Đại biểu Quốc hội mong Hải Phòng có thể trở thành một Singapore thứ hai

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 21/11/2024 19:20 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân bày tỏ tin tưởng Hải Phòng sẽ phát triển mạnh hơn, tự chủ hơn và phát huy được thế mạnh vị trí địa lý để có thể trở thành một Singapore thứ hai của vùng Đông Nam Á.
Bình luận 0

Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng.

Đại biểu Quốc hội mong Hải Phòng có thể trở thành một Singapore thứ hai- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) bày tỏ tin tưởng đây sẽ là một bước đột phá lớn và sẽ tạo ra một cơ hội mới để cho Hải Phòng phát triển mạnh hơn nữa, tự chủ hơn và cũng phát huy được vị trí địa lý của Hải Phòng. Đồng thời, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện được chủ trương như Tổng Bí thư chỉ đạo gần đây là địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

"Nếu xu hướng đó phát triển cũng rất mong Hải Phòng sẽ có thể trở thành một Singapore thứ hai của vùng Đông Nam Á", ông Huân nói.

Đại biểu đánh giá đây là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời, xuất phát từ thực tiễn là nhu cầu phát triển ở cả vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng sẽ là cực tăng trưởng mới và cùng với Hà Nội, hỗ trợ cho Hà Nội để dẫn dắt kinh tế phía Bắc.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn bởi thành phố Thủy Nguyên chỉ có chưa đến 0,4 triệu dân, nếu vẫn áp dụng chính quyền một cấp mà "thành phố thuộc thành phố" có Hội đồng nhân dân thì liệu có làm giảm tính năng động, tính tự chủ của cả thành phố Hải Phòng.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) bày tỏ sự xúc động trước sự ủng hộ của các đại biểu với dự thảo Nghị quyết chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.

Đại biểu Quốc hội mong Hải Phòng có thể trở thành một Singapore thứ hai- Ảnh 2.

Đại biểu Lã Thanh Tân. Ảnh: Media Quốc hội

Đồng thời đại biểu Tân cho biết, khi được thông qua, thành phố Hải Phòng sẽ tích cực và sớm triển khai một cách có hiệu quả nhất mô hình chính quyền đô thị mới. Đây là một mô hình có sự tác động và tạo cho Hải Phòng một bước tiến mới trong con đường xây dựng phát triển thành phố.

"Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, một tương lai không xa thành phố Hải Phòng sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội nghị quyết để thay thế Nghị quyết số 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Nội dung nghị quyết này, Hải Phòng đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới để tiếp tục tạo sự đột phá cho thành phố Hải Phòng. Đến thời điểm đó, cũng mong được các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành sự tin yêu, tấm lòng dành cho Hải Phòng để Hải Phòng phát triển, cố gắng xứng đáng là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực phía Bắc và của cả nước", ông Tân nói.

Tiếp thu giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc thành lập chính quyền đô thị của Hải Phòng thực hiện thể chế hóa nghị quyết của Đảng, cũng như kết luận của Bộ Chính trị. Đồng thời, trong quá trình thực hiện đã đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ với TP.HCM, Đà Nẵng và có lựa chọn bổ sung một số vấn đề phù hợp với thực tiễn trong quá trình vận chính quyền đô thị của TP.HCM để phù hợp với Hải Phòng.

Đại biểu Quốc hội mong Hải Phòng có thể trở thành một Singapore thứ hai- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng cho biết, để thu gọn cấp chính quyền với Hải Phòng, TP.HCM và Đà Nẵng chỉ có 1 cấp chính quyền và thống nhất một chế độ công vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động năng động, tự chủ, thích ứng linh hoạt, phù hợp với vai trò, tính chất đặc thù, đặc trưng của đô thị.

Về tên gọi, Bộ trưởng cho biết thực chất tên thành phố trong thành phố cũng nằm trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

"Chúng ta cứ nói như vậy nhưng thực ra để cho rõ và dễ hiểu, còn về bản chất Thủ Đức vẫn gọi là thành phố Thủ Đức, còn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ Đức khác với các thành phố khác nếu có của TP.HCM sau này. Bởi vì, đó là thành phố thuộc thành phố thì quy mô, tính chất, đặc thù của thành phố Thủ Đức cũng phải khác để sau này sẽ đánh giá được theo căn cứ trên cơ sở phân loại", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Về tổ chức bộ máy của thành phố Thủy Nguyên, Bộ trưởng cho biết, Thủy Nguyên trong thời gian tới sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, không thể tăng được số lượng cán bộ, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng như các ban của Hội đồng nhân dân Thủy Nguyên.

"Lúc đầu phương án cũng định tăng thêm số lượng các ban của Hội đồng nhân dân, tăng thêm 1 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, tăng thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân để cho tương đồng với Thủ Đức. Nhưng theo một tinh thần chung của Tổng Bí thư chỉ đạo là tinh gọn, cho nên buộc phải sắp xếp lại chỉ có hai ban, đó là Ban Kinh tế - xã hội và Ban Pháp chế đô thị", Bộ trưởng giải thích và cho biết tinh thần chung là phải sắp xếp lại bộ máy Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem