Nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ". Media: Nhóm PV MĐT41.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 1.

Sau vài cuộc điện thoại, tôi lại có cuộc hẹn với Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho để tiếp tục những câu chuyện về người nhạc sĩ quân đội đã một đời “phiêu” với hành trình đầy gian khổ của dân tộc để có những sáng tác đi cùng với năm tháng. Sinh năm 1933, nếu tính theo tuổi ta, nhạc sĩ Doãn Nho sắp bước sang tuổi 93. Nhưng ông vẫn mẫn tiệp, tinh anh đến lạ thường. Ông vẫn giữ thói quen đọc báo, xem tin tức hằng ngày. Dù tự nhận mình đã lúc nhớ lúc quên, nhưng khi kể lại những câu chuyện từ thời còn là lính binh nhất, binh nhì, từng chi tiết vẫn hiện lên sống động trong tâm trí của người nhạc sĩ quân đội chỉ như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

Tóc đã bạc trắng, da cũng đã có phần nhăn nheo do tuổi tác và bị nặng một bên tai nhưng những bước chân của ông vẫn còn đầy nhanh nhẹn giống như bị thời gian bỏ quên. Thậm chí, khi thời tiết còn nắng nóng, ông vẫn có thể xuống nước bơi lội. Bí quyết duy trì sức khỏe của ông nằm ở việc duy trì chế độ sinh hoạt, tập luyện nghỉ ngơi đầy đủ, khoa học. Ông ăn chay và tập luyện dưỡng sinh tâm thể để rèn luyện cả thân lành và tâm lành.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 2.

Ở tuổi 92, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn sung sức lạ thường. Một ngày của ông vẫn sáng tác và nghiên cứu âm nhạc. Ảnh: Phạm Thứ.

Ngoài ra, nhạc sĩ Doãn Nho luôn giữ tâm hồn mình được tươi trẻ, lạc quan và yêu đời. Lần nào gặp, tôi cũng được ông hào phóng đàn và hát tặng những ca khúc bất hủ do chính ông sáng tác. Nhiều lần trả lời phỏng vấn về cảm xúc khi nhắc lại sự kiện nào đó, nhạc sĩ Doãn Nho thường “xin phép cho tôi được bày tỏ bằng cách hát”. Ông hát những ca khúc do chính mình sáng tác, bởi đó chính là “nhật ký” chân thực nhất về cảm xúc của ông về sự kiện đó. Ông bảo cuộc đời ông đã đi qua 2 hai cuộc kháng chiến với hai đế quốc hùng mạnh bậc nhất, có những cuộc trường chinh, những lần “vào sinh ra tử” nơi chiến trường ác liệt nên còn sống và được cống hiến là điều may mắn. Bởi vậy, lúc nào trái tim của ông cũng tràn đầy nhiệt huyết.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 3.

92 tuổi, nhạc sĩ Doãn Nho tự lên thời gian biểu, tự sắp xếp lịch trình làm việc cho mỗi ngày. Trên bàn làm việc nhiều sách báo và những bản thảo âm nhạc, có một cuốn sổ nhỏ ông ghi chép cẩn thận về việc ông sẽ gặp ai ngày nào, lúc mấy giờ và nội dung cuộc gặp. Nếu không gặp gỡ ai để trả lời phỏng vấn hoặc ghi hình thì ông vẫn sáng tác và nghiên cứu âm nhạc.

“Tôi vừa mới hoàn thành một ca khúc tên là “Thằng bờm”. Một bài hát rất vui dành cho các cháu thiếu nhi. Còn về nghiên cứu, hiện nay tôi cũng đang đọc một công trình nghiên cứu rất công phu về âm nhạc dân gian Việt Nam. Ở tuổi này, tất nhiên so với trước đây thì số giờ làm việc của tôi đã ít hơn. Trước đây, tôi còn có thể thức đêm, thậm chí không ngủ để làm việc. Nhưng giờ thì không thể như thế nữa. Phải giữ sức khỏe để tuổi thọ được kéo dài bởi có rất nhiều việc mà tôi vẫn còn muốn thực hiện”, ông chia sẻ.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 4.

2024 là năm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024). Với Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho, ông cũng có 70 năm đứng trong hàng ngũ quân đội. Nếu tính từ thời điểm tham gia giao liên, bảo vệ cơ sở cách mạng từ khi 10 tuổi thì ông tròn 80 năm “Tiến bước dưới quân kỳ”.

Ông sinh ra tại làng Cót, xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm (nay là phố Hạ Yên Quyết thuộc Cầu Giấy, Hà Nội). Lớn lên trong vận nước rối ren, gia đình lại là cơ sở hoạt động cách mạng của Mặt trận Việt Minh tại ngoại thành do đồng chí Vũ Oanh chủ trì. Tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng đã thấm nhuần trong chú bé Doãn Nho ngay từ khi còn nhỏ tuổi.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 5.

Hơn 10 tuổi, ông làm liên lạc cho các chiến sĩ Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và tuyên truyền các bài hát cách mạng cho các bạn cùng trang lứa. 17 tuổi, cũng như bao thanh niên thời ấy, chàng thanh niên Doãn Nho phải khai gian lên một tuổi để được nhập ngũ và trở thành học viên khóa 6 Trường Sĩ quan Lục Quân 1. Cũng từ đây, nhạc sĩ Doãn Nho bắt đầu cuộc đời binh nghiệp và cho ra đời những ca khúc bất hủ, đi cùng với lịch sử hào hùng của dân tộc và sự phát triển của QĐND Việt Nam.

Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của mình trong chiều dài lịch sử 80 của QĐND Việt Nam, nhạc sĩ Doãn Nho cảm thấy vinh dự và tự hào khi được là một người lính bộ đội Cụ Hồ. Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời trải qua đầy gian khổ, mất mát và hy sinh nhưng vẫn kiên cường, bất khuất, chưa bao giờ khuất phục trước kẻ thù đã khơi dậy trong ông những cảm xúc mãnh liệt, cho ông niềm cảm hứng và những chất liệu không thể chân thực hơn để sáng tác.

Các sáng tác về đề tài người lính cũng như một cách để ông trả ơn cho quân đội, trả ơn cho những ngày tháng ông được khoác lên mình màu áo xanh, trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Ông trả ơn bởi quân đội đã tạo điều kiện để ông được phát huy tài năng của mình; từ việc được gia nhập Đoàn Văn công Tổng chính trị đến việc được cử đi học, đào tạo tại Liên Xô.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 6.

“Thế hệ chúng tôi bộ đội chủ yếu từ làng ra đi và được mang tên rất thân thương là Bộ đội Cụ Hồ. Bởi vì chúng tôi được Đảng, được Bác Hồ giáo dục để trở thành những người lính không quản hy sinh, luôn vì nhân dân. Chúng tôi sống cùng nhân dân, tới đâu cũng bà con nhân dân coi như người thân trong nhà. Bộ đội Cụ Hồ với người dân giống như là một. 

Với cá nhân tôi cũng vậy. Có được Doãn Nho của ngày hôm nay là nhờ Đảng, Bác Hồ, nhờ quân đội và Tổng cục Chính trị đã rèn luyện, giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng. Đó là may mắn của cuộc đời tôi và tôi chỉ biết hoàn thành tất cả nhiệm vụ mà mình được giao”, nhạc sĩ Doãn Nho bộc bạch.

Các sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho đa phần đều có tính thời sự, mang hơi thở của cuộc sống nơi chiến trường bấy giờ. Từ một chàng lính binh nhì mới nhập ngũ, hằng đêm trùm chăn khóc vì nhớ mẹ và vì cảm động trước tình cảm của những bà mẹ gần thao trường hằng ngày đem nước tới cho bộ đội mà ông sáng tác "Bà mẹ nuôi": “...Mẹ già mang đến bên là bên ấm nước/ Với dăm là dăm cái bát với một nụ cười…”. Hay để cổ vũ phong trào tăng gia sản xuất của đại đội mà ông sáng tác bài "Đào than": “Đào mau mau, đào tới tấp/ Dùng sức hất nhanh luôn tay/ Nào anh em, cùng cố gắng/ Trường sẽ ghi công C ta nhất trong trung đoàn…” khiến những chiến sĩ thời đó thích thú, say sưa hát.

Nhạc sĩ Doãn Nho chơi đàn piano ca khúc "Tiến bước dưới quân kỳ". Video: Phạm Thứ. 

Năm 1958, từ những cảm xúc “Bước từng bậc/ Nhớ từng người/ Lòng đau đớn/ Uất ức căm hờn” khi thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ - nơi mà không ít đồng đội của ông ngã xuống mà ông viết nên những ca từ đầy hào hùng “Tiến bước dưới quân kỳ”. Bài hát hiện đã trở thành 1 trong 10 bài hát truyền thống của QĐND Việt Nam.

Đến năm 1971, khi đọc bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” của nhà thơ Hữu Thỉnh trên báo Nhân Dân, ông thấy đây là một bài thơ đã toát lên tình đồng đội mà ông ấp ủ từ lâu và ngay sau đó, nhạc sĩ Doãn Nho đã phổ nhạc bài thơ đó. Hiện nay, đây cũng là một ca khúc được yêu mến và đón nhận bởi mọi thế hệ.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 7.

Năm 1972, tại Ngã ba Đồng Lộc - nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh, ông đứng nơi ngọn đồi mà người con gái anh hùng La Thị Tám - người con gái đếm bom rơi và viết ca khúc “Người con gái sông La”. Ca khúc đã một thời lay động tuổi trẻ dấn thân cho độc lập, tự do của dân tộc. “Người con gái” trong tác phẩm lần đầu nghe ca khúc về chính mình đã rơi nước mắt. Nhưng phải đến hơn 30 năm sau nhạc sĩ Doãn Nho và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám mới có dịp được gặp nhau. Đó là năm 2003, ông được mời vào Hà Tĩnh tham gia chương trình âm nhạc và nhân đó, ông đã tới thăm nhà bà La Thị Tám. Ông nhớ lại ngày hôm ấy, họ cùng nhau trò chuyện vui vẻ và cùng nhau hát; anh hùng La Thị Tám dù đã được báo trước nhưng vẫn rất xúc động và có những lúc không thể nào nói thành lời.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, những tác phẩm của ông giống như lịch sử quân đội được kể bằng âm nhạc. Người lính trong âm nhạc của nhạc sĩ Doãn Nho rất đa dạng. Từ hình ảnh người lính quả cảm trong chiến đấu đến hình ảnh người lính đời thường rất dí dỏm, hài hước và trong tình yêu, tình bạn, những người lính lại hiện lên rất chân thành…

Có lẽ cũng hiếm người nhạc sĩ nào có được một sự nghiệp “3 trong 1” giống như Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho. Ông là một Đại tá, nhạc sĩ quân đội, vừa sáng tác cả thanh nhạc (nhạc có lời) và khí nhạc (nhạc không lời); đồng thời, vừa là một người nghiên cứu về âm nhạc. Ông từng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky (Liên Xô). Luận án của ông có tên là “Tư duy đơn âm, tư duy đa âm: Bản chất ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hiện đại” và công trình này hiện đang được sử dụng để giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 8.

Ngoài những sáng tác thanh nhạc kể trên, ông còn viết thanh xướng kịch "Trẩy hội đền Hùng", một số tác phẩm khí nhạc như Thơ giao hưởng số 1 "Tháng Tám lịch sử", "Khúc tưởng niệm" cho soprano và dàn nhạc, "Concertino" cung la thứ cho violon và dàn nhạc, Liên khúc giao hưởng ba chương "Chiến thắng", Thơ giao hưởng số 2 "Thánh Gióng", Thanh xướng kịch "Hoa Lư - Thăng Long" (chương 1), nhạc cho vở ba lê "Một thời và mãi mãi"…

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 9.

Cũng đã ba năm từ ngày căn nhà của nhạc sĩ Doãn Nho thiếu vắng đôi bàn tay của người bạn đời, người đồng đội, đồng chí của ông - Thiếu tá, ca sĩ Nguyệt Ánh. Trong những bức ảnh được treo tại nhà ông, hầu đều đều là những bức ảnh có mặt cả hai vợ chồng. Mới đây, các con cũng tặng ông một bức tranh treo tường rất đặc biệt. Đó là bức tranh vẽ hai vợ chồng ông trong quân phục rất trang nghiêm và chào điều lệnh trong chương trình âm nhạc “Dưới lá quân kỳ” khi cả hai cùng dắt tay nhau lên sân khấu hát vang bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ” cùng những nghệ sĩ biểu diễn vào năm 2019.

Hai người là đồng nghiệp, đồng đội tại Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Bấy giờ chàng trai trẻ Doãn Nho được nhiều cô gái ngưỡng mộ, còn nàng ca sĩ trẻ Nguyệt Ánh cũng được nhiều người thầm thương trộm nhớ. Nhưng họ đã lựa chọn nhau và trở thành bạn đời. Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cho biết, bà Nguyệt Ánh sau này tự hào kể lại rằng mình có con mắt tinh đời, vì ngày ấy dám lựa chọn anh chàng vừa gầy vừa đen, còn rất xa mới được gọi là “đẹp mã”.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 10.

Nhạc sĩ Doãn Nho và ca sĩ Nguyệt Ánh ở chiến trường Tây Nguyên năm 1966. Ảnh tư liệu.

Nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại, trong quãng thời gian cả hai vợ chồng ở chiến trường. Trên đường hành quân dọc Trường Sơn để vào chiến trường Tây Nguyên, họ đã nắm tay nhau qua những con đường cheo leo, vượt núi, băng rừng, đối mặt với nhiều hiểm nguy, thử thách. Mỗi bước chân là một lần đối diện với tử thần – không phải vì bom đạn và chất độc hóa học, thì cũng vì đói khát, bệnh tật hay những cơn sốt rét ác tính rình rập. Nhạc sĩ Doãn Nho đã không thoát khỏi cơn sốt rừng quái ác, trong khi người vợ nhỏ bé, tưởng chừng yếu đuối, lại trở thành người chăm sóc, đút cho ông ăn từng thìa cháo.

Rồi một kỷ niệm tại chiến trường không thể quên khác. Trong một lần bà Nguyệt Ánh ở lại cùng đoàn văn công biểu diễn tại Tây Nguyên, còn nhạc sĩ Doãn Nho cùng đoàn vận tải vượt sông Pa Kô sang đất Campuchia thì bất ngờ bị B52 rải thảm. Tin dữ được báo về rằng nhạc sĩ Doãn Nho đã hy sinh, nhưng cả đội giấu không cho bà Ánh biết. Một tháng sau, khi bà đang giặt đồ dưới suối, một cậu lính chạy đến báo tin ông Nho trở về, khiến mọi người vỡ òa. Hóa ra, nhờ nán lại trò chuyện với bạn cũ, ông may mắn thoát nạn, còn người hy sinh là một đồng đội trùng tên. Lúc ấy, bà Ánh mới được kể lại câu chuyện và òa lên khóc khi biết cả đội giấu mình, chuẩn bị làm lễ truy điệu cho chồng.

Cũng dọc con đường Trường Sơn vào Tây Nguyên đó, ca sĩ Nguyệt Ánh mang thai và hạ sinh người con Doãn Trường Nguyên (Nhạc sĩ Doãn Nguyên là con thứ 2 của nhạc sĩ Doãn Nho - cái tên Doãn Trường Nguyên được đặt theo tên chiến trường mà cả bố mẹ đã trải qua). Mới đây, nhạc sĩ Doãn Nguyên cũng viết một ca khúc cảm động về tình yêu của bố mẹ trên con đường Trường Sơn và chiến trường Tây Nguyên, cũng là nơi anh được sinh ra nhân ngày tưởng nhớ 3 năm ca sĩ Nguyệt Ánh - phu nhân của nhạc sĩ Doãn Nho qua đời.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 11.

Đằng sau thành công trong cuộc đời binh nghiệp của nhạc sĩ Doãn Nho, ca sĩ Nguyệt Ánh có một vai trò vô cùng to lớn. Bà là hậu phương vững chắc để nhạc sĩ Doãn Nho yên tâm công tác, học tập tại Liên Xô, sau đó trở về Việt Nam lại xách ba lô tiếp tục vào chiến trường.

Theo tiết lộ của nhạc sĩ Minh Châu, khi bà Nguyệt Ánh biết mình bị bệnh hiểm nghèo, chỉ sống thêm được khoảng 5 - 6 năm nữa, bà đi tìm xem trong số những người bạn còn độc thân, có ai đáng để bà tin tưởng, gửi gắm chăm sóc cho nhạc sĩ Doãn Nho và những người con của ông bà.

Thế rồi điều kỳ diệu xảy đến, ca sĩ Nguyệt Ánh không những đã vượt qua được án tử “chỉ sống thêm được 5 - 6 năm” mà bà còn sống được tới hơn 20 năm nữa; tới năm 83 tuổi bà mới qua đời. Trong hành trình đó, nhạc sĩ Doãn Nho chính là người luôn kiên trì đồng hành bên vợ chống chọi lại bệnh tật, động viên bà bằng tất cả niềm tin và tình thương yêu. Câu chuyện cảm động mà bất cứ ai quen biết với gia đình nhạc sĩ Doãn Nho đều biết rất rõ.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho: 80 năm "Tiến bước dưới quân kỳ"- Ảnh 12.

 Nhận xét về âm nhạc Việt Nam đương đại, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, ông cảm thấy vẫn còn sự dang dở do chưa có một lý thuyết âm nhạc thể hiện một cách hệ thống tư duy âm nhạc của người Việt. Đó cũng là trăn trở của nhạc sĩ Doãn Nho đối với nền âm nhạc nước nhà.

“Giới trẻ hiện nay sinh hoạt âm nhạc qua các thể loại như pop, rap, rock... điều này tôi rất tôn trọng. Nhưng vấn đề ở chỗ, phải biến được thành rap của Việt Nam, rock của Việt Nam, pop của Việt Nam. Tôi theo dõi những tác phẩm âm nhạc của giới trẻ hiện nay có sự dung hợp của cả Tây, cả Việt... Thành ra, Việt không ra Việt, Tây không ra Tây... Những tác phẩm có được sắc thái Việt Nam một cách đậm đà không nhiều.

Trước đây, tôi sáng tác các bài “Đào than” và “Bà mẹ nuôi”, anh em nghe rất thích nhưng nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhận xét là bài "Đào than" thì Tây quá, còn "Bà mẹ nuôi" thì lại "Tàu quá". Những nhận xét khi ấy đã làm thay đổi hành trình âm nhạc của tôi. Từ ấy, các sáng tác của tôi đều dựa vào các chất liệu dân gian của Việt Nam”, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ. 

Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ, trong quãng thời gian này, ông vẫn đang bàn với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các chuyên gia làm thế nào để hoàn thiện được một hệ thống lý thuyết âm nhạc của riêng Việt Nam. 

Nhạc sĩ Doãn Nho thể hiện ca khúc "Người con gái sông La". Video: Phạm Thứ. 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem