Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cô giáo Hà Ánh Phượng (29 tuổi) là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 10 giáo viên toàn cầu năm 2020. Bật khóc trước thành quả chính từ sự cố gắng, nỗ lực bản thân, cô Phượng vẫn khát khao trở thành nguồn cảm hứng cho học sinh.
Ngày 11/11, cô Hà Ánh Phượng (trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) là giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt vào top 10, cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foudation) lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc.
Trước đó, cô đã lọt vào top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 (giải thưởng được ví như "Giải Nobel dành cho giáo dục"). Cô được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi thư khen ngợi ngay sau đó. Thành tích này của Phượng đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ trên hành trình khẳng định bản thân, cống hiến cho cộng đồng.
Phượng luôn cho người đối diện cảm giác rằng cô hiểu rõ mục tiêu của mình trong cuộc sống. Cô có hoài bão, khát khao được vươn tay ra chinh phục thế giới và cô cũng truyền cảm hứng để các em học sinh của mình cùng thực hiện ước mơ đó.
Tại một trường phổ thông ở miền núi Phú Thọ quê hương mình, cô Hà Ánh Phượng đã sáng tạo nên một mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế, đưa học học sinh dân tộc thiểu số kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu.
Không chỉ dạy học tại trường, để giúp đỡ cộng đồng, Phượng cùng một nhóm giáo viên chuyên môn tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em ở nhiều quốc gia. Vào sáng chủ nhật hàng tuần, cô cùng một giáo viên Ấn Độ chia nhau ra dạy cho trẻ em ở các khu ổ chuột tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, để lan tỏa văn hóa Việt Nam, cô giáo trẻ này cũng dành thời gian dạy văn hóa Việt Nam cho trẻ em gốc Việt ở California (Mỹ).
"Khi thấy Việt Nam sánh vai cùng các nền giáo dục phát triển khác như Mỹ, Anh, Canada… tôi cảm thấy việc làm của mình trở nên rất ý nghĩa" - cô giáo Hà Ánh Phượng.
Phượng kể rằng khi được vinh danh là giáo viên toàn cầu 2020, cô rất bất ngờ và hạnh phúc, nhưng trên hết là sự tự hào vì đây còn là niềm vui của ngành giáo dục tỉnh nhà và trên cả đất nước Việt Nam.
Không hạnh phúc sao được bởi giải của Quỹ Varkey là một giải thưởng rất danh giá, quy tụ rất nhiều các giáo viên giỏi trên toàn thế giới. Có 178 quốc gia tham gia và hiện tại có 10 giáo viên được vinh danh. Đại diện cho Việt Nam chỉ có mình cô Phượng.
Trong quá trình giảng dạy tại "trường làng", điều gì làm cho Phượng trăn trở nhất và muốn thay đổi?
- Ngay trong quá trình học thạc sỹ tại Hà Nội tôi đã tham gia công tác giảng dạy. Tuy nhiên khi trở về trường ở quê nhà thì việc dạy học lại mang lại cho tôi một cảm giác hoàn toàn khác. Ở Hà Nội dạy các bạn sinh viên ở trung tâm thì các bạn rất tích cực, tuy nhiên dạy các bạn học sinh cấp 3 hoàn toàn khác.
Thực tế có nhiều học sinh không biết cách tra từ điển, chưa bao giờ nói chuyện, tiếp xúc với người nước ngoài. Anh ngữ là sinh ngữ, nếu muốn học tiếng Anh thì buộc phải "đắm mình" trong môi trường tiếng Anh.
Chính vì vậy, tôi luôn trăn trở để làm sao cho các em có được môi trường tiếng Anh thực sự. Tôi đã ứng dụng sức mạnh công nghệ để tham gia vào cộng đồng giáo viên toàn cầu của tập đoàn Microsoft kiểm soát. Điều kiện khá khắt khe để có thể tham gia được cộng đồng này. Chính vì vậy tôi biết được các thầy cô giáo này tới từ đâu, giảng dạy tại trường nào để kiểm soát được chất lượng.
Sau khi áp dụng mô hình lớp học xuyên biên giới, học sinh của tôi không chỉ được tiếp xúc với giáo viên người nước ngoài mà còn được nói chuyện với các bạn cùng trang lứa trên thế giới. Tâm lý học sinh mới lớn được gặp gỡ, mở rộng quan hệ thì rất thích thú, tự add facebook, email của nhau để giao lưu. Bản thân mỗi học sinh cũng nhận ra rằng việc học tiếng Anh là cần thiết, tự hình thành đam mê và cởi bỏ được tâm lý tự ti.
Không ít giáo viên vẫn còn đi theo lối mòn, nhưng chị lại đi theo hướng giảng dạy rất hiện đại, chị lựa chọn hướng đi đó như thế nào?
- Theo quan điểm của tôi, công nghệ là một nhân tố bắt buộc trong mọi ngành nghề. Khi tham gia cộng đồng giáo viên toàn cầu, tôi thấy rằng các thầy cô trên thế giới đang sử dụng công nghệ như vậy, nếu mình không áp dụng thì sẽ tụt hậu.
Sau khi kết nối tôi được biết thậm chỉ cả giáo viên mầm non trên thế giới họ cũng áp dụng công nghệ vào giảng dạy, huống chi mình là giáo viên cấp 3 mà lại không làm được điều đó. Việt Nam lại là một nước có sự phát triển về công nghệ thông tin với tốc độ vũ bão, số lượng điện thoại thông minh tăng một cách chóng mặt.
Sau khi áp dụng công nghệ như máy chiếu, các phần mềm như zoom, skype vào giảng dạy, tôi cố gắng lan tỏa hết mức có thể điều này bằng các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm cho giáo viên tỉnh nhà và các tỉnh thành khác. Ban đầu thì nhiều người ái ngại với tâm lý: "Ôi rồi ôi, cứ bày ra mất thời gian", nhưng sau dần dần các thầy cô nhìn thấy hiệu quả thì rất thích thú. Đơn cử như việc áp dụng công nghệ thông tin để chấm bài của học sinh khiến cho thao tác chấm bài vừa nhanh lại chính xác cao, ít khi bị nhầm. Học sinh cảm thấy hào hứng với bài học hơn thì giáo viên cũng "say" với bài giảng hơn và tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng.
Giải thưởng đem lại động lực cho chị như thế nào để tiếp tục đưa các em đến với thế giới rộng mở?
- Là một giáo viên, tập trung nhiều cho chuyên môn là giảng dạy nên ban đầu bản thân tôi cảm thấy hơi ngợp trước việc nổi tiếng quá nhanh. Phải mất khoảng 1, 2 tuần thì tôi mới lấy lại được thăng bằng và quay trở lại nhịp sống bình thường.
Tuy vẫn vui với giải thưởng tuy nhiên công việc chính của tôi là một cô giáo, vì vậy mục tiêu hàng ngày của tôi vẫn là mang lại kiến thức, niềm vui cho học sinh cũng như tiếp tục bước tiếp trên con đường mà mình đã lựa chọn.
Tôi luôn tâm niệm rằng đó chỉ là một danh hiệu đơn thuần. Điều quan trọng nhất vẫn là những người xung quanh, học sinh nhìn nhận như thế nào về khả năng của mình. Đối với tôi danh hiệu này chỉ là một dấu mốc trong hành trình của riêng tôi.
Là cô giáo trẻ giảng dạy tại một huyện miền núi tỉnh Phú Thọ, chắc hẳn công việc sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng chị vẫn toát lên trọn vẹn niềm say mê với nghề. Do đâu mà chị có sự say mê ấy?
- Tôi sinh ra tại một xã miền núi đặc biệt khó khăn với đa phần là người dân tộc của tỉnh Phú Thọ. Như bao trẻ em khác tại đây, tuổi thơ của tôi gắn liền với đồi chè, cánh đồng.
Tuy nhiên may mắn của tôi đó là được sống ngay đối diện một ngôi trường tiểu học. Được tiếp xúc với môi trường giáo dục ngay từ rất nhỏ, nên đã ảnh hưởng tới việc chọn lựa nghề nghiệp của tôi khá nhiều. Chỉ cần hình ảnh các anh chị cầm cặp sách tới trường cũng làm tôi thích thú với môi trường giáo dục.
Là học sinh miền núi, thì cơ sở vật chất và điều kiện học tập của chúng tôi không thể nào tốt như các bạn miền xuôi được. Tuy nhiên, bù lại thì bản thân tôi lại có một tinh thần tự học rất cao, ngay từ khi học lớp 1, tôi đã thức tới 10h đêm để học bài cho dù bố mẹ nhắc nhở đi ngủ.
Để có được tinh thần tự học và tập trung hoàn toàn tâm lực cho việc học tập, rèn luyện thì tình yêu thương của bố mẹ dành cho tôi là không thể nào đong đếm được. Ngày xưa rất hiếm sách tham khảo, nhưng bố mẹ tôi phải đi tới cả 20, 30km chỉ để mua sách cho tôi học.
Tôi thích làm cô giáo từ bé, thích cảm giác được cầm phấn viết lên bảng đen giả vờ giảng dạy như giáo viên đứng lớp. Vì thế nên bố tôi đã "mạnh dạn" chặt một cây mít làm một chiếc bảng đen thực sự cho tôi sử dụng.
Chính cách học cầm phấn viết lên bảng đen lại vô cùng hiệu quả, thay vì dùng giấy thì tôi lại vừa nói vừa viết lên bảng. Có lẽ điều đó cũng một phần giúp cho việc học tập và kể cả quá trình giảng dạy sau này của tôi trở nên vô cùng tự nhiên, thuận lợi.
Điều kiện lúc ấy khó khăn như vậy, vì sao Phượng lại có quyết tâm học ngoại ngữ và trở thành một giáo viên Tiếng Anh giỏi như hiện tại?
- Khao khát được chinh phục thế giới chính là lý do vì sao tôi quyết tâm học ngoại ngữ. Tôi đọc sách rất nhiều, đặc biệt khi đọc những cuốn truyện như Harry Potter hoặc tìm kiếm tài liệu ngay cả bằng tiếng Việt thì rất khan hiếm. Nên tôi tự hỏi tại sao không cố gắng học ngoại ngữ, học tiếng Anh để tiếp cận được với kho tàng kiến thức vô cùng rộng lớn ngoài kia.
Năm lớp 6 tôi bắt đầu được học môn tiếng Anh, thầy giáo dạy tôi thực sự rất tuyệt vời khi cung cấp cho chúng tôi nhiều tài liệu tiếng Anh. Tuy nhiên hồi ấy tôi rất tức khi không thể hiểu được những cuốn sách tiếng Anh ấy muốn nói gì dù cách trình bày, hình minh họa rất hấp dẫn. Tôi xác định học ngoại ngữ ngay từ năm lớp 7 vì muốn tìm hiểu và bước ra thế giới.
Được biết chị đã từng làm việc ở Hà Nội rồi, nhưng tại sao chị vẫn chọn về quê dạy học?
- Khi còn là sinh viên của trường Đại học Hà Nội, tôi tham gia cộng tác phiên dịch tiếng Anh cho khá nhiều công ty nước ngoài. Vì kiến thức nền về y tế của tôi khá tốt nên được một công ty dược của Pakistan đặt vấn đề làm giám đốc đại diện cho văn phòng của họ tại Việt Nam, tuy nhiên tôi đã từ chối.
Với mức lương dành cho một cô sinh viên chưa ra trường lên tới cả nghìn đô, thực sự tôi cũng choáng ngợp. Tuy nhiên bố mẹ tôi khuyên rằng con hãy chọn một ngành nghề mà mình thực sự cảm thấy yêu thích và có thể gắn bó cả cuộc đời này. Tôi luôn tâm niệm rằng nếu làm việc gì mình đam mê, thì mỗi ngày đi làm luôn là một ngày hạnh phúc. Vì vậy, tôi đã quyết tâm trở thành cô giáo như ước mơ từ bé.
Chị có bao giờ tiếc nuối vì lựa chọn của mình không?
- Tôi không có một phút giây nào hối tiếc với quyết định của mình. Công việc nào cũng có khó khăn riêng, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều niềm vui. Môi trường giáo dục là một môi trường tuyệt vời đối với tôi, luôn giúp tôi cảm thấy tươi trẻ, đặc biệt khi làm giáo viên, tôi luôn cảm thấy bình an trong tâm hồn. Thu nhập cao dĩ nhiên là tốt, nhưng với tôi tiền bạc không phải là mục tiêu sống quan trọng nhất.
Hiện tại, nghề giáo viên được coi là nghề có nhiều áp lực, trong khi thu nhập không cao trong xã hội. Cũng vì thế mà nhiều bạn trẻ đã chùn bước, thậm chí từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng. Chị có chia sẻ gì về điều này?
- Với tôi thì công việc nào cũng có khó khăn của nó, không thể chỉ trải đầy hoa hồng. Việc trở thành giáo viên là một sự may mắn rất lớn, nhiều người cho rằng tôi "hâm" khi bỏ nhiều cơ hội việc làm tốt để trở thành một cô giáo trường làng. Tuy nhiên những việc mà tôi đang làm, những giá trị mà tôi đang tạo ra lớn hơn rất nhiều những giá trị mà tiền bạc mang lại.
Xin cảm ơn chị và chúc chị luôn thành công với con đường mình đã chọn!
Varkey Foundation là một quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn, được hình thành năm 2010 bởi doanh nhân Ấn Độ Sunny Varkey. Quỹ tập trung vào việc nâng cao năng lực giáo viên toàn cầu bằng cách đào tạo hàng chục nghìn giáo viên và hiệu trưởng ở các nước đang phát triển; cung cấp khả năng tiếp cận giáo dục thông qua nhiều chương trình và dự án; ủng hộ các nghiên cứu có thể giúp phát triển các chính sách giáo dục trên toàn thế giới.
Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 là 30.000, năm nay là 12.000). Từ top 10, một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD.
Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (tiếng Anh: Global Teacher Prize) là một giải thưởng thường niên của tổ chức Varkey Foundation để dành cho một giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề giáo.
Thực hiện: Việt Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.