Kỳ lạ cách ông nông dân Nghệ An dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ"

Thứ hai, ngày 16/01/2023 19:11 PM (GMT+7)
Cam Xã Đoài gốc được trồng trên đất xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An mới có hương vị đặc trưng, xưa chỉ dùng để tiến vua. Để trồng được những quả cam vàng óng là cả một quá trình rất công phu. Cây cam bắt đầu ra quả cũng là lúc tập "làm mẹ" nuôi quả như nuôi con.

Cam Xã Đoài, loại cam đặc sản đếm quả tính tiền

Từ xa xưa, một giống cam được trồng trên vùng đất Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nổi tiếng khắp nơi với những quả vàng óng, vỏ mỏng mịn, vị ngọt thanh dịu như mật ong - cam Xã Đoài. Đây cũng là loại quả đặc sản chỉ dành cho các bậc vua chúa ngày xưa.

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Cường (trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) bên cây cam Xã Đoài gốc với những quả vàng óng. Ảnh: Thắng Tình

Theo cuốn "Lịch sử xã Nghi Diên", cây cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi. Nhưng cũng có thông tin cho rằng giống cam này xuất phát từ Tây Ban Nha, được người Pháp mang đến trồng ở Xã Đoài vào khoảng đầu thế kỷ 19.

Điều đặc biệt, giống cam này rất hợp với thổ nhưỡng của vùng đất làng Xã Đoài. Nhiều năm qua, giống cam Xã Đoài cũng đã được trồng thử nghiệm ở làng bên cạnh và các vùng khác nhưng đều thất bại. Cây vẫn xanh tốt, cho quả đẹp nhưng hương vị không thể thơm ngon bằng loại cam được trồng trên vùng đất làng Xã Đoài.

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 2.

Ngay từ đầu mùa, cam Xã Đoài của lão nông Nguyễn Văn Cường đã được khách đặt hàng với giá 80.000 đồng/quả. Ảnh: Thắng Tình

Cây cam Xã Đoài ra quả và chín vào đúng dịp Tết Nguyên đán, nhiều người chọn loại cam đặc sản nức tiếng này để làm quà biếu trong dịp Tết nên giá bán cũng rất cao. Đối với những vườn cam gốc, chuẩn thương hiệu cam Xã Đoài được khách đặt hàng ngay tại vườn với giá 80.000 đồng/quả. Thậm chí, có tiền chưa chắc đã mua được những quả cam Xã Đoài chuẩn để thưởng thức.

Tuy nhiên, đến thời điểm này số lượng những vườn cam Xã Đoài chuẩn ở làng Xã Đoài không còn nhiều. Bởi để có được giống gốc cũng là rất khó khăn, bên cạnh đó quá trình trồng cây cam đặc sản này cũng hết sức công phu.

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 3.

Hiện tại trong vườn ông Nguyễn Văn Cường đang có những cây cam Xã Đoài mới cho quả bói. Lão nông chia sẻ, thời điểm này cũng là quãng thời gian cây cam Xã Đoài bắt đầu "tập làm mẹ". Ảnh: Thắng Tình

Dạy cây cam Xã Đoài cách "làm mẹ"

Ông Nguyễn Văn Cường là một trong số những lão nông có vườn cam Xã Đoài chuẩn gốc. So với những vườn cam khác ở trong vùng, cam Xã Đoài của ông đã được khách đặt hàng ngay từ đầu mùa với giá 80.000 đồng/1quả.

Ngoài những cây cam cũ đã cho quả nhiều mùa, hiện tại trong vườn của lão nông cũng có những cây cam Xã Đoài mới và bắt đầu cho trái. Đây cũng là thời điểm, ông Nguyễn Văn Cường đang dạy cho những cây cam mới này cách "làm mẹ".

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 4.

Khi cây cam Xã Đoài bắt đầu ra quả vụ đầu tiên không nên để trái nhiều, cần để cây cam tập dần đến khi cây đã khỏe mới có thể cho những trái cam chất lượng. Ảnh: Thắng Tình

"Cây cam bắt đầu ra quả, chúng phải tập trung chất dinh dưỡng để nuôi quả, cũng như người mẹ nuôi con. Vì thế, ngay vụ bói đầu tiên, khi quả đỗ nhiều mình cũng không thể để quá nhiều mà phải hái bớt, để cây từ từ quen. Cây có khỏe thì quả mới ngon, chất lượng mới đảm bảo. Khi cây đã thuần, cho quả đều thì đến thời điểm ra quả mình cần làm sạch cỏ, bón thêm phân để cây cam có đủ chất dinh dưỡng tập trung nuôi quả", ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 5.

Mỗi loài cỏ mọc dưới vườn cam Xã Đoài cũng có tác dụng riêng, sau khi dọn cỏ sẽ để cho hoai mục, trở thành phân bón tự nhiên. Ảnh: Thắng Tình.

Quá trình chăm sóc cây cam đặc sản này cũng đòi hỏi rất tỉ mỉ, công phu. Mỗi loại cỏ mọc dưới gốc cây cam cũng có những tác dụng riêng, bón phân cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây cũng phải đúng thời điểm.

Ông Nguyễn Văn Cường tâm sự: "Cỏ mọc um tùm như vậy nhưng phải đến đúng thời điểm mới có thể nhổ được, vì cỏ giúp ăn bớt đi những hợp chất dư thừa mà cây không thể hấp thụ. Cỏ được nhổ đi cũng để lại, dần hoai mục và trở thành phân bón giúp đất tơi xốp. Chúng tôi cũng chỉ dùng các loại phân hữu cơ, đã được ủ hoai mục để bón cho cây vào những thời điểm thích hợp".

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 6.

Lão nông Nguyễn Văn Cường chia sẻ về bí quyết trồng cây cam Xã Đoài nức tiếng ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An với giá 80.000 đồng/1quả. Ảnh: Thắng Tình

Hiện tại, lão nông Nguyễn Văn Cường vẫn còn những cây cam gốc đã được trồng hàng chục năm qua. Những cây cam này chủ yếu để dùng để tạo giống mới chứ không được trồng để lấy quả. Những cây cam đang "tập làm mẹ" tại vườn của lão nông đến năm sau sẽ "tốt nghiệp" và bắt đầu cho quả đều.

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 7.

Cỏ mọc um tùm dưới vườn cam Xã Đoài nhưng cũng phải đúng thời điểm mới có thể dọn cỏ vì chúng giúp hấp thụ những loại hợp chất mà cây cam không thể. Ảnh: Thắng Tình

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 8.

Cây cam Xã Đoài gốc đã được trồng hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Cường dùng để làm giống. Ảnh: Thắng Tình

Ngày Tết nghe lão nông xứ Nghệ kể chuyện dạy loại cam tiến vua cách "làm mẹ" - Ảnh 9.

Chuẩn bị năm mới, ông Nguyễn Văn Cường vui vẻ mời khách chén rượu quý ngâm với quả cam Xã Đoài. Khi nắp bình vừa mở múi thơm dịu ngọt lan tỏa khắp căn nhà. Ảnh: Thắng Tình


Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem