Nghi phạm dùng búa đập tủ kính, cướp tiệm vàng ở Bình Dương có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ ba, ngày 18/10/2022 08:02 AM (GMT+7)
Nghi phạm Phạm Quốc Tiến dùng búa để cướp tiệm vàng ở phường Bình Chuẩn, TP Thuận An lấy đi nhiều sợi dây chuyền nhưng bị bắt giữ ngay sau đó. Với hành vi này, nghi phạm có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Bắt nghi phạm dùng búa cướp tiệm vàng ở Bình Dương

Ngày 17/10, Công an TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, vừa bắt giữ Phạm Quốc Tiến (57 tuổi, ngụ TP.HCM) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Tiến là đối tượng đã dùng búa đập bể tủ kính, cướp tại tiệm vàng trên đường Lê Thị Trung, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An.

Nghi phạm dùng búa đập tủ kính, cướp tiệm vàng ở Bình Dương có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tang vật của vụ án. Ảnh: CACC

Theo Công an TP Thuận An, khoảng 10h cùng ngày, Tiến đến tiệm vàng Kim Phát Xuân hỏi mua vàng. Lợi dụng lúc chủ tiệm vàng sơ hở, Tiến dùng búa đập bể tủ kính lấy vàng rồi lên xe máy tẩu thoát.

Thời điểm này, tổ công tác thuộc Công an phường Bình Chuẩn đang tuần tra trên tuyến đường Lê Thị Trung, nghe tiếng người dân tri hô nên đuổi theo. Sau khi tháo chạy khoảng 2km, Tiến bị tổ tuần tra đã áp sát, bắt giữ.

Cơ quan công an thu giữ 8 sợi dây chuyền vàng 18K, mỗi sợi có trọng lượng 5 chỉ, một cây búa là hung khí gây án.

Nghi phạm dùng búa cướp tiệm vàng ở Bình Dương có thể bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, trong vụ việc này, xét hành vi của nghi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội "Cướp tài sản" quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015.

Cụ thể, về mặt khách thể, nghi phạm đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, bên cạnh đó nghị phạm có sử dụng búa để đe dọa, việc này có nguy cơ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Mặt khách quan, nghi phạm đã có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác (vàng).

Mặt chủ quan, nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, đó là biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và hậu quả của nó nhưng vẫn cố tình thực hiện.

Theo bà Thơ, nếu bị truy tố về tội cướp tài sản, khung hình phạt còn phụ thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt mà nghi phạm đã thực hiện.

Theo quy định của tội cướp tài sản, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù 3 - 10 năm.

Trường hợp giá trị tài sản bị cướp từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, khung hình phạt sẽ là 7 - 15 năm tù.

Nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản.

"Như vậy, cơ quan điều tra sẽ nhanh chóng làm rõ diễn biến vụ việc, diễn biến hành vi của nghi phạm và sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Nếu nghi phạm bị chứng minh phạm tội cướp tài sản, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt như đã phân tích ở trên" – nữ luật gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem