Luật sư cho hay, khi làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu Chứng minh nhân dân và tiến hành các thủ tục theo quy định pháp luật.
Khái niệm thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân
Căn cước công dân được quy định trong Khoản 1, Điều 3, Luật căn cước công dân 2014 là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.
Chứng minh nhân dân được quy định tại Điều 1 Nghị định số 05/1999/NĐ – CP là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Phạm Quang Xá - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay:
Việc thu, nộp, xử lý CMND khi công dân chuyển từ CMND sang thẻ căn cước được tại Điều 15 Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của luật căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật căn cước công dân.
Cụ thể, khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số do công dân nộp.
Sau đó tiến hành theo quy định:
Đối với Chứng minh nhân dân 9 số
Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục. Ngay sau khi nhận Chứng minh nhân dân đã cắt góc hoặc sau đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc Chứng minh nhân dân 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
Đối với Chứng minh nhân dân 12 số
Trường hợp Chứng minh nhân dân 12 số, cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc cho người đến làm thủ tục.
Trường hợp công dân mất Chứng minh nhân dân 12 số mà làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 12 số đã mất cho công dân.
"Như vậy, khi chuyển từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước thì chứng minh nhân dân sẽ được trả lại nhưng sẽ bị cắt góc nếu như còn rõ nét.
Nếu chứng minh nhân dân bị hư hỏng, bong bóc… thì cơ quan chức năng sẽ thu hồi và tiêu hủy, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 12 số đã mất cho công dân.
Mọi giao dịch được thực hiện bằng số chứng minh 12 số vẫn có giá trị pháp lý khi bị thu hồi chứng minh nhân dân khi làm thủ tục làm thẻ căn cước" - Luật sư khẳng định.
Tin cùng chủ đề: Thủ tục làm thẻ căn cước công dân năm 2019
Vui lòng nhập nội dung bình luận.