Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Gặp lại ông "Mặt trận", người chuyên gỡ nút thắt từ điểm nóng (Bài cuối)

Anh Thơ (thực hiện) Thứ tư, ngày 28/08/2024 06:00 AM (GMT+7)
Là người tham gia xử lý những việc liên quan đến "điểm nóng" an ninh trật tự ở Thái Bình, Thanh Hóa,... những năm đầu đổi mới, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, bài học chung nhất sau những vụ việc này là, cán bộ phải trọng dân.
Bình luận 0
Gặp lại ông "Mặt trận", người chuyên gỡ nút thắt từ điểm nóng những năm đầu đổi mới - Ảnh 1.

Hơn 50 năm gắn bó với công tác Mặt trận, là người tham gia tìm hiểu, xử lý những việc liên quan đến các "điểm nóng" về an ninh trật tự an toàn xã hội ở Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Tây Nguyên,... ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, bài học của các bậc tiền nhân, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc "lấy dân làm gốc" vẫn còn nguyên tính thời sự.

Gặp lại ông "Mặt trận", người chuyên gỡ nút thắt từ điểm nóng những năm đầu đổi mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, bài học của các bậc tiền nhân, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc "lấy dân làm gốc" vẫn còn nguyên tính thời sự.

Những năm đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, bên cạnh sự nhảy vọt trong phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, chúng ta cũng phải chứng kiến sự mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân khiến một số địa phương ở Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam,... đã trở thành "điểm nóng" về an ninh trật tự, khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Theo ông, tại sao giai đoạn đó lại xảy ra nhiều vụ việc đau lòng như vậy?

- Những năm 1989, 1990 là giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới được triển khai sau Đại hội VI của Đảng và đó cũng là thời điểm một loạt những yếu kém của giai đoạn trước còn sót lại được bộc lộ. Đại hội VI cũng đã nhận định, trong những năm 1981 - 1985, Đảng chưa cụ thể hóa đường lối kinh tế trong chặng đường đầu tiên, chưa kiên quyết khắc phục sự chủ quan, nóng vội và bảo thủ, trì trệ, duy ý chí,  không tôn trọng quy luật.

Bước vào giai đoạn đổi mới, yêu cầu số một là: Lấy dân làm gốc, tôn trọng quy luật nhưng thực tế có nhiều chính sách mang tính áp đặt, từ trên dội xuống. Mô hình hợp tác xã, một thời phát huy được vai trò huy động lực lượng nhưng bây giờ kiểu "làm việc theo kẻng" đã không còn phù hợp, làm mất tính sáng tạo của người dân. Chả thế mà thời đó người ta cứ lưu truyền những câu vè kiểu như: "Một người làm việc bằng hai/Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe". Không những thế, ở nhiều nơi, những đồng chí phụ trách lại vi phạm, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. 

Tôi nhớ, sau vụ việc xảy ra ở xã Quỳnh Hoa, An Ninh,.. (Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình có rất nhiều cán bộ, người dân bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Không khí đổi mới, dân chủ mang đến sức sống mới cho nền kinh tế nhưng cũng để lại cho nhiều địa phương những bài học đau lòng.

Điều đáng buồn là ở nhiều địa phương những người vi phạm đều từng là cán bộ, đảng viên, có trình độ, thậm chí là cựu chiến binh đã chinh chiến ở chiến trường. Vậy điều gì đã khiến họ đấu tranh với chính quyền, dù cách họ chọn là vi phạm pháp luật?. Tôi vẫn nhớ, vụ người dân Thọ Ngọc (Triệu Sơn, Thanh Hóa) giữ trái phép 5 cán bộ chủ chốt của địa phương, khi tôi được cấp trên tìm về Thọ Ngọc trong đêm để tìm hiểu tình hình, tôi có hỏi một số người dân thì nguyên nhân chính là: Mất dân chủ.

"Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang" - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các cựu chiến binh một thời, vào sinh ra tử trong 2 cuộc chiến, còn tham gia chiến tranh ở Campuchia, chiến tranh biên giới tại sao phải dùng các kiến thức trong trận mạc tìm cách chống lại chính quyền?. Sau mấy ngày ở giữa lòng Thọ Ngọc, tôi hiểu rằng, giữa dân và chính quyền chưa tìm được tiếng nói chung trong đối thoại. Những người lính đó về quê, thuê hồ nuôi cá, phát triển sản xuất nhưng một số cán bộ lại gây khó dễ, khi họ phản ứng thì lại cho rằng họ chống đối chính quyền nên trấn áp. Kết quả là có 5 cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị dân giữ trái phép cả tháng. 

Sau khi đoàn của tôi cùng một đoàn nhà báo đi vào Thọ Ngọc tìm hiểu, lắng nghe tâm tư của bà con thì những cán bộ này được thả, sự ổn định dần trở lại với Thọ Ngọc. Những cái tiêu cực, tồn dư còn lại của thời bao cấp bộc lộ trong giai đoạn quá độ đã để lại cho nhiều địa phương những bài học về công tác dân vận, an dân mà theo tôi đến thời điểm này còn nguyên giá trị.

Gặp lại ông "Mặt trận", người chuyên gỡ nút thắt từ điểm nóng những năm đầu đổi mới - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Túc (hàng thứ nhất, thứ tư từ phải sang) tham gia Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội X của Đảng, lúc đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổ trưởng Tổ Biên tập. Ảnh tư liệu.

Là người trực tiếp tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện của những người trong cuộc ở những vụ việc này, theo ông, đâu là nguồn cơn sâu xa dẫn đến những "điểm nóng" về an ninh trật tự những năm đầu đổi mới?

- Tôi cho rằng mấu chốt nhất của những mâu thuẫn giữa dân và chính quyền ở những vụ việc đó là do quyền làm chủ của dân chưa được tôn trọng. Công cuộc đổi mới tôn trọng quyền làm chủ, dân làm gốc, những thứ áp dụng trong thời bao cấp phù hợp với thời kỳ chiến tranh khi thời điểm đó cái tôi phục tùng cái ta, tất cả cho giải phóng nhưng bước sang thời kỳ đổi mới lại khác, làm sao xây dựng Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa của dân do dân vì dân. Những bất cập của thời kỳ bao cấp nhưng nhiều người vẫn giữ ở thời đổi mới, khiến dân bất bình.

Sau một loạt "điểm nóng" về an ninh trật tự xảy ra ở Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam,... ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp đó, ngày 26/02/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 45/1998/NQ-UBTVQH10 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ngày 11/5/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 29/1998/NĐ-CP về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã với mục tiêu phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình.

Sau đó, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. 

Qua công cuộc xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp ở các địa phương trên cả nước, ngoài việc phát huy dân chủ với nguyên tắc: Dân biết, dân làm, dân kiểm tra thì còn có thêm 2 mệnh đề: Dân giám sát, dân thụ hưởng. Tôi cho rằng, việc để người dân được thể hiện quyền giám sát của mình đối với mọi công việc của chính quyền là rất quan trọng.

Gặp lại ông "Mặt trận", người chuyên gỡ nút thắt từ điểm nóng những năm đầu đổi mới - Ảnh 4.

Từng là "điểm nóng" về an ninh trật tự những năm 1990, hôm nay, xã An Ninh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã đạt nông thôn mới nâng cao, người dân hăng hái thi đua sản xuất, hiến đất, góp công xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong ảnh: Cánh đồng liên kết ở xã An Ninh.

Gần đây, vụ án ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đã để lại những bài học đau lòng. Mâu thuẫn, tranh chấp đất đai bắt đầu từ năm 2013, kéo dài âm ỉ 7 năm trong thời gian dài và kết thúc bằng cuộc tấn công người thi hành công vụ khiến 3 chiến sỹ công an hy sinh. Ngoài sự manh động, liều lĩnh của một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa dòng họ, đảng viên để lôi kéo quần chúng, theo ông, trong sự việc này có một phần nguyên nhân do chính quyền địa phương để mâu thuẫn kéo dài, không sớm tìm được sự đồng thuận?

- Phải nói rằng, qua vụ án ở Đồng Tâm, cá nhân tôi cho rằng, công tác dân vận ở đây có vấn đề. Đáng lẽ, khi có mâu thuẫn giữa dân với chính quyền thì cán bộ dân vận phải đến đầu tiên, đất của quân đội, dân tự lấn chiếm, những người làm dân vận phải phát hiện đầu tiên để cùng chính quyền có biện pháp can thiệp sớm, ngăn chặn ngay từ đầu mầm mống của sự mâu thuẫn, không để nó âm ỉ, tích tụ ngày càng lớn.

Điều nguy hiểm hơn nữa là trong vụ án này, gia đình các đối tượng còn mượn uy tín của dòng họ để chống đối lại chính quyền. Sự việc xảy ra ở Đồng Tâm là hết sức đau lòng, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác dân vận ở đây chưa tốt, với tư cách là người làm công tác dân vận lâu năm tôi nhận định như vậy. Bác Hồ từng nói: "Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết", do vậy, tôi cho rằng, công tác mặt trận là rất quan trọng và cực khó vì nó là khoa học xử lý các mối quan hệ giữa con người với con người.

Như ông đã nói: "Công tác dân vận là khoa học xử lý các mối quan hệ giữa con người với con người", vậy chắc hẳn với mỗi vùng miền, công tác dân vận, mặt trận cũng phải được thực hiện khác nhau?

- Đúng là như vậy, ví như vụ việc cách đây 23 năm, tháng 2/2001, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên bị bọn phản động lưu vong và các thế lực thù địch xúi giục, lôi kéo, tham gia tụ tập đông người, gây rối, biểu tình, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, tôi cũng được lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử vào trực tiếp tìm hiểu, giải quyết. 

Khi chúng tôi vào Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở Đắk Lắk là người dân tộc địa phương, một trí thức nổi tiếng, ông ấy đã tổ chức mời các già làng trưởng bản đến ăn cơm, lắng nghe nguyện vọng của bà con. Xuống cơ sở mới thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc nhưng trước hết bắt đầu từ chính những khó khăn của đồng bào chưa được cấp ủy, chính quyền địa phương lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời; đồng bào thiếu đất sản xuất trong khi các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số có những vấn đề chưa sát thực tế. Điều này khiến bọn phản động, thế lực thù địch lợi dụng, xúi giục đồng bào, ngụy trang bằng lớp vỏ “thiện nguyện vì dân”. 

Sau đó, bọn phản động còn kích động, lôi kéo bà con các dân tộc Tây Nguyên tụ tập, biểu tình vào các năm 2004, 2008. Mới đây nhất, ngày 11/6/2023, một nhóm đối tượng có vũ trang đã tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk; hậu quả làm 9 người chết, 2 người bị thương, nhiều tài sản khác bị đốt phá; 84 bị can liên quan đã bị khởi tố. 

Từ những vụ việc này có thể thấy, công tác dân vận trong đồng bào dân tộc cũng phải luôn sát sao, đổi mới, để tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào được lắng nghe, giải quyết kịp thời. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc cũng đã nêu rất rõ: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị.

Gặp lại ông "Mặt trận", người chuyên gỡ nút thắt từ điểm nóng những năm đầu đổi mới - Ảnh 5.

Xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) từng là "điểm nóng" sau vụ án gây rối khiến 3 chiến sỹ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, hôm nay đang dần khoác lên tấm áo mới, người dân đồng thuận với các phong trào thi đua của chính quyền địa phương.

Nhưng có một thực tế, so với giai đoạn trước thì rõ ràng hiện nay, công tác dân vận sẽ đặt ra những thách thức mới khi quá trình phát triển quá "nóng" có thể để lại những hệ lụy về thu hồi đất, ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Theo ông, trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận cần đổi mới như thế nào?

- Tôi cho rằng nhận định này hoàn toàn xác đáng. Sau Đại hội VI mở ra thời kỳ đổi mới, đến Đại hội VII, văn kiện đại hội có nhận định: "Một số cán bộ có chức có quyền thoái hóa biến chất", sau đó tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Nhưng đến Đại hội VIII thì không phải nhận định là "một số" nữa mà là "một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất". Từ "một số" lên "một bộ phận" cho thấy công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng của Đảng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức đến độ nào. 

Sau đó, trong quá trình dự thảo văn kiện cho Đại hội X có nhận định: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất". Tôi nhớ, trong một cuộc họp về dự thảo văn kiện, có đồng chí lãnh đạo đề nghị bỏ chữ "không nhỏ", lúc đó, tôi - với tư cách là thành viên Tổ biên tập văn kiện phục vụ Đại hội X đứng lên phát biểu: "Theo tôi, chưa thể bỏ chữ "không nhỏ" được vì có một thực tế là người ta "ăn" tập thể, rất nhiều thủ đoạn, người ta "ăn" cả đất". Lúc đó, nhiều người không hài lòng với phát biểu này nhưng tôi cho rằng nếu không nói lên sự thật thì những đánh giá của Trung ương có thể chưa chính xác và từ đó dẫn đến có những chính sách không phù hợp. 

Sau đó, tại cuộc họp, Trưởng ban Tổ chức Trung ương thời kỳ đó có đọc báo cáo về công tác xây dựng Đảng, báo cáo nhận định: Nhiệm kỳ qua có nhiều vi phạm chưa từng có trong điều lệ, số đảng viên bị kỷ luật tăng rất nhiều so với Đại hội VIII sang Đại hội IX, cán bộ cao cấp vi phạm trước đây chỉ đến cấp tỉnh giờ đến cấp Trung ương. Tiếp đó, báo cáo của Ủy ban Kiểm tra cũng nêu: Đội ngũ cán bộ do Bộ Chính trị, Trung ương quản lý bị kỷ luật tăng gấp rưỡi, rất đau lòng là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, có những đồng chí Trung ương bị xử lý hình sự.

Sau báo cáo này, một đồng chí lãnh đạo đã đứng lên ngay tại cuộc họp xin lỗi tôi và nói: "Thế thì bỏ làm sao được". Sau đó, đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Tổ trưởng Tổ biên tập văn kiện phục vụ Đại hội X có cảm ơn tôi và nói: "Đảng cần những con người dám nói thẳng, nói thật và mang tính xây dựng".

Nói lại câu chuyện này để thấy, càng ngày, công tác cán bộ càng đặt ra những thách thức. Những vụ án gần đây cho thấy, nhiều người giàu lên vì đất nhưng vi phạm, tù tội cũng vì đất. Do vậy, để tạo được sự đồng thuận với nhân dân, cán bộ phải là những người có lương tâm, trung thực, điều quan trọng đầu tiên là tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tôi cho rằng, trong quá trình triển khai Luật Đất đai 2024, các địa phương cũng phải nhìn trước, tính trước những mâu thuẫn có thể phát sinh, để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, kịp thời giải quyết vướng mắc để không làm bùng nổ mâu thuẫn quá lớn. 

Từ tất cả những vụ việc, những "điểm nóng" đã từng xảy ra, theo ông, bài học chung cho công tác dân vận ở đây là gì?

- Theo tôi, bài học chung nhất cho tất cả những vụ việc đã từng xảy ra đó là, đã là cán bộ, lãnh đạo phải quán triệt tư tưởng: Vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc của dân, là người bạn của dân. Thực hiện cho được mục tiêu "dân là gốc", phải tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân, mọi vấn đề đều do dân quyết định, Đảng lãnh đạo nhưng chủ trương, đường lối của Đảng phải thể hiện được nguyện vọng của nhân dân. Giám sát của nhân dân phải được tôn trọng.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem