Ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp hơn 4% GDP quốc gia
Chuyển đổi số tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới cho ngành công nghiệp văn hoá
Viết Niệm
Thứ năm, ngày 21/11/2024 18:47 PM (GMT+7)
Sáng 21/11, tại TP Đà Nẵng, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30 ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp hơn 4% GDP quốc gia
Sáng 21/11, tại TP Đà Nẵng, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30 ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong; đại diện lãnh đạo ngành văn hóa các địa phương trên toàn quốc; các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Hội nghị phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 30/CT-TTg, trong đó làm rõ những nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Đồng thời báo cáo về công tác xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai, thực hiện tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho hay, Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm không chỉ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn của các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng. Thống kê sơ bộ, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp khoảng hơn 4% tổng GDP của quốc gia và dư địa phát triển còn rất lớn.
Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: "Các địa phương, trên cơ sở tình hình thực tế triển khai phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thì có những tồn tại, vướng mắc khó khăn thì cũng nêu ra để cùng phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch để chúng ta triển khai thực hiện 1 cách đồng bộ, hiệu quả".
Xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật gắn với công nghệ số hóa
TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia (DSVHQG), Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ, việc xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật Thừa Thiên Huế được đặt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số hóa và Internet giúp các ngành công nghiệp văn hóa hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Chuyển đổi số là sự phát triển mang tính đột phá, nó đưa mọi giá trị văn hóa, di sản, lễ hội, hoạt động du lịch lên môi trường số, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới. Tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra các nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số bao gồm phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực, trong đó mục tiêu: "Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á".
Trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như nhận thức của một số cấp, ngành, đơn vị về công nghiệp văn hóa còn hạn chế; việc thiếu đầu tư cho các thiết chế văn hóa, dịch vụ khiến Thừa Thiên Huế đến nay vẫn chưa khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh; kết cấu hạ tầng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ, không có khả năng đón đoàn khách lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu cao cấp của khách; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; thể chế, cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện; sản phẩm, dịch vụ và thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19...
Theo ông Phan Thanh Hải, thời gian tới, để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, góp phần tạo ra sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thứ hai, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa Huế.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa với trình độ chuyên môn cao. Thứ tư, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong nước và ngoài nước.
Thứ năm, phát triển thị trường các ngành công nghiệp văn hóa. Kết nối các hoạt động xây dựng thị trường trong các lĩnh vực khác nhau, lấy thiết kế sáng tạo làm nền tảng cho các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kích cầu dịch vụ văn hóa để gia tăng hình ảnh và phát triển thị trường cho các hoạt động về công nghiệp văn hóa.
Thứ sáu, tiến hành quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa cho các công trình, dự án văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.