Nhà văn Nguyễn Hiếu: "Hi vọng cho một năm Hổ mạnh mẽ, vượt qua nhiều trở ngại"

Khánh Yến Thứ sáu, ngày 04/02/2022 09:35 AM (GMT+7)
"Tôi mong học sinh các cấp và sinh viên các trường đại học sớm được trở lại trường học trực tiếp. Tôi cũng hi vọng tất cả các ngành biểu diễn được trở lại hoạt động bình thường, nhất là sân khấu kịch", nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ với PV Dân Việt nhân dịp đầu năm Nhâm Dần 2022.
Bình luận 0

Thưa nhà văn Nguyễn  Hiếu, cảm xúc của anh thế nào khi đất nước bước sang một năm mới - năm Nhâm Dần?

- Trong năm Chuột và năm Trâu trước đó, đặc biệt là năm Trâu - Tân Sửu, không chỉ đất nước ta mà toàn cầu đều bị ảnh hưởng tai hại của đại dịch Covid-19. Các thành phố lớn - những trung tâm công nghiệp, văn hóa đều lần lượt trải qua những đợt dịch nặng nề, gây tác hại không nhỏ và toàn diện đến xã hội cũng như cuộc sống thường nhật.

Rất may với một hướng đi đúng đắn và kiên quyết của Đảng, sự quản lý vững vàng, hợp lý của Nhà nước, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hạn chế được tác hại của đại dịch. Khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" khiến toàn dân ta, trong đó phải kể đến lực lượng của những chiến sĩ áo trắng quả cảm đã tạo ra sức mạnh. 

Đất nước ta ngày càng chủ động trước đại dịch, đẩy lùi từng bước dịch bệnh, mang lại những kết quả khả quan trọng kinh tế, trong xã hội. Điều đó tạo nên niềm tin về một hiện thực khả quan rằng, trong năm Nhâm Dần này, cuộc sống, cũng như các hoạt động xã hội, kinh tế, văn hóa sẽ trở lại bình thường, tạo đà cho những thành công mới.

Riêng tôi với tư cách là một nhà văn, một kịch tác gia, trong niềm vui và tin tưởng chung, tôi hi vọng năm Dần này cũng là năm khởi sắc cho văn chương. Nền sân khấu sau hai ba chục năm bị suy thoái có đà vươn lên, khởi sắc.

Nhà văn Nguyễn Hiếu: "Hi vọng cho một năm Hổ mạnh mẽ, vượt qua nhiều trở ngại" - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Hiếu. (Ảnh: NVCC)

Là một nhà văn, hình tượng hổ gợi cho anh những suy nghĩ thế nào? 

- Hổ - Linh vật của năm Nhâm Dần là một con vật hoang dã sống ở đại ngàn. Thế nhưng, trong 12 con giáp, nó lại là con vật gắn bó gần gũi và quen thuộc đối với đời sống, tâm linh của con người. Không phải ngẫu nhiên con vật được mang danh là chúa sơn lâm lại được lấy làm biểu tượng cho sức mạnh, uy quyền của nhiều quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Hàn Quốc. 

Dáng đi oai vệ, tiếng gầm dũng mãnh, bộ da được phối màu hoàn thiện, thân hình vững chắc và mềm mại đã được người Việt ta từ chỗ ghê sợ biến thành biểu tượng thần quyền, uy linh chế ngự những thế lực hắc ám, như trừ tà, trấn trạch, cầu phúc, cầu sự bình an. 

Trong hội họa, trong khắc gỗ nơi thờ phụng, hổ trở thành con vật được xếp ngang với rồng – con vật tưởng tượng để bộc lộ những khát vọng, những triết lý về thần quyền với đề tài Ngũ hổ, độc hổ (tranh hàng Trống), Thanh long - Bạch Hổ ( tranh Kim Hoàng).

Nhà văn Nguyễn Hiếu: "Hi vọng cho một năm Hổ mạnh mẽ, vượt qua nhiều trở ngại" - Ảnh 2.

Tranh hổ Hàng Trống của Việt Nam. (Tranh do bà Nguyễn Thị Hợp cung cấp).

Có tác phẩm văn chương nào viết tới hổ mà anh từng thích thú?

- Có hai tác phẩm văn chương viết về hổ khiến tôi thích thú. Đó là Thuỷ Hử với trường đoạn Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương. Cái chết của con hổ từng giết hại 30 dũng sĩ là cách viết thông minh của Thi Nại Am để tôn sức mạnh của Võ Tòng cơ bắp. Còn con hổ trong truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu lại thể hiện rõ tư tưởng nhân văn, khuyến thiện trừng ác của tác giả. 

Trong lúc Lục Vân Tiên mù lòa,  Trình Hâm - kẻ phản bạn đã lừa đẩy Lục Vân Tiên vào hang Thanh Tòng, trói tiểu đồng của Lục Vân Tiên vào cây cho hổ ăn: "Trước cho hùm cọp ăn mày /Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong". Thế nhưng hổ đã cắn dây, rồi cõng tiểu đồng ra đường, sau đó đưa Lục Văn Tiên ra khỏi hang sâu. Thể hiện sự báo ứng nên hổ lại tha mẹ con Võ Thể Loan (kẻ phản bội Lục Vân Tiên) vào hang Thanh Tòng. Trong câu truyện của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (vừa được Unesco vinh danh kỉ niệm 200 năm ngày sinh của ông trong năm Nhâm Dần), chúa sơn lâm là con vật nhân nghĩa, biết phải trái, trắng đen. 

Thế còn những người tuổi Dần, họ để lại ấn tượng như thế nào trong anh? 

- Theo tôi, những người mang tuổi Dần dù ít dù nhiều cũng mang những nét đặc trưng đức tính của linh vật hổ. Không ít người tuổi Dần bên cạnh sự dứt khoát, có chí tiến thủ thì còn có sự nóng giận, nhất là trước những bất bình, tuy vậy họ đều biết kiềm chế để phấn đấu vươn lên, cống hiến cho quần thể xã hội. Cũng bởi vậy, họ được rất nhiều người mến mộ. 

Thí dụ ở tuổi Giáp Dần con giáp thuộc hành Mộc, chi Dần cũng thuộc hành Mộc. Bộ đôi can chi trùng nhau nên người tuổi Giáp Dần thường biết nén mình, chỉnh sửa mỗi khi bực bội. Điều này giúp họ tương thân, tương ái vươn lên xả thân góp sức cho cộng đồng, điển hình như trường hợp Lý Tự Trọng sinh Giáp Dần 1914. Có thể kể tới rất người nổi tiếng sinh năm Dần như Bác Hồ sinh Canh Dần 1890, Tổng bí thư đầu tiên Lê Hồng Phong sinh năm Nhâm Dần 1902, Nguyễn Cảnh Tòa, nhà Toán học được Viện Tiểu sử Hòa Ky phong là "một trong những bộ óc vỹ đại của thế kỉ 21" sinh năm Bính Dần 1926.

Còn về phần anh, liệu anh đã từng trải qua một năm Dần đặc biệt trong đời?

- Tôi có một năm Canh Dần khá đặc biệt và đáng nhớ. Đó là năm 2010, khi Nhà nước và nhân dân ta long trọng kỉ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nhân kỷ niệm trọng đại này, với tư cách là nhà văn Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản bộ Tuyển tập Nguyễn Hiếu gồm 10 tập hơn 6000 nghìn trang, tuyển 19 tiểu thuyết, 100 truyện ngắn, 300 bài thơ và trường ca, 9 kịch bản khấu. 

Cũng năm đó tôi lĩnh liền bốn giải văn chương, sân khấu gồm giải B cho tiểu thuyết "Mặt nạ để đời" trong cuộc thi "Vì an ninh tổ quốc, vì bình yên cuộc sống " của Bộ Công An và Hội Nhà văn Việt Nam; Giải C cho tiểu thuyết "Biển toàn là nước" dành cho các tác phẩm văn học đề tài công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt nam; Giải B cho kịch bản "Giàn mồng tơi gẫy rập" (sau này được dựng ở Nhà hát Kịch nói Việt Nam và Đoàn cải lương Nam Định); Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn và ký của Công an Hà Nội với bút ký "Bố tôi là công an Hà Nội".

Cuối cùng, xin anh cho biết những mong đợi của mình về năm mới Nhâm Dần?

- Mong đợi lớn nhất của tôi là đại dịch được chấm hết trên toàn cầu nói chung và đất nước Việt Nam ta nói riêng để cuộc sống trở lại bình thường. Các ngành kinh tế bật dậy tăng trưởng vững vàng sau những thăng trầm. Các ngành văn hóa, du lịch phát triển mạnh để bù lại những quãng dừng không muốn. Đối với ngành nông, ngoài sự mưa gió thuận hoà cho nông vụ chí kỳ thì Nhà nước ta tìm ra biện pháp hữu hiệu để tình trạng "được mùa giá rẻ" không còn, tình trạng hàng nông sản xuất khẩu của nước ta luôn xuôi chiều mát mái, không còn cảnh đáng buồn của hàng nghìn xe công te nơ ứ đọng tại các cửa khẩu.

Mong đợi thứ hai của tôi là tất cả mọi hành vi xâm phạm và chà đạp lên thân thể và tinh thần trẻ em hoàn toàn được chấm dứt. Tất cả học sinh các cấp và sinh viên các trường đại học sẽ được trở lại trường học trực tiếp. Tôi cũng hi vọng tất cả các ngành biểu diễn được trở lại hoạt động bình thường, nhất là sân khấu kịch. Cùng với đó là các vở diễn tạo được sức hấp dẫn, thu hút đối với khán giả như thời kì sân khấu của Xuân Trình và Lưu Quang Vũ.

Cảm ơn báo Dân Việt đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn đầu năm thú vị này. Nhân dịp đầu xuân, tôi xin chúc Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trong năm mới Nhâm Dần này ngày càng trở nên đa dạng, hấp dẫn, tin cậy đối với độc giả trên toàn quốc.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem