Nếu nạn nhân rút đơn, liệu vụ chủ quán bắt khách hàng quỳ gối có bị đình chỉ?

Quỳnh Nguyên Thứ sáu, ngày 21/08/2020 09:01 AM (GMT+7)
Theo quan điểm của Luật sư, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố chủ quán bắt khách hàng quỳ gối xin lỗi thì cũng không có căn cứ để đình chỉ vụ án.
Bình luận 0

Hành xử côn đồ

Mới đây, sự việc chủ quán bắt khách hàng quỳ gối trong quán Nhắng nướng Hiền Thiện (địa chỉ đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị chủ quán chửi bới, đe doạ đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, Công an TP.Bắc Ninh đã khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ và tiến hành triệu tập vợ chồng chủ quán lên làm việc.

Trong đêm 19/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thiện (SN 1973, chủ quán  nướng Hiền Thiện ở đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh) để điều tra, làm rõ về hành vi "Làm nhục người khác".

Nếu nạn nhân rút đơn, liệu vụ chủ quán bắt khách quỳ gối có bị đình chỉ? - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Văn Thiện - Chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra, làm rõ về hành vi "Làm nhục người khác"

Lãnh đạo Công an TP.Bắc Ninh cho biết, sau khi bị công an triệu tập lên làm việc, Thiện đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. 

Ngày 20/8, sau khoảng thời gian im lặng vì sợ hãi, chị Dương Thị Hiền - nữ khách hàng bị chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện bắt quỳ gối xin lỗi đã có những chia sẻ đầu tiên về vụ việc. 

Theo đó, sau khi chị viết phản ánh đồ ăn của quán Nhắng nướng Hiền Thiện lên Facebook, ông Thiện (chủ quán) đã cho người tìm chị, đe dọa, yêu cầu chị đến quán. 

Tối 18/8, chị Hiền và một số người bạn đến quán Nhắng nướng Hiền Thiện. Khi đến, chị chỉ nghĩ đơn giản là trao đổi thẳng thắn và hi vọng họ sẽ lắng nghe mình chứ không nghĩ sự việc xảy ra như vậy.

Theo lời chị Hiền, khi vừa bước vào quán, chị bị một ai đó tát ngay vào mặt, bắt quỳ xuống giữa rất nhiều người và sự việc diễn ra như trong clip do quán này phát trực tiếp trên mạng xã hội. Trong đó, có việc chủ quán yêu cầu chị ký vào một tờ giấy viết sẵn (chị không nhớ nội dung) và viết lời xin lỗi, phủ nhận việc chị ăn lòng có giun/hoặc sán lên facebook.

Chị Hiền cho biết thêm, ngay sau khi ngừng quay clip, ông Nguyễn Văn Thiện (chủ quán) yêu cầu chị ngửa mặt để tát 2 cái. Khi chị ngửa mặt, ông Thiện lấy chiếc dép đang đi, đập vào mặt chị khiến chị ngã ra sàn nhà và chị lên cơn co giật. Bạn chị phải đưa chị đến bệnh viện, không có người của quán Nhắng nướng Hiền Thiện đưa đi. 

Nếu nạn nhân rút đơn, liệu vụ chủ quán bắt khách quỳ gối có bị đình chỉ? - Ảnh 3.

Nạn nhân bị bắt quỳ gối, bị đánh và lăng mạ trước mặt nhiều người

"Khi đưa lên facebook, em chỉ nghĩ đơn giản là để góp ý với quán và để mọi người cảnh giác, không ngờ dẫn đến việc lớn như vậy. Em dùng chính tài khoản facebook cá nhân của em, có ảnh gia đình, con em, bạn bè em, số điện thoại của em… nên không có việc em được ai nhờ. Nếu em muốn phá họ, em phải dùng một tài khoản khác chứ", chị Hiền cho biết.

Đáng chú ý, chị Hiền nói: "Nếu gia đình chú Thiện để gia đình em được yên, em sẽ viết đơn xin giảm tội cho gia đình chú ấy. Em ở miền núi đến đây làm việc, buôn bán nhỏ lẻ, chồng em làm công nhân, không muốn xảy ra việc này".

Không có căn cứ đình chỉ vụ án

Nêu quan điểm về vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố chủ quán bắt khách hàng quỳ gối cũng không có căn cứ để đình chỉ vụ án.

Theo đó, tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự) là loại tội được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự. Nghĩa là để khởi tố được vụ án thì cần thiết phải có Đơn yêu cầu của người bị hại. Bởi lẽ, nhân phẩm danh dự uy tín là thuộc về cá nhân của người đó. Danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại đến một mức độ nhất định mà thỏa mãn hành vi khách quan của tội làm nhục thì người đó sẽ yêu cầu pháp luật bảo vệ. Nếu người đó không yêu cầu thì không có căn cứ để giải quyết vụ việc, kể cả khi đã có clip ghi lại làm bằng chứng.

Nếu Cơ quan điều tra khởi tố Chủ quán Tội làm nhục người khác theo Khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự thì Người bị hại có quyền rút đơn bất cứ trong giai đoạn tố tụng. Hậu quả của việc rút đơn thì vụ án phải được đình chỉ giải quyết.

Nếu nạn nhân rút đơn, liệu vụ chủ quán bắt khách quỳ gối có bị đình chỉ? - Ảnh 4.

Theo quan điểm của Luật sư, trường hợp bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố Chủ quán thì cũng không có căn cứ để đình chỉ vụ án

Trong vụ án này, theo quan điểm của Luật sư, hành vi phạm tội của chủ quán đã cấu thành Tội làm nhục người khác được quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự. Bởi căn cứ đã sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội (Livestream trên Facebook). Chủ quán là người trực tiếp có hành vi làm nhục cô gái nhưng không phải là người Livestream trên Facebook. Tuy nhiên việc Livestream này Chủ quán đều biết. 

Mặt khác, trước đó chủ quán đã chỉ đạo cho người đi tìm bắt cô gái đến quán trực tiếp xin lỗi mọi người và đăng tải lên mạng xã hội. Để có căn cứ xử lý đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra đối tượng đồng phạm tham gia giúp sức, livstream hành vi làm nhục cô gái đăng tải lên mạng xã hội. Đây là đối tượng có vai trò rất quan trọng, quyết định việc xử lý và để tránh việc người bị hại vì lý do nào đó rút đơn yêu cầu khởi tố sẽ dẫn tới vụ án chấm dứt giải quyết và sẽ không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

"Chúc cho cô gái sẽ ổn định tâm lý và vững tin vào pháp luật. Bởi lẽ, tất cả người dân Việt Nam sẽ đứng về công lý và lẽ phải, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật", Luật sư Thơm nhắn gửi.

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem