Ngay từ 6h sáng, người dân đã đổ về gò Đống Đa để chứng kiến phần lễ của Hội gò Đống Đa với nghi thức tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Đến 8h, lượng người đổ về gò Đống Đa ngày một đông, không chỉ người dân Thủ đô Hà Nội mà các tỉnh, địa phương cũng hội tụ về đây để chứng kiến lễ hội với lòng tự hào và ghi nhớ công ơn của cha ông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng người dân dâng hương Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2019). Ảnh: KTĐT
Sau lễ rước kiệu Vua Quang Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành và đông đảo nhân dân Thủ đô, du khách thập phương dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Quang Trung cùng các tướng lĩnh, chiến sĩ nghĩa quân Tây Sơn.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Di tích gò Đống Đa được xem như là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn, là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta, là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường, là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt gò Đống Đa cho thành phố Hà Nội. Ảnh: KTĐT
Chỉ thị số 16 ngày 26.1.1989 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta… Chiến Thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Năm 1989, kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Công viên Văn hóa Đống Đa được thành lập trên cơ sở khu vực gò Đống Đa. Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích gò Đống Đa đã được tu bổ, tôn tạo và xây mới một số hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 22.000m² bao gồm: Cổng, gò Đống Đa, nghi môn, tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung cùng các công trình phụ trợ.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, ngày 24.12.2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1820 xếp hạng di tích lịch sử gò Đống Đa là di tích quốc gia đặc biệt”.
Bác Phạm Tiến Thành năm nào cũng dự Lễ hội gò Đống Đa. Ảnh: Thanh Hà
Có mặt từ rất sớm tại buổi lễ, bác Phạm Tiến Thành - 76 tuổi, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, chia sẻ: "Năm nào tôi cũng tham gia Lễ hội gò Đống Đa, nhưng mỗi năm là một cảm xúc khác nhau. Năm nay tôi cảm thấy rất vui và cảm xúc khó tả, bởi năm nay kỷ niệm 230 năm, chương trình lễ kỷ niệm làm hoành tráng, lại còn được đón nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt".
Còn cháu Trần Thu Ngân - 10 tuổi đến từ An Bình, Hải Dương thì cho biết, cháu theo bà lên đây dự lễ kỷ niệm, cháu rất háo hức và cảm thấy vui với không khí lễ hội tại gò Đống Đa. Cháu cảm thấy mình được hiểu biết thêm về lịch sử không chỉ qua trang sách mà được cảm nhận trực tiếp không khí lễ hội.
Từ sáng sớm người dân đã có mặt tại Lễ hội gò Đống Đa. Ngoài các hoạt động chính, lễ hội năm nay còn có triển lãm ảnh về di sản văn hoá thời Tây Sơn. Ảnh: Thanh Hà
Đại diện BTC cho hay, kỷ niệm 230 năm lễ hội và chính thức trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt nên năm nay chương trình lễ hội có nhiều hoạt động hơn, ngoài lễ dâng hương, lễ rước kiệu, múa rồng còn có biểu diễn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian... với sự tham gia của nhiều đoàn tế lễ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô và các địa phương lân cận, đặc biệt là chương trình biểu diễn nghệ thuật “Màn sử thi” chào mừng lễ kỷ niệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.