img
 

imghi tìm hiểu về Trần Uyên Phương, tôi khá ngạc nhiên khi biết gần đây các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới như Financial Times, CNBC, Channel News Asia, Asia Times… đã nhắc đến hiện tượng kinh tế kỳ lạ ở Việt Nam: Một doanh nghiệp gia đình sở hữu cơ ngơi hàng tỷ USD và nằm trong số những công ty của người Việt có khát vọng vươn ra toàn cầu.

Doanh nghiệp đó được vận hành bởi ông bố và 2 cô con gái nhưng đang chiếm lĩnh thị phần ngang ngửa Pepsi và vượt qua cả Coca-Cola để có thị phần thứ 2 trong nước. Người gánh trách nhiệm này lại là cô gái 36 tuổi, Trần Uyên Phương. Hiện cô gái này đang giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Cô cũng là người được chọn kế thừa Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, “cô gái tỷ đô” Trần Uyên Phương, cho biết công thức thành công của cô là không đội hai cái nón trong cùng một thời điểm. Lúc nào công việc sẽ là công việc, lúc nào gia đình thì là gia đình.

img

Cuối tháng 9 vừa qua chị tổ chức “Ngày hội kết nối giao thương” giữa Tân Hiệp Phát và các đối tác. Tại sao chị lại nghĩ đến việc tổ chức một sự kiện như thế này?

Ý tưởng này xuất hiện sau khi tôi cho ra mắt cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh”. Thật sự rất bất ngờ khi cuốn sách đã đem lại cho những người xung quanh tôi nhiều năng lượng và kết quả tích cực. Nhiều người đã có những câu hỏi, đề nghị tìm hiểu thêm về những chi tiết trong cuốn sách chỉ đề cập lướt qua.

Ngoài ra, tôi hiểu, với Tân Hiệp Phát, đối tác chính là những cánh tay nối dài. Hiện Tân Hiệp Phát đang làm việc với hơn 2.000 đối tác và bình quân mỗi doanh nghiệp có khoảng 50 nhân sự. Việc kết nối những đối tác đó sẽ tốt hơn cho Tân Hiệp Phát.

Dù khối lượng công việc rất nhiều, tôi vẫn thuyết phục được “sếp” Thanh (ông Trần Quí Thanh) tham dự. Và sau khi nhận được sự truyền lửa của những người đăng ký tham dự, sếp Nụ (mẹ tôi) cũng quyết định tham gia.

Với đông đủ thành viên trong gia đình, “Ngày hội kết nối giao thương” thật sự là sự gắn kết, chia sẻ giữa Tân Hiệp Phát và đối tác.

Thông điệp của Tân Hiệp Phát và gia đình chị đưa ra tại sự kiện đó là gì?

Chúng tôi nhìn thấy Tân Hiệp Phát chính là nơi để kết nối các doanh nghiệp Việt lại với nhau. Thực tế, trong suốt 23 năm qua Tân Hiệp Phát đã kết nối các doanh nghiệp Việt để cùng phát triển.

Tại sự kiện đó, các đối tác của chúng tôi cũng đã chia sẻ về giá trị, về tinh thần không gì là không thể và khẳng định luôn đồng hành cùng Tân Hiệp Phát.

Nhiều đối tác cũng chia sẻ nhờ làm việc cùng với Tân Hiệp phát mà họ đã khẳng định được chất lượng, sự chuyên nghiệp của mình.

Thông điệp của Tân Hiệp Phát và gia đình tôi muốn đưa ra tại sự kiện này là các doanh nghiệp Việt hãy cùng ngồi lại với nhau, bắt tay nhau, liên kết với nhau để cùng nhau đem sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài.

Cuối cùng, lợi thế cạnh tranh sẽ là cả một chuỗi chứ không phụ thuộc vào một tính năng sản phẩm hay dịch vụ nào đó vượt trội. Đó chính là lý do để chúng tôi tổ chức ngày hội kết nối giao lưu.

img

Được biết, trong “Ngày hội kết nối giao thương” có nhiều đối tác đã cảm ơn Tân Hiệp Phát đã hỗ trợ họ trong quá trình tham gia làm chuỗi cung ứng. Tại sao Tân Hiệp Phát lại muốn rằng các đối tác công nghiệp phụ trợ là doanh nghiệp Việt?

Đây là câu hỏi mà tôi sẽ chia làm hai phần. Khi biết có “Ngày hội kết nối giao thương”, một số đối tác đã đến trước giờ khai mạc để gặp “sếp” Thanh và chính tôi cũng hỏi “sếp”: “Tại sao chúng ta ngày càng mong đợi là có nhiều doanh nghiệp nội địa để cùng hợp tác?”

img
Hợp tác với doanh nghiệp nội địa, chúng tôi sẽ được phục vụ nhanh hơn và công tác hậu mãi sẽ tốt hơn. Trong khi với hàng nhập khẩu, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian cho các khâu nhập nhẩu và thuế nhập khẩu cũng như chi phí vận chuyển.

Quan trọng hơn, khi chúng tôi mong muốn có một đội ngũ cùng tìm kiếm giải pháp cho dịch vụ, sản phẩm thì việc ngồi lại với nhau giữa doanh nghiệp nội địa sẽ nhanh và dễ dàng hơn là với đối tác nước ngoài.

Đặc biệt, khi đó sẽ các chủ doanh nghiệp sẽ cùng nhau ngồi lại để tìm ra giải pháp chứ không chỉ là những người đại diện, văn phòng đại diện như của đối tác nước ngoài. Đây chính là lợi thế và nếu đồng hành các đối tác sẽ cùng phát triển và Tân Hiệp Phát ngày càng lớn mạnh.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với 14 doanh nghiệp tư nhân lớn để đối thoại về chính sách, Chính phủ hiện tại rất quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Tân Hiệp Phát có tìm thấy cơ hội nào cho mình từ những thông điệp của Chính phủ?

Chúng tôi cảm thấy được khích lệ và rất mong đợi sẽ có những chính sách gì đó cụ thể vì hiện nay số lượng các doanh nghiệp tư nhân, thương hiệu Việt có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các thương hiệu nước ngoài rất là hiếm.

Ngay tại thị trường nội địa, chúng ta nhìn thấy các thương hiệu nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia vẫn được người tiêu dùng ủng hộ và sử dụng nhiều hơn. Vậy các thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt cần phải làm gì và cần chung tay như thế nào để tạo ra những sản phẩm Việt uy tín?

img

Liên quan tới câu chuyện thương hiệu, tôi nhớ lại câu chuyện “con ruồi” của Tân Hiệp Phát mấy năm trước. Thời điểm đó đã có nhiều nhận định Tân Hiệp Phát bị tác động rất lớn, tưởng như không vượt qua nổi. Đến thời điểm này, khi nhìn lại, sự kiện “con ruồi” ảnh hưởng như thế nào tới “Tân Hiệp Phát”?

Vớt tất cả những gì đã trải qua, Tân Hiệp Phát chúng tôi luôn với tinh thần không gì là không thể. Một câu triết lý nữa của Tân Hiệp Phát do nhà sáng lập vẫn xuyên suốt với chúng tôi đến thời điểm này: “Hôm nay phải hơn ngày hôm qua và không bằng ngày mai”.

img
Chúng tôi cảm ơn những thách thức đã trải qua. Chúng tôi đã vượt qua được những thách thức đau đớn như vừa rồi thì tin rằng không có gì có thể làm Tân Hiệp Phát sụp đổ và sẽ giúp Tân Hiệp Phát mạnh hơn.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, Tân Hiệp Phát vẫn còn nhiều thứ để hoàn thiện và cải tiến. Cho nên, điều duy nhất chúng tôi có thể cam kết là sẽ sẵn sàng lắng nghe và luôn luôn học hỏi để tự hoàn thiện mình. Chúng tôi tin với đam mê, khao khát và không bao giờ bỏ cuộc, Việt Nam sẽ có những sản phẩm, thương hiệu Việt sánh vai cùng các thương hiệu đa quốc gia và cạnh tranh sòng phẳng với họ.

Một doanh nghiệp thành công thì phải có được thị trường trong nước, nhất là những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh những sản phẩm như Tân Hiệp Phát. Chị có nghĩ Tân Hiệp Phát cần tiếp tục thay đổi thế nào để nhận được sự yêu mến và ủng hộ của thị trường, người tiêu dùng trong nước?

Mục tiêu của chúng tôi cực kỳ đơn giản: Là doanh nghiệp thì phải cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng nên tiêu chí tiên quyết để tồn tại là chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.

Hiểu rất rõ điều đó, Tân Hiệp Phát đã tiên phong đầu tư 10 dây chuyền Aseptic. Nhiều công ty trên thế giới không tin ở Việt Nam có một công ty dám mạo hiểm như thế.

Những gì chúng tôi làm thật sẽ mang đến kết quả tốt cho người tiêu dùng trong nước. Nếu chúng tôi làm không tốt, thì “cái kim trong bọc” sẽ có ngày lòi ra.

Những gì còn yếu, chúng tôi sẽ cải tiến, hoàn thiện hơn nữa để người tiêu dùng hiểu hơn về Tân Hiệp Phát.

Những gì Tân Hiệp Phát đang làm không chỉ là tâm huyết của bản thân tôi, của Dr Thanh, của gia đình tôi mà còn của hàng ngàn con người ở Tân Hiệp Phát.

Chị có thấy một thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt khi ra mắt sản phẩm mới thường bị dư luận xã hội “ném đá” rất ghê, Tân Hiệp Phát cũng từng có thời điểm như thế. Theo chị vì sao lại có chuyện như vậy?

Tôi nghĩ câu hỏi này rất hay. Câu trả lời khá trọn vẹn có ở trong cuốn sách “Chuyện nhà Dr.Thanh”. Nếu bạn quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách. Hiện nay, tôi chưa phát hành rộng rãi, mới chỉ có trên trang blog: tranquithanh.com.vn hoặc trên Tiki.

Còn ngay lúc này đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: nếu làm doanh nghiệp, chúng ta đã chấp nhận cuộc chơi có những rủi ro, sự cạnh tranh. Ở đó có cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh. Đó là những thách thức với doanh nghiệp Việt và cần vượt qua.

Vậy nên, Tân Hiệp Phát mới tổ chức “Ngày hội kết nốt giao thương” để chia sẻ những bài học mà bản thân từng trả giá hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ để học những bài học đó.

img
img

Chị nghĩ gì về mô hình doanh nghiệp gia đình, nhất là trong áp lực cạnh tranh rất lớn của thị trường và vấn đề quản trị doanh nghiệp đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết?

Đây chính là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp tham gia “Ngày hội kết nối giao thương” rất quan tâm. Thực tế, để chia sẽ những vấn đề về mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn công việc là rất khó vì đó là những vấn đề riêng tư thường được giữ kín.

img
Nói về doanh nghiệp gia đình, có rất nhiều triết lý chúng tôi đã nung nấu. Ví như: “Hãy đối xử với gia đình như là gia đình và hãy đối xử với công việc như là công việc”; “Chúng ta đừng dùng công việc để mà đem vào trong gia đình hoặc là gia đình đem vào trong công việc”; “Chúng ta ngày càng cần chuyên nghiệp hóa gia đình và gia đình hóa công việc”...

Những điều này có nghĩa trong công việc chúng ta nên tôn trọng mong muốn tất cả thành viên, đồng nghiệp cùng phát triển. Trong gia đình, cần đưa ra những nguyên tắc để sao cho ngày càng tạo thêm được lãnh đạo doanh nghiệp cho xã hội.

Nếu là thành viên trong gia đình, làm việc với nhau trong cùng tổ chức thì cần chuyên nghiệp hơn, làm gương cho những thành viên khác tham gia vào tổ chức. Đã là thành viên gia đình thì chúng ta phải làm việc tâm huyết hơn, nhiệt tình hơn và là những người gương mẫu hơn thay vì đòi hỏi quyền lợi, ưu đãi nhiều hơn.

Được biết, chị từng học ở Mỹ về quản trị kinh doanh hiện đại. Chị sẽ ứng dụng những kiến thức được học như thế nào vào Tân Hiệp Phát?

Ở đây chúng ta nhìn thấy hai chữ “doanh nghiệp” và “gia đình”. Doanh nghiệp vốn đã rất khó trong quá trình cạnh tranh để phát triển. Chúng tôi còn có chữ “gia đình” gắn vào. Với tất cả những cảm xúc, tình cảm hòa trộn vào trong một công ty gọi là doanh nghiệp gia đình.

Do vậy để doanh nghiệp gia đình thành công, sẽ đòi hỏi những nguyên tắc của gia đình để đảm bảo mục tiêu của doanh nghiệp được ưu tiên trong công việc.

Công thức thành công của tôi là không đội hai cái nón trong cùng một thời điểm. Lúc nào công việc sẽ là công việc, lúc nào gia đình thì là gia đình. Bởi khi đội hai cái nón trong một thời điểm, chúng ta sẽ không biết cách hành xử như thế nào là phù hợp, chuyên nghiệp.

Chị có nghĩ tới một lúc nào đó sẽ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp gia đình của Tân Hiệp Phát thành doanh nghiệp cổ phần?

Đó sẽ là một bước tiến khi mà doanh nghiệp ngày càng phát triển. Nhưng hiện nay, tôi nghĩ doanh nghiệp gia đình vẫn là lợi thế cạnh tranh của Tân Hiệp Phát.

Với một doanh nghiệp đang phát triển như Tân Hiệp Phát, chúng tôi sẽ có những khoản đầu tư, quyết định, rủi ro mà có thể đối tác trong mô hình doanh nghiệp cổ phần sẽ khó chấp nhận được.

Chị đón nhận quyết định thừa kế tập đoàn Tân Hiệp Phát ở tuổi 36 như thế nào?

Gia đình tôi đã trao đổi vấn đề này rất nhiều lần và nhiều năm. Tôi hoàn toàn hiểu kế thừa là một trách nhiệm, một công việc chứ không phải là một quyền lợi. Nếu như mình được chọn, điều đầu tiên là mình có đủ năng lực và cam kết cho tổ chức phát triển.

Khi được chọn, tôi sẽ ràng buộc mình ở một vai trò nhất định nào đó mà không thể buông bỏ được và sự phát triển của tổ chức cần được đưa lên hàng đầu hơn là mục tiêu của cá nhân.

img
img

Vì sao chị lại quyết định phát hành cuốn sách“Chuyện nhà Dr.Thanh” vào thời điểm này?

Có rất nhiều quan điểm khác nhau về cuốn sách “Chuyện nhà Dr.Thanh”, kể cả bố tôi lúc đầu cũng không ủng hộ. Ông đã đề nghị tôi không nên ra mắt sách vì có quá nhiều luồng dư luận trực tiếp, trái chiều có thể tác động tích cực và tiêu cực khó đo lường ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, việc ra mắt sách không phải câu chuyện của doanh nghiệp. Tôi viết cuốn sách đó vì muốn giành một món quà đặc biệt cho bố mẹ tôi. Thực sự đây chỉ là cuốn sách mang tình cảm gia đình. Nếu ai đó đọc, hiểu và đồng cảm với tôi sẽ thấy được gia đình của mình ở trong đó.

Tôi nghĩ mình muốn làm điều gì đó cho bố mẹ khi họ còn sống và nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc của họ. Còn tới lúc tôi viết một cuốn sách, tiểu thuyết hoành tráng nhưng bố mẹ tôi không còn nghe được, thấy được thì không có ý nghĩa nhiều.

Đó chính là tâm tư, cảm xúc để tôi cho ra đời cuốn sách vào lúc bố mẹ tôi vẫn còn có thể hưởng thụ, cảm nhận được tình cảm con cái, những người xung quanh dành cho họ.

img

Tôi khá bất ngờ khi nhiều người xung quanh tôi tìm mua cuốn “Chuyện nhà Dr .Thanh”. Khi viết cuốn sách này, chị có nghĩ cuốn sách sẽ được đón nhận như vậy không?

Tôi là người thường tìm đọc sách thực tế và có thể ứng dụng được ngay. Cho nên khi viết cuốn sách này, tôi đã dùng cách tiếp cận như thế với cuốn sách ngay từ đầu.

Tôi mong muốn một cuốn sách dễ hiểu, dễ đọc, câu chuyện đời thường và cầm cuốn sách lên có thể đọc nó tới từ cuối cùng.

Cuốn sách đi được bao xa phải phụ thuộc vào giá trị thực của nó. Dù đã nói rất nhiều lần, tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn bố tôi, ông Trần Quí Thanh đã cho tôi viết trọn vẹn một cách rất trần trụi về cuộc đời ông mà không hề lo lắng hay muốn giấu giếm.

Với ông, mọi sự thành công đều là rèn luyện mà có, không thể tự nhiên có được. Nếu chúng ta cố gắng, nỗ lực, kỷ luật với bản thân thì sẽ có một kết quả tốt. Ông đã có thể thành công như hôm nay thì người khác cũng có thể làm được và tốt hơn ông.

img

Câu chuyện nào về bố trong cuốn sách này gây ấn tượng và xúc động nhất với chị?

Tôi đã mất gần 10 năm để hoàn thiện cuốn sách này. Khó nhất là giai đoạn thu nhập dữ liệu, bởi tôi chẳng hiểu gì về cuộc sống trước đây. Tôi là người lớn lên và sống cùng ông bà ngoại, nên thời gian sống và trải nghiệm với bố mẹ không có nhiều.

Do vậy, tôi đã mời những người hiểu biết và trải qua giai đoạn đó cùng bố mẹ tôi. Tôi đã tổ chức rất nhiều buổi nhậu với bố tôi, bởi chỉ khi nhậu bố mới chia sẻ, cởi lòng để gợi nhớ lại những câu chuyện đã qua.

Rất cảm ơn mọi người đã cho tôi những hình ảnh, thông tin để tôi có thể mường tượng ra và bố tôi là người kiểm chứng, đánh giá những chi tiết đó có đúng hay không.

Cảm xúc cuối cùng để tôi có thể viết và gấp rút hoàn thành cuốn sách chính là chương cuối cùng của cuốn sách. Câu chuyện cảm động nhất là câu chuyện tình cảm bố tôi dành cho mẹ tôi.

Tình cảm bố tôi dành cho mẹ tôi rất sâu lắng, sâu sắc, hiếm người nào có được. Tôi nghĩ mẹ tôi xứng đáng với tình cảm đó và tôi đã viết những lời bố nói, tôi nghe được những lời mẹ tôi không nghe được vào cuốn sách để nó trở thành một món quà, một kỷ niệm đặc biệt cho bà.

img
img

Tìm kiếm thông tin về chị toàn thấy từ khoá “cô gái tỷ đô”. Vậy nhưng rất ngạc nhiên khi biết chị vẫn chưa có cho mình một chiếc ô tô riêng?

Cách đây 3 năm, bố tôi từng chia sẻ: Tân Hiệp Phát ngày hôm nay mới là thời điểm bắt đầu, còn 20 năm về trước là xé nháp.

Tôi hiểu những điều chúng tôi đang mong muốn đạt được còn ở rất xa. Để đem một thương hiệu Việt ra thế giới và có chỗ đứng ở thị trường châu Á không phải điều dễ làm, cần phải cải tiến, phát triển hơn nữa.

Vậy nên, chúng tôi tiết kiệm tối đa thời gian. Những thứ làm cho cuộc sống trở nên phức tạp, tốn nhiều thời gian không phù hợp với gia đình tôi. Chúng tôi ngày càng đơn giản hóa nó để có thời gian cho công việc, đam mê, mục tiêu của mình.

Ví như gia đình tôi chọn ở cùng nơi, cùng địa điểm với công ty vì thấy không đủ thời gian di chuyển và thời gian đó có thể làm được nhiều việc khác.

Đó không chỉ là quan điểm sống, mà còn là mục tiêu đưa ra khi thách thức phía trước còn dài. Tôi cần có kế hoạch cụ thể và thiết kế những thứ xung quanh đơn giản nhất có thể để đạt được mục tiêu.

img
img

Nhưng những “cậu ấm, cô chiêu” thường sắm cho mình dàn siêu xe để khẳng định đẳng cấp?

Tôi chưa có thời gian để chăm sóc dàn siêu xe. Thời gian đó tôi dành để chăm sóc, phát triển nhân viên của mình, để nhìn thấy quy trình và sự phát triển của Tân Hiệp Phát.

Tôi khá bất ngờ khi biết chị vẫn chưa lập gia đình. Phải chăng chị quá bận bịu với công việc?

Tôi nghĩ rằng gia đình là duyên số. Đối với tôi, ở thời điểm này tôi hiểu mình muốn gì và mục đích cuộc sống khá rõ ràng. Tôi mong có được một người bạn đời giống bố mẹ tôi, những người có thể chia sẻ với mình về tầm nhìn, về con đường mình đi phía trước...

img

Có thể hiểu người bạn đời của chị phải biết làm kinh doanh giống bố chị?

Tôi nghĩ đó là người có thể chia sẻ quan điểm sống, mục tiêu, tầm nhìn với tôi. Khi gặp được người như vậy, họ có là người làm kinh doanh hay không không còn quan trọng nữa.

Những lúc rảnh rỗi chị thường làm gì?

Hiện nay tôi đang “chơi” chứ không phải đang làm việc, nên tôi không cần nhiều thời gian rảnh rỗi lắm (Cười).

Khá bất ngờ khi biết mẹ chị là người kinh doanh bất động sản rất giỏi và tiền lãi dùng để làm từ thiện hết. Vì sao vậy?

Mẹ tôi là một người phụ nữ cho đi hạnh phúc, đó là cách mẹ tạo nên văn hóa trong gia đình. Bà luôn mong muốn các con sẽ nhìn thấy việc cho đi là hạnh phúc.

Quan điểm của bà là sống, là cống hiến tới hơi thở cuối cùng. Đó là cách mẹ tôi sống và giá trị tạo nên gia đình họ Trần, tạo nên Tân Hiệp Phát.

Xin cảm ơn chị!

img

Nội dung: Trần Giang

Ảnh:Lê Anh Tuấn

Video:Dân Việt Media

Thiết kế: Việt Anh

Kỹ thuật: Tuấn Anh

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem