh nghiệm cũ có giúp chúng ta trong lần này?
- Các nhà ngoại giao Nhật Bản cũng đặt ra cho tôi câu hỏi tương tự như vậy. Tôi nói với họ rằng Việt Nam là một quốc gia rất vất vả, có một năng lực kinh tế vừa phải, năng lực y tế vừa phải, suốt cả cuộc đời người Việt vất vả, lam lũ do phải đối mặt với các cuộc suy thoái và các hiện tượng khủng hoảng thiên nhiên. Cho nên, kinh nghiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng thì người Việt Nam cũng có nhiều và có lẽ vì thế mà người Việt đã thành công trong chuyện này.
Chúng ta là dân tộc đi qua một cuộc chiến tranh rất dài, thời gian chiến tranh dài hơn thời gian hòa bình, vì thế sự lam lũ ấy giúp cho người Việt có kinh nghiệm ứng phó. Hơn nữa, chiến tranh cũng làm cho con người tuân thủ các kỷ luật xã hội một cách chặt chẽ hơn. So với công dân các nước Âu - Mỹ, chúng ta tuân thủ các đòi hỏi của Nhà nước một cách chặt chẽ hơn. Có lẽ đấy là nguồn động lực chính để giúp chúng ta thoát khỏi bệnh tật ngoạn mục như hiện nay.
Chúng ta dễ dàng tuân theo kỷ luật, lệ thuộc vào các quyết sách của nhà nước, nhờ thế chúng ta được hưởng thành quả của những quyết sách đúng đắn đó.
Bàn về tuân thủ kỷ luật phụ thuộc vào hai tâm lý, đó là tâm lý tin tưởng và tâm lý e sợ. Trong xã hội chúng ta có cả hai loại tâm lý như vậy. Việc tuân thủ các kỷ luật xã hội thông qua việc giãn cách xã hội như vừa rồi, theo tôi đánh giá có tới 60-70% trở lên là do tâm lý tin tưởng vào Chính phủ, còn lại là do e sợ.
Dù mức độ tích cực của hai tâm lý khác nhau, mối quan hệ thân thiện với nhà nước là khác nhau nhưng nó đều góp phần tạo ra sự tuân thủ kỷ luật xã hội, kỷ luật y tế, góp phần đáng kể trong việc phòng chống dịch Covid-19 thành công đến lúc này.
Là một chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm và từng trải, ông có cho rằng đại dịch Covid-19 lần này, ngoài những tác động tiêu cực đã thấy, cũng sẽ đem lại cho chúng ta những kinh nghiệm tích cực?
- Đã có giai đoạn chúng ta thành công trong hoạt động kinh tế, xã hội cũng bắt đầu có những giai đoạn thành công và do đó người dân có thể chi tiêu một cách thoải mái. Đấy là biểu hiện của sự thành công xã hội trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên sự thành công ấy chưa đủ lâu dài nên con người cũng không vì phấn khởi mà mất cảnh giác. Tâm lý cảnh giác đối với khủng khoảng, với khó khăn vẫn còn, do đó nó tạo thuận lợi cho Chính phủ đưa ra các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế.
Rồi đây người Việt Nam sẽ chi tiêu một cách hợp lý hơn. Những của để dành ít ỏi của người dân sẽ làm nhẹ bớt trách nhiệm cứu trợ xã hội của Chính phủ. Một phần của sự dành dụm ấy, tôi tin, sẽ biến thành vốn cho quá trình tái đầu tư vào kinh doanh và làm cho nền kinh tế có sức sống.
Năng lực để dành bao giờ cũng là động lực cơ bản tạo ra sức sống mới cho các giai đoạn phát triển kinh tế. Chúng ta sẽ ra khỏi khó khăn của giai đoạn này, giống như đã từng ra khỏi khó khăn của các giai đoạn phát triển kinh tế trước đây.
Vẫn là thói quen tằn tiện tiết kiệm, thói quen dành dụm nguồn vốn ít ỏi nhưng có giá trị thật trong túi của mỗi một người dân sẽ giúp phục hồi các chương trình kinh tế của từng hộ gia đình để đảm bảo đời sống hàng ngày. Chính phủ sẽ chủ yếu lo việc cứu trợ, tài trợ cho các dự án, các công ty lớn để có những bước đột phá trong giai đoạn tương lai.
Theo ông, muốn khôi phục kinh tế hậu Covid-19, đâu là nguồn lực mà chúng ta có thể huy động hiệu quả ngay bây giờ?
- Như tôi vừa nói, nguồn lực có thể huy động ngay chính là sự dành dụm của người dân, tức là nguồn lực còn rất lớn trong dân. Còn đối với những chương trình tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, nguồn lực là tín dụng.
Việt Nam là một nền kinh tế có một tốc độ tăng trưởng không đến nỗi tồi, trong khi đó, dịch Covid-19 cũng không để lại những hậu họa quá nặng nề với ta. Chúng ta không hoàn toàn thuận lợi sau dịch bệnh trong các quan hệ phát triển, nhưng chúng ta thuận lợi hơn những quốc gia phải chịu đựng sự hoành hành dữ dội hơn của dịch bệnh.
Người Việt Nam ra khỏi dịch bệnh giống như người ốm nhẹ, nhưng vì sự ngưng trệ của kinh tế thế giới làm cho chúng ta vất vả đi tìm nguồn lực phát triển. Tuy nhiên thế giới với dự trữ lớn họ cũng phải đi tìm chúng ta – một trong những quốc gia đã đứng dậy nhanh sau dịch Covid-19.
Theo tôi, với thành công trong phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam sẽ là địa chỉ tin cậy mà nhiều nguồn tín dụng sẽ tìm đến để phục vụ cho phát triển, cho hợp tác kinh doanh. Tôi nghĩ chắc chắn Chính phủ sẽ nhận ra điều này để không quá lo lằng, vì nếu lo quá sẽ không đủ tỉnh táo và dễ phạm phải sai lầm trong việc lựa chọn đối tác.
Các đối tác sau dịch bệnh sẽ thay đổi, các hệ thống, chuỗi sản phẩm cũ do dịch bệnh đã bị đứt gãy, các chuỗi sản phẩm mới sẽ hình thành lại và thế giới sẽ tái toàn cầu hóa. Tôi nghĩ rằng sự toàn cầu hóa trở lại ở chu kỳ sau Covid-19 là một trạng thái toàn cầu hóa khác, dựa trên các liên kết khác, dựa trên các tuyến sản phẩm khác, dựa trên các phân bố công nghiệp và phân bố chất lượng công nghiệp khác nữa.
Có một điều có thể khẳng định là toàn cầu hóa không chấm dứt. Thế giới không còn con đường nào ngoài toàn cầu hóa. Thế giới sẽ có thêm sự tỉnh táo của những kẻ vấp ngã do sự thái quá trong giai đoạn toàn cầu hóa đầu tiên gây ra. Thế giới sẽ toàn cầu hóa với một tốc độ hợp lý hơn. Kinh nghiệm lựa chọn tốc độ phát triển chính là kinh nghiệm lớn nhất mà thế giới có được và chúng ta cũng nên có.
Suốt thời gian qua các phương tiện truyền thông đã nói nhiều về những khó khăn của hầu hết các ngành nghề kèm lời cảnh báo sẽ phá sản nếu không được hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan quản lý. Theo ông cần phải tháo gỡ những vướng mắc gì?
- Tôi nghĩ không nên xem sự phá sản như một hiện tượng tiêu cực, một sự thất bại. Phá sản là một giải pháp pháp lý nhằm chấm dứt những giai đoạn, những hiện tượng tiêu cực kéo dài trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Phải xem hiện tượng phá sản như cách con người nghĩ ra để chấm dứt nỗi đau khổ kéo dài do các sai lầm kinh doanh gây nên.
Đương nhiên chúng ta không thể dự báo được tất cả các tai họa, các rủi ro thì sẽ phá sản. Nhưng cũng nên nhớ rằng tất cả các công ty thành đạt hàng đầu trên thế giới đều đã trải qua phá sản. Trong lịch sử tôi đã chứng kiến một số khách hàng của tôi đi qua phá sản, ví dụ như IBM.
Những kẻ không phá sản là những kẻ không lớn được. Doanh nghiệp này phá sản thì hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp khác sẽ ra đời, và các doanh nghiệp mới sẽ được thừa hưởng những kinh nghiệm rút ra từ quá trình thất bại của lớp kinh doanh đi trước.
Nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra các kịch bản cho kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Theo ông, chúng ta sẽ mất bao lâu để khôi phục và đạt được các mức tăng trưởng như đã từng đặt ra trước khi có đại dịch Covid-19?
- Tôi nghĩ không dễ như thế. Các kịch bản mà chuyên gia đưa ra đều chỉ là phỏng đoán, kể cả những chuyên gia có uy tín. Có hai yếu tố tạo ra tình thế mới.
Thứ nhất là chúng ta sẽ đối mặt với một trạng thái kinh tế mới sau dịch bệnh, thứ hai là chúng ta phải đối mặt với những tâm lý mới của các nhà chính trị chiến lược trên thế giới. Chắc chắn sau dịch bệnh này, tâm lý của Chủ tịch Trung Quốc sẽ khác, tâm lý của Tổng thống Hoa Kỳ cũng sẽ khác, tâm lý của lãnh đạo G7, các lãnh đạo G20 cũng khác…
Chúng ta phải lặng lẽ nghiên cứu một cách có hệ thống tâm lý của các nhà chính trị chiến lược trên thế giới để xem họ chuẩn bị cho thời kỳ hậu Covid như thế nào. Trên cơ sở quan sát, phân tích, phán đoán ý đồ chính trị - kinh tế của họ, chúng ta mới có thể đoán được chính sách đối ngoại của các quốc gia lớn đó.
Chỉ trên cơ sở đoán trúng chính sách đối ngoại của các quốc gia chiến lược trên thế giới, chúng ta mới có được đối sách phù hợp cho Việt Nam. Hơn bao giờ hết, các nhà triết học, các nhà lý luận, các nhà kinh tế học Việt Nam phải nghiên cứu chuyện này, phải dựa trên cơ sở này để tìm hiểu thế giới.
Giai đoạn đổi mới, hội nhập vừa rồi, chúng ta bị động, thiếu kinh nghiệm. Giai đoạn mở cửa là giai đoạn chúng ta chưa thực sự hiểu kinh tế là gì. Sau 30 năm đổi mới chúng ta đã hiểu kinh tế thị trường, chúng ta đã hiểu kinh tế thị trường ở Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và làm chủ nó.
Giai đoạn mới này là cơ hội để chúng ta đổi mới công nghệ lập chính sách, lập kế hoạch phát triển. Chúng ta phải hoạch định sự phát triển của mình trong khuôn khổ của những hành lang chính trị lớn của thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông với cuộc trò chuyện này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.