Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP, HĐND TP.Hà Nội vừa quyết định thông qua việc sẽ phê duyệt đề án và ban hành một số Kế hoạch, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện đề án, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Trong đó, tại quận Đống Đa có 3 khu tập thể cũ (chung cư cũ) là: Kim Liên, Khương Thượng, Trung Tự đã được dự kiến trong đề án thực hiện kế hoạch triển khai đợt 1 giai đoạn 2021-2025.

Thông tin này tác động trực tiếp tới cuộc sống của hàng nghìn người dân tại 3 khu tập thể cũ nói trên. Bởi, đây là những khu tập thể đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, gắn bó nhiều với lịch sử văn hoá và tâm tư tình cảm của người dân Hà Nội.

Để hiểu hơn về những ký ức Hà Nội qua nét văn hoá rất riêng trong các khu tập thể cũ, PV Dân Việt đã có buổi trò chuyện với nhà văn Vũ Công Chiến – tác giả cuốn sách "Kim Liên một thuở".


Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 1.

Khu tập thể Kim Liên đã được hình thành như thế nào?

- Năm 1954, miền Bắc nước ta được giải phóng, một nửa đất nước bước vào giai đoạn xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.

Hà Nội không bị tàn phá trong chiến tranh nhưng còn bé, phải xây dựng rất nhiều. Trong tinh thần quốc tế vô sản, các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em đã góp sức giúp nước ta xây dựng miền Bắc.

Sau một chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958, Triều Tiên đã sang giúp Việt Nam, trong đó có việc xây dựng một khu tập thể mang tên Kim Liên, nằm ngay chính mảnh ruộng của làng Kim Liên – một trong 4 địa danh Tứ trấn của Thủ đô Hà Nội.


Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 2.

Mùa hè năm 1962, khu tập thể Kim Liên được xây dựng xong cơ bản và bắt đầu đón nhận những cư dân đầu tiên. Gần như tứ bề khu Kim Liên là đồng không mông quạnh. Các khu Trung Tự, Khương Thượng và Phương Mai còn "xa" mới ra đời.

Gia đình tôi được vinh dự được là một trong những gia đình đầu tiên dọn đến ở khu tập thể Kim Liên theo tiêu chuẩn được phân phối nhà ở của bố tôi. Hè năm 1962, tôi khi ấy 9 tuổi, học xong lớp 1 và đang chuẩn bị lên lớp 2.

Khi nhà tôi dọn đến, khu Kim Liên đã xây xong 24 dãy nhà cao tầng cho khu tập thể. Trong 24 dãy nhà ấy, có 8 dãy nhà A (A1 đến A8) nằm ở phía gần với đường Nam Bộ dành cho chuyên gia nước ngoài và những người Việt Nam phục vụ. Gọi là khu A Chuyên gia, đông nhất là chuyên gia Liên Xô.

Còn khu B là lớn nhất có 14 dãy nhà. Người ta xây các khối nhà song song và cùng quy hướng Đông Nam. Có 4 dãy và 3 dãy nhà được bố trí so le nhau, tạo ra sự rộng thoáng cho cả khu.

Khu C được xây dựng 8 dãy nhà. Trong đó có 2 dãy do Triều Tiên xây, 6 dãy còn lại do Việt Nam xây.

Trong thiết kế chung, khu Kim Liên sẽ có nhà ăn tập thể, phục vụ lẻ đến từng bữa theo tem gạo cho họ.

Khu tập thể Kim Liên cũng là khu nhà đầu tiên dẫn điện 3 pha vào sử dụng cho dân sinh.


Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 3.

Cư dân sống ở Kim Liên là những ai?

- Dân cư khu tập thể Kim Liên  quy tụ từ nhiều cơ quan, trung ương đến địa phương. Mỗi cơ quan được phân phối hơn chục căn hộ. Nhà B nào cũng có gia đình từ nhiều cơ quan. Riêng nhà B1 đến B4 thì có các gia đình của ngành đường sắt. B5 "chẵn" chủ yếu là bên ngoại thương và Bộ Công nghiệp nhẹ. B5 "lẻ" là Bộ Lương thực, nông nghiệp, nông trường. B6 "chẵn" lại có nhiều người bên ngân hàng. B6 "lẻ" đa phần bên Bộ Đại học, Bộ Giáo dục. B9 "lẻ" gồm Viện Kiểm sát và Toà án, Báo ảnh, Trung Ương đoàn…

Có thể nói tất cả các gia đình về khu tập thể Kim Liên đều là người nhà nước, nên mới được phân phối nhà. Trong các B lại có xen sẽ rất nhiều các gia đình miền Nam tập kết… Nhưng nói chung phải là cán bộ kha khá, có mức lương 100 đồng trở lên. Ngày đó và rất nhiều năm sau này, mức lương cho 1 kỹ sư ra trường là 63 đồng. Mức lương công nhân tối thiểu là 18, 20 đồng, đủ để bếp ăn tập thể thời bao cấp có tem phiếu.

Mức lương này cón có ý nghĩa ở chỗ, thời đó không hạn định bao nhiêu măm được lên lương một lần. Có nhiều người rất lâu mới được 1 lần lên lương. Vì thế, những người được phân phối nhà ở Kim Liên là "oách" lắm.

Hàng xóm Kim Liên ngày xưa của tôi, rất nhiều người đã rời xa nơi này, chuyển tới sống khắp mọi phương trời, cả trong và ngoài nước. Thi thoảng, có người quen về thăm lại Kim Liên, chúng tôi lại nắm tay nhau thật lâu rồi thi nhau ôn lại chuyện cũ. Cuộc đời thật đơn giản mà ấm áp lạ lùng.


Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 4.

Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 5.

Người dân Kim Liên sống với nhau như thế nào?

- Từ khắp nơi được phân phối nhà và tập trung về nơi đây ở, chỉ trong 2-3 năm, các gia đình cũng nhau hợp thành cư dân Kim Liên và tạo nên một nét văn hoá riêng.

Có một điểm chung là những người lớn đều làm trong các cơ quan, nhà máy của nhà nước. Mặt bằng văn hoá và điều kiện sống có đủ tem phiếu bao cấp nằm ở vị trí khá trở lên của xã hội. Người lớn đi làm, còn tất cả trẻ nhỏ cắp sách tới trường. Cơ sở hạ tầng trong khu Kim Liên khép kín và tương đối đầy đủ.

Mặc dù cuộc sống còn thiếu thốn như nhau nhưng cư dân Kim Liên đã cùng nhau tạo được nếp sống văn hoá, cư xử với nhau rất nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ nhau.

Trẻ nhỏ chúng tôi rất nghịch ngợm và hiếu động tự nhiên, nhưng không có trẻ con hư hỏng.

Sự giáo dục của các gia đình, nhà trường và xã hội khi đó thật tốt. Các gia đình đều có nếp tổng vệ sinh hằng tuần và các gia đình đều chăm lo giữ gìn cảnh quan đẹp.

Nếp sống văn hoá của cư dân Kim Liên thật khác nhiều với các gia đình ngoài phố, nhà nào biết nhà đó. Ở khu Kim Liên, sự giúp đỡ nhau nhiều khi chỉ đơn giản là khi đi cùng nhau lên cầu thang, mà thấy người kia xách nặng thì người này đưa tay xách đỡ. Người khoẻ giúp người yếu, đàn ông giúp phụ nữ. Nét đẹp mang tính văn hoá riêng đó được xây dựng và duy trì thành truyền thống đến mãi về sau.

Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 6.

Khu Kim Liên và những dấu ấn quan trọng?

- Năm 1963, Bác Hồ về thăm khu Kim Liên. Bác căn dặn người dân Kim Liên: "Kim Liên là hoa sen vàng. Đã là hoa sen vàng thì phải thơm, thơm mãi và thơm thật xa. Phải làm sao ngày càng có nhiều lời khen và ít tiếng chê…"

Giai đoạn sơ tán (tháng 9/1964 – 6/1970), cảnh và người khu Kim Liên có nhiều thay đổi. Nhà cửa vẫn thế nhưng cảnh quan đã có khác. Người thưa vắng hẳn, nhiều nhà khoá cửa dài. Ở khu Kim Liên cũng đào hố cá nhân tăng xê để trú ẩn. Người dân được phổ biến khi có báo động, không được ở yên trong nhà hoặc núp dưới cầu thang, mà phải ra hầm trú ẩn cá nhân.

Sau sự kiện máy bay Mỹ ném bom làm cháy kho xăng Đức Giang ấy, không khí chiến tranhh rõ nét hơn ở khu Kim Liên.

Đến hè năm 1970, nhà nước tuyên bố kế thúc sơ tán. Cư dân Kim Liên cũng lần lượt trở về hết. Người lớn thêm tuổi, già đi, còn trẻ con chúng tôi sau 6 năm sơ tán cũng lớn lên rồi.

Sau năm 1975, Hà Nội và khu Kim Liên tiếp nhận cuộc sống mới sau ngày đất nước thống nhất rất nhanh. Truyền thống đoàn kết giúp đỡ nhau từ thời kỳ đầu, trải qua thời sơ tán và xây dựng đất nước, được tiếp tục duy trì.


Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 7.

Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 8.

Cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh, nhà ở tập thể Kim Liên thay đổi qua những giai đoạn sốt đất?

- Từ sau năm 1980, một số gia đình có ban công trong khu Kim Liên bắt đầu làm lồng sắt. Lồng cao ngang mặt tường ban công và chỉ nhô ra 80 phân. Chủ yếu lấy chỗ phơi phóng và để đồ lặt vặt. Các nhà ở tầng 1 chưa cơi nới.

Trước năm 1990, quanh các nhà B, chỗ nào cũng có một khoảng sân, đủ để khoảng chục đứa đá bóng…

Năm 1990, Hà Nội bắt đầu sốt đất. Ở khu Kim Liên cũng vậy, nhưng nó mang nét hơi khác và đã manh nha từ năm 1986. Đó là thời kỳ thế hệ thứ 2 của khu Kim Liên, lứa thanh niên chúng tôi đã lập gia đình. Nhà nào cũng đông con, eo hẹp về kinh tế, nhất là "khu đường sắt", khó ở dồn trong căn hộ rộng chừng hai chục mét vuông thế là họ bắt đầu "nhảy dù" xuống đất, tìm đủ thứ linh tinh quây lại một khoảng đất cho mình, làm chỗ chui ra vào, che mưa, che nắng. Một nhà làm được thì nhà khác cũng làm được.

Ban đầu cán bộ phường có đi ngăn chặn nhưng chặn chỗ này thì người ta làm chỗ kia. Quay sang chỗ kia, chỗ này làm lại…

Những cuộc nhảy dù "nội tại" của dân "gốc" sống trong khu tập thể Kim Liên chỉ là phần nổi của tảng băng lấn chiếm đất lưu không trong khu tập thể Kim Liên.

Khi quy hoạch xây dựng khu Kim Liên, người ta để chừa những khu đất lưu không trong khu Kim Liên rất nhiều. Ngoài các mục đích đặt ra ban đầu là xây dựng đồng bộ trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ăn, bách hoá, các cửa hàng… Nhưng do điều kiện đất nước ta còn nghèo, xây dựng thay đổi… nên các dự định rất hay vẫn chỉ nằm trên giấy.

Những phần đất lưu không nằm xen kẽ trong khu Kim Liên đã kích thích những kẻ cơ hội và tham lam. Khu vực bị nhảy dù lớn nhất là ở quanh hồ Kim Liên và Phương Mai.


Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 9.

Năm 1994 đã có Nghị định 61 của Chính phủ về việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê, nhưng đến mãi đến năm 1999, cư dân khu tập thể Kim Liên mới được phổ biến. Lúc đó, sau 40 năm sử dụng, được tính là nhà cấp 2. Giá mua nhà đồng loạt là 5 triệu đồng một căn hộ. Giá vàng lúc này là 5 triệu đồng một cây vàng. Nhưng có một điều khoản có lợi khác cho dân là được cộng số năm công tác trong nhà nước của người đó có tên trong hộ khẩu, mỗi năm công tác được trừ 100 nghìn đồng.

Sau thời gian ấy, khu tập thể Kim Liên như một công trường. Không ầm ĩ nhưng cứ thầm lặng kéo dài trong nhiều năm. Người ở tầng 1 xây sửa lại phần đã cơi nới cho đẹp. Nhà tầng 2 cũng muốn liên kết xây móng với tầng 1 để xây chồng lên một căn phòng. Riêng từ tầng 3 trở lên, chủ yếu là lồng sắt. Nhiều gia đình ở tầng 4 còn trổ trần thêm một phòng nhỏ trong trần để làm phòng ngủ hoặc làm kho.

Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 10.

Trong giai đoạn 2021-2025, khu tập thể Kim Liên sẽ được xây dựng mới, cảm nhận và kỳ vọng của người dân nơi đây thế nào?

- Khu Kim Liên bay giờ đã đầy đủ cơ sở hạ tầng, có thể nói là đầy đủ và tiện lợi nhất trong tất cả các khu nhà tập thể của Hà Nội. Nếu xưa người ta coi Kim Liên làm một khu vực ngoại thành xa xôi thì nay Kim Liên là một trong những khu trung tâm của Hà Nội.

Khu tập thể nhà Kim Liên, dù thế nào vẫn là một trong những nơi cần quy hoạch lại, bởi khuôn viên đẹp và vị trí trung tâm của nó, nhất là 14 dãy nhà khu B. Khuôn viên đẹp nhưng cảnh từng nhà B lại tương phản bởi sự nhếch nhác do cơi nới và làm chuồng cọp.

Cải tạo xây dựng lại đem đến một diện mạo mới cho tập thể khu Kim Liên là một điều chắc chắn phải làm. Vấn đề chỉ là cải tạo thế nào?

Có lẽ, nếu cải tạo theo hướng trả lại hình hài như ban đầu những năm 1960 cho nó, với các sân chơi, vườn hoa và những hàng cây xanh cổ thụ thì khu Kim Liên được bảo tồn như kiểu phố cổ Hội An. Nó là chứng tích cho hình ảnh xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa tươi đẹp. Nhưng như thế phải tốn rất nhiều tiền mà không sinh lời, chắc chắn không làm được.


Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 11.

Từ những năm đầu thế kỷ XXI, TP Hà Nội đã nói nhiều về chuyện sửa khu nhà tập thể cũ (chung cư cũ) đã có tuổi đời nửa thế kỷ. Nhiều khu tập thể như Nguyễn Công Trứ, khu Văn Chương nhà cửa xuống cấp và nhếch nhác. Khu Giảng Võ đời còn thấp mà đã có nhà như nhà A6 bị sụt lún và nứt tới mức nguy hiểm không ở được…Thành phố buộc phải phá đi xây lại. Trong bối cảnh ấy, khu Kim Liên cũng được đưa vào dự án cải tạo.

Người dân ở Kim Liêm gần như đa phần đã ủng hộ với viễn cảnh: Nhà sẽ xây cao đẹp hơn, diện tích không còn là 20m2 nữa mà có thể là 30-40m2…  Nhưng, khi kế hoạch làm không tổng thể, chưa đến nơi đến chốn từ các lợi ích của các công ty, đơn vị cho nên họ chọn những chỗ gần đường để cải tạo như B7, B10 (cao 11 tầng) và B14, B4 (cao 21 tầng).

Người ở xa về hay bạn bè nơi khác, cứ gặp cư dân đang sống ở Kim Liên là đều hỏi giống nhau:" Nghe nói thành phố xây lại các nhà tập thể cũ, thế bao giờ mới xây đến nhà mình?".

Mới đây, Hà Nội có kế hoạch cải tạo khu tập thể Kim Liên trong giai đoạn 2021 – 2025. Tôi và người dân nơi đây luôn ủng hộ Nhà nước cải tạo, xây mới lại các khu tập thể cũ để bộ mặt đô thị được khang trang, đẹp hơn. Nhưng, chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng "nghĩ thật – nói thật – làm thật". Không giống như những lần trước đây, cứ hô hào xong lại bặt tăm.

Chúng tôi mong Kim Liên được cải tạo và xây dựng mới, đẹp và hiện đại. Tất cả đang ở phía trước. Mong sao cho bức tranh tương lai sẽ tươi sáng.

Cám ơn Nhà văn Vũ Công Chiến!

Nhà văn Vũ Công Chiến: "Chúng tôi mong chính quyền nghĩ thật - nói thật - làm thật" - Ảnh 12.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem