Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thiên Sơn là nhà văn với những sáng tác đa dạng gồm cả thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Anh là tác giả bộ tiểu thuyết “Đại gia” từng gây xôn xao dư luận trong thời gian dài; từng là tác giả trẻ nhất được trao giải trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III của Hội Nhà văn Việt Nam. Thiên Sơn không chỉ dấn thân vào đề tài xã hội đương đại nóng bỏng và gai góc; đề tài lịch sử hiện đại đầy bi hùng và làm sống lại những nhân vật, sự kiện chìm lấp trong thời gian; anh còn dành sự quan tâm đặc biệt đến những phận người đau khổ và tái hiện trên những trang viết bằng cảm xúc sâu lắng.
Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với anh về tác phẩm tiểu thuyết lịch sử “Gió bụi đầy trời” mới ra mắt và được bạn đọc rất quan tâm.
"Gió bụi đầy trời" mới ra mắt giữa tháng 8 vừa rồi, lôi cuốn độc giả vì tính chất lịch sử hỗn loạn, phức tạp và gay cấn của thời kỳ 1945 - 1946, những vấn đề này được anh khắc hoạ rõ nét, sống động và chân thực. Anh có thể chia sẻ gì về "đứa con tinh thần" mà anh đã dành nhiều năm tâm huyết?
- Tôi muốn làm mới cách nghĩ của người đọc về lịch sử, bù lấp những khoảng trống mà các sử gia không thể đề cập đến, dựng lên một bức tranh lịch sử rộng lớn và bi hùng về một giai đoạn cực kỳ quan trọng của lịch sử hiện đại. Có thể nói, lần đầu tiên trong một cuốn tiểu thuyết Việt Nam cùng xuất hiện những nhân vật lớn nhất ở các xu hướng chính trị khác nhau, đối lập nhau: Phía các nhà lãnh đạo Việt Minh như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng; phía Việt Nam Quốc dân đảng có Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh; Việt Nam Độc lập Đồng minh hội có Nguyễn Hải Thần; phía chính quyền Nam triều có vua Bảo Đại, thủ tướng Trần Trọng Kim; phía quân đội Trung Hoa có tướng Lư Hán, Tiêu Văn; phía Pháp có Jean Sainteny, Georges Thierry d'Argenlie, Leclerc... Nghĩa là tất cả các nhân vật chính chi phối đến thực tế lịch sử đều được tái hiện với những màu sắc riêng, cá tính riêng sinh động. Các nhân vật này tương tác với nhau, hành động của nhân vật này tác động đến nhân vật khác.
Đọc cuốn sách, người đọc sẽ như được chứng kiến một bàn cờ thế sự với tất cả những toan tính sâu xa và đấu pháp của các nhân vật lịch sử nhằm khắc phục những hậu quả của những nhân vật khác gây ra. Việc thay đổi điểm nhìn, mở ra không gian bên trong của tâm tưởng các nhân vật truyện và khám phá những bí ẩn phía sau của các sự kiện sẽ giúp người đọc hình dung về lịch sử một cách sống động hơn.
Anh viết cuốn này trong vòng 2 năm, nhưng để có những tư liệu dày ngồn ngộn như vậy, tôi nghĩ phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu. Anh có thể chia sẻ quá trình tìm tòi tư liệu và khó khăn khi tìm hiểu về các nhân vật trong tác phẩm?
- Khó có thể nói cụ thể tôi tìm từ liệu từ bao giờ. Nhưng bạn biết đấy, để viết nên một cuốn sách đồ sộ thì đòi hỏi tâm huyết và thời gian rất lớn. Tôi có đam mê về lịch sử và có tham vọng dùng tiểu thuyết để dựng lên bức tranh lịch sử thế kỷ 20 từ thời là sinh viên đại học. Ngoài cố gắng làm chủ kỹ thuật viết, thời kỳ đó tôi đã đọc rất nhiều. Dường như có gì liên quan đến vấn đề mình quan tâm cũng đọc, ghi nhớ và tự dặn mình sẽ đến lúc sử dụng đến những tư liệu đó. Nhưng có lẽ phải sau khi bộ tiểu thuyết “Đại gia” xuất bản tôi mới thực sự chuyên chú vào đề tài lịch sử hiện đại.
Lúc đầu tôi tìm hiểu trên những nét lớn, tìm cách đánh giá bản chất của các vấn đề lịch sử, phân tích các nhân vật và mối quan hệ của họ trong bức tranh lịch sử rộng lớn đó. Dần dần tôi đi vào chi tiết hơn. Hệ thống tư liệu về lịch sử hiện đại nhiều nhưng khá phức tạp và được viết theo những quan điểm rất khác nhau. Cái khó là phải phân tích được tư liệu và đứng trên các định kiến lịch sử để có thể nhìn sự việc một cách khách quan. Còn về nhân vật, một khoảng trống rất lớn là những thông tin về đời tư, những thông tin để có thể hình dung nhân vật như một con người với tất cả những biểu hiện sinh động nhất của nó.
Viết về lịch sử thường là viết một vấn đề vốn khô khan, vốn đã khó. Vậy làm thế nào để vừa phản án đúng tinh thần của lịch sử, vừa đảm bảo tính nghệ thuật của tác phẩm? Việc giải quyết mối quan hệ giữa hiện thực và hư cấu được anh xử lý như thế nào?
- Điều cốt yếu để tạo nên một tiểu thuyết hay là tính cách nhân vật. Hay nói cách khác, trong tiểu thuyết lịch sử thì nhà văn phải biến các nhân vật lịch sử thành các nhân vật tiểu thuyết. Và dù nắm được bao nhiêu tư liệu, nhưng mục đích cuối cùng là phải dựng lên được bức tranh lịch sử có màu sắc riêng, có sức gợi mở và hấp dẫn, thúc bách người đọc ngẫm suy và trăn trở trước số phận con người, số phận dân tộc. Điều đó đặt ra một nhiệm vụ phức tạp của nhà văn là xử lý tốt mối quan hệ giữa hiện thực và hư cấu để các tư liệu lịch sử được nhào luyện biến thành thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết.
Có nhiều cách viết tiểu thuyết lịch sử. Có người chỉ mượn bối cảnh lịch sử như một cái nền để từ đó hư cấu nên một câu chuyện chẳng liên quan nhiều đến chính sử. Tôi thì chủ trương viết thẳng vào dòng sự kiện chính và các nhân vật lịch sử quan trọng của thời đại mình. Đối với các nhân vật chính, tác phẩm vừa phải thể hiện đúng tầm vóc và vai trò lịch sử của họ vừa phải vượt thoát khỏi những khuôn thức xơ cứng để dựng lên hình tượng họ với cái tôi độc đáo, sống động.
Các bạn có thể thấy trong tác phẩm này những hình ảnh đời thường, dung dị của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong những năm gian khó của cách mạng; những mối tình khá lâm ly và đau đớn của Bảo Đại với Nam Phương hoàng hậu và với mỹ nữ Lý Lệ Hà… Việc biến nhân vật lịch sử như những tượng đài được tôn thờ hoặc chiêm ngưỡng thành nhân vật văn học với tất cả những biểu hiện phức tạp, sống động là một nỗ lực không ngừng và là nhiệm vụ của nhà văn.
Điều đáng nói nữa là việc tái hiện bức tranh lịch sử. Nhà văn không thể bê nguyên hiện thực mà phải tái hiện, nhào nặn lại bức tranh lịch sử. Lịch sử trong cuốn sách là lịch sử đã được phản ánh qua nhận thức của nhà văn và nó mang những đặc sắc riêng, có sức hấp dẫn riêng. Trong tác phẩm, bạn có thể thấy được thủ pháp dồn nén thời gian và không gian nghệ thuật khiến câu chuyện lịch sử được kể trở nên cô đúc và điển hình. Hành động kịch được tổ chức cho hợp lý và liên tục bùng nổ tạo nên độ căng không ngừng từ đầu đến cuối. Các chi tiết chọn lọc, các diễn biến bất ngờ và sự hòa trộn các màu sắc thẩm mĩ khi hùng tráng, lúc trữ tình… cùng góp mặt để tạo nên một tổng phổ đa diện, nhiều cung bậc.
Sự hài hòa giữa hiện thực và hư cấu, làm sao vừa toát lên cái tinh thần chính của lịch sử lại vừa có thể biến bức tranh lịch sử khách quan thành thế giới nghệ thuật sinh động có tính thẩm mĩ là mục đích của tôi trong cuốn sách này.
Trong “Gió bụi đầy trời”, nhân vật nào anh tâm huyết và dụng công nhất? Anh có thể chia sẻ gì về nhân vật này, có những yếu tố đặc biệt nào?
- Nhân vật quan trọng nhất trong tác phẩm này của tôi có lẽ là Hồ Chí Minh, người chèo lái cả dân tộc, người định hình con đường cách mạng và chi phối đến dòng chảy lịch sử thế kỷ 20. Ông là người ứng phó mềm dẻo và linh hoạt với quân đội Trung Hoa khi lực lượng này tràn vào miền Bắc với danh nghĩa đồng minh giải giáp quân Nhật. Ông là người đối thoại với Pháp và ký hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 để nhanh chóng đuổi quân Tưởng về nước, mở ra cuộc đối thoại chiến lược với chính phủ Pháp nhằm định hình chính sách đối thoại và đường hướng chính trị hội nhập quốc tế cho nước Việt Nam.
Ông cũng phải ứng phó với các lực lượng chính trị phức tạp, chia rẽ trong nước bao gồm các đảng phái đối lập, các tổ chức chính trị dựa vào thế lực bên ngoài, phái bảo hoàng và các tôn giáo... Tôi đã tập trung để thể hiện hình ảnh một con người vĩ đại mà bình dị, sâu sắc, nhân văn. Đó là một con người đặc biệt, tinh anh, hoạt bát, nhân hậu, có sức cảm hóa lớn. Những phẩm chất ấy bộc lộ qua những hành động, qua suy tưởng, qua độc thoại nội tâm mang màu sắc riêng, dấu ấn riêng nổi bật trong tác phẩm.
Trước đó, tiểu thuyết “Đại gia” của anh đã lôi cuốn độc giả và gây xôn xao dư luận bởi sự dữ dội của các nhân vật và vấn đề gai góc nhạy cảm. Đối với cá nhân anh, tác phẩm lần này có sự đầu tư công phu, khác biệt như thế nào?
- Tôi là người chủ trương văn học phải đi vào đời sống, phải tác động vào đời sống. Mỗi cuốn sách có mục tiêu riêng và ý nghĩa riêng.
“Đại gia” là một bộ sách lớn phản ánh những nét chính, những mặt chuyển động cơ bản, những mâu thuẫn gay gắt của hiện thực đương đại. Cuốn sách chủ trương đi vào những vấn đề nóng bỏng nhất, quan thiết nhất, chỉ ra sự lũng đoạn quyền lực từ giới mafia kinh tế; sự tha hóa của một bộ phận những người nắm quyền lực lớn; sự khủng hoảng đạo đức và các chuẩn mực xã hội. Đó là lời cảnh báo về một “hiện thực hiểm nghèo”, là lời thúc bách hành động đối với những người có trách nhiệm vì sự tốt đẹp của cuộc sống.
Cuốn “Gió bụi đầy trời” này với tôi lại có một ý nghĩa khác. Viết về thời điểm khởi nguồn của cuộc Cách mạng tháng 8 với những nhân vật lớn là một cách soi chiếu vào hiện tại. Lịch sử sẽ chẳng có ý nghĩa nếu ngày hôm nay ta không tìm thấy ở đó những bài học cho mình. Viết về lịch sử thực chất là đang trả lời cho những câu hỏi đối với hiện tại. Có biết bao nhiều điều tưởng đã mờ đi trong thời gian, giờ tái hiện lại có thể mang đến cho chúng ta những điều nhận thức mới, những ngẫm suy mới và điều chỉnh được chút gì hành động của con người trong hiện tại, góp phần làm cho cuộc sống tốt hơn, đó là mong muốn thiết tha của một người viết.
Những năm gần đây dường như có rất ít tác phẩm văn học lớn gây được ảnh hưởng với người đọc, điều đó cũng cho thấy rằng con đường văn chương vô cùng gian khó. Riêng anh thường đi vào các đề tài khó mà ít nhà văn nào muốn chạm tới, tại sao lại như vậy?
- Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Do hoàn cảnh văn hóa và cách tiếp nhận văn hóa thay đổi nên vai trò của văn chương bị đe dọa. Điều đó đặt nhà văn vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, những tác phẩm lớn, những tác phẩm có giá trị luôn được người đọc quan tâm. Tôi luôn nghĩ văn chương là câu chuyện không dễ dàng và mỗi lần cầm bút luôn cố gắng khám phá một điều gì hữu ích, đó có thể là việc cung cấp những thông tin cần thiết về cuộc sống mà phải khổ công mới tìm kiếm được, hoặc đặt ra những vấn đề tư tưởng thiết thân với cuộc sống.
“Đại gia” trước đây hay “Gió bụi đầy trời” hiện nay, tuy đi vào đề tài khác nhau nhưng đều cố gắng vượt qua những giới hạn thông thường, đáp ứng những đòi hỏi khó khăn của người đọc. Và tôi rất vui, bạn đọc đã luôn mở lòng đón nhận và ủng hộ, tìm đọc những tác phẩm của mình.
Trong các tác phẩm của anh, tôi nhớ “Người bên lề” chú trọng đến những thân phận đau khổ của con người, đến “Đại gia” lại đi vào những vấn đề kinh tế, chính trị nóng bỏng và gai góc, hiện nay anh lại đi vào đề tài lịch sử hiện đại phức tạp qua tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời”. Điều đó cho thấy bút pháp đa dạng và sự phong phú về hiện thực đời sống trong văn chương của anh. Làm thế nào anh có thể có tư liệu để ôm chứa những vấn đề rộng lớn như vậy trong tác phẩm của mình?
- Tôi có niềm đam mê văn chương từ nhỏ và luôn có ý thức tích lũy vốn sống để viết. Bất cứ ở đâu và khi nào tôi cũng luôn quan sát, lắng nghe, ghi chép lại những điều thú vị mà mình thu nhận được về cuộc sống. Cứ như vậy liên tục trong một thời gian dài.
Đến một ngày nào đó, mình có cảm giác gắn bó một cách máu thịt với đời sống và với con người. Ngẫm nghĩ liên tục về con người và cuộc sống, trăn trở với mọi biến thiên của thời cuộc và chia sẻ với những đau khổ của con người, đó là nguồn gốc của mỗi trang viết của tôi. Và dù có viết gì đi chăng nữa, điều cuối cùng là hướng đến con người, vì con người.
“Gió bụi đầy trời” là tác phẩm đầu tiên trong loạt tiểu thuyết lịch sử mà anh dự định viết tới đây. Anh có thể chia sẻ về những dự án tiếp theo?
- Tôi có dự định dành nhiều năm để viết về toàn bộ bức tranh lịch sử từ Cách mạng tháng Tám đến những năm cuối của thế kỷ 20 trong một bộ tiểu thuyết trường thiên khoảng 3.000 trang (5 tập). Những điều tôi làm được hôm nay chỉ mới là sự khởi đầu. Tôi sẽ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa nâng mình lên để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Tôi biết đó là điều khó khăn nên không dám nói trước. Mong rằng mọi việc sẽ thuận lợi ở những tập tiếp theo.
Xin cảm ơn anh!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.