Thái Nguyên: 28 tỉnh, thành phố bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản trên nền táng số
Thái Nguyên: 28 tỉnh, thành phố bàn giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ sáu, ngày 22/11/2024 05:22 AM (GMT+7)
Tại diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số diễn ra tại Thái Nguyên, các đại biểu đại diện cho 28 tỉnh, thành trên cả nước đã cùng nhau đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Chuyển đổi số có vai trò hữu hiệu trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm tại Thái Nguyên
Trong khuôn khổ Tuần lễ trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu 28 tỉnh, thành phố lần thứ 6 năm 2024, ngày 21/11 tại Thái Nguyên đã diễn ra diễn đàn trao đổi kinh nghiệm kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số cho khu vực kinh tế tập thể, HTX các tỉnh/thành phố năm 2024.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, diễn đàn được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo sự liên kết, xây dựng mạng lưới gắn kết giữa nhà sản xuất với các đơn vị phân phối, bán lẻ, tạo cơ hội ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hoá, liên kết sản xuất giữa các HTX, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chủ lực và an toàn cho các HTX. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX, thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tập thể.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 780 HTX, doanh thu của các HTX ước đạt 3.150 tỷ đồng. Hoạt động của các HTX ngày càng hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, đóng góp tích cực vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các chương trình đề án của trung ương và của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU về chương trình chuyển số của tỉnh Thái Nguyên cùng với các ngành, các cấp, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của đảng, nhà nước về chuyển đổi số đến các HTX, đơn vị thành viên.
Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị, đặc biệt là trong hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành kết nối tiêu thụ sản phẩm, đăng tải nông sản cho các HTX, đơn vị thành viên trên các sàn giao dịch thương mại điện tử…
Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua thương mại điện tử, kỹ năng livestream giới thiệu sản phẩm và các nền tảng số khác…
Thông qua các hoạt động đó, nhận thức của các HTX, THT về tầm quan trọng của xúc tiến thương mại ngày càng được nâng cao, từ đó giúp các đơn vị mạnh dạn, chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đã giúp cho hoạt động của các HTX ngày càng phát triển, sản phẩm ngày càng vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước.
Nhiều giải pháp giúp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm
Tại diễn đàn các đại biểu đã tập trung tham luận về một số vấn đề liên quan đến kinh nghiệm phát triển kinh tế tập thể trong hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số…
Đối với tỉnh Thái Nguyên, đến nay đã có 181 website bán hàng đã đăng ký với Bộ Công Thương theo đúng quy định; đã tiến hành tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng Tiktok cho 80 đơn vị, doanh nghiệp, HTX; duy trì, phát triển sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn.
Đến nay, trên sàn đã có trên 3.000 sản phẩm của cả nước, trong đó có 2.500 sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên gồm 240 sản phẩm OCOP, 90 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh… Các chương trình livestream bán nông sản trên địa bàn ngày càng được nhân rộng thu hút nhiều lượt người xem và mang lại hiệu quả rất cao.
Theo đại diện Sở thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, trong thời gian tới để làm tốt hơn nữa việc ứng dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu như: Phát triển hạ tầng số, tăng cường truyền thông và quảng bá, tận dụng dữ liệu và AI, liên kết logistics và giao hàng, tổ chức các buổi đào tạo về kỹ năng số, sử dụng các nền tảng, phần mềm phục vụ hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm.
Tại diễn đàn, đại diện Liên minh HTX Việt Nam cũng gợi mở 5 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của chuyển đổi số trong phát triển các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thứ nhất, cần xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuyển đổi số, các HTX nên tập trung đầu tư phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương và đưa lên các nền tảng thương mại điện tử lớn, kết hợp quảng bá qua mạng xã hội và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc.
Cũng tại diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác giữa các đơn vị tham gia kết nối trong tuần lễ trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của 28 tỉnh, thành trong cả nước.
Thứ hai, nên tổ chức các khoá đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử và chuyển đổi số cho các HTX. Thứ ba, cần tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng công nghệ, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính cho các HTX.
Thứ tư, đề xuất xây dựng một "chợ số" dành riêng cho các sản phẩm HTX của Thái Nguyên giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, đặt hàng và thanh toán.
Thứ năm, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cần tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc bố trí nguồn kinh phí nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu cho khu vực kinh tế tập thể…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.