Đầm Trị nơi dự kiến xây dựng nhà hát Opera Hà Nội.


Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp - Ảnh 2.

Gần một tháng qua, khu vực dân cư tổ 5, 6, 7 phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) xôn xao về việc lấy ý kiến đồ án quy hoạch không gian bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500.

Trên một số con ngõ, nhiều hộ dân còn căng băng rôn thể hiện sự phản đối với đồ án quy hoạch đang được lấy ý kiến.

"Chúng tôi biết đến quy hoạch xây dựng nhà hát Opera tại khu vực này từ cuối năm 2021 qua báo chí, rồi chính thức nhận được thông tin khi quận mời tổ trưởng rồi một số hộ đến dự lấy ý kiến" – một người dân mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Trên thực tế, UBND quận Tây Hồ đang công khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch không gian bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500.

Quanh khu vực bán đảo Quảng An, UBND quận Tây Hồ đặt nhiều tấm pano thông tin về quy hoạch bán đảo, trong đó có công trình nhà hát Opera.

Theo đó, tại khu vực Hồ Đầm Trị, phường Quảng An dự kiến xây dựng một nhà hát Opera với diện tích rộng khoảng 13.000 m2, quy mô dự kiến là 3.500 chỗ ngồi.

Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp - Ảnh 3.

Theo quan sát của PV Dân Việt, bán đảo Quảng An là khu vực có 3 mặt nước bao quanh, có nhiều cây xanh. Trong đó, hồ Đầm Trị nằm cạnh hồ Tây, gần Phủ Tây Hồ và được ngăn cách với hồ Tây bởi phố Quảng Khánh.

Hồ Đầm Trị hiện đang được nuôi cá và trồng sen để tạo cảnh quan cho bán đảo Quảng An. Trong khu vực bán đảo có nhiều biệt thự, nhà ở được xây kiên cố, bề thế. Bên cạnh đó, sát mép Hồ Đầm Trị có nhiều nhà lợp tôn được dựng tạm bợ. 

Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp - Ảnh 4.

Ngoài ra, bán đảo Quảng An cũng là nơi được biết đến với nhiều chùa, đình, đền nổi tiếng của Hà Nội, đó là chùa Hoằng Ân (chùa cổ được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia), chùa Phổ Linh, đền Kim Ngưu, Phủ Tây Hồ và đình làng Tây Hồ. Gia đình ông Nguyễn Thanh Huy (ngõ 12, phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An) đã nhiều đời sinh sống ở khu vực này. Ông Huy nhẩm tính, phải có 12 thế hệ của gia đình đã lớn lên, sinh sống cạnh hồ Đầm Trị.

"Tôi rất băn khoăn với đồ án quy hoạch lần này, có nguy cơ xâm phạm cảnh quan hồ Tây. Đây là danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng ở Thủ đô, đã được đề xuất bảo tồn và tôn tạo không gian, hạn chế xây dựng công trình có kiến trúc hiện đại, khối tích lớn, chiều cao tầng vượt trội" – ông Huy nói.

Người đàn ông 63 tuổi còn dẫn quy định pháp luật để nhấn mạnh cho ý kiến của mình. "Điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Kiến trúc quy định, công trình biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương, công trình quan trọng, công trình điểm nhấn trong đô thị như nhà hát opera buộc phải thi tuyển phương án kiến trúc. 

Trong khi đó, phương án được đưa ra giới thiệu là thiết kế của Văn phòng Kiến trúc Renzo Piano, dưới dạng một hợp đồng thiết kế hoặc đơn đặt hàng mà không qua thi tuyển. Thông tin thi tuyển chưa được công bố, liệu có phạm luật?" – ông Huy đặt câu hỏi.

Còn ông Đinh Quân – một người dân sinh sống ổn định hơn 20 năm ở tổ 5, phường Quảng An cho rằng, xây dựng nhà hát trên hồ Đầm Trị cũng đi ngược với Kế hoạch số 190 của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 8/7/2022 về việc Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp - Ảnh 5.

Trong đó có nội dung "không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công trình phục vụ dân sinh".

Ngoài ra, theo ông Quân, việc bố trí khu văn hoá thể thao vui chơi giải trí (nhà hát và khu văn hoá đa năng Quảng An) với các hoạt động đông người, các sự kiện thể thao, ca nhạc ngoài trời là không phù hợp với tính chất văn hoá - tâm linh vốn có của khu vực.

Người dân lo ngại sẽ ảnh hưởng đến không gian và chất lượng môi trường của chùa Hoằng Ân, di tích lịch cấp Quốc gia.

Trong cuộc gặp gỡ với PV Dân Việt, nhiều hộ dân bày tỏ mong muốn UBND quận Tây Hồ tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư một cách rộng rãi với tinh thần thượng tôn pháp luật để trả lời rõ những băn khoăn, thắc mắc của người dân. 

Tại hội nghị lấy ý kiến, cần có đầy đủ các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án… Đơn vị tổ chức lập quy hoạch, đơn vị tư vấn thuyết trình trực tiếp các nội dung có liên quan của đồ án quy hoạch chi tiết, từ đó, giải đáp thích đáng các băn khoăn, thắc mắc của cộng đồng dân cư trong phạm vi ranh giới dự án và những khu vực xung quanh bị ảnh hưởng.

Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp - Ảnh 6.

Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp - Ảnh 7.

Đến nay, quận Tây Hồ đã 2 lần tổ chức hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân liên quan đến đồ án quy hoạch không gian bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500. Việc lấy ý kiến người dân sẽ được tiếp tục đến ngày 15/8.

Trước đó, quận Tây Hồ tổ chức lấy ý kiến người dân lần đầu về đồ án quy hoạch vào ngày 15/7, trên 300 đại biểu đại diện cộng đồng dân cư trên địa bàn tham dự.

Tại buổi lấy ý kiến này, nhiều người đồng tình với quy hoạch và đề nghị quận, thành phố trong quá trình triển khai phải đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, tại hội nghị lấy ý kiến lần thứ 2 tổ chức tại UBND phường Quảng An ngày 28/7, phần lớn người dân đến dự lại phản đối đồ án quy hoạch không gian bán đảo Quảng An.

Cụ thể, tại hội nghị đã phát 121 phiếu lấy ý kiến và thu về 120 phiếu. Trong đó có 2 phiếu đồng ý, 104 phiếu không đồng ý, 14 phiếu không đồng ý nhưng không tích vào ô (người dân ghi ý kiến không đồng ý, nhưng không tích vào ô đánh dấu - PV).

Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp (Bài 4) - Ảnh 8.

Trong biên bản, Phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ đã yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu, làm cơ sở nghiên cứu đồ án.

Ông Phạm Thế Vinh – Chủ tịch UBND phường Quảng An cũng cho biết, tất cả những ý kiến của người dân đã được đơn vị tư vấn tiếp thu, căn cứ quy định của pháp luật để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, đảm bảo phường Quảng An xứng tầm trong quá trình phát triển của thủ đô, nâng cao giá trị không gian sống và phát triển kinh tế xã hội của phường.

UBND phường Quảng An tiếp tục lấy ý kiến trong thời gian tới, mong muốn người dân tìm hiểu thêm thông tin đồ án quy hoạch một cách chính xác và đóng góp có  trách nhiệm với đồ án, trên cơ sở đúng pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, PV Dân Việt đã đặt lịch làm việc với UBND quận Tây Hồ và UBND phường Quảng An.

Đại diện UBND quận Tây Hồ đã liên hệ với PV và cho biết đã nhận được giấy thiệu, hiện đang sắp sếp lịch làm việc.

Sau khi liên hệ công tác, chiều 3/8 ông Nguyễn Danh Thụ - Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An đã mời phóng viên Dân Việt đến trụ sở UBND phường làm việc. Tuy nhiên, ông Thụ lại không trả lời nội dung Báo Điện tử Dân Việt đặt ra vì "vấn đề này không thuộc thẩm quyền của phường và đề nghị PV liên hệ với UBND quận Tây Hồ và Phòng Quản lý đô thị quận để làm việc, nắm thông tin".

Theo ông Thụ, việc phường tổ chức buổi lấy ý kiến người dân là theo chỉ đạo của quận vì phường là đơn vị gần dân, kết quả buổi lấy ý kiến phường đã báo cáo quận.

PV đặt câu hỏi, khi nào buổi công khai lấy ý kiến tiếp theo diễn ra, Phó Chủ tịch nói chưa nắm được thông tin từ quận.

Trong khi đó, dù không có điều kiện tham gia cuộc gặp gỡ của chính quyền địa phương với cư dân, nhưng chị Nguyễn Ngọc Diệp - một cư dân Quảng An 3 đời - cho biết, chị hoàn toàn nhất trí với quan điểm của một số nhà văn hoá và kiến trúc về việc Quảng An đã bị lấn tự phát quá nhiều, hiện không còn vẻ đẹp tự nhiên như xưa, nên quy hoạch lại để bảo vệ là cần thiết. "Việc xây dựng một công trình văn hoá tầm cỡ, có thiết kế đẹp của một KTS nổi tiếng thế giới là việc rất nên làm", chị Diệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Quốc gia bày tỏ: Nếu nói các hoạt động xây dựng lâu nay là phá vỡ cảnh quan Hồ Tây thì việc xây Nhà hát là ít phá nhất. Mọi người sẽ nhanh chóng coi đây là một địa chỉ văn hoá, sẽ đến thưởng thức nghệ thuật, thậm chí check in, chụp ảnh, đó cũng là quảng bá văn hoá, du lịch.

"Cứ để người có nhu cầu nghe nhạc cổ điển, xem ballet phải mua vé sang Singapore hay Bangkok, thật tốn kém vô lý. Còn việc làm thế nào để có công trình Nhà hát thật đẹp, đúng quy hoạch, hãy để cho chính quyền địa phương lo. Chúng ta đã đóng thuế rồi, không thể lại làm thay việc cho họ được nữa", TS Lương Hoài Nam chia sẻ.

Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp - Ảnh 9.

Đón xem bài 5: Kiến trúc sư – Nhà Hà Nội học Nguyễn Trương Quý: "Sóng Tây Hồ yên, lòng người mới thuận"

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem