Hiệu trưởng đại học này kiêm hiệu phó trường kia, được hay không?
Hiệu trưởng đại học này kiêm hiệu phó trường kia, được hay không?
Quang Phương
Thứ ba, ngày 04/08/2020 19:00 PM (GMT+7)
Tại một số trường đại học đang có tình trạng hiệu trưởng kiêm nhiệm: Vừa hiệu trưởng trường này vừa hiệu phó trường kia, vừa Chủ tịch tỉnh vừa kiêm hiệu trưởng trường đại học. Luật có cho phép hay không?
Trong tháng 5 vừa rồi, tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là lần đầu tiên chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đại học. Đã xuất hiện hiều ý kiến trái chiều về vấn đề trên.
Mới đây, có phản ánh trường hợp Phó Giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Trần Công Luận (SN 1953) nguyên Giám Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, Viện Dược Liệu (Bộ Y Tế), đang giữ song song hai chức vụ: Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng ở hai trường ĐH tư thục cùng lúc.
PGS.TS Trần Công Luận hiện đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai). Ông giữ song song 2 chức vụ ở hai nơi, chức Hiệu trưởng trường ĐH Tây Đô từ năm 2015 đến nay và Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Miền Đông từ năm 2014 đến nay.
Trao đổi về vấn đề kiêm nhiệm như trên, Phó Hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho biết: "Trường hợp này nếu như ở trường ĐH công lập thì không được vì vi phạm Luật Viên Chức".
Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng thường trực một trường ĐH tư thục cho hay: Mặc dù không có văn bản pháp luật nào cấm vấn đề trên nhưng làm như vậy là không hợp lý. Bộ GDĐT khi phát hiện giữ chức vụ quan trọng cùng lúc ở 2 trường ĐH dù đều là trường tư thì cần yêu cầu xác định lại là cơ hữu thuộc trường nào. "Nếu một người cùng lúc giữ chức vụ hiệu trưởng và hiệu phó ở hai trường ĐH tư thục khác nhau thì họ hoạt động không khác nào doanh nghiệp tư nhân. Đã là trường ĐH thì phải tuân theo Luật Giáo Dục. Hiện nay cơ chế hoạt động, mô hình quản trị của một số trường ĐH tư thục đang hoạt động giống như doanh nghiệp".
Theo luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP.HCM: Theo Điều 20 Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 chỉ quy định chủ tịch hội đồng trường đại học công lập là cán bộ cơ hữu của trường; không quy định cụ thể các chức danh khác như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Tiêu chuẩn hiệu trưởng quy định: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có bằng tiến sĩ, có đủ sức khỏe để làm việc, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục.
"Do đó, chức danh hiệu trưởng và hiệu phó của trường đại học tư thục được hiểu không phải là công chức mà chỉ như là người làm thuê cao cấp. Hay nói cách khác chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường đại học tư thục được xem là những nhà quản trị cao cấp được thuê để thực hiện quản trị ở lĩnh vực được giao", luật sư Thường nói.
Luật sư Thường phân tích: "Thực chất mô hình trường đại học tư thục hoạt động cũng gần giống như cơ chế công ty cổ phần nên hiệu trưởng cũng giống một CEO hay giám đốc điều hành. Nên họ vẫn làm việc theo luật lao động và người lao động được phép làm cùng lúc 2 công ty miễn sao vẫn đảm bảo hoàn thành cả 2 công việc. Điều 21, Luật Lao Động năm 2012 ghi rõ: "Người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết". Vậy một người có thể vừa là hiệu trưởng trường ĐH tư thục này nhưng vừa là hiệu phó trường ĐH tư thục kia cùng lúc".
Tuy nhiên cũng theo luật sư Thường: Trong thực tiễn một người mà cùng lúc vừa làm 2 chức vụ ở 2 trường khác nhau rất khó để hoàn thành tốt công việc đảm nhiệm. Bên cạnh đó, nó cũng có sự ảnh hưởng nhất định về chính sách tuyển sinh, tài chính, bí mật thông tin nghiên cứu khoa học của mỗi trường. Vì thế, dù không có quy định ngăn cấm nhưng tốt nhất một người chỉ nên đảm nhiệm một chức danh hiệu trưởng hay hiệu phó ở một trường trong cùng thời gian thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.