Tổng công ty HUD kinh doanh ra sao?

Phương Thảo Thứ năm, ngày 12/09/2024 11:33 AM (GMT+7)
Là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, những năm qua, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm ăn ra sao?
Bình luận 0

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) không phải cái tên xa lạ trên thị trường bất động sản. Đây là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng.

HUD kinh doanh ra sao?

Dữ liệu thống kê giai đoạn từ 2018 đến năm gần nhất cho thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khá trồi sụt.

Nếu so với năm 2017, doanh thu năm 2018 giảm 3,8% và tổng tài sản giảm 8,2%. Chỉ số vòng quay tài sản năm 2018 là 0,42 lần cho thấy, 1 đồng tài sản tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh tạo ra 0,42 đồng doanh thu.

Biên lợi nhuận gộp của HUD được duy trì ổn định ở mức trên 17% trong năm 2017 và năm 2018. Nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 giảm 54% so với năm 2017, chỉ còn 212 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận sau thuế của HUD năm 2018 sụt giảm mạnh so với năm 2017 là do năm 2018 có chi phí tài chính 129 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 là âm 259 tỷ đồng.

Tuy vậy, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của HUD ghi nhận điểm sáng về dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 dương 812 tỷ đồng và năm 2018 dương 780 tỷ đồng.

HUD kinh doanh ra sao ?- Ảnh 1.

(Số liệu: BCTC các năm, Dân Việt tổng hợp)

Sang tới năm 2019, lợi nhuận của HUD được cải thiện tốt hơn, nhưng chưa rõ khoản này vì phần chủ yếu nhờ nguồn thu khác. Kết thúc năm 2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HUD đạt 7.403 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt 314 tỷ đồng.

Năm 2020 - 2023, doanh thu trồi lên sụt xuống liên tục, lần lượt ghi nhận đạt 5.766 tỷ đồng; 3.428 tỷ đồng; 3.666 tỷ đồng và 2.276 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế cũng biến động không kém, lần lượt đạt 149,9 tỷ đồng; 114,8 tỷ đồng; 210,1 tỷ đồng và 166,2 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất, 6 tháng đầu năm 2024, HUD cho biết ghi nhận doanh thu thuần khoảng 1.792 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bất động sản tăng 166% lên 1.475 tỷ đồng. Mảng xây lắp mang về cho doanh nghiệp 57 tỷ đồng, doanh thu hoạt động bán hàng là 209 tỷ đồng.

Giá vốn bán hàng trong kỳ tăng 75% lên 1.156 tỷ đồng đã kéo biên lãi gộp giảm từ 41,92% xuống còn 35,48%. Trong kỳ, HUD có thêm 15 tỷ đồng doanh thu tài chính.

Cuối cùng, HUD lãi sau thuế gần 137 tỷ đồng sau nửa năm.

Cũng theo thống kê dữ liệu trên, HUD ghi nhận tổng tài sản theo các năm lại ít biến động, chỉ giao động quanh ngưỡng 9.700 - 11.500 tỷ đồng.

Tương tự, nợ phải trả của của HUD trong giai đoạn 2018 - 2023 cũng không nhiều biến động. Số dư nợ duy trì hơn 9.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, số dư nợ phải trả bất ngờ tăng vọt lên hơn 11.437 tỷ đồng.

HUD kinh doanh ra sao ?- Ảnh 2.

(Số liệu: BCTC các năm, Dân Việt tổng hợp)

HUD kinh doanh ra sao ?- Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024

Trong báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024, HUD cho biết, nợ phải trả bất ngờ tăng vọt chủ yếu là do khoản thuế và các khoản phải nộp nhà nước bất ngờ tăng tới gần 21 lần so với năm trước, từ gần 77 tỷ đồng lên hơn 1.595 tỷ đồng.

Điểm chung của khoản nợ phải trả từ năm 2018 tới nay đều là cao hơn vốn chủ sở hữu tới 2 lần và hơn 2 lần.

Thế chấp hàng loạt dự án, HUD "ôm” hàng ngàn ha đất rồi bỏ hoang cả chục năm?

Tài sản của HUD tại ngày 30/6 là 15.123 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Hàng tồn kho chiếm hơn 9.495 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án.

Tài sản dở dang dài hạn có giá trị 652 tỷ đồng, chiếm phần lớn là chi phí dở dang tại dự án tòa nhà văn phòng HUD Tower 37 Lê Văn Lương. Dự án này đang được HUD thế chấp cho khoản vay dài hạn tại ngân hàng BIDV.

HUD kinh doanh ra sao ?- Ảnh 4.

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024

Các tài sản mà HUD đang thế chấp cho các khoản vay bao gồm: Tài sản gắn liền đất tại 159 Điện Biên Phủ; tài sản trên khu đất 21 Kim Đồng; tòa nhà văn phòng HUD Building; một phần quyền sử dụng đất dự án Bắc Nguyễn Huệ; các lô đất thuộc khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ giai đoạn 1.

Thế chấp toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư dự án Khu đô thị mới Đông Tăng Long; dự án phát triển nhà ở lô 2, lô 3; phân kỳ 4 - khu đô thị sinh thái dọc bờ Sông Đơ; toàn bộ tòa nhà văn phòng tại lô đất A-CC7 (khu du lịch tổng hợp và nhà ở Linh Đàm);

Khu nhà ở Xóm Mỏ; dự án Nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Thanh Hóa; toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai tại khu Nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn và khu dân cư tại Bình Giang.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang thế chấp các hợp đồng mua bán nhà tại một số dự án như chung cư cao tầng CT17, khu đô thị Việt Hưng và dự án nhà vườn khu B tại khu đô thị ở Bắc Ninh.

Trước đó, HUD có 2 dự án nằm trong danh sách các dự án “ôm đất”, chậm triển khai cần lên phương án xử lý trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội.

Đó là dự án Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và dự án Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh với tổng diện tích gần 200 ha. Dự án đã bị bỏ hoang nhiều năm khiến dư luận bức xúc và bị đề xuất thực hiện thủ tục chấm dứt đầu tư.

HUD kinh doanh ra sao ?- Ảnh 5.

Một dự án của HUD ở huyện Mê Linh

Tính đến nay, HUD đã và đang triển khai 25 khu đô thị mới tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cung cấp hơn 8 triệu m2 sàn nhà ở, đáp ứng nhu cầu của hàng chục vạn hộ gia đình, trong đó có nhiều người dân có thu nhập trung bình và thấp, các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở với tổng diện tích sàn nhà ở xã hội hoàn thành hơn 250.000 m2.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem