Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lãnh đạo, người dân xã An Ninh nói về công tác dân vận và thành tựu trong xây dựng nông thôn mới.
Ngược dòng thời gian về trước, cách đây 27 năm, đêm 26 rạng sáng 27/6/1997 một số người dân quá khích đã kéo lên UBND xã An Ninh phá hoại tài sản, đốt nhà của một số cán bộ xã vì cho rằng việc huy động các nguồn vốn đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm quá nhiều và thiếu dân chủ, trong khi đời sống bà con còn khó khăn; cán bộ xã có sai phạm trong sử dụng các nguồn thu của dân…
Điều đáng nói, từ một số xã của huyện Quỳnh Phụ, sự việc nhanh chóng lan ra nhiều nơi khác trong tỉnh Thái Bình.
Ðể giải quyết vấn đề, tỉnh Thái Bình đã thành lập 242 tổ công tác với hàng nghìn lượt cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, các ngành và lực lượng vũ trang xuống bám sát cơ sở; vừa thanh tra kinh tế, vừa kiện toàn, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể. Sau vụ việc đó, hàng loạt cán bộ xã đã bị xử lý nghiêm, đáng buồn nhất là có đến 11 người dân bị truy tố vì tội gây rối trật tự công cộng và phá hoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
Suốt một thời gian dài, xã An Ninh chìm trong u ám!
Tại Ðại hội lần thứ IX của Ðảng (năm 2001), đồng chí Bùi Sỹ Tiếu, khi đó làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã nêu rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sự việc phức tạp trên là do: Quá thiên về phát triển kinh tế nên xem nhẹ công tác xây dựng Ðảng, để một thời gian dài năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng (nhất là ở cơ sở) bị giảm sút nghiêm trọng.
Công tác giáo dục, rèn luyện về phẩm chất và năng lực cũng như quản lý cán bộ, đảng viên không được quan tâm thường xuyên. Chưa phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Ðảng và quản lý nhà nước. Vì vậy, chưa tạo được sự thống nhất cao về nhận thức cũng như hành động ở trong Ðảng và ngoài nhân dân.
Chuyện đã qua gần 30 năm, "điểm nóng" An Ninh ngày nào giờ đã thay da đổi thịt mà chính người trong cuộc cũng không ngờ sẽ có ngày tươi đẹp như hôm nay.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, đồng chí Nguyễn Giao Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã An Ninh như đọc thấy những băn khoăn của chúng tôi, ông chậm rãi nói: "Chắc nhà báo đang thắc mắc vì sao An Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới mà trụ sở xã lại cũ kỹ thế này đúng không? Hẹn nhà báo sang năm về lại An Ninh nhé, lúc đó chắc chắn xã sẽ có cơ ngơi khang trang, sạch đẹp hơn và có thể khi ấy sẽ là một An Ninh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu rồi. Còn giờ mời nhà báo uống nước rồi ta làm một vòng quanh xã nhé".
Đúng như lời vị Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu, chúng tôi bất ngờ khi theo chân ông đi "ngắm thành quả nông thôn mới". Những con đường bê tông phẳng lỳ hai ô tô tránh nhau thoải mái, nhà nào cũng có giàn hoa rực rỡ trước hiên; đèn cao áp nối nhau chạy dài trên mọi tuyến đường. Chưa kể, từng ngõ ngách mỗi thôn xóm còn rất sạch, không hề có tình trạng để rác bừa bãi.
Chúng tôi dừng chân trước nhà ông Nguyễn Văn Hải, một đảng viên 73 tuổi đời, 50 tuổi Đảng ở thôn Dục Linh 1. Ông Hải cười rạng rỡ khi nghe chúng tôi cảm thán về những thành tựu đáng ngưỡng mộ của địa phương, ông bảo: "Để có được những thành quả như ngày nay, An Ninh quê tôi đã trải qua nhiều biến cố, có lúc tưởng chừng khó mà vượt qua nổi".
Là người từng sống, trải qua những năm tháng "chưa từng có trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình", chứng kiến những sự việc phức tạp xảy ra năm 1997, ông Nguyễn Văn Hải luôn thấm thía và ghi nhớ bài học về "lòng dân". "Khi niềm tin của dân được củng cố thì họ sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì sự nghiệp chung" – ông Hải nêu quan điểm.
Từng tham gia vận động bà con trong thôn hiến đất làm đường rồi đóng góp ngày công xây dựng nông thôn mới, ông Hải kể: "Tôi bị nhiều người ghét lắm, hàng xóm lúc đầu không hiểu, cho rằng tôi soi mói, phiền phức. Ví như có lần tôi đi vận động các nhà đóng góp tiền điện mỗi tháng để thắp sáng đường làng ngõ xóm, có người còn nghi ngờ tôi tơ hào, vì lợi ích riêng. Sau thấy làng xã lung linh mỗi đêm, tiền điện được công khai thu chi rõ ràng, dần dần họ mới tin những gì tôi nói".
Khi được hỏi về kinh nghiệm làm "công tác dân vận" đạt hiệu quả cao, ông Hải cười xòa: "Dân vận chính là đảng viên gương mẫu đi trước. Tôi thực hiện theo đúng chỉ đạo từ các cấp ủy Đảng, luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào, còn cụ thể ra sao, các nhà báo cứ hỏi đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là rõ nhất".
Ngồi cạnh ông Hải, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Giao Hưởng tiếp lời: "Đúng như bác Hải nói, chúng tôi luôn có sự thống nhất chỉ đạo, lãnh đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ". Nói rồi ông Hưởng dẫn chứng:
An Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển các cụm, khu công nghiệp thuộc hàng nhanh nhất huyện, chính vì thế công tác giải phóng mặt bằng cũng từng là "vấn đề nhạy cảm" mà nếu không khéo léo, quyết liệt thì chắc chắn sẽ không thể thành công.
Và cách làm của An Ninh là sau khi có chủ trương từ Tỉnh ủy Thái Bình, Huyện ủy Quỳnh Phụ, Đảng ủy xã cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề, tập trung lãnh đạo và phân công cho từng đồng chí phụ trách thôn đến tận nhà tuyên truyền vận động bà con.
"Chúng tôi mời các đảng viên lên họp không phải để tuyên truyền, vận động mà phân công từng đảng viên về vận động bà con thuộc thôn mình phụ trách. Những trường hợp bà con lăn tăn, chưa đồng thuận cứ cách ngày, tổ công tác lại đến nhà trò chuyện, phân tích rõ hơn cách làm, chủ trương của Đảng, Nhà nước để bà con hiểu. "Nhờ đó có những dự án như cụm công nghiệp Quý Ninh, công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành chỉ sau đúng 1 tháng, đến các đồng chí lãnh đạo huyện cũng phải bất ngờ" – ông Nguyễn Giao Hưởng chia sẻ.
Hay như việc xây dựng các cánh đồng liên kết theo Thông báo Kết luận số 675-TB/TU ngày 30/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028; Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028, Đảng ủy xã An Ninh cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề, đồng thời giao cho UBND xã xây dựng Kế hoạch, giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh làm công tác tham mưu, thực hiện.
Từ chỗ diện tích đất hoang hóa khá nhiều, nhờ thực hiện tốt Kết luận số 675-TB/TU, Nghị quyết 08 mà hiện nay ở An Ninh hầu như không còn ruộng hoang, đất trống. Không những thế, xã còn hình thành 2 cánh đồng liên kết với tổng diện tích 50,9ha và trở thành đơn vị dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp của huyện Quỳnh Phụ.
Bà con tham gia mô hình liên kết thì "sướng như tiên", được hỗ trợ 10kg thóc giống/sào, tất cả các chi phí như phân bón, thuê máy cày, máy cấy đều rẻ hơn 10-30% so với thuê ngoài.
"Mà giống, phân bón ở đây là hàng công ty có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chúng tôi không cung cấp hàng trôi nổi, kém chất lượng cho bà con nông dân. Giống chúng tôi liên hệ trực tiếp với những đơn vị cung cấp uy tín chứ không qua trung gian. Người của các công ty trực tiếp mang giống về cung cấp, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con thực hiện. Mọi khâu đều được làm theo đúng quy trình, đúng khuyến cáo của ngành chức năng nên không có tình trạng làm tự phát" – chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Ninh chia sẻ.
Chi phí đầu vào giảm, năng suất lại tăng, giá bán ổn định nhờ HTX thu mua, bao tiêu sản phẩm… cứ thế nông dân rỉ tai rủ nhau vào HTX, cùng nghĩ lớn, làm lớn. Anh Tô Văn Khải, một trong những "đại điền" sở hữu tới 25 ha đất canh tác trên địa bàn xã phấn khởi nói: "Trước đây nhìn các anh em ở xã, huyện khác làm đại điền mà tôi cứ nghĩ đó là ước mơ xa vời với mình, nhưng nay điều đó đã thành sự thật ngay trên quê hương tôi".
Nhờ thực hiện những cánh đồng liên kết, xã An Ninh đã xuất hiện những đại điền thế hệ mới, các công cụ sản xuất hiện đại như máy cấy, drone phun thuốc, phân bón xuất hiện ngày càng nhiều trên các cánh đồng. Ảnh: T.Quang.
Kinh tế phát triển, người dân xã An Ninh có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho y tế, giáo dục, văn hóa… ở địa phương. Chẳng thế mà riêng lĩnh vực y tế - giáo dục lãnh đạo xã khẳng định luôn "thương hiệu An Ninh" nằm trong top đầu của huyện. Tất cả các chương trình y tế trọng điểm quốc gia đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu.
"Giáo dục là thế mạnh còn hơn cả y tế, hiện chúng tôi đang đầu tư xây dựng nâng cao cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, đáp ứng đúng tiêu chí NTM nâng cao, trang bị đầy đủ camera, màn hình hiện đại cho các cấp học, việc tổ chức thi đầu cấp diễn ra nghiêm túc, được các cơ quan chức năng đánh giá cao, luôn nằm trong top 3 của huyện" – ông Nguyễn Giao Hưởng khẳng định.
Trả lời cho câu hỏi "cách nào để an dân, để người dân từ chỗ bức xúc, không đồng tình chuyển sang ủng hộ và chung tay xây dựng An Ninh giàu đẹp như ngày nay?", Bí thư Đảng ủy Nguyễn Giao Hưởng trầm ngâm hồi lâu, chậm rãi nhấp chén trà, ông nói như một cách chiêm nghiệm: "Bài học đắt giá từ sự kiện năm 1997 đã giúp đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên địa phương luôn phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Muốn gì thì gì, điều đầu tiên là phải có sự lãnh đạo tuyệt đối từ cấp ủy. Từ sự chỉ đạo ấy, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách thực sự tâm huyết chứ không phải hô khẩu hiệu.
Vấn đề thứ 2 là đề cao dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, có thể nói là quan trọng hàng đầu. Phải luôn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, phải hiểu được dân đang băn khoăn, bức xúc những gì; từ đó mới có cách để tháo gỡ, sau đó mới tuyên truyền, vận động được người dân.
Thứ ba, người lãnh đạo phải luôn công tâm, làm vì nhiệm vụ, vì quyền lợi của dân. Không được phép tư lợi cá nhân. Càng là đảng viên, là người đứng đầu các cấp ủy càng phải gương mẫu đi đầu, ngay kể cả trong gia đình mình. Người trong gia đình mà không nói được, không thực hiện nghiêm thì sao nói được người dân".
Trước khi chia tay, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Giao Hưởng, rồi ông Nguyễn Văn Hải, chị Nguyễn Thị Mai vẫn hẹn đón tiếp chúng tôi một ngày sớm nhất, để lại chứng kiến An Ninh đổi mới mỗi ngày.
Xin được mượn lời của đồng chí Bí thư thay cho lời kết, đó là: "Lịch sử phát triển có thể lưu lại những quãng thời gian nặng nề, u ám, nhưng với những người gánh vác tương lai chúng tôi cũng như thế hệ trẻ tiếp nối ở An Ninh không thể sống mãi với những ký ức đau buồn mà phải tìm mọi cách xây dựng quê hương thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa. Và đến giờ này, chúng tôi tự tin khẳng định đang đi đúng hướng".
Chỉ sau thời gian ngắn xảy ra những sự việc phức tạp ở nông thôn nhiều địa phương Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình,... ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/T.Ư về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị nêu rõ: "...Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Muốn vậy, Nhà nước cần ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở có tính pháp lý, yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.