Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: "Tăng lương nhưng phải kiểm soát không tăng giá"

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 01/07/2024 10:36 AM (GMT+7)
Làm việc tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thực hiện tốt chính sách về điều chỉnh lương từ hôm nay (1/7) theo Nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua. Đi đôi với vấn đề này là kiểm soát giá cả, tăng lương nhưng không tăng giá.
Bình luận 0

Sáng 1/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà cho 20 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng chứng kiến Tập đoàn dầu khí Việt Nam trao tượng trưng 100 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh Hậu Giang.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi đến các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng của tỉnh Hậu Giang lời thăm hỏi ân cần.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp nối đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa", suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ, trân trọng, biết ơn và coi việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của hệ thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Theo đó, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành như: Chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, hỗ trợ về giáo dục cho con em các gia đình người có công...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: "Tăng lương nhưng phải kiểm soát không tăng giá"- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà cho bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại Hậu Giang sáng ngày 1/7. Ảnh: Huỳnh Xây

Mới đây, ngày 25/6 vừa qua, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Quyết định số 590/QĐ-CTN về tặng quà hơn 1,3 triệu người có công nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với tổng kinh phí là 420 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cả nước hiện nay có khoảng 9,2 triệu gia đình có công với cách mạnh, trong đó có 1,2 triệu gia đình liệt sĩ, 500.000 thân nhân liệt sĩ, trên 117.000 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và khoảng 600.000 thương binh và những đối tượng hưởng chính sách tương đương thương binh.

Riêng tỉnh Hậu Giang có 36.243 người có công với cách mạng, trong đó có 2.043 bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn sống khoảng 43 người) và 23 anh hùng lực lượng vũ trang (hiện còn sống 3 người). Ngoài ra, còn có khoảng 10.000 thân nhân liệt sĩ và thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tỉnh Hậu Giang đã huy động các nguồn lực để chăm lo cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách trong nhiều năm qua. Đặc biệt, đến nay, Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà tình nghĩa, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo...

"Hậu Giang có thể nói là tỉnh khó khăn nhất trong khu vực ĐBSCL, nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sự giúp đỡ của Trung ương, các đồng chí đã huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh" - Chủ tịch Quốc hội. Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: "Tăng lương nhưng phải kiểm soát không tăng giá"- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng bằng những việc làm hết sức thiết thực. Ảnh: Huỳnh Xây

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng trăn trở khi còn nhiều thương binh, bệnh binh có cuộc sống còn khó khăn. Do đó, đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng bằng những việc làm hết sức thiết thực, bảo đảm người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Từ đó, phát động mạnh mẽ các phong trào đền ơn đáp nghĩa trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là hỗ trợ những gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn trong cuộc sống.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức thực hiện tốt chính sách về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm chi trả kịp thời để người có công, gia đình chính sách được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước.

"Điều chỉnh ngay việc tăng lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp người có công với cách mạng, trợ cấp xã hội bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay 1/7 khi được tăng lương 30%. Phải chi trả kịp thời, để người dân, người có công, gia đình chính sách nói trên vui mừng phấn khởi. Đi đôi với vấn đề này là kiểm soát giá cả, không tăng các mặt hàng ở ngoài xã hội hiện nay, tăng lương nhưng không tăng giá. Vấn đề này nhằm đảm bảo đời sống người dân nói chung, các đối tượng hưởng chính sách nói riêng" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem