Khám phá "vùng đất chết" Rừng Sác, nơi chiến công Đoàn 10 anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ
Khám phá "vùng đất chết" Rừng Sác, nơi chiến công Đoàn 10 anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ
Chủ nhật, ngày 22/12/2024 11:50 AM (GMT+7)
Rừng Sác nằm ngay vùng ven Sài Gòn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nơi đây khắc ghi dấu ấn của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác với những chiến công vang dội và hiển hách.
Di tích chiến khu Rừng Sác nằm ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Rừng Sác nằm ngay vùng ven Sài Gòn, là nơi ghi dấu ấn của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác (Đoàn 10) mật danh T10, tiền thân của Trung đoàn 10, Bộ Tư lệnh TP.HCM với những chiến công hiển hách. Đoàn 10 được thành lập ngày 15/4/1966.
Đoàn 10 có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu Rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ. Trải qua 9 năm kháng chiến, từ năm 1966-1975, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh gần 600 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên địch, hoàn thành mục tiêu khống chế toàn bộ hệ thống vận tải thủy tiếp tế cho Sài Gòn và phía Nam, đồng thời lập những chiến công vang dội ngay ở nội đô. Hơn 900 người đã hy sinh, đến nay còn hơn 500 liệt sĩ chưa tìm thấy tại Rừng Sác...
Trong số hàng trăm trận đánh của Đoàn 10, một số trận đánh điển hình gây vang dội như đánh chìm tàu Victory trọng tải 10.000 tấn, chở 100 xe tăng, 3 máy bay, hàng trăm khẩu pháo, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; hai lần đánh kho bom Thành Tuy Hạ, phá hủy 113 nhà kho, hơn 100 tấn bom đạn, chất nổ; thiêu hủy tổng kho xăng dầu Nhà Bè làm thiệt hại 250 triệu lít xăng, dầu...
Qua đó, Đoàn 10 đã điểm tô cho nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, bộ đội đặc công trên vùng sông nước Sài Gòn-Gia Định. Trong ảnh là mô phỏng cảnh bộ đội Rừng Sác di chuyển trên những chiếc thuyền để đi lại tại đây.
Vòng ngoài của Chiến khu là Nhà cảnh vệ. Nơi đây có nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho toàn bộ căn cứ. Hệ thống bố trí thành 2 vòng, vòng ngoài gồm những bãi chông, mìn và các hỏa lực từ xa...
Vòng trong bố trí mìn ĐH để sẵn sàng đánh bật quân địch tiếp cận vào căn cứ. Trong ảnh là những hiện vật của ta và chiến lợi phẩm ta thu được.
Do địa hình nước ngập và sình lầy, bộ đội ta phải đắp hầm trú ẩn nổi lên để tránh đạn pháo của địch, khi nước ngập lớn vẫn sử dụng được.
Đoàn 10 đặc công Rừng Sác là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Bộ Tư lệnh miền) nhưng là đơn vị độc lập, do địa hình cách xa sự chỉ đạo....
Thông tin cơ yếu là hết sức cần thiết để nhận và báo thông tin từ trên xuống dưới và ngược lại.
Trong quá trình chiến đấu và phục vụ, hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh nhưng họ quyết không để lộ thông tin. Chiến công của họ góp phần vào những chiến thắng vang dội của Đoàn 10 anh hùng.
Hội trường - nơi sở chỉ huy căn cứ, là nơi dành cho hội họp và cũng dành cho để nghỉ ngơi. Người đầu tiên ở đây là cố Thiếu tướng Lương Văn Nho, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu quân sự Rừng Sác, người đóng góp nhiều công sức xây dựng căn cứ trong những ngày đầu thành lập.
Mô hình trận đánh kho xăng Nhà Bè. Kho xăng này rộng 14 hecta, có 72 bồn xăng dầu, là kho xăng lớn nhất Việt Nam, cung cấp 60% lượng xăng dầu cho hoạt động dân sự và quân sự ở miền Nam Việt Nam. Do tầm đặc biệt quan trọng như vậy, kho xăng được bảo vệ 12 lớp rào các kiểu bao bọc, tường cao 3,5m, giữa từng lớp có gài mìn, bên ngoài có chó, ngỗng và lính thường xuyên canh giữ.
Thế nhưng, rạng sáng 3/12/1973, Đoàn 10 bí mật đột nhập, đặt nhiều trái nổ vào các bồn chưa xăng dầu rồi rút ra an toàn. Sau khi hẹn giờ, đồng loạt nhiều bồn chứa xăng phát nổ, kho xăng Nhà Bè cháy dữ dội. Vụ cháy kéo dài 12 ngày đêm, cháy hết khoảng 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn butaga, 1 xà làn 12.000 tấn... thiệt hại khoảng 12 triệu USD.
Toàn bộ rừng ngập mặn quanh năm không có nước ngọt. Từ những khó khăn đó, đơn vị đã sáng tạo ra kiểu nấu nước mặn thành nước ngọt như kiểu nấu rượu. Với cách làm này, 2 chiến sĩ nấu 8-10 tiếng có thể thu hàng trăm lít nước ngọt, giải quyết được nhu cầu sinh hoạt cho đơn vị, bí mật, không để khói bốc lên.
Một cách thức lấy nước ngọt khác là căng vải dù dưới những thân cây để hứng nước mưa.
Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, công tác nuôi quân luôn được chỉ huy Đoàn 10 Rừng Sác đặc biệt quan tâm. Phần nhiều nhu yếu phẩm do nhân dân giúp đỡ và bộ đội tự túc thu thập như cua, còng, cá, lá kìm, đọt chà là...
Nhà Quân y với những thiết bị y tế khiêm tốn nhưng đã cứu sống gần 500 thương bệnh binh của Trung đoàn.
Nhà công xưởng chuyên sản xuất vũ khí. Trong 9 năm chiến đấu, lính đặc công đã cưa bom, đạn lép lấy được hơn 3 tấn thuốc nổ, sản xuất nhiều loại vũ khí.
Quần áo các chiến sĩ do xưởng may đảm nhiệm, nơi đây may mới và sửa chữa quân trang cho các chiến sĩ.
Trong những ngày cực kỳ gian khổ, Đoàn 10 không những chiến đấu với kẻ thù cầm súng mà còn phải chiến đấu với kẻ thù tiềm ẩn trong dòng nước là cá sấu luôn rình rập trong các lòng sông, rạch bất thình linh tấn công. Có 3 đồng chí hy sinh vì bị cá sấu tấn công ăn thịt và 3 đồng chí bị thương nặng.
Đặc khu quân sự Rừng Sác được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 15/12/2004 và nơi đây trở thành điểm du lịch tìm hiểu lịch sử của TP.HCM.
UNESCO cũng đã công nhận Rừng Sác là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi này được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ. Tổng diện tích khu rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740 ha.
Xuân Huy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.