Người dân thành kính vái vọng bên ngoài trong ngày Lễ hội gò Đống Đa
Người Hà Nội thành kính vái vọng bên ngoài trong ngày Lễ hội gò Đống Đa năm 2022
Thứ bảy, ngày 05/02/2022 11:56 AM (GMT+7)
Năm nay, UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đã dừng tổ chức lễ hội gò Đống Đa phù hợp với các chỉ đạo của Thủ tướng và UBND Hà Nội về tăng cường phòng chống Covid-19 nên nhiều người dân thành kính đứng vái vọng bên ngoài.
Sáng ngày 5/2 (tức mùng 5 Tết), đã diễn ra lễ kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2022), còn gọi là Lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội). Thế nhưng năm nay, UBND quận Đống Đa đã dừng tổ chức lễ hội phù hợp với các chỉ đạo của Thủ tướng và UBND Hà Nội về tăng cường phòng chống Covid-19.
Lễ hội gò Đống Đa nhằm tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hàng năm, Lễ hội gò Đống Đa tại Hà Nội thu hút rất đông người dân tham gia, để bày tỏ lòng biết ơn tới người anh hùng áo vải Quang Trung và ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Trải qua thăng trầm thời gian, đi dự lễ hội gò Đống Đa đã trở thành một nhu cầu thiết yếu với người dân trong những ngày đầu xuân năm mới.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, UBND quận Đống Đa đã dừng tổ chức lễ hội. Bên ngoài Công viên Văn hóa Đống Đa sáng nay, theo ghi nhận của PV Dân Việt lực lượng cảnh sát tăng cường kiểm soát, đảm bảo công tác phòng chống dịch, tránh tụ tập đông người.
Biết năm nay lễ hội không diễn ra nhưng nhiều người theo quan niệm vẫn đến chiêm bái, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, người Anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh xâm lược vào xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Lực lượng cảnh sát nhắc nhở người dân di chuyển, tránh tụ tập.
Cô Ngọc Tư (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay năm nào cũng đến lễ tại gò Đống Đa. “Năm nay bà con không được vào nên tôi đứng ngoài vái vọng ông Quang Trung. Tôi nghĩ lương tâm mình hướng về vua Quang Trung thì bản thân thanh thản, vui vẻ rồi. Không nhất thiết phải đến sát hay vào tận nơi vì dịch bệnh. Người dân Việt Nam luôn luôn nhớ đến công ơn các vị tiền bối, các vị anh hùng có công bảo vệ đất nước chứ không phải đến ngày kỉ niệm mới nhớ tới”, cô Ngọc Tư chia sẻ. Theo cô Tư, mọi năm ngày mùng 5 Tết rất phấn khởi, vui tươi vì có phần múa lân, rước kiệu từ phía chùa Bộc gần đó về đền thờ vua Quang Trung.
Đến gò Đống Đa từ sáng sớm, chị Đinh Hải Ninh (40 tuổi, Hà Tĩnh) chia sẻ bản thân rất có duyên với hoàng đế Quang Trung. Bởi lẽ, cách đây nhiều năm, chị Ninh và bạn trai đi xem vườn đào thì được nghe kể về truyện hoàng đế Quang Trung hái một cảnh đào gửi về cho Ngọc Hân công chúa. Trùng hợp, chị dâu cũng kể về câu chuyện hoàng đế Quang Trung cho chị nghe.
“Mình nghe chuyện đền hoàng đế Quang Trung rất linh thiêng nên mình mặc bộ áo dài đỏ để tới lễ. Khi đó, mình được vào điện chính thờ hoàng đế ở Nghệ An và nhận được ấn. Nên từ đó, mình rất mong muốn được dự chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa một lần. Tết nay, mình không về quê nên mình lại diện bộ áo dài này để tới lễ”, chị Đinh Hải Ninh nói thêm.
Không được vào trong chiêm bái, người dân đứng ngoài vái vọng rồi quay lại clip để người thân, bạn bè cùng xem.
Anh Nguyễn Duy Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay, tôi thu xếp được công việc nên trực tiếp đến đây để dâng lễ vua Quang Trung. Tôi hi vọng năm sau sẽ đưa cả ba con tới đây để hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Chỉ tiếc là mình tới đây thì các bác bảo trưa quay lại”. Mang theo hương, gạo, bật lửa, anh Nguyễn Duy Hải tin rằng “hạt lúa là hạt ngọc trời” nên làm lễ rất phù hợp.
Càng gần trưa lượng người đến đây mỗi lúc một đông. Lực lượng cảnh sát vẫn đứng chốt chặt bên ngoài đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Khải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.