Loạt khí tài hiện đại, hỏa lực mạnh của Mỹ, Nga lần đầu xuất hiện tại Việt Nam
Loạt khí tài hiện đại, hỏa lực mạnh của Mỹ, Nga lần đầu xuất hiện tại Việt Nam
Chủ nhật, ngày 22/12/2024 20:56 PM (GMT+7)
Tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, các cường quốc quân sự như Nga, Mỹ mang đến nhiều vũ khí, khí tài lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng và những người yêu quân sự trong nước.
Tại khu vực trưng bày ngoài trời của triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, quân đội Mỹ mang đến 3 máy bay, một xe vận tải, một pháo và một xe thiết giáp.
Máy bay vận tải C-130J Super Hercules được coi là một trong những biểu tượng của ngành hàng không vận tải quân sự, được biết đến với khả năng hoạt động đa nhiệm và bền bỉ.
Đây là phiên bản nâng cấp hiện đại của dòng C-130 Hercules huyền thoại với nhiều cải tiến về công nghệ cũng như mở rộng khả năng thực hiện nhiệm vụ.
Dòng máy bay vận tải C-130J bắt đầu được trang bị cho Không quân Mỹ từ năm 1999, đến nay đã có hơn 500 chiếc được chế tạo, đang phục vụ Quân đội Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Máy bay cường kích A-10 mang biệt danh Thunderbolt II (Thần sấm 2), là máy bay cường kích cận âm hai động cơ, được thiết kế để hỗ trợ không lực tầm gần cho lực lượng mặt đất.
Chiếc máy bay có chiều dài 16,26 m; cao 4,47 m, sải cánh 17,53 m. Thiết kế cánh thẳng và lớn giúp A-10 Thunderbolt II linh hoạt khi bay ở độ cao 300-2.500 m
Điểm đặc biệt của máy bay A-10 là khẩu pháo tự động đa nòng GAU-8 Avenger 30 mm với tốc độ bắn lên đến 4.200 phát/phút. Chính vũ khí đặc biệt này đã góp phần tạo nên danh hiệu "sát thủ diệt cơ giới" của cường kích A-10. Ngoài ra A-10 còn có 11 giá treo vũ khí với trọng tải lên đến 7,3 tấn. Điều này giúp máy bay có thể mang theo nhiều loại tên lửa bao gồm tên lửa không đối đất AGM Maverick hay hỏa tiễn tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder.
Siêu lựu pháo M777A2 -155 mm của quân đội Mỹ được trang bị các thiết bị điện tử tiên tiến như: Hệ thống định vị toàn cầu GPS và đặc biệt là các mô đun điều khiển hỏa lực tự động TAD-PIK. Các mô đun điều khiển hỏa lực tự động này là bộ não của hệ thống pháo binh điện tử, cho phép lực lượng pháo binh khai hỏa vào các mục tiêu với độ chính xác rất cao.
Xe bọc thép Stryker là phương tiện chiến đấu bọc thép 8 bánh, chúng cung cấp một giải pháp tuyệt vời giữa xe tăng và xe bọc thép chở quân mang biệt danh "taxi chiến trường". Chiếc xe có khả năng di chuyển linh hoạt trên nhiều địa hình, được trang bị một động cơ diesel Caterpillar công suất 350 mã lực và đạt tốc độ tối đa 100 km/h.
Cùng với đó, xe có trang bị súng máy hạng nặng được điều khiển tự động với hệ thống ngắm bắn điện tử tiên tiến. Xe có thể chở theo 9 binh sĩ với trang thiết bị đầy đủ.
Xe vận tải quân sự M1083 Light Medium Tactical vehicle của Mỹ với nhiều phiên bản được nâng cấp, cải tiến có thể chở hàng hóa với số lượng lớn.
Ở khu vực trưng bày ngoài trời, Nga mang đến triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 một xe chiến đấu bộ binh BMP-3ME; một xe phóng tự hành của tổ hợp tên lửa bờ đối hải Rubezh-ME và một tổ hợp tên lửa diệt tăng tự hành Kornet-UE đặt trên khung gầm xe dã chiến Typhoon-K.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3ME được trang bị nhiều hỏa lực mạnh mẽ như pháo tích hợp pháo 100 mm, pháo đồng trục 30 mm, súng máy đồng trục PKT 7,62 mm và 2 súng máy đặt 2 bên thân xe.
Đồng thời xe cũng được trang bị lớp bảo vệ bổ sung bao gồm các tấm giáp gia cường và lồng thép che kín xung quanh thân xe giúp bảo vệ phương tiện chiến đấu khỏi đạn xuyên giáp, đạn chống tăng, lựu đạn.
Mái che tháp pháo bao gồm khung ống, màn chắn kim loại dạng lưới và lưới bảo vệ bằng dây dệt, nhằm giúp phương tiện khắc chế được máy bay không người lái (UAV) cảm tử dạng góc nhìn thứ nhất (FPV) của đối phương. Bộ cứu kéo bao gồm một thanh có chốt với dây thừng, tời điều khiển và một ma ní. Trong trường hợp một xe chiến đấu bị hư hỏng hoặc dính bùn lầy, chiếc BMP-3 có thể đóng vai trò cứu hộ và kíp xe chỉ cần điều khiển tời để liên kết hai xe.
Hệ thống quan sát kết hợp quang - hồng ngoại cho phép phương tiện tác chiến tốt trong nhiều môi trường khác nhau, kể cả trong đêm tối.
Một khí tài đáng chú ý khác là tổ hợp tên lửa diệt tăng tự hành Kornet-UE đặt trên khung gầm xe dã chiến Typhoon-K. Tổ hợp có khả năng tấn công chính xác, tự động hóa các mục tiêu ở khoảng cách tới 10 km.
Hệ thống được giấu trong khoang kín trong xe với cơ số 16 đạn tên lửa. Kornet-UE có khả năng xuyên tới 1.200 mm giáp thép sau giáp phản ứng nổ giúp nó có thể vô hiệu hóa mọi loại xe tăng hiện nay.
Thiết kế thân dạng chữ V giúp xe Typhoon-K có khả năng kháng mìn. Bên cạnh đó, với cơ cấu chiếu sáng kép giúp xe Typhoon-K hoạt động trong các môi trường khói bụi hoặc sương mù.
Bên cạnh những khu vực trưng bày khí tài ngoài trời, khu vực trong nhà cũng trưng bày rất nhiều thiết bị, mô hình quân sự của các quốc gia khác như Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...
PV (Theo ZNews)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.