Khi bắt đầu được xây dưng vào năm 1994, đập Tam Hiệp không chỉ được thiết kế trở thành nhà máy phát điện công suất lớn đáp ứng tham vọng tăng trưởng kinh tế chưa từng có của Bắc kinh, mà còn nhằm chế ngự con sông dài nhất Trung Quốc - sông Dương Tử. Lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc đã chứng kiến những thiệt hại khổng lồ lặp lại do nạn lũ lụt mỗi năm, và Bắc Kinh giờ đây muốn dựng đập Tam Hiệp như một bức tường thành vững chắc che chắn cho hàng triệu người dân ở hạ nguồn sông Dương Tử khỏi mối nguy lũ lụt chết người.

img
img
img
img

Sự hùng vĩ của đập Tam Hiệp

Dự án xây dựng đập Tam Hiệp tiêu tốn 200 tỷ NDT (28,6 tỷ USD) và mất hơn 1 thập kỷ xây dựng. Ước tính; 1,4 triệu người dân dọc theo sông Dương Tử đã bị buộc di dời cho việc xây dựng hồ chứa đập khổng lồ. Trong khi chính phủ hứa hẹn con đập sẽ bảo vệ người dân hạ lưu sông Dương Tử khỏi tình trạng lũ lụt, tính hiệu quả của đập Tam Hiệp cho đến nay vẫn thường xuyên bị nghi ngờ.

img
img

Những nghi ngờ gần đây lại tiếp tục dấy lên khi thượng nguồn sông Dương Tử phải hứng chịu đợt mưa lớn nhất trong vòng 6 thập kỷ, kéo dài suốt từ giữa tháng 6 đến nay gây ra những trận lũ lụt khủng khiếp. Tính đến giữa tháng 8 vừa qua, đã có ít nhất 219 người dân chết hoặc mất tích, 3,67 triệu người phải di dời và 54,8 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt. Thiệt hại kinh tế ước tính 144 tỷ NDT (hơn 20 tỷ USD).

Bất chấp sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn khẳng định đập Tam Hiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn dòng lũ đổ về hạ lưu sông. Nhà điều hành đập Tam Hiệp tuyên bố trên tờ Tân Hoa xã rằng con đập cho đến nay đã giúp ngăn chặn 18,2 tỷ m3 nước lũ. Một quan chức Bộ Tài nguyên Nước cũng khẳng định trên tờ Trung Hoa Nhật báo rằng con đập đang làm ‘giảm tốc độ và mức độ nước dâng” ở trung, hạ lưu sông Dương Tử. 

Nhưng một số nhà địa chất cho rằng vai trò vốn đã hạn chế của đập Tam Hiệp trong việc kiểm soát lũ lụt, giờ đây đã không phát huy được tác dụng trong đợt lũ đỉnh điểm hiện tại. Nhận định được đưa ra dựa trên kết quả theo dõi, đo đạc dòng chảy của các con sông, phụ lưu ở lưu vực sông Dương Tử. 

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 3.

Người Trung Quốc đã cải tạo đường thủy trong nhiều thiên niên kỷ để kiểm soát lũ lụt, đảm bảo tưới tiêu và hệ thống giao thông đường thủy. Đối với các triều đại Trung Quốc trong lịch sử, việc khai thác tiềm năng nước của các dòng sông không chỉ mang lại sự thịnh vượng cho đất nước mà còn cứu sống được người dân khi lũ lụt trở thành vấn nạn thường trực mỗi năm. Tham vọng kiểm soát nguồn nước ngày càng lớn ở thời hiện đại, khi sức mạnh công nghệ phát triển, nâng cao tầm vóc của con người trước thiên nhiên.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 4.

Hình ảnh Đập Tam Hiệp xả lũ hôm 19/7/2020

Nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn, người được ví như cha đẻ của Trung Quốc hiện đại, là người khởi đầu cho tham vọng xây dựng con đập lớn trên sông Dương Tử để ngăn chặn nước lũ. Trong bản thiết kế đập đầu tiên vào năm 1919, ông Tôn Trung Sơn đã đưa thêm cả tham vọng cải thiện giao thông đường thủy, cung cấp thủy điện cho đất nước vào dự án này.

Người kế nhiệm ông, nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch đã tiếp tục giấc mơ vào thập kỷ 40 khi mời kỹ sư người Mỹ John L. Savage - người nổi tiếng với công trình đập Hoover - khảo sát các thung lũng và thiết kế đập Tam Hiệp. Hàng chục kỹ sư đã được gửi sang Mỹ để đào tạo trong tham vọng hoàn thành giấc mơ dang dở từ thời Tôn Trung Sơn, nhưng cuộc nội chiến ở Trung Quốc đã khiến dự án bị bỏ dở.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 5.

Thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, kế hoạch về "một hồ nước phẳng lặng nhô lên trong những hẻm núi hẹp" tiếp tục bị gián đoạn do cách mạng Văn Hóa. 

Khi ông Đặng Tiểu Bình đưa ý tưởng này ra thảo luận một lần nữa trong những năm 1970, nó đã bị phản đối mạnh mẽ bởi nhiều trí thức và nhà môi trường hàng đầu Trung Quốc. 

Họ chỉ ra rằng tác động đến môi trường, biến đổi địa chất và chi phí từ việc di dời hàng triệu cư dân, nguy cơ mất mát các di chỉ khảo cổ học là những cái giá quá lớn cho việc xây dựng một con đập khổng lồ như vậy.

Sau một thập kỷ tranh luận, chính phủ Trung Quốc cuối cùng đưa dự án đập Tam Hiệp ra biểu quyết tại Đại hội Nhân dân toàn quốc năm 1992. Con đập được phê duyệt, nhưng với tỷ lệ không tán thành lên tới khoảng 1/3 số đại biểu. 

Nhiều nguồn tin giấu tên sau đó tiết lộ các quan chức cấp cao trong Quốc hội đã tự động phê duyệt các dự án trước khi đưa ra tranh luận. Thậm chí, một số ý kiến chỉ ra rằng dự án Đập Tam Hiệp đã được phê duyệt trước khi Quốc hội họp khá lâu. Và phiên họp Quốc hội năm 1992 thực chất chỉ để… quyết định tên cho dự án.

Yang Xinren, một đại biểu đến từ tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc cho hay: “Phần lớn đại biểu không được thông báo chi tiết về các vấn đề kỹ thuật của dự án. Dù vậy, cho dù chúng tôi được bỏ phiếu, quá trình bỏ phiếu cũng diễn ra trong mù quáng”.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 6.

Phải thừa nhận, đập Tam Hiệp là một công trình kiến trúc đáng kinh ngạc.

Nó là một trong số ít công trình nhân tạo trên Trái Đất có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ không gian, theo NASA. Con đập được hoàn thành năm 2009 với chiều cao 185m, hồ chứa đập bao phủ một diện tích rất rộng lớn. Nhà máy thủy điện tại đập được hoàn thành năm 2012 với công suất phát điện lên tới 22.500 MW, gấp hơn 3 lần công suất đập thủy điện Grand Coulee lớn nhất nước Mỹ.

img
img
img

Công trường xây dựng đập Tam Hiệp 

Nhưng theo nghị quyết năm 1992 được ban hành bởi chính phủ Trung Quốc, mục đích hàng đầu của việc xây dựng đập Tam Hiệp là để ngăn chặn lũ lụt. Nguyên lý hoạt động của đập như sau: con đập khổng lồ được xây dựng trên một phần thượng nguồn sông Dương Tử. Nó sẽ ngăn chặn lũ lụt ở hạ lưu sông bằng cách giữ nước lũ trong một hồ chứa khổng lồ và kiểm soát lượng nước xả ra qua các cửa xả lũ. Hồ chứa đập dài tới 660km uốn lượn qua các thung lũng hẹp và hàng loạt hẻm núi dốc, trải dài đến tận Trùng Khánh, một siêu đô thị với hơn 30 triệu dân ở miền Tây.

Trong mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 5, hồ chứa đập Tam Hiệp được giữ mực nước tối đa 175m do lượng mưa mùa này rất thấp, để tối ưu hóa chức năng phát điện tại nhà máy thủy điện liền hề. Trước khi mùa mưa âp đến vào tháng 6, mực nước trong hồ sẽ được xả dần về mức an toàn 145m để đề phòng nguy cơ nước lũ tràn về. 

Việc hạ mực nước như vậy sẽ tạo ra không gian lưu trữ cho 22 tỷ m3 nước, đủ để chứa gần 9 triệu bể bơi cỡ Olympic tiêu chuẩn. Nhưng Fan Xiao, một nhà địa chất học Trung Quốc, người nhiều năm phê bình công trình đập Tam Hiệp, cho biết sức chứa này chưa là gì so với khối lượng nước lũ chảy vào đập trong những năm lũ lụt tồi tệ.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 8.

Theo tính toán của ông Fan, trong trận lũ lụt chưa từng có của thế kỷ như năm nay, có tới hơn 244 tỷ m3 nước, tức gấp đôi thể tích Biển Chết, có thể đổ bộ và chảy qua đập Tam Hiệp trong hai tháng. Tức là sức chứa của hồ chứa đập Tam Hiệp chỉ có thể xử lý khoảng 9% lượng nước đó. “Nó giống như việc bạn sử dụng một chiếc cốc nhỏ để kiểm soát cả một bồn nước lớn. Về mặt kiểm soát lũ lụt, chi phí bỏ ra để xây dựng con đập chắc chắn cao hơn lợi ích mang lại”.

Bên cạnh đó, con đập chỉ có thể giữ nước trong một thời gian nhất định và buộc phải xả lũ để đón những trận lũ mới từ những cơn mưa lớn ở thượng nguồn. Vào mùa mưa tại Trung Quốc, những trận mưa lớn có thể diễn ra liên tiếp nhau. Kể từ cuối tháng 6 đến nay, đập Tam Hiệp đã phải xả lũ nhiều lần để giảm bớt lượng nước ở hồ chứa. Chỉ riêng tháng 7, con đập này đã đón tới 3 đợt lũ liên tiếp. Việc xả lũ đã làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt ở hạ lưu sông, nhất là các tỉnh như An Huy, Giang Tây.

Công ty điều hành đập Tam Hiệp đã phủ nhận điều này bằng một tuyên bố trên tờ Thời báo Hoàn cầu rằng đập Tam Hiệp đã giúp ngăn chặn đáng kể lượng nước lũ đổ về hạ lưu.

Nhưng thực tế là hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây vẫn chứng kiến mực nước dâng cao chưa từng có trong lịch sử, vượt cả mực nước kỷ lục trong trận lũ thảm khốc năm 1998 khiến 3.000 người tử vong. Nhiều nơi khác ở hạ nguồn sông Dương Tử cũng báo cáo nước lũ vượt đỉnh lịch sử.

David Shankman, giáo sư địa lý tại Đại học Alabama, người đã nhiều năm nghiên cứu về tình trạng lũ lụt ở trung lưu sông Dương Tử cho hay mực nước lũ kỷ lục ở trung, hạ lưu sông cho thấy một thực tế: đập Tam Hiệp không thể ngăn chặn lũ lụt nghiêm trọng. “Đập Tam Hiệp đã hoạt động trong nhiều năm qua, và hiện chúng ta vẫn chứng kiến mực nước lũ dâng lên mức cao nhất từng được ghi nhận”.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 9.

“Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế trong những năm qua đã phát hiện ra rằng hồ chứa đập Tam Hiệp quá nhỏ để có thể giảm thiểu đáng kể lưu lượng lũ xả xuống hạ lưu sông Dương Tử trong các trận lũ lụt nghiêm trọng, dù cho thực tế là đập đã giúp hạn chế lũ trong những năm lũ lụt không đáng ngại - ông Sharkman nói thêm.

Miroslav Marence, phó giáo sư thủy điện tại Viện IHE Delft (Hà Lan) thì cho rằng vấn đề không nằm ở thiết kế của đập Tam Hiệp, mà nằm ở kỳ vọng con đập có thể hóa giải các vấn đề lũ lụt trên sông Dương Tử - con sông lớn thứ 3 thế giới tính theo khối lượng nước. “Không thể làm được điều đó chỉ với một con đập” - ông Miroslav nhận định.

“Ví dụ, dù đập Tam Hiệp có thể làm giảm cường độ lũ từ thượng nguồn đến một mức độ nhất định, nhưng nó không thể ngăn lũ lụt gây ra bởi mưa lớn ở trung và hạ lưu hoặc các phụ lưu sông Dương Tử… Thực tế, rất nhiều trận lũ lụt ở miền Trung và Nam Trung Quốc trong mùa hè năm nay là do những trận mưa lớn xối xả đổ xuống hạ lưu sông, không đi qua con đập”.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 10.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất liên quan đến đập Tam Hiệp là chi phí khổng lồ để di dời hàng triệu người dân đã định cư hàng thế kỷ dọc bờ sông Dương Tử. Ước tính, có tới 1,4 triệu người đã buộc phải di dời, nhà cửa bị phá bỏ, cộng đồng dân cư bị chia cắt và nhiều diện tích đất nông nghiệp bị cho ngập lụt để làm hồ chứa. Riêng việc xây dựng hồ chứa khổng lồ của đập Tam Hiệp đã nhấn chìm 2 thành phố, 114 thị trấn và 1.680 ngôi làng dọc theo sông Dương Tử.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 11.

Người dân chứng kiến cảnh nhiều công trình, thị trấn, thành phố bị dỡ bỏ và nhấn chìm trong hồ chứa đập Tam Hiệp, ảnh chụp tháng 11/2002

Những người dân bị di dời đã phàn nàn về việc đền bù không thỏa đáng và thiếu đất canh tác. Việc di dời cũng làm xáo trộn công việc của hàng triệu người dân, gây ra các cuộc biểu tình tại nhiều địa phương. Nghiên cứu của ông Chen Guojie, một học giả tại Học viện Khoa học Trung Quốc cho thấy thu nhập của các gia đình phải di cư để xây dựng đập Tam Hiệp đã giảm bình quân 20% sau khi tái định cư, do họ buộc phải rời xa vùng đồng bằng ven sông Dương Tử màu mỡ.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 12.

Con đập cũng gây ra những tác động địa chất nghiêm trọng. Năm 2007, tại một diễn đàn, các quan chức và chuyên gia Trung Quốc đã thừa nhận việc xây dựng đập Tam Hiệp đã kéo theo hàng loạt vấn đề sinh thái, bao gồm cả hiện tượng lở đất thường xuyên hơn. Tờ Tân Hoa xã trích lời các chuyên gia: “Sức nặng khổng lồ của khối nước bị chặn lại phía sau đập Tam Hiệp đã bắt đầu gây xói mòn bờ sông Dương Tử ở nhiều nơi. Sự dao động thường xuyên của mực nước cũng gây ra một loạt các vụ lở đất”. 

Các nhà địa chất học cho hay ước trong hồ chứa bão hòa và làm xói mòn chân các vách đá, và sự dao động của mực nước làm thay đổi thường xuyên trọng lượng của hồ chứa, qua đó gây áp lực lên sườn núi. 

Trong nhiều nghiên cứu khác, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng có tới 3 vành đai đứt gãy địa chất gần khu vực hồ chứa, với 21 trận động đất hơn 4,75 độ Richter đã được ghi nhận tại khu vực này. Trận động đất cường độ lớn nhất lên tới 6,5 độ Richter. Việc tăng áp lực đáy hồ chứa có khả năng gây ra động đất mạnh hơn nữa. Nhiều minh chứng thực tế trên thế giới cũng chỉ ra rằng hơn 80 hồ chứa vừa và lớn đã xuất hiện loại động đất như vậy. 

Theo một nghiên cứu của Cục Quản lý Động đất Trung Quốc, trong sáu năm sau khi hồ chứa đập Tam Hiệp được bơm đầy nước bắt đầu từ tháng 6/2003, đã có tới 3.429 trận động đất được ghi nhận dọc theo hồ chứa. Trước đó, từ tháng 1/2000 đến tháng 5/2003, chỉ có 94 trận động đất được ghi nhận.

Thảm họa đầu tiên xảy ra vào năm 2003, ngay sau khi hồ chứa đầy nước lần đầu tiên. Khi mực nước lên 135m, hiện tượng lở đất bắt đầu xảy ra. Vài tuần sau, tại một khu vực của đập Tam Hiệp, một mảng núi lớn bị vỡ ra, trượt xuống hồ nước giết chết 24 người, phá hủy 346 ngôi nhà và khiến hơn 20 chiếc thuyền bị lật, theo tờ CNN.

Cũng gần như cùng lúc đó, người ta phát hiện ra 80 vết nứt lớn trên mặt bê tông của đập Tam Hiệp. Các quan chức Trung Quốc cho hay các vết nứt không phải mối đe dọa với con đập, nhưng điều này không làm giảm bớt mối quan ngại. 

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 13.

Năm nay, khi tình hình lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có, nghi hoặc về sự biến dạng của đập Tam Hiệp một lần nữa lại được đặt ra. Trong một lần hiếm hoi hồi cuối tháng 7, tờ Tân Hoa Xã mới dẫn lời tập đoàn Tam Hiệp - đơn vị phụ trách quản lý đập Tam Hiệp, cho biết một số phần ngoại vi của đập đã bị vênh. 

"Sự biến dạng nhẹ" của đập Tam Hiệp xảy ra hôm 18/7 sau khi đợt lũ từ các tỉnh thành phía tây, dọc thượng nguồn sông Dương Tử như Tứ Xuyên hay Trùng Khánh đạt đỉnh ở mức kỷ lục 61.000 m3/s, theo nguồn tin đăng trên tờ Tân Hoa xã. 

Đơn vị quản lý đập cho biết sự biến dạng nhẹ tác động tới một số cấu trúc ngoại vi, và việc các bức tường của đập bị thấm nước cũng được ghi nhận trong 2 ngày cuối tuần qua khi đập xả lũ. Tuy nhiên, tình trạng tường bị thấm nước không kéo dài lâu. 

Tờ Tân Hoa xã nhấn mạnh, mọi số liệu của đập Tam Hiệp vẫn đạt tiêu chuẩn và biến dạng nhẹ này đã nằm trong tính toán khi thiết kế đập.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 14.

Một tháng trước khi đập Tam Hiệp bắt đầu được xây dựng vào cuối năm 1994, Daniel P. Beard, Ủy viên Cục Khai hoang Hoa Kỳ, tuyên bố trước một hội nghị quốc tế rằng “Kỷ nguyên xây dựng đập ở nước Mỹ” đã kết thúc. Mỹ sẽ tìm những biện pháp khác để giải quyết vấn đề nước. Theo ông Beard, chi phí của những dự án xây dựng đập đã vượt quá ước tính ban đầu, trong khi nhiều lợi ích được kỳ vọng từ con đập “không bao giờ thành hiện thực”.

Shankman, nhà địa chất học tại Đại học Alabama cho hay nhiều con đập ven biển ở Tây Bắc nước Mỹ đã bị dỡ bỏ vì chúng ngăn chặn luồng di cư của các loài cá từ đại dương lên các con sông, khiến quần thể các loài này giảm xuống đáng kể. Còn ở phía Đông Nam, các con đập ở thượng nguồn, núi cao đã gây ra nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm bờ biển, sinh vật tuyệt chủng và sự xói mòn bờ biển do đập nước ngăn chặn lượng phù sa đáng kể. 

Marence, chuyên gia về đập ở Hà Lan cho hay sau thời kỳ bùng nổ xây dựng đập từ năm 1950 đến khoảng năm 1980, nhiều quốc gia đã bắt đầu nhận thức được những tác động đến môi trường. Các dự án đập gần như ngừng lại. Nhưng tại Trung Quốc, sau năm 90 mới là “kỷ nguyên của những con đập”.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 15.

Tính đến năm 2019, Trung Quốc có 23.841 con đập lớn, hầu hết đều được xây dựng sau năm 2000. Trong khi đó tại Mỹ, nước có số lượng đập lớn thứ hai thế giới, số đập lớn chỉ là 9.263, một cách biệt đáng kể. Theo Ủy ban Quốc tế, đập lớn được định nghĩa là một con đập có chiều cao từ 15m trở lên hoặc có thể tích hơn 3 triệu m3 nước trong hồ chứa. 

Matthijs Kok, một giáo sư kỹ thuật thủy lực tại Đại học Công nghệ Delft cho biết các công trình thủy điện tại đập “tạo ra nguồn năng lượng giá rẻ và có thể tái tạo”, nhưng lưu ý rằng “chúng ta phải trả giá về môi trường. Nếu chúng ta muốn xây dựng những con đập mới, chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng những tác động môi trường và tìm ra sự thỏa hiệp”.

Một số nhà địa chất học cho hay thay vì dựa vào các con đập để ngăn lũ, con người nên tạo thêm không gian cho các dòng sông, cho phép chúng “phình to” vào mùa lũ. 

Ông Sharkman nhận định: “Các sông phù sa lớn sẽ ngập lụt trong mùa mưa. Nước lũ không phải vấn đề, nó đơn giản chỉ là một hiện tượng tự nhiên của các dòng sông. Vấn đề ở đây là khi có rất nhiều người sống trong khu vực chịu lũ lụt. 

Nhưng việc di dời đa số người dọc theo trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử để tạo thêm “không gian cho các dòng sông” cũng là bất khả thi, bởi nhiều đô thị đông dân nhất Trung Quốc đều nằm dọc sông Dương Tử. Trong nhiều thế kỷ, người Trung Quốc đã xây dựng những con đê lớn để bảo vệ làng mạc, đô thị khỏi lũ lụt. Nhưng khi tình trạng lũ lụt nghiêm trọng như năm nay, những con đê lớn này là không đủ trước sức mạnh của nước. 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc buộc phải tìm ra các giải pháp mới trong tương lai thay vì trông chờ vào hiệu quả kiểm soát lũ từ những con đập như đập Tam Hiệp.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc: Tham vọng vĩ đại phải trả những cái giá đắt! - Ảnh 16.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem