Đằng sau bức ảnh "sừng quỷ" nổi tiếng ở biển Qatar

Thứ tư, ngày 10/05/2023 19:52 PM (GMT+7)
Bức ảnh là sự kết hợp giữa nhật thực và hiệu ứng khúc xạ ánh sáng với bề mặt đại dương, bẻ cong ánh sáng của Mặt Trời.

Năm 2019, Elias Chasiotis từng chụp thành công một cảnh tượng đắt giá là “chiếc sừng quỷ” trên đại dương. Tấm ảnh gây ấn tượng bởi khoảnh khắc Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất một phần vào lúc bình minh, tạo ra hình ảnh Mặt Trời nhô lên khỏi mặt nước trông giống sừng quỷ. 

Đằng sau bức ảnh "sừng quỷ" nổi tiếng ở biển Qatar - Ảnh 1.

Bức ảnh do Elias Chasiotis chụp năm 2019 ở Qatar. Ảnh: Elias Chasiotis.

Vào thời điểm đó, tấm ảnh được lan truyền rộng khắp trên Internet vì chụp được một hiện tượng rất hiếm gặp ở tự nhiên - nhật thực kết hợp với hiệu ứng khúc xạ, làm uốn cong ánh sáng gần bề mặt đại dương. Bức ảnh được nhiếp ảnh gia chụp trong chuyến du lịch đến Al Wakrah, Qatar, ngày 26/12/2019.

Ông đã lên kế hoạch và đợi đúng thời điểm bình minh trên biển với hy vọng sẽ chụp được những hình ảnh ấn tượng về hiện tượng nhật thực cuối cùng của thập kỷ. “Tôi đã rất lo lắng vì bầu trời rất âm u và mây mù khắp nơi”, Chasiotis nói với NBC. May mắn là nhiếp ảnh gia vẫn đợi được khoảnh khắc lịch sử khi Mặt Trời màu đỏ ló dạng từ đường chân trời và dần nổi lên trên mặt biển.

Điều đáng kinh ngạc là Mặt Trời lại bị che khuất một phần bởi Mặt Trăng cắt qua trong quá trình nhật thực. Theo NASA, Mặt Trăng đã chặn cả hai mặt trên và dưới của Mặt Trời, chỉ để lộ hai phần nhọn, tạo ra hình ảnh như hai chiếc sừng trồi lên từ mặt biển. “Khi Mặt Trời mọc, nó bị Mặt Trăng che khuất và chia thành hai mảnh giống như chiếc sừng”, nhiếp ảnh gia Elias Chasiotis chia sẻ. Nhiếp ảnh gia còn kiên nhẫn đợi đến khi Mặt Trời mọc lên cao, xuất hiện hình lưỡi liềm đỏ độc đáo.

Đằng sau bức ảnh "sừng quỷ" nổi tiếng ở biển Qatar - Ảnh 2.

"Chiếc sừng" dần mọc lên từ đường chân trời. Ảnh: Elias Chasiotis.

Không chỉ vậy bức ảnh còn là sự kết hợp giữa nhật thực và hiệu ứng khúc xạ ánh sáng với bề mặt đại dương làm bẻ cong ánh sáng của Mặt Trời, tạo cảm giác “sừng quỷ” cách đường chân trời một khoảng.

"Đây là cảnh bình minh ngoạn mục nhất mà tôi từng thấy", Elias Chasiotis bật thốt. Với hình dạng chiếc sừng màu đỏ, bức ảnh của nhiếp ảnh gia được đặt tên là "evil sunrise" (bình minh ác quỷ).

Trên thực tế, đây là hiện tượng Fata Morgana, một dạng ảo ảnh khiến vật thể trông như nằm phía trên đường chân trời, có thể được nhìn thấy trên đất liền hoặc biển. Theo NASA, hiện tượng này xảy ra khi các tia sáng bị bẻ cong lúc chúng đi qua các lớp không khí với nhiệt độ khác nhau.

Theo Explorersweb, hiện tượng Fata Morgana được đặt theo tên phù thủy trong truyền thuyết Arthurian, chuyên tạo ra ảo ảnh về những hòn đảo không tồn tại lơ lửng trên trời để đánh lừa các thủy thủ.

Đằng sau bức ảnh "sừng quỷ" nổi tiếng ở biển Qatar - Ảnh 3.

Mặt Trời vẫn ở hình dạng lưỡi liềm khi đã rời khỏi đường chân trời. Ảnh: Elias Chasiotis.

Đây là dạng ảo ảnh hiếm gặp và phức tạp. David Braine, nhà khí tượng học của BBC giải thích hiện tượng này xảy ra do hiệu ứng nghịch nhiệt, nơi không khí lạnh gần mặt biển, ở trên lại có lớp không khí ấm hơn.

Đến khi Mặt Trời di chuyển khỏi đường chân trời, Elias Chasiotis cho biết ông vẫn nhìn thấy hình dạng lưỡi liềm của nó giữa bầu trời đầy mây mù. Vào thời điểm đó tấm ảnh "bình minh ác quỷ" đã được NASA bình chọn là "Bức ảnh thiên văn trong ngày".

PV (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem