Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thời gian qua, vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng, sông Đuống đoạn chảy qua địa phận Hà Nội xảy ra tràn lan. Hàng loạt nhà xưởng, kho bãi tập kết, nhà hàng ăn uống, nhà dân... mọc lên nhan nhản, đe dọa không gian thoát lũ, tính mạng người dân Thủ đô.
Những công trình nhân tạo đang tồn tại và vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật hiện hành như Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Đã đến lúc cần có một quy hoạch tổng thể về hàng lang thoát lũ sông Hồng đến cấp xã, phường trên địa bàn TP.Hà Nội. Cần có những giải pháp để bảo vệ, sử dụng hành lang thoát lũ sông Hồng hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất, thất thu thuế, phí; giúp bà con nông dân phát triển kinh tế - xã hội.
Trước thực trạng trên, Thường trực HĐND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-HĐND thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn toàn thành phố. Tháng 8 và 9/2024, Thường trực HĐND TP.Hà Nội đã làm việc với các đơn vị, địa phương nơi có các khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống.
Cũng theo Quyết định này, sau giám sát, Thường trực HĐND thành phố đề xuất các giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả trong công tác quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn, tuân thủ các quy định của pháp luật, các chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy.
Các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã phải sơ tán hơn 78.700 người tránh bão, lụt. Các chuyên gia nhận định, việc vi phạm hành lang thoát lũ khiến tình trạng bão lụt tại Hà Nội trở trên trầm trọng hơn bao giờ hết.
Đi dọc sông Hồng, sông Đuống, có thể thấy hàng loạt trạm trộn bê tông đến nhà xưởng rộng hàng nghìn mét, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, trông giữ hàng hóa rộng cả chục hec-ta vi phạm hành lang, không gian thoát lũ.
Khu vực còn được biết với tên là cảng Hà Nội. Hàng loạt nhà xưởng lớn nhỏ rộng hàng nghìn mét hoạt động ngày đêm, đe dọa hành lang thoát lũ của khu vực.
Hàng loạt nhà xưởng rộng hàng nghìn mét, thậm chí hàng chục nghìn mét nằm sát sông Đuống tại huyện Gia Lâm.
Công trình hoạt động ngày đêm ngay sát mép sông Đuống. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Dương Hà, huyện Gia Lâm lý giải công trình vi phạm hành lang thoát lũ thuộc địa bàn mình quản lý khó xử lý vì "trên bãi canh tác bên kia trên sông khó quản lý". Nhưng vị này cũng xác định, địa điểm xây dựng trạm trộn bê tông nằm ven sông và nằm trong quy hoạch cảng Giang Biên nên vi phạm các quy định về Luật đê điều.
Giữa trung tâm Hà Nội, một khu vui chơi giải trí được xây dựng trên diện tích rộng lớn thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, cách đó không xa là loạt nhà hàng cũng mọc lên. Vi phạm này còn nằm rải rác trên địa phận các huyện Đông Anh, Thường Tín...
Tại đây những khu nhà lợp tôn, nhà chòi ngắm cảnh, quán nước, cà phê được xây dựng kiên cố, thậm chí chủ đầu tư còn đóng cọc sắt, chằng buộc lưới B40 làm hàng rào sát mép nước sông Hồng.
Theo Kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội về việc Thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hàng chục vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP.Hà Nội. Khu vực quận Tây Hồ là "điểm nóng" để xảy ra tình trạng vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng.
Một khu đất trên tại ngách 76/54 phố An Dương thuộc địa phận phường Yên Phụ đã chiếm đất bãi sông. UBND quận Tây Hồ đã ra quyết định xử phạt đồng thời ra quyết định yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm. Tuy nhiên, theo ghi nhận, khu vực này vẫn hoạt động nuôi cá rầm rộ.
Uỷ Ban Nhân Dân quận Tây Hồ đã tổ chức ra quân xử lý vi phạm Luật Đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn quận. Bước đầu nhiều hành lang thoát lũ đã thông thoáng.
Trước đó, chiều 7/10, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP.Hà Nội làm việc với lãnh đạo quận Tây Hồ về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn xử lý các điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng lấn chiếm hành lang thoát lũ và bốc xúc, dọn chuyển đổ đất tôn nền khu vực bãi sông Hồng. Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đợt ra quân xử lý vi phạm Luật Đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn quận Tây Hồ sẽ được chia ra thành 3 giai đoạn. Thời gian thực hiện xong trước tháng 6/2025.
Trước đó, cuối tháng 5/2024, UBND quận Tây Hồ đã xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng trên đê, hành lang thoát lũ, một số đơn vị trên địa bàn quận có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng.
Trước đó, Thường trực HĐND TP.Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chịu sự giám sát, báo cáo với Đoàn giám sát phải làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật, trong đó tập trung các nội dung: Công tác triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống; công tác quản lý đê điều, đất đai, chống lấn chiếm, các hoạt động xây dựng khu vực ngoài đê; công tác rà soát các khu vực bến bãi đủ điều kiện hoạt động và phù hợp tiêu chí; công tác cấp phép các bến bãi và quản lý luồng tuyến; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trước đây, khu vực dưới chân cầu Long Biên thuộc địa phận quận Ba Đình là lều trại, lán tạm, chăn nuôi gia súc gia cầm, cây trồng tự phát nằm trên không gian hàng lang thoát lũ.
Từ tháng 5/2024, lực lượng chức năng đã có kế hoạch và thực hiện giải tỏa 100 lều lán tạm tại lòng sông này với diện tích là 10 hec-ta. Quận Ba Đình đã giao cho các đoàn thể của quận và phường thực hiện nội dung trồng hoa, vừa tạo không gian thoát xả lũ, vừa tạo cảnh quan thông sáng sạch đẹp, cải tạo môi trường sống cho người dân.
Với định hướng phát triển du lịch, tham quan tại đây, phường Phúc Xá cũng đang xây dựng kế hoạch để tạo nguồn lợi kinh tế bền vững mà đối tượng thụ hưởng chính là người dân sinh sống xung quanh khu vực này.
Sông Hồng chảy qua 17 quận, huyện, thị xã của Hà Nội, hình thành gần 38 km đê cấp đặc biệt và 125 km đê cấp I. Tuyến đê này có vai trò quan trọng trong việc chống lũ cho thành phố.
Sông Đuống là phân lưu của sông Hồng, dài 65 km, nối liền hai con sông lớn của miền Bắc là sông Hồng và sông Thái Bình. Điểm đầu tại nơi giáp ranh giữa xã Xuân Canh (địa phận huyện Đông Anh) và quận Long Biên. Điểm cuối tại xã Cao Đức (Bắc Ninh) để hợp lưu với sông Thương thành sông Thái Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.