Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chúng ta vẫn hay có một ấn tượng rằng hồ Tây rộng lắm, "mênh mông như biển", và nhiều thế hệ vẫn coi như phạm vi của môi cảnh hồ này là bát ngát ở ngoài rìa phố phường. Giống như những người sinh ra ở làng quê xưa, cạnh nhà đã sẵn cái ao hay con sông, thiên nhiên ùa vào nhà như lẽ đương nhiên, thì hồ Tây với người Hà Nội cũng vậy. Nhưng thực tế hồ Tây chỉ rộng chừng 500 hecta, ngày nay chỉ bằng một dự án khu đô thị mới loại lớn.
Phải nhìn thẳng vào một điều: Hồ Tây từng rộng với một triệu người nhưng không quá rộng với dân số mười triệu người của thủ đô. Với bất cứ thành phố nào thì sự biến đổi này cũng khiến cho không gian đô thị không còn như trước. Trong quá trình phát triển đô thị, hồ Tây trong gần trọn thế kỷ 20 vẫn nằm ở rìa các cuộc quy hoạch Hà Nội.
Trước đây người Pháp chưa thực hiện được việc triển khai quy hoạch hồ Tây, trừ bản quy hoạch năm 1943 dở dang vì chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đến thời bao cấp, nhiều lần các chuyên gia đưa ra ý tưởng chuyển trung tâm chính trị về khu vực Liễu Giai và đón tầm nhìn ra hồ Tây, khi đó còn thưa dân và nhiều đồng ruộng, song cũng dừng lại trên giấy.
Đến thời mở cửa, hồ Tây trở nên sáng giá với tiềm năng không gian không bị hạn chế như khu vực phố cổ và phố Pháp cũ, song mau chóng bị cuốn vào cơn sốt nhà đất và việc quy hoạch không cưỡng lại được làn sóng xây nhà áp sát hồ. Rút cục mật độ xây dựng quanh hồ ngày càng cao, khiến cho hệ thống giao thông xung quanh quá tải và xây bất cứ thứ gì cạnh hồ cũng giống như điền vào chỗ trống.
Các công trình mới từ thập niên 2010 trở đi gần như không tạo ra được sự kết nối với cảnh quan xung quanh mà thuần túy là những giải pháp tận dụng mặt nhìn ra hồ cũng sự dễ dãi trong khống chế độ cao trong những bản quy hoạch.
Qũy đất quanh hồ vốn có nhiều diện tích nhà xưởng hay kho tàng từ thời Pháp cho đến thời bao cấp, khi bị chuyển hóa thành các dự án nhà cao tầng, lượng phương tiện giao thông tăng lên đột biến. Các khu nhà san sát ven hồ dẫn tới kết quả là rất khó nhìn thấy hồ từ những con đường đê bao quanh, vốn dĩ được mặc định là đủ cao hơn nhằm theo dõi mức nước.
Tất nhiên giờ những con đê không còn ý nghĩa cũng như hồ Tây đã chỉ còn là nguồn nước nông bình yên, song để nhìn được hồ, một con đường cạp bờ hồ đã được hình thành vào năm 2010. Tất nhiên là nhiều đoạn đã lấn ra hồ để có thể thành đường hai chiều xe ô tô lưu thông.
Có đường, ắt có nhu cầu bám lấy mặt đường, nhất là khi có một mặt tiền trông ra hồ. Các khu đất trở thành nơi dựng lên những dãy nhà san sát liền kế, tạo nên bức trường thành mới chạy vòng vèo 16km. Không gian Hồ Tây không còn kiềm chế mật độ xây dựng, biến các làng xóm từng thuộc về không gian nông nghiệp của huyện Từ Liêm cho đến năm 1996 cũng như nhiều năm sau đó thành các khu phố chật chội.
Và kết quả cho đến hôm nay, việc xây dựng công trình công cộng như một nhà hát phải chọn một giải pháp tiêu cực là lấp một phần hồ cũng như giải tỏa một số khu dân cư để lấy đường giao thông đối ứng. Bên cạnh đó, những khu cao ốc có khối tích nặng nề cũng mau chóng xuất hiện, ấn định tất cả vào thế đã rồi.
Người ta mường tượng ra một diễn biến tương tự với những không gian khác ở Hà Nội: phố cổ, phố Pháp, dần dà được chấp nhận những sự đã rồi, và đến một ngày, những dấu tích làm nên giá trị nguyên bản lần lượt biến mất.
Thôi được, nếu không nói đến sự biến dạng đã và đang diễn ra ở cảnh quan hồ Tây mà rất nhiều bài báo đã viết (và bản thân người viết cũng đã đề cập), thì chúng ta có thể làm gì? Chúng ta thường được mời góp ý quy hoạch ở dạng cuộc trưng bày mà sau đó không có một cuộc "trả bài" hoàn công xác nhận với nhân dân rằng: "Chúng tôi xin thưa đã thực hiện đúng quy hoạch như các panô bản vẽ hay mô hình". Nếu không có, người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ những bản vẽ và mô hình ấy là giả dối.
Điều đáng nói là những người làm quy hoạch cũng như chính quyền địa phương cho phép các loại công trình từ dân dụng như nhà ở gia đình, thậm chí một cái bếp hay khu phụ, đến các tòa nhà cao tầng, được mọc lên cạnh hồ Tây, họ có khi nào lên tiếng rằng, hãy xây ít thôi, để còn có thể chung nhau một khoảng thoáng giữa thành phố. Hoặc kỳ vọng hơn thế từ bất cứ ai, đó là hãy xây thế nào cho công trình của mình, dù bé nhưng có một đặc tính: Đẹp vì ở bên hồ.
Việc xây thưa và xây nhỏ đã từng giúp cho đường chân trời hồ Tây giữ được khoảng cách xa trong tầm mắt, làm nên ấn tượng mênh mông, với điểm xuyết là những mái chùa cổ kính hay trường học lâu đời có hậu cảnh là những dãy núi Tam Đảo xa mờ. Đó là những thứ giá trị đã làm nên tên tuổi mặt hồ này và dĩ nhiên, giúp các bất động sản lẫn dự án ngày nay bán được giá cao. Vậy khi những đặc điểm này bị biến đổi, các dự án bất động sản sẽ quảng cáo gì hay lặp lại các mỹ từ không thật?
Tất nhiên có một số khu phố mới mở có hạng mục công viên chủ đề hay công trình công cộng tạo ra lõi xanh và phức hợp văn hóa cộng đồng, nhưng đến giờ cũng chưa điểm danh một nhà hát hay bảo tàng nào ra đời, ngoài một công viên Thiên văn học chưa hoàn thiện ở Nam Từ Liêm và một công viên khu đô thị Cầu Giấy với dự án Cung Thiếu nhi mới. Nhiều công viên bên ngoài đường vành đai 3 có đường giao thông mới mở, dễ tiếp cận và có dư địa để xây những công trình văn hóa đối trọng với khu trung tâm chật hẹp.
Vậy tại sao các công trình văn hóa cần có vẫn im lìm sau ba thập niên mở rộng khu vực đô thị hóa cho nội thành? Vì sao các "khu đất vàng" hiếm hoi còn sót lại ở trung tâm vẫn không thôi được quây kín lại để trưng ra các dự án chung cư dát vàng với hình thức tân cổ điển nhưng không có gì chung với các tòa nhà thời Pháp xung quanh? Và hồ Tây, khu bán đảo Quảng An không rộng rãi gì, với làng xóm và di tích sẵn có vẫn cứ là một lựa chọn dù chủ đầu tư đối diện với vô số thách thức.
Nếu chúng ta nói sự lựa chọn ấy là do sức hút của giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan, thì hãy xét đến con đường trung tâm nhất của Hà Nội: phố Tràng Tiền. Một đầu là Nhà hát Lớn với chức năng phục vụ văn hóa không thể chối cãi vị thế đắc địa bậc nhất, một đầu là ngã tư góc hồ Gươm, mặt nước trái tim thủ đô. Trên con đường này tập trung những gì được coi là giá trị của đời sống tinh thần Hà Nội: Nhà hát kịch (rạp Công Nhân), ba hiệu sách lớn, nhiều phòng trưng bày tranh, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa (L'Espace của Viện Pháp).
Nhưng năm 2022 này, ngoài sân khấu kịch và nhà triển lãm, chỉ còn một hiệu sách hoạt động cầm chừng, nửa số phòng tranh và trung tâm văn hóa đã dời đi, nhường chỗ cho các trung tâm thương mại, cửa hiệu xa xỉ phẩm, thời trang và ngân hàng. Một bàn tay sắp xếp vô hình đang biến đổi hình thái chức năng tuyến phố.
Chúng ta dĩ nhiên không thể vận hành không gian đô thị ngược với quy luật phát triển, song ví dụ trên cho thấy giá trị văn hóa đang bị lợi dụng để làm sang cho khai thác thương mại, mà không bắt nguồn từ một dụng tâm thật sự tạo ra cơ hội cho văn hóa được gìn giữ. Sẽ có người cãi rằng, những thứ mới sẽ tạo ra giá trị văn hóa mới, nhưng ở đây, các thứ mới lại mọc sát sạt những thứ cũ và nhân danh thứ cũ để nói rằng, chúng tôi đang phát huy giá trị vốn có.
Một dự án từng nhân danh thứ cũ, thậm chí mượn tên thứ cũ để làm thương hiệu là khách sạn có tên The Lien, được xây dạng thủy tạ trên mặt hồ Tây án ngữ trước tam quan chùa Kim Liên, ngôi chùa mang phong cách kiến trúc đặc sắc cuối thế kỷ 18 (hiện được đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt). Khách sạn do nước ngoài đầu tư lấy tên Liên và thuyết minh là giống những bông sen (lại bông sen!) nở trên mặt hồ thuộc địa phận làng Nghi Tàm.
Kết quả như mắt thường thấy cũng chỉ là những dãy nhà trên các cọc bê tông vô hồn, cho dù giờ đây khoác thương hiệu mỹ miều Intercontinental, trong khi ngôi chùa bé nhỏ hoàn toàn bị bao vây giữa hệ thống ba khách sạn. Quá trình chiếm dụng văn hóa chẳng diễn ra đâu xa mà ngay trên thực địa vật chất, chẳng những bằng sự xâm lấn không gian mà còn bằng nội hàm biểu tượng.
Một thuật ngữ mà các doanh nghiệp hay chủ đầu tư đưa ra nghe khá thuyết phục là "CSR" – corporate social resposibility, tức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ví dụ đổi lấy việc được phép xây những tổ hợp thương mại hay nhà ở cao cấp, họ sẽ mở đường và xây các tiện ích công cộng. Điều này thoạt tiên lý tưởng, song trên thực tế đã tạo ra những hệ lụy khi các chủ đầu tư đặt ra vấn đề giải quyết chức năng vận hành của các cơ quan quản lý hơn là đi từ nhu cầu thực tế của cộng đồng. Thiết tưởng không phải nhắc lại những điều tắc nghẽn nhất trong sự phát triển kinh tế xã hội nước ta những thập niên qua, mà chính các chủ đầu tư cũng có thể thành nạn nhân của luật chơi do họ góp phần tạo ra.
Có lẽ chúng ta nên sòng phẳng khi thực hiện các dự án đụng đến cảnh quan Hà Nội, nhất là các khu vực có tính chất lịch sử như hồ Tây, hồ Gươm hay các khu phố cổ, phố cũ. Điều công chúng bức xúc sâu xa không chỉ vì những công trình to lù lù áp đảo chân trời mặt nước hồ Tây hay việc lấp hồ xây nhà hát, mà vì quá trình đưa thông tin cũng như thuyết minh thiếu sòng phẳng. Ba thập niên qua, công bằng mà nói, cũng đã có những công trình tạo ra được điểm nhấn duyên dáng, nhưng cũng đáng buồn mà xét, các công trình ấy khi thành quá nhiều nhấn nhá, chúng hợp nên một đám bê tông lộn xộn.
Vậy để không phải là những đống lộn xộn chỉ có tuổi đời vài chục năm, hoặc luôn trong tình trạng xung đột với dư luận, các dự án xây cất nên làm gì? Các nhà thừa hành hãy nghiêm túc nhìn thẳng vào thực tế rằng sự xuất hiện của các dự án chiếm đất không thể nào có sự đồng thuận tối đa từ cư dân và cũng đừng dùng những con số phần trăm để biện minh cho sự hợp thức hóa các dự án. Khi chúng ta tự ru ngủ nhau bằng việc "đã thành công tốt đẹp", kỳ thực chúng ta đang triệt tiêu sức đóng góp của cộng đồng cho sự phát triển bền vững.
Chúng ta nên có một chủ trương nghiêm ngặt về việc xây dựng công trình mới không xâm phạm không gian chung đang có, tuyệt đối không lấp các mặt nước, sông hồ, cũng như tìm ra một sự kết nối giữa các công trình ấy nhằm tạo ra hành lang sống an toàn cho người dân. An toàn không chỉ về mặt giao thông hay môi sinh, mà còn an toàn về mặt định cư, bởi một lẽ thường tình xưa nay – an cư lạc nghiệp. Lòng người có thuận thì công việc mới bền lâu, bài học quá cổ xưa để nhắc lại, có lẽ cũng không thiệt gì để nhắc thêm lần nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.