Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
36 năm qua, trên khắp dải đất hình chữ S, nơi đâu có nhu cầu về vốn cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nơi ấy có đồng vốn ngân hàng Agribank.
Minh chứng, trong số trên 1,55 triệu tỷ đồng tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tính đến cuối năm 2023 (chiếm 11,5% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống ngân hàng), 65% dư nợ cho vay của Agribank dành cho phát triển tam nông. Con số này chiếm gần 40% thị phần tín dụng toàn ngành đầu tư cho lĩnh vực này. Hiện Agribank đã có gần 3,1 triệu khách hàng vay vốn còn dư nợ, trong đó hơn 99% số lượng khách hàng là cá nhân.
Tham gia với tư cách chủ lực đầu tư cho "tam nông", Agribank tiếp sức giấc mơ vươn ra thế giới của nông sản Việt thông qua việc tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có vốn để phát triển các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Đến nay, khắp mọi vùng, miền, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hàng hóa nông sản chất lượng cao dần được hình thành từ vốn vay của Agribank.
Agribank cũng là ngân hàng thương mại duy nhất có phòng giao dịch tại 9/13 huyện đảo của cả nước, góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ đó đóng góp tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro. Agribank cũng là ngân hàng thương mại, tuy nhiên xác định sứ mệnh của Agribank là sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, chính vì vậy Agribank luôn trăn trở và xây dựng chiến lược để làm sao quá trình phát triển của Agribank mang lại sự đóng góp nhiều nhất cho kinh tế đất nước, mà trước hết là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Thông điệp này như "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong hành trình 36 năm xây dựng và phát triển của Agribank. Vì vậy, trong thời gian qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế vẫn còn khá mong manh, các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống bị "bào mòn", song Agribank tiếp tục khẳng định vai trò "huyết mạch" trong phát triển tam nông và nền kinh tế đất nước bằng những chính sách miễn giảm lãi, miễn giảm phí dành cho khách hàng.
Sự "đồng hành, sẻ chia" của Agribank đối với khách hàng còn được thể hiện bằng "cơn mưa" chương trình, chính sách ưu đãi mà nhà băng này đang triển khai.
Chẳng hạn như năm 2023, Agribank đã triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 200.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, Agribank đã thực hiện 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thông thường, 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên.
Năm 2024, xác định đây là giai đoạn then chốt tạo lực thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, ngay từ đầu năm Agribank dành 65.000 tỷ đồng vốn ưu đãi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp. Lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1% đến 2,5%/năm.
Ngoài ra, chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản triển khai từ giữa năm 2023. Đến cuối năm 2023, Agribank đã giải ngân vượt quy mô của chương trình. Để hỗ trợ cho các khách hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2024, Agribank tiếp tục tăng quy mô thêm 5.000 tỷ đồng với lãi cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong cùng thời kỳ.
Agribank cũng đang tích cực triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ với quy mô 30.000 tỷ đồng.
Kể từ đầu năm đến nay, Agribank cũng không ngừng nỗ lực giảm lãi suất giúp doanh nghiệp "xoa dịu" áp lực về tài chính. Như lời chia sẻ tại hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra trong tháng 3 này, lãnh đạo Agribank cho biết, hiện tại có những khách hàng của Agribank đang được vay vốn với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động. Chính những nỗ lực này của Agribank đã "tiếp sức" cho người dân, doanh nghiệp bước qua giai đoạn khó khăn.
Ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất "nông nghiệp sạch" vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016, với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm.
Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên,...
Hiện, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, đạt 12.212 tỷ đồng tính đến 31/12/2023 với gần 42 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững hơn 6.853 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh...
Agribank sẽ là ngân hàng chủ lực cung ứng vốn cho Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Các chương trình ưu đãi thuộc lĩnh vực xanh góp phần vào việc thực hiện cam kết Net Zero và phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế bền vững.
Đồng hành, phát triển cùng người nông dân, Agribank luôn chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân. Đến nay, Agribank là ngân hàng đi đầu trong hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn bằng việc đầu tư trên 2.500 thiết bị POS được lắp đặt mới, phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng.
Hệ thống quản lý mở tài khoản trực tuyến trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking (Agribank eKYC System) và Ngân hàng số trong lĩnh vực thẻ (Agribank Digtal) được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc và liên tục được đầu tư tăng cường thêm các chức năng hiện đại: 100% dịch vụ được tự động hóa từ mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng eKYC, gửi tiền, thanh toán, mở thẻ….
Trước Agribank Digital, ngân hàng lưu động trên xe chuyên dụng của Agribank cũng là mô hình được khách hàng nhiệt tình đón nhận. Theo số liệu thống kê, Agribank đã triển khai 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách hàng tại 454 xã trên toàn quốc.
Những vệt bánh xe mở đường, mang theo một ngân hàng thu nhỏ, mang theo những khao khát thu hẹp khoảng cách với vùng sâu, vùng xa, đưa đến người dân mọi vùng miền cơ hội tiếp cận tín dụng để thay đổi sinh kế, thay đổi cuộc đời…
Agribank còn đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ thấu chi tại thị trường nông nghiệp, nông thôn với chính sách hỗ trợ ưu đãi, thủ tục đơn giản, linh hoạt.
Trải qua 36 năm xây dựng và phát triển, song song với nhiệm vụ kinh doanh chất lượng, hiệu quả, phục vụ tốt cho tín dụng nông nghiệp - nông thôn; công tác an sinh xã hội luôn được Agribank chú trọng. Đã có nhiều ngôi trường mới, trạm y tế, đường nông thôn... được xây dựng từ nguồn tài trợ Agribank. Trên các vùng miền của Tổ quốc, những mái ấm đồng đội, mái ấm tình thương dành cho các hộ nghèo, mang dấu ấn của Agribank đã và đang được hình thành.
Trong năm 2023, Agribank ủng hộ hơn 500 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xóa đói giảm nghèo; đền ơn đáp nghĩa; khắc phục hậu quả thiên tai…
Trước đó, năm 2021 và 2022, Agribank cũng dành từ hơn 500 tỷ đồng – 600 tỷ đồng ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước, tiếp tục đóng góp quan trọng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.