Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái cho 180km chiều dài có than, kéo dài từ Mạo Khê (Đông Triều) – huyện đầu tiên của Quảng Ninh, đến khu vực Cái Bầu (Cẩm Phả). Than đá có ở ba miền đất nước, song trữ lượng và than Anthracite – loại than có độ bền và hàm lượng cacbon cao tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh.
Truyền thống, bề dày lịch sử lâu đời của vùng mỏ Quảng Ninh đến nay đã trên 184 năm. Điểm mốc bắt đầu từ ngày 10/1/1840, khi vua Minh Mạng ra chỉ dụ chuẩn y sớ tấu của Tổng đốc Hải An cho phép mở mỏ khai thác than tại vùng núi núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều (nay là phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều).
Ngày 12/3/1883, tướng Pháp là Henri Rivière đích thân đem 500 quân đánh chiếm khu mỏ Quảng Ninh. Ngày 24/4/1884, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn bán khu mỏ Hòn Gấc (Hòn Gai – Cẩm Phả) cho tư bản Pháp với giá 10 vạn đồng tiền Đông Dương. Ngay sau khi chiếm được khu mỏ, Pháp lần lượt thành lập các công ty than trong đó lớn mạnh nhất là là Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (viết tắt là SFCT), được quyền quản lý, khai thác vùng "đất nhượng" rộng lớn, kéo dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả, Hòn Gai đến Vàng Danh, Mạo Khê.
Ảnh lớn: Chỉ dụ của vua Minh Mạng cho phép khai thác than tại vùng núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, Đông Triều năm 1840 được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh. 2 ảnh nhỏ: Văn tự của triều đình nhà Nguyễn về việc bán khu mỏ Hòn Gấc cho thực dân Pháp năm 1884 và Mốc và phân định ranh giới vùng nhượng địa của Công ty Than Bắc Kỳ thuộc Pháp (SFCT) sau khi nhà Nguyễn bán vùng mỏ cho thực dân Pháp năm 1884.
Những bức ảnh, tư liệu sinh động về sự áp bức, bóc lột, cúp giờ làm, ăn chặn lương... của thực dân đối với phu mỏ; hình ảnh những lán, nhà lụp xụp của phu mỏ tương phản với nơi ở của chủ mỏ thực dân; nghĩa địa Vàng Danh – nơi chôn cất phu mỏ thời Pháp thuộc… như minh chứng cho sự bóc lột tàn ác của bọn chủ mỏ thực dân. Đó là bằng chứng cụ thể về việc bọn chủ mỏ không từ một thủ đoạn dã man nào, khiến hàng vạn thợ mỏ sống ngắc ngoải, què quặt.
Họ bị vắt kiệt sức lao động bằng những giao kèo khắc nghiệt và lối làm khoán vô lý; kéo dài vô hạn thời gian làm việc; cúp phạt vô lý chế độ ăn "lễ" quái gở; đánh đập tàn nhẫn; tiền lương rẻ mạt… Tính mạng của thợ mỏ bị rẻ rúng hơn cả hòn than, mâu sắt: Sống làm phu mỏ, chết bỏ gốc sim.
Ảnh 1: Yết thị được viết bằng 3 thứ tiếng năm 1932 thông báo cho các thợ mỏ về quy định đi làm, thời gian trả lương. Ảnh 2: Khai trường than thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: 3: Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, công nhân lầm than, đói khổ, điều kiện làm việc nguy hiểm, thiếu thốn. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh
Khu mỏ vốn có thiên nhiên giàu đẹp đã biến thành "địa ngục" trần gian đầy đọa những người thợ mỏ. Những người thợ mỏ thời đó đã từng căm phẫn phải thốt lên rằng:
"Ngày ngày nghe tiếng còi tầm
Nghe như tiếng vọng từ âm phủ về
Tiếng còi não ruột tái tê
Bước chân vào mỏ như lê vào tù".
Mô hình phỏng dựng khai thác than hầm. Trong thời kỳ thuộc Công ty than Bắc Kỳ, người thợ mỏ làm việc trong những điều kiện khó khăn, nguy hiểm.
Trước sự áp bức, bóc lột của chủ mỏ, người thợ mỏ quyết vùng lên đấu tranh. Tuy nhiên, vào thời điểm này, các phong trào đấu tranh của thợ mỏ chủ yếu mang tính tự phát, đấu tranh lẻ tẻ, không có tổ chức, chủ yếu là đòi quyền lợi về vật chất nên đã không giành được lợi ích kinh tế cũng như chính trị, mà ngược lại còn bị đánh đập, đe đuổi khỏi nhà máy, thậm chí là bị giết hại.
Trong Bảo tàng Quảng Ninh hiện còn ghi dấu những cuộc đấu tranh nhằm phản kháng lại áp bức cai trị của chủ mỏ và thực dân Pháp: Năm 1902, một nhóm công nhân mỏ Kế Bào gồm 26 người đã đẩy 2 tên lính Pháp áp tải xuống lò Giếng rồi bỏ trốn. Tiếp đó, năm 1903, công nhân nhà sàng Cửa Ông đình công đòi bọn chủ cứu chữa cho chị Kiến sảy thai trong khi làm việc.
Năm 1906, thợ mỏ Hà Tu đình công chống bọn chủ cắt xén tiền lương. Năm 1909, thợ làm đường Hà Tu - Cẩm Phả đình công phản đối chủ trả tiền công thấp. Năm 1914, công nhân mỏ Đèo Nai đấu tranh phản đối chủ bớt xén tiền lương, gạo của thợ và bán thực phẩm với giá đắt. Năm 1916, công nhân đề-pô xe hỏa Hà Tu đánh lính khố xanh vì bọn này thường chọc ghẹo, hãm hiếp nữ công nhân và cướp đoạt hàng hóa. Tháng 2/1916, công nhân Nhà sàng Kế Bào bãi công đòi tăng lương giảm giờ làm.
Năm 1918, công nhân mỏ Hà Tu đấu tranh đòi chủ thả công nhân bị bắt vô lý. Tháng 5/1919, nữ công nhân nhà sàng Hòn Gai bãi công một ngày phản đối tên đốc công Va-luy. Năm 1922, công nhân mỏ Mạo Khê vây đánh giám thị Tuấn vì tên này gian lận, ăn quỵt tiền lương của họ. Năm 1925, công nhân mỏ Mạo Khê bãi công đòi tăng lương thắng lợi.
Năm 1925-1926, công nhân, nhân dân khu mỏ Hòn Gai tham gia bãi công, bãi khóa, bãi thị đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Khu mỏ đã trở thành lò lửa cách mạng rèn đúc và trưởng thành của nhiều lãnh đạo xuất sắc của Đảng thông qua phong trào "vô sản hóa" như: Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Cừ, Vũ Thị Mai, Vũ Văn Hiếu…
Đặc biệt kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, khu mỏ lần lượt xuất hiện các chi bộ đảng ở mỏ Mạo Khê, Vàng Danh - Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả - Cửa Ông. Từ đây trở đi, phong trào đấu tranh của công nhân mỏ có tổ chức, có mục đích và quy mô ngày càng lớn đã bùng lên và ngày càng quyết liệt.
Trong thời kỳ 1931-1935, bọn chủ mỏ thực dân và chính quyền thực dân ở khu mỏ đã tiến hành khủng bố dã man phong trào công nhân mỏ. Chúng còn mua chuộc, dụ dỗ tầng lớp tay sai, phát triển các tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, nhà chứa... nhằm trụy lạc hóa người thợ mỏ, hòng làm tiêu tán tinh thần đấu tranh của họ. Bước vào năm 1936, những cuộc bắt bớ, khám xét thường xuyên vẫn xảy ra trong lán trại công nhân, khu phố, chợ búa… Đời sống người lao động càng thêm điêu đứng, quẫn bách.
Trước tình thế đó, số đảng viên mới ra tù Côn Đảo về Cẩm Phả hoạt động đã liên hệ với số đảng viên, công hội đỏ ở khu mỏ, bàn cách phát động quần chúng đấu tranh.
Tại hội thảo "Tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh: Giá trị lý luận và thực tiễn" ngày 18/11/2023, ông Vũ Anh Tuấn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tham luận nhấn mạnh: Khẩu hiệu "Kỷ luật và đồng tâm chúng ta nhất định thắng" là ngọn đuốc soi đường, tập hợp đông đảo công nhân vùng mỏ Quảng Ninh đứng lên đấu tranh với chủ mỏ, thực dân Pháp vào tháng 11/1936 và giành thắng lợi vẻ vang. Khi nói và viết về cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ năm ấy, tất cả đều phải trân trọng nhắc đến cụm từ "Kỷ luật và đồng tâm", vì nó có ý nghĩa sâu sắc, tác động to lớn đến tâm tư, tình cảm cũng như đời sống xã hội của nhiều thế hệ thợ mỏ cùng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho đến tận ngày hôm nay.
Trong đêm 12/11/1936, truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích kêu gọi nghỉ việc xuất hiện ở các lán thợ và trên các đường phố. Rạng sáng 13/11/1936, truyền đơn, áp phích kêu gọi đấu tranh đã xuất hiện ở những ngã ba, ngã tư, lối lên lò.
Từ sáng sớm, công nhân đi làm đã vây quanh các tờ áp phích kêu gọi bãi công với nội dung: "Hỡi anh chị em! Chúng ta làm lụng cực khổ, lương không đủ sống. Chúng ta không muốn chết đói, chết bệnh. Vậy tất cả hãy bãi công. Đòi chủ tăng lương lên ba hào một ngày. Đòi chủ phải mua cuốc xẻng. Anh chị em hãy đồng tâm, đừng để người ta phá cuộc đấu tranh của chúng ta. Hãy tỉnh táo! Đừng mắc mưu khiêu khích! Kỷ luật và đồng tâm! Chúng ta sẽ thắng".
Sau khi đọc xong nội dung kêu gọi bãi công, tất cả công nhân trên địa bàn mỏ Cẩm Phả không ai bảo ai, đều lần lượt ra về. Chỉ trong vài giờ, cuộc bãi công đã lan rộng. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở Cẩm Phả đã ngừng hoạt động.
Ngày 14/11/1936, bọn chủ mỏ và chính quyền thực dân điều 500 lính lê dương, lính khố xanh từ Quảng Yên, Hải Phòng về Cẩm Phả để đàn áp cuộc bãi công. Nhưng công nhân đã siết chặt hàng ngũ với lời kêu gọi "Kỷ luật, đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng". Tinh thần đấu tranh của công nhân mỏ Cẩm Phả vẫn không hề nao núng. Tổng cộng, 1 vạn công nhân Cẩm Phả đã tham gia bãi công.
Toàn bộ hệ thống cai trị, khủng bố của bọn thực dân ở mỏ cũng được huy động để đối phó với cuộc đấu tranh của thợ mỏ. Chúng dùng các thủ đoạn dụ dỗ, chia rẽ, dọa nạt…, nhưng tất cả đều vô hiệu. Thợ mỏ vẫn kiên quyết đấu tranh đòi chủ mỏ phải thực hiện các yêu sách của họ.
3 giờ chiều 20/11/1936, chủ mỏ đã phải tuyên bố chấp nhận toàn bộ yêu sách của công nhân: Trả lương 3 hào/ngày; trả một nửa tiền cuốc xẻng; chịu tiền dầu mỡ bảo dưỡng xe goòng; công nhân vắng mặt bất cứ lý do gì cũng không bị phạt.
Vậy là sau 8 ngày đấu tranh liên tục, quyết liệt, cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Đánh giá về cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả, báo Le Travail ngày 27/11/1936 đã ca ngợi: "Lần đầu tiên ở Đông Dương giai cấp vô sản đã giành được một thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên kỷ luật vô sản đã thắng sự kháng cự của bọn địa chủ… Cuộc đấu tranh trong bình tĩnh và kỷ luật, đấu tranh với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản; đây là đặc trưng chủ yếu đã toát ra từ trong cuộc bãi công đáng khâm phục…".
Cuộc bãi công thắng lợi ở Cẩm Phả đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của công nhân toàn khu mỏ. Trong khi bọn chủ mỏ vẫn còn bàng hoàng trước cuộc đấu tranh kiên cường của 1 vạn thợ mỏ Cẩm Phả, sáng ngày 23/11/1936, công nhân Nhà máy Cơ khí Hòn Gai phát động bãi công đòi những quyền lợi về kinh tế và chính trị. Sau đó là công nhân các nhà máy than luyện, nhà sàng, mỏ than Hà Tu, Hà Lầm, nhà máy điện Cột 5 tiếp tục bãi công. Phong trào nhanh chóng lan tới Mông Dương, Cửa Ông, Kế Bào, Cái Đá, Đồng Đăng…
Chiều 28/11/1936, chủ mỏ Hòn Gai đã phải ra thông báo chấp nhận yêu sách của công nhân. Trước tình hình đó, chủ mỏ Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê cũng vội vàng tăng lương đồng loạt 10% cho tất cả công nhân.
Tính đến ngày 28/11/1936, phong trào đã trở thành cuộc tổng bãi công thu hút sự tham gia 3 vạn thợ mỏ. Chỉ với những công cụ lao động bình thường như: câu liêm, búa chém, lác lê, kìm kẹp, đèn con gà, choòng, cuốc chim… 3 vạn thợ mỏ đã đấu tranh kiên quyết, bền bỉ đến thắng lợi. Đây cũng là những hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh như minh chứng sinh động về sức mạnh đấu tranh và tinh thần đoàn kết "Kỷ luật và đồng tâm" của công nhân vùng mỏ.
Đến nay, cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ năm 1936-1939.
Vùng mỏ Quảng Ninh tiếp tục phát huy tinh thần "Kỷ luật và đồng tâm" vùng lên giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, góp phần vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, nhiều địa phương trên cả nước đã về tay nhân dân, nhưng vùng mỏ vẫn nằm trong vùng 300 ngày tập kết của quân Pháp.
Với dã tâm của mình, ở khu mỏ, quân Pháp dùng mọi thủ đoạn vơ vét thật nhanh, thật nhiều sức người, sức của. Chúng ồ ạt khai thác than với dự tính sẽ bóc gần 80 vạn tấn than, bằng mức khai thác của cả 1 năm trước đó. Đồng thời, chủ mỏ Pháp cũng tìm cách di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi khu mỏ...
Cuối năm 1954, với sự chỉ đạo của Trung ương, Đặc khu uỷ Hòn Gai đã cho các cơ sở bí mật thành lập các tổ tự vệ công nhân để bảo vệ máy móc, thiết bị và các cơ sở công nghiệp. Những thợ mỏ giỏi cũng kiên quyết không nghe theo lời xúi giục của quân Pháp vào Nam mà ở lại giữ máy.
Ngày 18/12/1954, công nhân Cẩm Phả đã ngăn chặn được bọn chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu Sondeur xuống tàu.
Chiều 9/3/1955, chủ mỏ dùng lính và bọn cai sếp người Pháp định chuyển 8 động cơ của Nhà máy điện Hòn Gai xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam. Công nhân đã vây quanh nhà tên chủ, buộc chúng phải ngừng chuyển máy.
Ngày 24/4/1955, công nhân Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đã kiểm soát các hòm máy chủ định chuyển vào Nam, buộc chúng phải để lại 3 máy.
Bộ đội ta vào tiếp quản thị xã Hòn Gai tháng 4/1955, trong sự chào đón tưng bừng của người dân.
Ngay sau khi Trung đoàn 238 tiếp quản Cẩm Phả, cũng trong sáng 22/4/1955, Trung đoàn 244 đã tiến vào tiếp quản Cửa Ông, Cọc 6, Đèo Nai, rồi sang Quang Hanh, Hà Tu và về thị xã Hòn Gai.
Đúng 12 giờ trưa 24/4/1955, tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời khu mỏ và ngày 25/4/2955 rút khỏi Hòn Gai. Khu mỏ Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng. 13 giờ cùng ngày, hàng ngàn thợ mỏ cùng với nhân dân dọc đường Cửa Ông, Cẩm Phả, Cọc 5, Hòn Gai... hân hoan đón chào đoàn quân giải phóng tiếp quản khu mỏ.
Ngày 25/4/1955, tại thị xã Hòn Gai, quân dân Hồng Quảng đã tổ chức mít tinh trọng thể mừng giải phóng, ra mắt Uỷ ban quân chính Hồng Quảng, đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quân dân Hồng Quảng.
Từ đây, vùng mỏ chính thức hoàn toàn giải phóng. Người dân vùng mỏ chính thức thoát khỏi những đêm trường nô lệ, giành được hoàn toàn quyền làm chủ mảnh đất vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc, vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, chung tay xây dựng cuộc sống mới.
Sau ngày giải phóng, công nhân khắp các mỏ than hăng hái bắt tay vào sản xuất, tổ chức các phong trào thi đua, mở rộng quy mô, từng bước nâng cao sản lượng khai thác, tích cực sản xuất bằng 5, bằng 10 để xây dựng vùng Than, góp sức cùng cả miền Bắc chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.
Trong buổi trò chuyện với cán bộ, thợ lò Công ty CP Than Vàng Danh ngày 6/4/2022, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vai trò quan trọng và truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, từ xưa đến nay vô cùng anh hùng trong tất cả các thời kỳ, kể cả trong trong kháng chiến, trong hòa bình và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
"Mong các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc ta, giai cấp công nhân nước ta trong giai đoạn mới. Phát huy hơn nữa truyền thống Quảng Ninh của chúng ta. Quảng Ninh cũng đang phát triển rất nhanh. Chúc các anh các chị cùng gia đình sắp tới tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng quê hương Quảng Ninh nói riêng, đất nước Việt Nam anh hùng nói chung ngày càng phát triển giàu mạnh, vươn lên không kém gì các nước trên thế giới. Và giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc thù riêng của công nhân Việt Nam, không chỉ lao động giỏi mà còn có đời sống văn hóa, tình thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và chăm lo gia đình thực sự hạnh phúc. Xin có mấy cảm nghĩ mộc mạc nôm na và đột xuất thế thôi. Chỉ mong các đồng chí thu nhập nhiều hơn nữa, đóng góp cho đất nước nhiều hơn nữa" – cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Khai thác than giờ đây đã được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến. Việc trang bị bảo hộ đầy đủ cho các thợ mỏ đã giúp họ yên tâm và cống hiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.