img
 

Thương hiệu thời trang bình dân Mỹ Forever 21 tối 29/9 (giờ Mỹ) vừa tuyên bố đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi kêu gọi được khoảng 350 triệu USD từ các công ty tài chính cũng như quỹ liên kết để hỗ trợ việc phá sản.

Forever 21 hiện đang vận hành 815 cửa hàng tại 57 quốc gia trên thế giới, nhưng đã nộp đơn xin đóng cửa 178 cửa hàng tại Mỹ vào cuối tháng 8 sau khi thất bại trong việc cứu vãn doanh số bán hàng thảm hại và tái cơ cấu các khoản nợ. Từ nhiều tháng nay, Forever 21 đã thu hẹp hoạt động, đóng cửa một số cửa hàng tại Mỹ, Châu Á và Châu Âu, chỉ cố gắng giữ lại các cửa hàng tại Mexico và Mỹ Latinh.

Sau tuyên bố phá sản, ước tính tổng tài sản của vợ chồng nhà sáng lập Forever 21 là Jin Sook và Do Won Chang chỉ còn lại vỏn vẹn 1,6 tỷ USD; sụt 4,3 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh cao năm 2015.

img
 
img
 

Năm 1981, cặp vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang rời Hàn Quốc, nhập cư vào Los Angeles, bắt đầu “giấc mơ Mỹ” mà nhiều người khao khát. Chuyến bay dài đưa họ đến California, bắt đầu một cuộc sống trên đất Mỹ với vốn tiếng Anh chỉ là con số 0, không bằng đại học, không người thân thích.

Với số vốn nhỏ và kinh nghiệm tích lũy từ hồi kinh doanh cafe tại phố Myungdong (Seoul), Do Won Chang dự định tấn công ngành công nghiệp cafe của Mỹ. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như họ tưởng tượng, thị trường cafe của Mỹ không phải “mỏ vàng” và gu thưởng thức cafe của người Mỹ thì khác xa người Đông Á.

Suốt 3 năm ròng rã, Do Won Chang phải làm cùng lúc 3 công việc: nhân viên bán xăng, bảo vệ và nhân viên phục vụ quán cafe để kiếm sống. Quan sát tạo nên trải nghiệm, trải nghiệm tạo nên thành công, chân lý này quá đúng với Do Won Chang. Những công việc vất vả giúp Chang tiếp xúc với đa dạng khách hàng Mỹ, làm thay đổi định hướng kinh doanh và dần biến ông thành tỷ phú.

img
 

Năm 1984, cặp vợ chồng mở cửa hàng thời trang đầu tiên trên phố Highland Park, Los Angeles, lấy tên là Fashion 21. Cửa hàng rộng vỏn vẹn hơn 80 mét vuông, thuê lại từ một doanh nghiệp kinh doanh thời trang thua lỗ. Ngay từ thời gian đó, ông bà Chang đã xác định lấy giá cả thấp làm yếu tố cạnh tranh chiến lược, cộng với chất lượng sản phẩm đồng đều và thiết kế phong cách riêng.

Ngay trong năm đầu tiên, thần may mắn đã mỉm cười. Họ thu về 700.000 USD, một số tiền khá lớn vào thời điểm đó. Tiếp đà thành công, Do Chang Won bắt đầu phát triển chuỗi cửa hàng tại nhiều địa điểm, nhiều bang của nước Mỹ. Fashion 21 được đổi tên thành Forever 21 (còn gọi là F21). Bà Jin Sook quản lý việc thẩm định và sàng lọc các thiết kế thời trang trước khi đưa vào sản xuất còn ông Do Chang Won chịu trách nhiệm kinh doanh và phát triển thương hiệu Forever 21.

img
 

Có thể nói, Forever 21 đã mở ra kỷ nguyên mới cho những thương hiệu thời trang bình dân bán lẻ, còn gọi là “thời trang nhanh”. Bạn có thể tìm thấy ở cửa hàng Forever 21 những chiếc váy kiểu dáng trendy với mức giá chỉ từ 25 USD, áo và quần chỉ từ 10 USD. Thiết kế đơn giản, thời thượng, phù hợp với nhiều đối tượng đã đưa tên tuổi Forever 21 phủ sóng toàn nước Mỹ trước khi tấn công thị trường thế giới.

Tại thời điểm đỉnh cao những năm 2015, Forever 21 sở hữu chuỗi hơn 600 cửa hàng với vị thế đắc địa trên toàn thế giới. Thương hiệu có trụ sở tại Los Angeles thậm chí còn có sức cạnh tranh gay gắt với các đại gia “sừng sỏ” như H&M, Uniqlo, thậm chí là Zara. Năm 2016, dù đã có dấu hiệu giảm tỷ suất lợi nhuận, Forever 21 vẫn thu về 43,8 tỷ USD doanh thu toàn cầu từ 790 cửa hàng trên 48 quốc gia, vùng lãnh thổ. Quy mô nhân viên Forever 21 thời điểm đó lên tới 30.000 người. Cùng năm, giá trị tài sản ròng của vợ chồng nhà Chang được Forbes thống kê là 6,1 tỷ USD. Nhờ Forever 21, ông bà Chang được gọi tên trong top những tỷ phú nước Mỹ.

img
 

Tính đến năm 2018, vốn chủ sở hữu của Forever 21 vượt qua 3 tỷ USD. Công ty đặt mục tiêu đưa vốn chủ sở hữu lên 8 tỷ USD và mở thêm 600 cửa hàng cho đến năm 2021. Nhưng với tuyên bố phá sản mới đây, hành trình của Forever 21 có thể mãi chỉ là dang dở.

img
 

Từ thời kỳ đỉnh cao của Forever 21 cho đến khi hãng phải nộp đơn phá sản dài chưa đầy 4 năm. Kể từ thời điểm 2016, những cửa hàng Forever 21 trên toàn cầu dần vắng bóng khách hàng. Cảnh tượng dòng người xếp hàng dài săn sale Forever 21 mỗi dịp cuối năm hay nghỉ đông không còn nữa. Doanh số của Forever 21 thậm chí còn hẩm hiu hơn cả H & M. Tình hình kinh doanh bết bát đã dồn hãng thời trang bán lẻ 35 năm tuổi đến bờ vực phá sản. Và hôm 29/9, Forever 21 chính thức tuyên bố lời chia tay cay đắng. 4 năm không phải quá dài, nhưng có quá nhiều yếu tố khiến cho Forever 21 “thất thế”.

img
 
img
 

Trên con đường phát triển của mình, Forever 21 đã có nhiều quyết định tuyệt vời nhưng cũng không tránh khỏi những quyết định sai lầm. Khi hãng quyết định mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang rất nhiều mặt hàng như mỹ phẩm, đồ bầu, trang phục ngoại cỡ…, họ vô tình đã tự pha loãng “chất” riêng của mình. Người tiêu dùng không còn tìm thấy những thiết kế độc đáo, định hình cá tính của Forever 21 như xưa. Không chỉ lép vế trước những đối thủ truyền thống như H & M, Forever 21 còn cúi đầu trước kênh bán hàng trực tuyến. Trong bối cảnh các hãng mua sắm trực tuyến lên ngôi và áp đảo, thương hiệu thời trang bình dân này ngày càng thua lỗ, bế tắc trong tái cơ cấu nợ trước khi buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

img
 

Cùng với Forever 21, những chuỗi thời trang bán lẻ như H&M cũng đang lao đao. Doanh số sụt giảm, lợi nhuận không đạt mức mục tiêu, giá cổ phiếu trượt dốc...do kênh bán hàng trực tuyến áp đảo. Amazon, ASOS, Missguided, Fashion Nova...là những trang web bán hàng thời trang đang lên ngôi vài năm gần đây. Đó là chưa kể xu hướng “thời trang xanh” bảo vệ môi trường ngày càng được ưa chuộng rộng rãi, khiến người trẻ mất dần hứng thú với ‘thời trang nhanh” mà Forever 21 hướng đến.

img
 

Không thể phủ nhận Forever 21 đã cực kỳ thành công trong việc duy trì mức giá thấp kỷ lục so với các thương hiệu khác như Zara, Topshop...Nhiều sản phẩm của hãng thậm chí có mức giá rẻ hơn hẳn H & M. Nhưng Forever 21 lại không quá thành công trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm như trước đây. Trong bối cảnh mô hình bán hàng trực tuyến đẩy sự cạnh tranh lên cao, giá cả dường như không còn là lợi thế của hãng. Thế nên dù sở hữu một lượng khách hàng lớn đáng kể, không khó hiểu khi doanh số Forever 21 tụt dốc mạnh, ngày càng thảm hại.

img
 
img
 

Là một doanh nghiệp hoạt động trên mô hình gia đình, thuộc sở hữu tư nhân, Forever 21 tất nhiên sẽ đối diện với nhiều vấn đề bất cập, nhất là khi quy mô của nó đạt tới một sự phát triển nhất định. Nguồn nhân lực gia đình lúc ấy vô hình chung trở thành “gọng kìm” kiềm chế sự phát triển của công ty. Một hãng thời trang cần nhiều hơn sự đổi mới, sự sáng tạo, sự phát triển, nhất là trong thời đại 4.0 với nền tảng công nghệ thay đổi hoàn toàn nhiều chuẩn mực sống. Khách hàng kỳ vọng nhiều hơn ở Forever 21: chính sách mua sắm trực tuyến dễ dàng hơn, thiết kế độc đáo cá tính hơn, phong cách thời trang hiện đại cuốn hút hơn… Nhưng Do Won Chang và vợ giờ đây đã ở tuổi ngoài 60, rất khó để làm được điều đó.

Hai cô con gái nhà Chang được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng với kỳ vọng đảm nhận những vai trò lớn hơn trong doanh nghiệp gia đình, trước khi ông bà Chang yên tâm thực hiện sự chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ. Nhưng họ chưa kịp làm điều ấy, Forever 21 đã buộc phải đệ đơn phá sản.

img
 

Trong vài năm gần đây, Forever 21 đã phải đối mặt với hơn 50 vụ kiện vi phạm bản quyền, nhưng hãng vẫn không thay đổi cách thức thiết kế và sản xuất. Mới đây nhất, cuối tháng 8/2019, nữ ca sĩ nổi tiếng Ariana Grande đã kiện hãng này khoản bồi thường 10 triệu USD với cáo buộc hãng sử dụng trái phép hình ảnh của cô cho một chiến dịch quảng bá. Đó chỉ là một trong số nhiều vụ kiện tụng khác, khi Forever 21 bị các nhà thiết kế quy kết đạo nhái mẫu mã thời trang mà không trả tiền bản quyền.

img
 
img
 

Bên cạnh kiện tụng bản quyền, Forever 21 còn phải đối mặt với hàng loạt tranh chấp, cáo buộc vi phạm quyền lao động của công nhân. Bộ Lao động Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra cho thấy những vi phạm nghiêm trọng trong nhà máy của Los Angeles liên quan đến tiền lương tối thiểu, làm thêm giờ trái quy định… Danh tiếng hãng bán lẻ thời trang này sau đó bị ảnh hưởng nặng nề.

Forever 21 không phải nhà bán lẻ đầu tiên đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, tờ Guardian đã thống kê được tới hơn 20 nhà bán lẻ Mỹ bao gồm cả Sears Holdings Corp (quy mô 89.000 nhân viên năm 2017) và hãng đồ chơi trẻ em nổi tiếng Toys 'R' Us phải nộp đơn phá sản vì không thể cạnh tranh lại những mô hình bán hàng trực tuyến như Amazon.

img
 
img
 
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem