“Rồng lửa” thứ vũ khí biến cuộc dạo chơi trên bầu trời Hà Nội của phi công Mỹ thành nỗi khiếp đảm
Đây là vũ khí biến "cuộc dạo chơi" trên bầu trời Hà Nội của phi công Mỹ thành nỗi khiếp đảm
Thứ bảy, ngày 24/04/2021 15:56 PM (GMT+7)
Ở thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, các phi công Mỹ luôn có cảm giác an toàn khi bay trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Nhưng kể từ khi quân đội Việt Nam được trang bị tên lửa phòng không S-75 (rồng lửa) của Liên Xô, Không lực Mỹ đã lâm vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-75 Dvina (còn gọi là SAM-2) được trang bị cho lực lượng phòng không Việt Nam từ đầu năm 1965 và trở thành một trong những vũ khí chủ lực để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trước máy bay Mỹ. Nó thêm vào bảng thành tích của mình những chiến công lừng lẫy và trở thành loại tên lửa phòng không đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất từ trước tới nay.
Ngay trận đầu ra quân (24/7/1965), Tiểu đoàn 63 và 64 (Trung đoàn 236 - một trong hai trung đoàn SAM đầu tiên của Quân dội nhân dân Việt Nam) đã bắn rơi 2 chiếc F-4C trên bầu trời Hà Tây, mở màn những chiến công vang dội của quân dân ta, và đẩy Không lực Mỹ lâm vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử.
Đại tá Lã Đình Chi, nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236 – Trung đoàn Tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người tham gia trận đánh đầu tiên của loại tên lửa này với máy bay Mỹ nhớ lại, ngày 24/7/1965 4 chiếc máy bay F-4 Phantom II đã bay hướng thằng vào miền Bắc Việt Nam từ căn cứ của Mỹ tại Thái Lan, và 3 chiếc trong số đó đã không thể quay trở lại căn cứ quân sự.
Thượng úy Konstantin Vladisaw Michailowitsch sang Việt Nam công tác năm 1965, nhiệm vụ được giao là hướng dẫn Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng tổ hợp tên lửa S-75, ông cũng là một trong những sĩ quan Liên Xô tham gia trận đánh đầu tiên của loại tên lửa này với máy bay Mỹ nhớ lại: “Nhìn thấy rõ 4 chiếc máy bay F-4 Phantom II trên hệ thống Ra-da, chúng tôi phóng tên lửa và bằng những loạt tên lửa đầu tiên đã bắn trúng 3 chiếc máy bay Mỹ. Cũng kể từ chiến tích đó, ngày 24/7/1965 đã được chọn là ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam.
Đại úy Richard Ellis, phi công lái chiếc máy bay F-105 Thunderchief Pilot (Máy bay Thần Sấm) từng chia sẻ với truyền thông rằng: “Thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam, chúng tôi luôn liệt Việt Nam vào đất nước không thể tiếp cận được với công nghệ có thể vươn tới những chiếc F-105. Tuy nhiên kể từ khi quân đội Việt Nam được trang bị tổ hợp tên lửa S-75, chúng tôi nhanh chóng hiểu ra rằng không phải như vậy. Chúng tôi dần nể trọng và cẩn thận hơn khi bay trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, và hơn thế nữa, ở thời điểm đó chúng tôi nhận ra rằng, người Liên Xô đang giúp đỡ quân đội Việt Nam.
Kể từ trận đầu xuất quân ngày 24/7/1965, trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc (1965 - 1968 và 1972), các đơn vị tên lửa S-75 đã đánh 3.542 trận (trong đó có 588 trận đánh đêm); phóng 5.885 quả đạn; bắn rơi 788 máy bay Mỹ, (366 chiếc rơi tại chỗ), trong đó có 43 máy bay B-52; trung bình 7,1 quả đạn diệt một máy bay. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, 14 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 27 máy bay B-52. Cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa S-75 để đánh thắng máy bay ném bom chiến lược B-52 của không lực Hoa Kỳ. Trên ảnh là xác máy bay B-52 bị bắn hạ được trưng bày tại Bảo Tàng Phòng Không - Không Quân (Hà Nội).
Cho đến nay vẫn còn tồn tại “lời đồn” về những sự cải tiến, nâng tầm cho tên lửa S-75 để có thể với tới máy bay B-52. Tầm cao khống chế mục tiêu của tên lửa S-75 từ 25 đến 27 Km, tầm xa tới 45 Km. Trần bay của B-52 là 15 Km, độ cao ném bom hiệu quả của B-52 trong khoảng 9 - 11 Km. Trên thực tế những thông số kỹ thuật như vậy, việc nâng tầm tên lửa S-75 là hoàn toàn không cần thiết.
Thực tế, khi thực hiện nhiệm vụ ném bom, máy bay B-52 thường bay thành nhóm ba chiếc theo đội hình tam giác, trên độ cao khoảng 10 Km. Mỗi phi vụ chiến đấu của B-52 thường được hộ tống bởi số đông, nhiều tầng các máy bay chiến đấu, được che phủ bởi cả hai hệ thống phát nhiễu tích cực (dùng máy phát nhiễu chủ động) và tiêu cực (dùng máy bay phóng các “kén nhiễu” chứa nhiều búi sợi kim loại mảnh để che mắt ra-đa), được đánh chặn bằng tên lửa Sơ-rai (Shrike) chống Ra-đa phóng tới các trận địa tên lửa từ các máy bay tiêm kích. Và cải tiến đáng kể nhất của hệ thống tên lửa S-75 tại Việt Nam trong suốt hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Hoa Kỳ tại miền bắc Việt Nam (1965 - 1968 và 1972) là những cải tiến về kỹ thuật để có thể chống lại cả hai dạng gây nhiễu điện tử của không quân Mỹ, bảo đảm cho bộ khí tài điều khiển tên lửa hoạt động bình thường, có thể vạch nhiễu để phát hiện chính xác B-52 và điều khiển S-75 bay tới tiêu diệt mục tiêu.
S-75 trở thành tổ hợp tên lửa đầu tiên trên thế giới được sử dụng trong thực tế chiến đấu. Những quả tên lửa này đã làm thay đổi hẳn quan điểm của người Mỹ về chiến đấu trên không. Ảnh: TL.
Ảnh tên lửa S-75 được Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965 - 1968 và 1972). Ảnh: TL.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.