Những cảnh đời cơ cực: “Ốc không mang nổi mình ốc lại mang cọc cho rêu" - hoàn cảnh chị Mai Thị Thắm
Những cảnh đời cơ cực: “Ốc không mang nổi mình ốc lại mang cọc cho rêu" - (Bài 1)
Nguyệt Minh
Thứ tư, ngày 13/12/2023 06:30 AM (GMT+7)
Đã có nhiều lời mỉa mai không mấy tốt đẹp như vậy về cuộc đời của chị Mai Thị Thắm. Thế nhưng, những câu nói tưởng như mũi dao đâm thẳng vào trái tim lại biến thành sức mạnh, giúp người phụ nữ này có thêm nghị lực gánh vác trên đôi vai bé nhỏ của mình trách nhiệm trụ cột khi nuôi 10 người trong gia đình.
Những cảnh đời cơ cực: “Ốc không mang nổi mình ốc lại mang cọc cho rêu"
Giọt nước mắt cũng đã cạn khô
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về xã Trịnh Xá, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để thăm một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Đặc biệt bởi cả gia đình 10 người đều sống phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của một người phụ nữ mang trong mình nhiều bệnh tật. Câu chuyện khiến người ta xót thương đó chính là hoàn cảnh của gia đình chị Mai Thị Thắm (1976), sống cùng mẹ già và gia đình hai người em trai.
Chia sẻ với Dân Việt về câu chuyện cuộc đời mình, chị Thắm không cầm nổi nước mắt. Sự khắc khổ hiện rõ trên gương mặt người phụ nữ 47 tuổi. Từng nếp nhăn, từng vệt nám đủ để thấy đời chị đã trải qua không biết bao gian truân, lăn lộn để kiếm từng miếng cơm, manh áo cho gia đình mình.
Ngay từ nhỏ, 4 anh chị em của chị Thắm đã vô cùng cơ cực. Mẹ chị làm nông, bố chị là cựu thanh niên xung phong nhưng sức khỏe yếu. Cả cuộc đời, bố mẹ chị Thắm đã phải xoay xở làm đủ nghề để thoát khỏi cuộc sống khốn khó nhưng đều thất bại.
Cuộc hôn nhân của chị Mai Thị Thắm với người đàn ông tệ bạc, nghiện ngập đã làm cuộc đời chị vốn đã khốn khó nay trở nên bất hạnh hơn. Năm 1995, chỉ một thời gian ngắn sau khi kết hôn, người phụ nữ nhỏ bé này quyết tâm bỏ về sống với bố mẹ cùng các em của mình. Chị nghẹn ngào tâm sự: “Lúc về, tôi không biết mình đã có thai. Khi biết chuyện này tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được làm mẹ, nhưng lo lắng về việc phải gồng gánh nuôi con một mình".
Cuộc sống càng khốn khó, chị Thắm càng thêm ý chí và nghị lực để kiếm tiền nuôi con, chăm sóc bố mẹ già và 3 người em (khi đó đều chưa lập gia đình). Chị chia sẻ: “Nước mắt rồi cũng cạn, tôi luôn nghĩ mình cần phải mạnh mẽ để lo cho con và gia đình lớn của mình”.
Cuộc sống làm mẹ đơn thân của chị Thắm vốn đã khó khăn vì phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của giáo viên mầm non. Nhưng chị sống tích cực, thế nhưng người tính không bằng trời tính. “Sau khi các em đều đã lập gia đình, tôi tưởng cuộc sống của gia đình sẽ ổn định hơn. Tôi đặc biệt yên tâm khi em gái đã lấy được một người chồng tử tế. Thế nhưng chính bản thân tôi lúc đó cũng không nghĩ được, cuộc đời mình vẫn còn nhiều những khó khăn đang chờ ở phía trước" - giọng chị Thắm lạc dần rồi hòa lẫn vào tiếng thở dài.
Thân cò gồng gánh cả gia đình 10 người
Nghị lực và ý chí kiên cường của chị Mai Thị Thắm khiến chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Ngoài trách nhiệm chăm sóc mẹ già, chị Thắm còn đảm đương trên vai trọng trách nuôi cả gia đình 2 người em trai. Người em thứ nhất - anh Mai Hiển Tuấn (1981) đã ly dị vợ và có 2 con, vì ảnh hưởng của việc hiến thận nên sức khỏe ngày càng suy yếu, không thể đi làm.
Người em trai thứ hai là anh Mai Hiển Chiến (1984) đã có gia đình, sinh được 2 người con. Tuy nhiên, anh Chiến bị mắc căn bệnh lạ khiến da lở loét, đau đớn, vì thế không xin được việc. Người vợ của anh Chiến cũng không khéo làm ăn, gia đình thuộc hộ nghèo bền vững.
Đặc biệt xót thương cho hoàn cảnh của anh Tuấn vì con trai bị bệnh rối loạn tâm thần, chị Thắm chia sẻ: “Tôi thương em tôi, thương các cháu như con ruột. Có lần tôi chở các cháu đến nhà mẹ vì các cháu nhớ mẹ. Nhưng gia đình bên đó đều không nhận hai cháu, ba bác cháu chỉ đành ôm nhau khóc ra về. Ruột gan tôi như đứt ra trăm mảnh".
Đối với anh Chiến, chị gái chẳng khác gì người mẹ thứ hai của mình, người anh sẽ mang ơn cả cuộc đời. Anh Chiến kể: “Chị lo cho tôi từ đồng tiền lấy vợ, đến hiện tại, chị lại lo tiền cho các con tôi đi học. Thương chị đã đơn thân nuôi con, lại còn lo cho cả 4 đứa cháu nhưng tôi cũng chỉ có thể cố gắng đi nhặt rác kiếm thêm ít tiền, đỡ đần chị”.
Làm giáo viên mầm non được 4 năm, chị Thắm phải nghỉ vì không kiếm đủ kinh tế lo cho gia đình. Chị tiếp tục rong ruổi lên Hà Nội bán rau với hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nhưng không thành. Cuối cùng, chị đành phải trở về quê làm công nhân.
Với số lương khoảng 6.000.000 đồng, chị Thắm còn phải đi vay nợ ngoài mới đủ chi tiêu. “Mỗi năm học, tiền học của 5 cháu hết khoảng 20.000.000 đồng. Hiện tại, mỗi cháu tôi chỉ đóng được 1.000.000 đồng tiền học, riêng cháu Trang tôi vẫn chưa có tiền để đóng" - Chị Thắm chia sẻ. Có những đêm trăn trở, chị Thắm không thể chợp mắt, chị không hiểu sao những bất hạnh lại liên tục ập đến gia đình của mình.
“Nhiều người hỏi tôi sao phải khổ như thế, bảo tôi thân mình lo chưa xong sao còn phải lo cho nhà 2 đứa em, để chúng tự lo. Thế nhưng sao tôi đành lòng mà nhìn các em, các cháu như thế được. Tôi mặc kệ có người nói ra nói vào, tôi vẫn cố gắng vì gia đình của mình" - chị Thắm giãi bày, đôi mắt ngấn lệ.
Niềm hạnh phúc của người phụ nữ cả đời khổ
Từ năm 2016, sức khoẻ của chị Mai Thị Thắm đã có dấu hiệu suy giảm vì bị ruột thừa và phải thực hiện phẫu thuật. Đầu năm 2022, chị Thắm càng suy sụp hơn khi biết bản thân mắc bệnh u tuyến giáp. Không có tiền mua thuốc chữa trị, chị Thắm đành chấp nhận đánh đổi sức khỏe bản thân để lao vào công việc.
Thường xuyên bị ngất nhưng chị không cho phép bản thân được nghỉ ngơi dù chỉ một ngày. Chị Thắm nỗ lực tăng ca, quên rằng bản thân mình cũng đang là một người bệnh để có thể kiếm thêm đồng ra đồng vào lo cho gia đình. “Tôi chỉ biết cố gắng thôi, đi làm được ngày nào hay ngày đó" - Chị thắm bày tỏ.
Chị Thắm không dám hình dung tương lai của gia đình sẽ đi về đâu nếu chị không còn sức để đi làm. Cùng cực đủ đường là thế, nhưng chị Thắm khiến chúng tôi không khỏi xúc động vì tình yêu thương, sự hy sinh bao la của mình. Suốt cuộc trò chuyện, chị vẫn chỉ mong cho các em được chữa bệnh, con, cháu tiếp tục được đi học.
Ông Mai Đức Tâm - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn An Hoàng cho biết: "Gia đình chị Mai Thị Thắm, anh Mai Hiển Tuấn, anh Mai Hiển Chiến có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Địa phương hàng năm vẫn phải hỗ trợ gia đình nhưng cũng chỉ đủ trang trải 1 phần nhỏ sinh hoạt, không đủ để thoát khỏi sự khốn khó. Thay mặt địa phương, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình nhà chị Thắm, anh Tuấn và anh Chiến để vơi bớt nỗi khó khăn cho gia đình, giúp các cháu nhỏ tiếp tục được đến trường".
Bản thân chị Thắm luôn lùi lại phía sau lợi ích của tất cả mọi người: “Tôi vẫn còn khoẻ hơn các em tôi và con cháu được đi học đầy đủ là việc quan trọng hơn. Tôi còn cố được đến đâu tôi sẽ cố đến đó”.
Cả cuộc đời, điều duy nhất chị Thắm cảm thấy may mắn là khi có cậu con trai ngoan ngoãn, rất thương mẹ. Mai Toàn Thắng (lớp 8A, Trường THCS Trịnh Xá) em luôn là chỗ dựa cho mẹ. Thắng chăm chỉ, có thành tích học tập giỏi, được bạn bè và thầy cô yêu thương. Nhìn con trai tự giác, ngày càng tiến bộ, chị Thắm càng thêm tin tưởng về một tương lai tươi sáng hơn.
Thầy Nguyễn Bá Lượng (Giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, Trường THCS Trịnh Xá) bày tỏ: “Thắng là một trong những học sinh có thành tích học tập tốt, năm học trước em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Dù có hoàn cảnh khó khăn, song Thắng chưa bao giờ ngừng phấn đấu. Em vẫn luôn là tấm gương sáng để các bạn học sinh khác noi theo".
Đối với chị Thắm, động lực to lớn để chị có thể kiên cường đến như vậy chính là khi nhìn thấy các cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Chị hạnh phúc vì thầy cô luôn đánh giá tốt về học lực của các cháu. “Khoảnh khắc nhìn các cháu nô đùa trong sân, cùng nhau đi học, cùng nhau làm bài tập về nhà khiến tôi cảm thấy trái tim mình như được an ủi. Tôi càng có thêm sức mạnh để phấn đấu".
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.