CEO đường sắt Việt Nam thông tin về kế hoạch tham gia đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thế Anh Thứ tư, ngày 30/10/2024 10:32 AM (GMT+7)
Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, lực lượng lao động của ngành đường sắt hết sức quan tâm tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bình luận 0

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam rất an toàn

Trong kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh định hướng "xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới".

Chính phủ đã thống nhất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/h, vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu; đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương.

CEO đường sắt Việt Nam:  - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh - Ảnh: VGP/Dương Tuấn

Nêu quan điểm của việc phát triển đường sắt tốc độ cao, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh khẳng định: Vận tải đường sắt là phương thức giao thông quan trọng. So với hình thức khác, đường sắt có lợi thế vận tải hàng hóa lớn, hiệu suất cao, đặc biệt là độ an toàn, chi phí trung bình.

Theo ông Khánh, dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa đến 2050 tuyến Bắc - Nam là hơn 18,2 triệu tấn/năm, với 122,7 triệu lượt khách.

Do vậy, việc đáp ứng vận tải hàng hóa, hành khách thì ngoài đầu tư đường sắt tốc độ cao, ta vẫn tiếp tục nâng cấp đường sắt hiện hữu phục vụ vận tải hàng hóa chuyên ngành như hàng nặng, khí hóa lỏng, xăng dầu, khí LNG… Còn đường sắt tốc độ cao tập trung cho vận tải hành khách và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu.

Ông Khánh chia sẻ, vận tải đường sắt tốc độ cao, khi hình thành, sẽ đóng vai trò quan trọng, đồng bộ kết nối 5 phương thức chính: Đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc - Nam. Điều này không chỉ tận dụng thế mạnh từng phương thức mà còn tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Khi phương thức vận tải hàng hóa linh hoạt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Đối với ưu điểm của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Khánh nhấn mạnh: "Điểm mạnh của đường sắt tốc độ cao là độ an toàn cao như ở Nhật Shinkansen xây dựng từ năm 1964 nhưng chưa có vụ tai nạn nào xảy ra, các nước thế giới cũng vậy.

Thứ hai là thời gian đi lại được xác định chính xác từng phút.

Thứ ba là tiện lợi thoải mái, hành khách đi trên tàu này có không gian rộng rãi, di chuyển trên tàu dễ dàng.

Ngoài ra, các nhà ga đặt ở các khu trung tâm, khu phát triển dân số đông cũng tạo thuận lợi cho hành khách đi lại so với các hình thức giao thông khác. Bên cạnh đó, đường sắt này điện khí hóa, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả về môi trường...

CEO đường sắt Việt Nam:  - Ảnh 2.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: TA

Cử nhân sự đi học hỏi

Đối với nhân sự để vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Khánh thông tin, lực lượng lao động của ngành đường sắt hết sức quan tâm tới dự án. "Chúng tôi có lực lượng trên 22.000 người", ông Khánh nói.

Ông Khánh tự tin với số lượng nhân sự nêu trên sẽ là tiền đề để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, với vai trò quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao này. Với tinh thần như vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải thực hiện ngay nhiệm vụ chuẩn bị tái cơ cấu để xây dựng một mô hình phù hợp với điều kiện quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao.

"Chúng tôi cũng đang chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực cho quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt cao. Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng với lực lượng cần lên tới gần 14.000 người đang tổ chức triển khai bố trí lực lượng trong ngành để học tập tại các nước phát triển công nghiệp đường sắt", ông Khánh nói.

Đối với triển công nghiệp đường sắt, ông Khánh cho rằng: "Bộ GTVT cũng đã giao và chúng tôi đang chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực để chuẩn bị hợp tác, xây dựng các mô hình tổ chức cũng như cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận khi được giao".

"Đấy là một trong những mục tiêu hết sức quan trọng của chúng tôi", ông Khánh khẳng định.

Hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã định lượng, đưa ra các tổ, ban chỉ đạo trong Tổng công ty sẵn sàng cho việc tổ chức khai thác, quản lý vận hành.

Theo kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, đào tạo về lái máy cũng như điều khiển tự động, phải mất từ 5 - 8 năm. Nếu sử dụng lực lượng ở trong ngành đường sắt hiện hữu và đang có đủ khả năng, chúng ta chỉ cần đào tạo từ 3 - 5 năm.

Như vậy, kinh phí để rút ngắn thời gian đào tạo cũng là một khoản kinh phí tiết kiệm cho dự án.

Mặt khác, với nội dung phát triển công nghiệp đường sắt, hiện nay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có hai cơ sở chính tại Gia Lâm và Dĩ An. Tỷ lệ nội địa hóa hiện nay với đường sắt hiện hữu lên tới 70 - 80%. Như vậy, với đường sắt tốc độ cao, chúng ta phải hợp tác liên doanh với các nước phát triển để thực hiện tốt nội dung này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem