Cô giáo sáng tác lịch sử Việt Nam thành thơ, học sinh phấn khích vì đọc thuộc vanh vách

Tào Nga Thứ tư, ngày 09/02/2022 13:00 PM (GMT+7)
Lịch sử vốn dĩ là môn học "đáng sợ" với nhiều học sinh bởi các dấu mốc lịch sử, con số cần phải nhớ, cô Hà đã quyết định viết sử thành thơ.
Bình luận 0

Cô giáo có thành tích đáng nể

Sinh ra và lớn lên ở vùng mỏ than Khánh Hòa, thuộc xã Phúc Hà, tỉnh Thái Nguyên, mẹ là giáo viên (đã nghỉ hưu từ năm 2002), bố là người tàn tật, điều kiện gia đình khó khăn nhưng bố mẹ luôn quan tâm, tạo điều kiện cho anh em cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (sinh năm 1985) học tập.

Sau khi học xong Trường THCS Phúc Hà, cô quyết tâm thi vào trường THPT Chuyên Thái Nguyên và tham gia học lớp chuyên Lịch sử đầu tiên của nhà trường. Với thành tích đạt 2 giải Quốc gia trong kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử, cô Hà đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cô giáo sáng tác lịch sử Việt Nam thành thơ, học sinh phấn khích vì đọc thuộc vanh vách - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà hiện là Tổ phó chuyên môn tổ Văn-Sử, Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. ẢNh: NVCC

Năm 2007, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội với bằng Khá, cô nhận công tác tại trường THPT Hoàng Quốc Việt. Đây là một trong những ngôi trường THPT xa nhất tỉnh Thái Nguyên, học sinh của trường khó khăn, chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp… Nhưng với lòng yêu nghề, tâm huyết với bộ môn Lịch sử, được sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, chính quyền địa phương, cô đã đem tất cả nhiệt huyết của mình để làm tốt công tác giáo dục tại mái trường này. Hiện cô là Tổ phó chuyên môn tổ Văn-Sử, Trường THPT Hoàng Quốc Việt, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Sau hơn 10 năm đứng bục giảng, cô giành cho mình các danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhận 12 bằng khen cấp tỉnh, Bộ, nhiều giấy khen của các cấp các ngành, nhiều lần đạt giải cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp Quốc gia trong cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp năm học 2016 - 2017.

Sở dĩ có những thành tích như vậy là vì cô Hà luôn truyền lửa cho học sinh yêu môn Lịch sử. "Tôi luôn chú trọng đến giáo dục truyền thống lịch sử của đất nước, của địa phương cho các em học sinh, đặc biệt bồi dưỡng cho các em lòng tự hào về truyền thống yêu nước và đấu tranh anh dũng của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai, xã Tràng Xá, về khu di tích lịch sử Rừng Khuôn Mánh - xã Tràng Xá, nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân II gắn với cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt…", cô Hà chia sẻ.

Cô Hà còn ôn luyện, hướng dẫn gần 60 lượt học sinh đạt giải cấp tỉnh. Đặc biệt, trong năm học 2014-2015, học sinh nhà trường đã đạt 2 giải Quốc gia trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn với chủ đề: "Làm thế nào để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc?".

Cô giáo sáng tác lịch sử Việt Nam thành thơ, học sinh phấn khích vì đọc thuộc vanh vách - Ảnh 2.

Cô Hà ôn tập cho học sinh môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Viết lịch sử Việt Nam thành thơ

Lịch sử vốn dĩ là môn học "đáng sợ" với nhiều học sinh bởi các dấu mốc lịch sử, con số cần phải nhớ, cô Hà đã quyết định viết Sử thành thơ. Cô cho biết: "Sở dĩ tôi quyết định sử dụng hình thức thơ để ôn tập Lịch sử cho học sinh là vì xuất phát từ tình yêu Lịch sử, mong muốn cho học sinh thêm yêu lịch sử dân tộc như Bác Hồ kính yêu từng căn dặn "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Hơn nữa, điều tôi trăn trở bao lâu nay đó là kết quả học tập và thi THPT Quốc gia môn Lịch sử của học sinh còn rất hạn chế. Phải làm thế nào để góp phần nâng cao chất lượng học tập môn học này hiệu quả nhất. Xuất phát từ thực tiễn dạy học Lịch sử hiện nay đang có một vấn đề đặt ra là nhiều học sinh ngại học, sợ thi Lịch sử.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là bản thân nội dung các sự kiện, hiện tượng lịch sử yêu cầu học sinh phải ghi nhớ, khắc sâu kiến thức. Trong khi việc biên soạn tài liệu học tập môn Lịch sử cho học sinh hiện nay cũng đặt ra một yêu cầu cấp thiết, đó là: Làm thế nào để có một cách thức tối ưu nhất truyền tải nội dung ôn tập cho học sinh, khắc phục tình trạng khô cứng, nặng nề của các sự kiện, hiện tượng lịch sử? Từ đó, thôi thúc tôi nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện cuốn sách ôn thi THPT Quốc gia cho học sinh môn Lịch sử qua hình thức thơ", cô Hà chia sẻ.

Vậy là cuốn sách "Các chuyên đề Lịch sử Việt Nam (1858 - 2000) ôn thi THPT Quốc gia qua hình thức thơ – trắc nghiệm – từ khóa" của cô Hà chính thức ra mắt.

img
img
img
img
img

Cuốn sách lịch sử bằng thơ của cô Hà. Ảnh: NVCC

Theo cô Hà, cô trăn trở với kết quả học tập và thi THPT Quốc gia môn Lịch sử của học sinh từ rất lâu nhưng cho đến trước năm 2020, cô chưa hề nghĩ mình có thể biên soạn được cuốn sách. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 thì niềm trăn trở với những khó khăn của các học sinh càng lớn vì việc học tập và ôn thi theo hình thức trực tiếp của các em học sinh bị gián đoạn. Từ đó cô đã chắp bút thực hiện những vần thơ đầu tiên từ ngày 4-6/4/2020.

Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, cô Hà được các thầy cô, học sinh yêu thích, động viên, chia sẻ, coi là tài liệu dạy và học quý giá. Từ đó đã tạo động lực thôi thúc cô tiếp tục viết tiếp và hoàn thành cuốn sách. Sau hơn 1 năm phát hành, 800 cuốn sách của cô đã có mặt trên hầu khắp cáca tỉnh thành và nhận được những phản hồi tích cực.

"Tôi phải sắp xếp thời gian để vừa biên soạn sách vừa dạy học. Nhiều lúc làm trên điện thoại, chế độ mình tôi rồi khi có điều kiện copy lại trên máy tính. Gian gác xép nhỏ ở nội trú trường THPT Hoàng Quốc Việt đã chứng kiến những chuỗi ngày làm việc nghiêm túc của tôi, không kể đêm khuya hay sáng sớm, những đứa con tinh thần đã lần lượt chào đời", cô Hà thổ lộ.

Chia sẻ thêm về đề thi tốt nghiệp THPT những năm qua, cô Hà cho biết đã có sự thay đổi cơ bản theo hướng tăng số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, giảm câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên, so với hai môn học còn lại trong tổ hợp Khoa học xã hội là Địa lí và GDCD thì cách thức ra đề như hiện nay vẫn khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập và ôn thi môn Lịch sử. Bởi lẽ, nội dung kiến thức lịch sử yêu cầu học sinh phải ghi nhớ nhiều, khi vào phòng thi học sinh không được sử dụng Atlat như môn Địa lý. Theo cô Hà nên chăng đề có thể ra thêm một số câu hỏi cho thông tin tư liệu, rồi yêu cầu học sinh khai thác trả lời câu hỏi…

Chính vì vậy, cô Hà tư vấn: "Để các bạn học sinh học và thi Lịch sử đạt điểm tốt cần có sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau, nhưng trước hết phải làm cho các em yêu thích môn học này, nội dung kiến thức ôn thi được chắt lọc ngắn gọn, căn bản, có sức hút cho các em học sinh, kết hợp học với hành, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm bám sát theo các mức độ và cấu trúc đề thi của Bộ GDĐT".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem