Lộ diện ga ngầm trung tâm Bến Thành, công trình kết nối 4 tuyến Metro ở Sài Gòn
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết tiến độ thực hiện gói thầu CP1a (ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt hơn 81%. Gói thầu đang tiếp tục thi công hàng rào và triển khai các lối lên xuống kết nối ga Bến Thành. Ga ngầm có chiều dài 236 m, rộng 60 m, sâu 32 m, quy mô 4 tầng.
Ga ngầm Bến Thành còn được gọi là Nhà ga trung tâm Bến Thành bởi ngoài phục vụ hành khách tuyến metro số 1 còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác như tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và tuyến số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước).
Thời điểm hiện tại, các tầng 2, 3, 4 của nhà ga đã hoàn thành kết cấu cơ bản về tường, mặt sàn, các trụ đỡ, không gian bên dưới những tầng này đã trở nên thông thoáng.
Đơn vị thi công đang triển khai thi công giai đoạn 2 lối lên xuống F4, F5, F6 3 tầng dưới cùng của nhà ga. Mỗi lối lên xuống đều có thang cuốn điện và thang bộ song song.
Một số lối lên xuống của nhà ga đã đổ bê tông, các công nhân hoàn thiện để chuẩn bị lắp thiết bị thang máy. Tầng 3 nhà ga này có phòng xử lý không khí, phòng cấp điện, phòng nghỉ của nhân viên. Tầng 4 dưới cùng là sân ga, nơi tàu đón và trả khách.
Không gian sân ga nằm giữa tầng 1 và 2 được thiết kế thoáng rộng, ngoài trụ bê tông, các cột sắt nhồi bê tông chịu lực ở các tầng đã được lắp đặt. Các cột này có chiều cao từ 4,1 - 11 m, đường kính 1 m. Có 178 cột loại này được lắp trong các tầng của ga Bến Thành.
Hai bên sân ga tại tầng 2 là đường ray, nơi tàu metro qua lại đón và trả khách. Ngoài ra, tầng này còn có văn phòng kiểm soát; phòng thiết bị phòng cháy chữa cháy - bơm cấp nước; phòng thiết bị hút, thông gió.
Một khu vực tại tầng 2 là một trong những nơi đầu tiên đang được lắp hệ thống cơ điện, ống thông gió điều hoà, hệ thống nước.
Công nhân khoan lắp hàng rào tạm bên đường ray để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, đi lại.
Một số khác thi công lắp hệ thống điện dưới hầm chật hẹp của sân ga, nơi kết nối với đường ray tàu tại tầng 2.
Mặc dù các tầng dưới đã thông thoáng so với thời điểm trước, có hệ thống quạt gió tại chỗ nhưng các nhóm công nhân vẫn phải mang theo những quạt gió công suất nhỏ để thi công cơ động giữa các khu vực.
Các đội thi công dùng đèn tia laser để kiểm tra, lắp đặt các hạng mục trong điều kiện thiếu ánh sáng dưới các tầng hầm.
Điểm nhấn tại tầng 1 kết nối với mặt bằng đường phía trên là một khoảng hở hình tròn nằm giữa trung tâm nhà ga Bến Thành.
Vòng tròn có chức năng đưa ánh sáng tự nhiên xuống phía dưới này có đường kính 15 m, rộng 176 m, cao 6 m tính từ sàn tầng 1 lên mặt đường, phía trên sẽ được lắp kính che mưa trong suốt.
Cốt thép phần trên của vòng tròn đã hoàn thiện để chuẩn bị đổ bê tông.
Một phần sàn đỉnh đã hoàn thành kết cấu cốt thép, hàng chục công nhân tập trung dùng vòi xịt công suất lớn vệ sinh thép trước khi đổ bê tông. Sau khi hoàn thành phần sàn này, phần trên cùng sẽ được san lấp trả mặt bằng.
. Để đảm bảo tiến độ đề ra, nhà thầu cho biết đơn vị này đã huy động số lượng công nhân thi công lên đến 1.000 người. Mỗi ngày, công trường chia ra 2 ca làm việc.
Tính đến tháng 3/2021, tiến độ hoàn thành tuyến metro số 1 đã đạt 82%. Cụ thể, gói thầu CP1a đạt 81,5%; gói CP1b đạt 91%, gói CP2 đạt 90,47% và gói CP3 là 65%. Thành phố đặt mục tiêu đưa dự án vận hành thử nghiệm trong năm 2021 và khai thác thương mại vào giữa năm 2022. Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km, có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và Dĩ An (Bình Dương), điểm đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM có 3 ga ngầm gồm Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son cùng 11 ga trên cao. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.