Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng

Thứ tư, ngày 23/08/2023 12:00 PM (GMT+7)
Người dân sinh sống tại khu dân cư hơn 2.000 hộ ở Bắc Cầu (Long Biên, Hà Nội) mong muốn được ở lại mảnh đất quê hương thay vì phải di dời như kế hoạch.
Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 1.

Làng Bắc Cầu là một dải đất hình lưỡi mác nối từ đường đê Ngọc Thụy ra đến bờ sông Hồng, nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Khu dân cư này thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ. Do đó, quy hoạch 257/2016, quyết định 429/2023 của Thủ tướng Chính phủ ghi Bắc Cầu là một trong 10 khu dân cư phải di dời.

Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 2.

Nơi đây hình thành một bán đảo với khu dân cư, nhà cửa san sát từ hàng trăm năm với đầy đủ các thiết chế trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, đình, chùa… Sở dĩ có tên gọi Bắc Cầu vì làng nằm ở phía bắc (mạn trên, về phía bắc) cầu Long Biên. Làng xưa có ba xóm rồi phát triển thành 4 tổ dân phố thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên như hiện nay.

Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 3.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khu dân cư Bắc Cầu nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Đuống. Thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cử tri kiến nghị Bộ NN&PTNT cho phép khu vực Bắc Cầu được tồn tại, bảo vệ như khu phố cổ, làng cổ; các hộ dân không phải di dời và được phép cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới công trình nhà ở. Bộ NN&PTNT sẽ ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Tổ trưởng tổ dân phố 36 Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết, làng Bắc Cầu đã có lịch sử hàng trăm năm, trải qua hàng chục thế hệ. Theo ông Phúc, trước đây khi con người chưa ngự trị được dòng nước của sông Hồng thì con người sống chung với lũ và cảm thấy đây là điều bình thường.

Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 5.

Làng Bắc Cầu hiện có rất nhiều di tích cổ, cách đây hàng trăm năm, có 3 làng chính: Làng Thượng, làng Trung, Làng Hạ. Sau đó các làng chuyển dần thành tổ dân phố như hiện nay.

Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 6.

Vị Tổ trưởng tổ 36 phường Ngọc Thụy khẳng định, dòng chảy của sông Hồng không còn hung dữ như 40 - 50 năm về trước nên khó có thể xảy ra sạt lở hoặc lũ lụt. Hiện tại đang mùa nước lũ cao điểm nhưng mực nước sông Hồng vẫn còn thấp hơn mặt đường trục chính của làng Bắc Cầu hơn 10m. Ông Phúc kể, trận lũ cao điểm năm 1986 (khi đó làng Bắc Cầu thấp hơn thời điểm hiện tại khoảng 1m) nước cũng chỉ ngấp nghé mặt đường, tràn vào đến sân nhà.

Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 7.

Những năm qua, nhà cao tầng tại làng Bắc Cầu mọc lên nhiều, đường đi quanh làng được bê tông hóa nên rất thuận tiện cho người dân đi lại, lao động sản xuất và sinh hoạt thuận lợi. Dân Bắc Cầu nhiều năm qua tập trung làm ăn, phát triển kinh tế không còn nghĩ đến mối nguy hiểm từ sông nước.

Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 8.

Không chỉ bởi Bắc Cầu vốn là làng cổ, người dân sinh sống nhiều thế hệ mà còn vì làng hiện có gần 2.500 hộ dân sinh sống. Chỉ tính riêng tổ dân phố 36 Bắc Cầu đã có hơn 400 hộ. "Đang làm ăn sinh sống ổn định tại đây, nếu phải chuyển đi thì mọi thứ sẽ rất khác và khó có thể được như hiện tại. Người dân chúng tôi không muốn phải di dời. Trong trường hợp bắt buộc phải chuyển đi, chúng tôi mong muốn chính quyền, Nhà nước đền bù hợp lý và cho chúng tôi ở nhà đất chứ không ở chung cư", bà Nguyễn Thị Loan (bên phải, 58 tuổi, trú tại tổ 36) bày tỏ.

Khu dân cư hơn 2.000 hộ nằm giữa sông Hồng - Ảnh 9.

Hiện phần đất ven sông Hồng được người dân Bắc Cầu tận dụng để trồng rau, hoa màu, cây ăn quả... nhằm chống sạt lở.


PV (Theo Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem