Lạng Sơn: Chi Lăng phát huy giá trị của chứng tích lịch sử
Lạng Sơn: Chi Lăng phát huy giá trị của chứng tích lịch sử
Quang Sơn
Thứ tư, ngày 19/02/2025 11:23 AM (GMT+7)
Huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa vô cùng phong phú gắn liền với những chiến công hiển hách trong công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích được các cấp, ngành trên địa bàn huyện tập trung thực hiện gắn với phát triển du lịch.
Khu di tích Chi Lăng trải dài khoảng 15km dọc theo thung lũng sông Thương, bắt đầu từ địa phận Sông Hóa đến giáp xã Mai Sao (km 100 đến km 115 quốc lộ 1A). Nhiều di tích, nhân vật, sự kiện gắn với những truyền thuyết dân gian huyền bí, phong phú đa dạng đã được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương sưu tầm, biên soạn phổ biến qua các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Ngôi đền Quan trấn ải thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng là 1 trong 52 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Chi Lăng đã được xếp cấp Quốc gia năm 1962, và cũng là 1 trong 24 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Chi Lăng đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử Quán triều Nguyễn chép lại, tương truyền đền này thờ Mã Phục Ba Tướng quân. Ngôi đền nằm trên một địa thế gò đất đẹp, có quy mô 3 gian theo hình chữ "đinh", gồm tiền bái 3 gian và hậu cung 1 gian. Đền thờ những người lính trấn ải đã chiến đấu anh dũng bảo vệ cửa ải Quỷ Môn Quan, phá tan đội quân xâm lược nhà Tống và là nơi ghi dấu vua Lê Ðại Hành làm lễ tấn phong cho các nghĩa sĩ đã xả thân vì nước.
Sau này, đền thờ quan Thân Không Tướng Quân – Thân Quận Công đời thứ hai của dòng họ Nguyễn Ðức tại Quế Võ, Bắc Ninh. Người có công trấn giữ cửa ải và không ngại hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Khâm phục trước nghĩa khí của một vị tướng hiền tài, khí tiết, giỏi thao lược binh pháp, Vua Lê đã ban cho Ngài tiết Quận Công và lập đền thờ Ngài với tên gọi Đền Quan Trấn Ải. Đến nay, đền vẫn còn lưu giữ được 2 sắc phong của vua Duy Tân (năm thứ Ba 1909) và vua Khải Định (năm thứ Chín 1924) ban tặng.
Núi Mặt Quỷ nằm trên lưng chừng vách núi Cai Kinh dựng đứng cách cửa Ải Chi Lăng ngày nay chừng 100m, có một hình dáng khuôn mặt trông thấy giống mặt quỷ, vì vậy mà nơi đây có tên là Núi Mặt Quỷ.
Quần thể di tích Chi Lăng còn lưu giữ nhiều chứng tích ghi dấu nghĩa quân Lam Sơn trong trận chiến cách đây gần sáu thế kỷ. Đầm lầy dưới chân núi Mã Yên tương truyền là nơi tiêu diệt đội kỵ binh do Liễu Thăng trực tiếp chỉ huy. Hàng loạt địa danh như: Núi Ma Sẳn, Bãi Hào, lũy Cửa Dinh (Ngõ Thề), Nà Nông… từng là nơi mai phục, chặn đánh quân Minh.
Dân gian còn kể chuyện về nhiều di tích vốn là căn cứ của nghĩa quân và hậu cứ của các trận đánh như làng Đồn, Thành Kho, Đấu đong quân… khơi gợi mường tượng về nơi đóng quân, kho tàng chứa vũ khí, lương thực, cấp dưỡng nuôi quân đánh giặc. Một số điểm trong khu di tích: vực bơi, vực ải gốc lý, hòn đá mổ lợn (nơi mổ lợn khao quân) tương truyền là nơi sinh hoạt của nghĩa quân, đồi Ba Đăng là điểm nghĩa quân canh gác, quan sát địch...
Với sự trân trọng những giá trị của tiền nhân để lại, thời gian qua, huyện Chi Lăng đã tích cực thực hiện các giải pháp để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử này.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Các di tích lịch sử - văn hoá, di sản vật thể cả nước nói chung, Lạng Sơn nói riêng đều hàm chứa những giá trị tinh thần, di sản phi vật thể to lớn và sâu sắc, gắn kết với nhau. Với huyện Chi Lăng, ngoài đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch tâm linh, huyện đã và đang phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn xây dựng tuyến du lịch số 3 trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn, gồm các huyện: Bắc Sơn - Văn Quan - Chi Lăng - thành phố Lạng Sơn.
Trong đó, Chi Lăng có một số điểm tham quan tiềm năng là các di tích đã được các chuyên gia về công viên địa chất của UNESCO và của Việt Nam lựa chọn như: Hang Gió (xã Mai Sao); điểm "Sự sống cổ dưới đáy đại dương và xuất lộ nước" (xã Thượng Cường); đền Chầu Mười (xã Hòa Bình)… Việc chú trọng phát huy các giá trị di tích gắn với khai thác, phát triển du lịch đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách tới huyện.
Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chi Lăng, từ năm 2021 đến nay, các hoạt động tu bổ, bảo quản, phục hồi di tích trên địa bàn luôn được quan tâm đầu tư, tôn tạo và thực hiện tốt công tác bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh di tích.
Phối cảnh toàn bộ dự án Đền Chi Lăng.
Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch văn hoá, tâm linh trên địa bàn huyện phát triển.
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết: "Trong thời gian tới, Cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết số 51 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, nâng cao nhận thức việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn; phát huy vai trò của người dân và phối hợp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn".
Với những nỗ lực của các cấp, ngành liên quan và người dân, những năm qua, du lịch của huyện Chi Lăng đã có nhiều khởi sắc, minh chứng là lượng khách đến huyện ngày càng tăng. Trong năm 2024, số lượng khách du lịch đến với huyện Chi Lăng khoảng 556.000 lượt khách, tăng 155,4% so với năm 2023. Doanh thu du lịch đạt khoảng 98 tỷ đồng, tăng 170% so với năm 2023.
Tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về những dấu son hào hùng của dân tộc tại Ải Chi Lăng.
Di sản văn hóa là sản phẩm và chứng nhân lịch sử, với giá trị trước tiên là một nguồn sử liệu đích thực và chính xác hơn những gì được ghi chép trên giấy. Với nhiều tiềm năng và sự đầu tư phát triển đúng hướng, Khu di tích lịch sử Chi Lăng hứa hẹn sẽ trở thành một địa chỉ quan trọng và hấp dẫn để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, về sự dũng cảm, mưu trí của các thế hệ cha ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.