Đằng sau những bức ảnh báo chí đẹp là sự dấn thân thầm lặng của những "thợ săn" đặc biệt
Đằng sau bức ảnh báo chí đẹp, lan toả là sự dấn thân thầm lặng của những "thợ săn" đặc biệt
Thứ sáu, ngày 21/06/2024 16:07 PM (GMT+7)
Phóng viên ảnh luôn là người có mặt trực tiếp tại hiện trường nhằm ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất của cuộc sống. Sự dấn thân của phóng viên ảnh chính là sự cống hiến của tuổi trẻ, khát vọng muốn chinh phục những khó khăn, đi tới những nơi hiểm nguy nhất để ghi lại khoảnh khắc giá trị nhất.
Trước đây, các cơ quan báo chí thường ít quan tâm đến lĩnh vực ảnh báo chí, coi những bức ảnh đó chỉ có giá trị minh họa cho các bài viết. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các cơ quan truyền thông báo chí đã bắt đầu quan tâm phát triển mảng ảnh báo chí.
Thực tế cho thấy, ảnh báo chí có tác dụng lan tỏa vô cùng lớn, mảng ảnh báo chí ngày càng được trọng dụng, được đầu tư cả về số lượng và chiều sâu, bởi một bức ảnh tốt thậm chí còn có giá trị hơn bài viết cả nghìn chữ. Điều đó đồng nghĩa với việc đòi hỏi phóng viên ảnh phải có năng lực, có cái nhìn toàn diện, chuyên sâu, nhanh nhạy, nắm bắt được vấn đề cốt lõi để chụp lên bức ảnh có thể nói được cả chiều sâu của tâm hồn.
Trong các sự kiện lớn của Đảng và Nhà nước, phóng viên ảnh không chỉ đòi hỏi khả năng chuyên môn nghiệp vụ mà cần trang bị cả kiến thức chính trị.
Người làm báo rất nhiều, ai cũng có thể viết, chụp ảnh và thậm chí là quay phim để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, để có một bức ảnh báo chí chất lượng cao, chứa đựng nội dung, khoảnh khắc đắt giá thì chỉ có phóng viên ảnh mới làm được. Vừa chụp, vừa xử lý ảnh để gửi về một cách nhanh nhất cho tòa soạn luôn là ưu tiên số 1 của các phóng viên ảnh hiện nay. Trong ảnh, phóng viên Phạm Quang Vinh (Báo Đại Đoàn Kết) tác nghiệp tại Quốc hội.
Phóng viên ảnh phải làm việc ở cường độ cao. Những phóng viên ảnh giỏi là những người ngoài việc nỗ lực làm việc không mệt mỏi còn phải luôn học hỏi trau dồi kinh nghiệp từ đồng nghiệp trong nước và nước ngoài, cập nhật xu hướng ảnh báo chí thế giới trên nền tảng số...
Theo nhà báo Nguyễn Trọng Chính, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, Thông tấn xã Việt Nam, với phóng viên ảnh, đằng sau những bức ảnh báo chí đẹp chính là sự dấn thân và tinh thần trách nhiệm của một phóng viên luôn tận tâm với nghề, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Phóng viên ảnh Phạm Trọng Tùng (Báo Vietnamnet) tác nghiệp dưới trời mưa trong một trận thi đấu bóng đá. Anh chia sẻ: "Phóng viên ảnh sợ nhất là trời mưa vì nước là kẻ thù số 1 của ống kính và thiết bị máy ảnh. Cứ trời mưa là anh em phóng viên ảnh lại phải che chắn bằng đủ mọi cách".
Theo xu hướng chung của báo chí thế giới hiện nay, cũng như báo chí Việt Nam nói riêng, số lượng phóng viên ảnh ngày càng bị giảm xuống. Trong khi đó, chất lượng đòi hỏi về chuyên môn thì ngày càng yêu cầu cao hơn. Do vậy, chuyện nghề càng trở nên khó khăn và khắc nghiệt hơn với các phóng viên ảnh.
Bên cạnh đó, trong các cuộc tiếp đón nguyên thủ quốc gia các nước tới Việt Nam, phóng viên ảnh cũng là lực lượng nòng cốt được Bộ Ngoại giao ưu tiên vị trí tác nghiệp.
Mới nhất, trong chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Nga Putin tại Việt Nam, để có được những hình ảnh thời sự chính trị đặc biệt này, phóng viên ảnh phải túc trực trên sân bay Nội Bài từ 21h - 2h sáng hôm sau.
Phóng viên ảnh Việt Nam và quốc tế tác nghiệp lúc 2h sáng trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Việt Nam ngày 20/6.
Tại thời điểm hàng loạt cơn bão đổ bộ vào Việt Nam, cùng với các lực lượng tuyến đầu đang nỗ lực ngày đêm cứu giúp ngư dân, tàu bè..., phóng viên đã phải bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm bão tác nghiệp.
Tại những thời điểm bùng phát cao nhất của đại dịch Covid-19, cùng với các lực lượng tuyến đầu đang nỗ lực ngày đêm để khống chế dịch Covid-19, trên mặt trận truyền thông, phóng viên ảnh là những người trực tiếp xông pha vào tâm dịch.
PV Dân Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.