Những "hiệp sĩ" nông dân dưới tán rừng già - Ảnh 1.

Cho đến bây giờ, sau 5 tháng tham gia Đội tuần tra tháo gỡ bẫy của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, chàng thanh niên 24 tuổi Kra Jan Ha Tri (dân tộc K'Ho) ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) vẫn nhớ như in chuyến đi rừng đầu tiên.

Với một chàng trai lớn lên giữa đại ngàn như Tri, những thâm u, bí ẩn của rừng già hẳn cũng không phải là điều gì quá xa lạ, nhưng "chưa bao giờ em đi xa nhà đến thế", Tri bẽn lẽn cười khi nhớ lại chuyến đi đầu tiên.

Đó là khi Tri cùng 4 anh em khác trong đội vượt mấy chục kilomet đường rừng, đi bộ suốt mấy ngày trong những cánh rừng, săm soi từng gốc cây, dưới những lớp lá mục để tìm bẫy thú mà người đi săn để lại. Rừng lúc đó, vừa thân thuộc nhưng cũng vừa bí hiểm với Tri khi cậu phải ăn, ngủ lại dưới tán rừng mấy ngày liền. Từ ngày đầu tiên vừa bỡ ngỡ vừa lo sợ, đến nay, Tri đã cùng các anh trong đội thực hiện được 400 ngày công xuyên rừng, gỡ được khoảng 60 chiếc bẫy.

Những "hiệp sĩ" nông dân dưới tán rừng già - Ảnh 2.

Mỗi tháng các thành viên trong đội tuần tra, gỡ bẫy của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim có 16 ngày tuần rừng.

Cùng tham gia Đội tuần tra gỡ bẫy với Tri còn có 3 thanh niên người K'Ho cũng ở xã Đạ Sar, gồm Lieng Jrang Ha Khiết sinh năm 1990, Lơ Mu Ha Thắng sinh năm 1992, Kơ Să Ra Đáp sinh năm 1999 và anh Đặng Văn Thanh (sinh năm 1982) làm đội trưởng.

Trò chuyện với chúng tôi, Lieng Jrang Ha Khiết bẽn lẽn kể: "Khi em còn bé, lên 9, 10 tuổi cũng đã theo ông, cha vào rừng đặt bẫy, bắt thú nên những cánh rừng ở mấy xã quanh đây không còn quá xa lạ với em. Khi được tham gia vào Đội tuần tra, tháo gỡ bẫy, em mới hiểu hết ý nghĩa của việc bảo vệ sự sống của từng loài cây, con thú trong rừng". Khiết bảo, nhìn thấy những con thú dính bẫy bị thương hoặc đã chết, "thực sự rất thương", và đó cũng là động lực để các anh em trong đội tiếp tục thực hiện những chuyến xuyên rừng, gỡ bẫy. Cũng có khi các anh em may mắn xuất hiện đúng lúc, giải cứu kịp thời những con thú đáng thương vừa sập bẫy và thả chúng về rừng.

Những "hiệp sĩ" nông dân dưới tán rừng già - Ảnh 3.

Hôm chúng tôi đến trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cũng là lúc đội trưởng Đặng Văn Thanh đang cùng các thành viên trong đội chuẩn bị vật dụng, tư trang cho chuyến luồn rừng tiếp theo. Trong đó có những thiết bị không thể thiếu như đồ bảo hộ, quần áo, ba lô, bản đồ, định vị GPS, ống nhòm, smart phone, túi ngủ, võng, dao. Ngoài ra, với những tuyến tuần dài, họ phải chuẩn bị thêm gạo, nước, thịt, mắm muối, cá khô... để có thể nấu ăn ngay dọc đường dừng chân lấy lại sức.

Khi đi rừng, ngoài những đồ dùng quen thuộc, các thành viên đội tuần tra này còn sử dụng thêm máy định vị GPS và smart phone để hỗ trợ công việc. Ngoài việc giúp xác định vị trí, các thiết bị này còn theo dõi hành trình, xây dựng báo cáo chi tiết của từng lần đi tuần tra. 

"Từ khi thành lập đội (tháng 4/2023) đến giờ, mỗi tháng chúng tôi phải có 16 ngày đi tuần rừng, tháo gỡ bẫy, trong đó chuyến đi dài nhất là 5 ngày liên tục xuyên rừng", anh Thanh cho biết.

Nói về những khó khăn khi đi tuần tra, gỡ bẫy, anh Thanh bảo: "Khó nhất vẫn là đi vào những nơi không có sóng điện thoại, không có nước để nấu nướng, chưa kể quá trình gỡ bẫy có thể gặp nguy hiểm vì những chiếc bẫy được các đối tượng che đậy rất tinh vi, khó phát hiện".

Chúng tôi quyết định xuyên rừng cùng đội của anh Thanh đi gỡ bẫy. Những chiếc xe máy men theo con đường dốc trơn trượt, xóc lên xóc xuống đưa chúng tôi vào bìa rừng. Men theo con đường mòn phủ đầy lá khô, anh Thanh hướng dẫn chúng tôi bám theo đội tuần tra. Bỗng anh ra dấu cho chúng tôi dừng lại, dưới đám lá mục ngay dưới chân, một chiếc bẫy bằng sắt hoen rỉ được ngụy trang rất tinh vi mà nếu nhìn thoáng qua bằng mắt thường thì khó có thể phát hiện.

img
img
img

: Anh Đặng Văn Thanh (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên sẵn sàng lên đường tuần tra.

"Đội chúng tôi hay gặp nhất là các loại bẫy kẹp, bẫy hàm nhọn và bẫy rút. Như chiếc bẫy hàm nhọn này được làm bằng thép, lại lẫn với màu lá rừng được đặt trên lối mòn thường đi của các loài thú nên rất khó phát hiện", anh Thanh cho biết.

Theo đội trưởng Thanh, khi phát hiện ra bẫy, các nhóm sẽ báo hiệu cho nhau bằng động tác tay, chứ không la hét, gọi lớn, tránh làm ảnh hưởng đến các động vật sinh sống trong khu vực. Nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên, Dự án VFBC đã đào tạo về kỹ năng tuần tra, sơ cấp cứu, an toàn trong tuần tra để các thành viên trong đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và tháo gỡ bẫy thú trên hiện trường. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, đội tuần tra có nhiệm vụ báo cho ngành chức năng.

Tính từ thời điểm thành lập vào tháng 4/2023 đến nay, các thành viên của Đội tuần tra tháo gỡ bẫy, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã thực hiện tuần tra khoảng 400 ngày công trên hiện trường và tháo gỡ khoảng 60 bẫy các loại.

Những "hiệp sĩ" nông dân dưới tán rừng già - Ảnh 5.

Được thành lập từ tháng 4/2023, Đội tuần tra tháo gỡ bẫy thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim có nhiệm vụ thực hiện các chuyến tuần tra, tìm kiếm và tháo gỡ các loại bẫy thú trong địa phận gần 46.700ha rừng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng do Ban quản lý. Rừng ở đây chủ yếu là cây lá kim, một phần nhỏ là rừng lá rộng thường xanh với các loại thú chủ yếu là lợn rừng, khỉ, chồn, nhím...

Những "hiệp sĩ" nông dân dưới tán rừng già - Ảnh 6.

Thành viên đội tuần tra sử dụng smartphone để định vị vị trí.

Đây cũng không phải là đội tuần tra tháo gỡ bẫy duy nhất, trên địa bàn cả nước đã có 36 đội như thế được thành lập, nhờ sự hỗ trợ của Dự án "Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC), do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, cụ thể là Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) triển khai với phương châm dựa vào cộng đồng để quản lý, bảo vệ rừng. 

Những "hiệp sĩ" nông dân dưới tán rừng già - Ảnh 7.

Những thành viên trong đội tuần tra tháo gỡ bẫy chủ yếu là người dân địa phương, thông thuộc địa hình, sẵn sàng dấn thân vì công việc. Theo thống kê của Ban quản lý dự án, đã có 6.000 bẫy thú được các đội tuần tra tháo gỡ ra khỏi rừng trong thời gian qua.  

Đối với Đội tuần tra, tháo gỡ bẫy của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, dự án đã đào tạo 16 nhân viên kỹ thuật thành thạo sử dụng các ứng dụng SMART tiên tiến và chịu trách nhiệm quản lý hệ thống SMART. Do đó, SMART hiện đang được tất cả các đội và trạm tuần tra trong Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim áp dụng hiệu quả để tăng cường nỗ lực giám sát và quản lý.

Anh Thanh cho biết, ngoài các thành viên của Đội tuần tra tháo gỡ bẫy, trong các chuyến đi rừng có thể còn có sự tham gia của các kiểm lâm viên hoặc cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim. Họ đi tuần cùng nhau nhưng đến khi tìm kiếm thì thường chia thành những nhóm nhỏ, điều đặc biệt là phải di chuyển làm sao để luôn có thể quan sát được lẫn nhau. Hệ thống định vị GPS hỗ trợ các thành viên đội tuần tra trên đường làm nhiệm vụ và xây dựng hệ thống báo cáo chi tiết của mỗi chuyến tuần tra.

img
img

Các thành viên cùng gỡ chiếc bẫy tinh vi vừa được phát hiện.

Theo anh Trịnh Công Quyền, nhân viên Phòng Kỹ thuật, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, các thành viên đội tuần tra đều là những người có kỹ năng đi rừng rất tốt. Bên cạnh đó, do đa phần là người dân bản địa nên họ rất hiểu tập tính, phương thức hoạt động của thợ săn cũng như các loại bẫy, từ đó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy vậy, anh Thanh vẫn trăn trở khi điều kiện làm việc của đội tuần tra còn nhiều khó khăn, vất vả. "Chúng tôi đã được trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị cho việc tuần tra rừng, chúng tôi mong ngành chức năng quan tâm, tăng phụ cấp để anh em yên tâm gắn bó với công việc này, góp phần giữ màu xanh và đa dạng sinh học cho rừng", anh Thanh kiến nghị.

Những "hiệp sĩ" nông dân dưới tán rừng già - Ảnh 9.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem