Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1)

Thu Hà - Trần Quang Thứ sáu, ngày 23/08/2024 06:00 AM (GMT+7)
Đã có những làng quê trong một thời gian ngắn trở thành "điểm nóng" về mất an ninh trật tự ở cơ sở. Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan dẫn đến những sự vụ như thế. Mỗi điểm nóng qua đi đã để lại những bài học sâu sắc, để từ những "điểm nóng" đó lại trở thành điểm sáng của ngày nay.
Bình luận 0
Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 1.

LTS. Đã có một thời, hẳn nhiều người đã phải thốt lên: “Cái gì đang xảy ra ở nhiều vùng nông thôn của ta vậy?”, khi hình ảnh đập vào mắt họ là những chai bom xăng từ những kẻ quá khích ở xã Đồng Tâm (Hà Nội) ném thẳng vào lực lượng chức năng, báo hiệu những ngày đối đầu đầy căng thẳng ở đây. Rồi câu chuyện về một "làng Nhô" quá đỗi ồn ào, đã từng gây ra biết bao hệ lụy cho nhiều người dân bởi những bất ổn về an ninh, trật tự ở nông thôn.

Và nữa, một xã tên là An Ninh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhưng lại có những kẻ chỉ thích kéo đi... đốt nhà và phá hoại trụ sở. Những buôn làng vốn đang yên bình, tươi đẹp ở Tây Nguyên bỗng nhiên bị nhuộm màu đỏ của máu bởi những kẻ tấn công khủng bố…Vân vân và vân vân.

Nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa. Những ngày giông bão đã qua rồi. Những điểm nóng nông thôn ngày nào đã trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới (NTM), nông dân sống yên ổn, hạnh phúc. Nhiều nơi còn là điểm đến lý tưởng của du khách. Sự yên bình đến từng mái nhà, con đường…

Cái gì đã làm nên những sự đổi thay, lột xác đó? Đó chính là bài học lấy dân làm gốc, đó là việc thực hiện tốt công tác dân chủ cơ sở, đó là việc lấy dân làm chủ thể trong các hoạt động...

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, cần phải lấy người nông dân là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, cần phát huy quyền làm chủ của nông dân ở cơ sở, tham gia giải quyết, hoà giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn, giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân, giữ gìn sự đoàn kết.

Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, đó là: Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "Nhân dân là chủ thể, trung tâm" của công cuộc đổi mới; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.

Để nhìn lại sự đổi thay trong nội tại của từng làng quê đã có thời điểm là "điểm nóng" ở nông thôn, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt khởi đăng loạt bài: NHỮNG "VÙNG QUÊ DẬY SÓNG" ĐÃ TRỞ THÀNH ĐIỂM SÁNG. Mỗi điểm nóng đi qua đã để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho cán bộ, chính quyền cơ sở và cho chính những người dân ở đó, để rồi đến ngày hôm nay, những nơi đó đã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, hình thành những làng quê văn minh, hiện đại, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Từ "điểm nóng" nay Đồng Tâm đã trở thành "điểm sáng" trong phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua yêu nước ở Hà Nội.

Tạo sự đồng thuận, để nhân dân được làm chủ thực sự

Hơn 4 năm sau sự việc đáng tiếc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), chúng tôi đã có dịp trở lại nơi đây để chứng kiến những đổi thay của vùng đất một thời đã trở thành "điểm nóng" về mất an ninh, trật tự ở nông thôn với những phát sinh, mâu thuẫn từ đất đai kéo dài từ nhiều năm trước. Giờ đây, không còn nhiều người dân muốn nhắc lại chuyện cũ, mà chỉ muốn nói đến những việc cần làm của ngày hôm nay và tương lai sau này. 

Đồng Tâm nằm ở phía bắc huyện Mỹ Đức cách trung tâm huyện 18km, cách Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc 3km về phía tây giao thông tương đối thuận tiện, cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Nam. Dân số trên địa bàn xã Đồng Tâm có 9.555 người. Trên địa bàn có 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Thu nhập của nhân dân trong xã chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp.

Được ông Nguyễn Văn Thắng – Trưởng thôn kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn Hoành 3, xã Đồng Tâm dẫn đi trên những con đường nông thôn mới với những hàng hoa giấy sặc sỡ hai bên đường, người dân sống trong bình yên, hạnh phúc, thật khó tưởng tượng đã có thời nơi đây từng xảy ra những câu chuyện buồn, những sự việc không đáng có. Đồng Tâm của ngày hôm nay đã và đang trở thành một làng quê xinh đẹp, đổi mới từng ngày, đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mỹ Đức lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức từ ngày 8 đến 10/7/2020 (sau nửa năm xảy ra vụ án chống người thi hành công vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại đây), đó là: Tập trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 4 xã còn lại, đưa xã Đồng Tâm trở thành xã nông thôn mới vào năm 2020; thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, không để phát sinh vụ việc mới; kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh ngay từ ban đầu, ngay từ cơ sở.

Nói về sự đổi thay này, ông Thắng vui vẻ chia sẻ: "Bài học của những ngày tháng đã qua, giúp đội ngũ lãnh đạo, cán bộ xã, thôn ở Đồng Tâm nhận ra, chỉ khi đạt được sự đồng thuận của dân thì mọi khó khăn mới được hóa giải và để có được sự đồng thuận đó, chúng ta phải thực sự hiểu dân, nắm chắc vấn đề người dân thắc mắc, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ khi mới phát sinh".

Nói rồi, ông Thắng vừa đi vừa khoát tay kể: Như con đường này, nếu không có người dân tình nguyện hiến đất "vàng", thì không thể khang trang, rộng rãi như hôm nay. Hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, chính quyền, bà con nhân dân thôn Hoành 3 đã tự nguyện hiến đất thổ cư, thậm chí tháo dỡ tường nhà đang ở để mở rộng đường làng, biến những con đường ngoằn ngoèo, ngõ hẹp trở thành những con đường thẳng hơn, rộng mở hơn, thuận lợi cho nhân dân giao thương đi lại.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 2.

Người dân chăm sóc hoa, cây cảnh bên Ao cá Bác Hồ ở xã Đồng Tâm. Ảnh: Trần Quang.

Chỉ trong 5 năm (2018 – 2023), toàn xã Đồng Tâm có 35 hộ dân tham gia hiến 521m2 đất thổ cư, trị giá hơn 3,2 tỷ đồng để mở rộng đường giao thông; trong đó có 27 hộ dân ở thôn Hoành 1, Hoành 3 và Hoành 4.

"Thôn Hoành 3 chúng tôi có số hộ dân tham gia hiến đất xây dựng nông thôn mới đông nhất với diện tích đất nhiều nhất xã Đồng Tâm. Có thể nói, phong trào hiến đất, làm đường đã và đang lan tỏa rộng trong từng nếp nghĩ, nếp nhà và trở thành ý thức tự nguyện của mỗi hộ dân trong thôn", Trưởng thôn Hoành 3 phấn khởi nói.

Là một trong những đảng viên tiên phong hiến đất mở đường ở thôn Hoành 3, anh Lê Duy Đặng chia sẻ: "Muốn quê hương đổi mới và phát triển, cần phải có những con đường to và rộng, trong đó, người dân đóng vai trò quyết định trong việc mở rộng đường làng. Bản thân tôi là một đảng viên nên càng phải gương mẫu đi đầu để quần chúng, nhân dân noi theo".

Nghĩ là làm, anh Lê Duy Đặng đã vận động em trai cùng gia đình hiến đất, mở rộng ngõ với tổng diện tích 42m2. Không chỉ hiến đất, anh Lê Duy Đặng còn tự bỏ toàn bộ kinh phí, vật tư, ngày công để xây lại tường rào của gia đình mà không đòi hỏi nhà nước phải hỗ trợ, đền bù.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 3.

Anh Lê Duy Đặng, đảng viên ở thôn 3 (ngoài cùng bên phải) chỉ nơi gia đình tiên phong hiến đất cho địa phương mở đường nông thôn mới. Ảnh: Trần Quang.

Thấy việc làm vô tư của anh Lê Duy Đặng, bà con nhân dân thôn Hoành 3 đã ủng hộ và tự nguyện hiến đất mở đường, thậm chí có nhà còn sẵn sàng cắt ngang tường nhà, xây tường dịch vào cho rộng ngõ. Nhờ vậy, con đường ngõ xóm đi qua gia đình anh Đặng đã được mở rộng từ 3,5m lên 4,5m, đủ cho hai xe ô tô tránh nhau.

Nói về bài học kinh nghiệm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, ông Nguyễn Văn Thắng – Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ thôn Hoành 3, xã Đồng Tâm nhấn mạnh: Để dân tự nguyện đóng góp, được lòng dân, bài học của chúng tôi là làm thật, làm ngay thẳng. Khi bà con đóng góp, chúng tôi giao toàn bộ tài chính cho người dân tự quản lý, giám sát.

Như vừa rồi thôn Hoành 3 vận động được 40 hộ dân tham gia đóng góp hơn 60 triệu đồng để làm đường nông thôn mới, tôi giao toàn bộ số tiền đó kèm theo danh sách chi tiết các hộ dân ủng hộ để bàn giao cho một người trong tổ do bà con nhân dân thôn Hoành 3 cử ra. "Bà con tự quyết, tự làm, tự trả tiền, làm chủ thực sự. Tôi chỉ là người đứng lên hô hào, đứng mũi chịu sào và chịu trách nhiệm với dân" – ông Thắng nói.

Điển hình trong số đó là chị Phạm Thị Hà, gặp chúng tôi bên cổng làng Hoành, chị Hà đang tất bật bán chè cho khách, vừa thoăn thoắt kể chuyện. Nhắc về chuyện cũ, chị cho biết, chị lấy chồng về làng Hoành từ nhiều năm trước và được chứng kiến biến cố đã xảy ra ở Đồng Tâm. Tuy nhiên, theo chị Hà, những biến cố đó giờ đã lùi xa vào quá khứ, người dân giờ yên tâm, chăm chỉ làm ăn trở lại. "Khoảng hơn 1 năm sau, địa phương có chủ trương xây dựng đường nông thôn mới, người dân trong làng chúng tôi đua nhau hiến đất, góp công, góp của để cùng xã làm đường bê tông mới rất rộng, đẹp. Nhờ thế mà việc lưu thông, kinh doanh, buôn bán, sinh hoạt của bà con ở đây đã thuận lợi hơn trước rất nhiều nên bà con rất vui mừng, phấn khởi", chị Hà vui vẻ nói.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 4.

Nhà văn hóa thôn Hoành từng là nơi xảy ra "điểm nóng" ở Đồng Tâm nay đã được địa phương đầu tư xây dựng khang, hiện đại phục vụ người dân sinh hoạt văn hóa, thể thao hàng ngày. Ảnh: Trần Quang.

Theo Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Thắng, việc tạo sự đồng thuận, phát huy dân chủ ở cơ sở rất quan trọng. Mỗi khi tổ chức công việc, hoạt động nào, ông Thắng đều cho họp dân để lấy ý kiến. Khi dân đồng thuận, tin tưởng thì cần tổ chức thực hiện công bằng, minh bạch, đảm bảo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

"Bà con nhân dân thôn Hoành 3 bàn bạc, tôi chỉ là người đứng đầu ghi chép lại và kết luận. Có làm đoạn đường này hay không, có làm công trình này hay không, do người dân quyết định. Nhưng mình phải là người đứng đầu, đại diện cho thôn hướng dẫn, để có lợi nhất cho nông dân thì bà con sẽ ủng hộ mình" – ông Thắng giãi bày.

Mang câu chuyện về sự đổi thay từ thôn Hoành 3 lên để chia sẻ, ông Hoàng Thanh Hương – Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm hồ hởi cho biết: "Sau tất cả những biến động, Đảng bộ xã Đồng Tâm với 7 chi bộ Đảng, 295 đảng viên quyết tâm nêu cao tinh thần gương mẫu của mỗi đảng viên, vận động nhân dân tập trung chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mỹ Đức lần thứ XXIV. Năm 2022, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, xã Đồng Tâm đã về đích trong xây dựng nông thôn mới. Không dừng lại ở đó, tới đây, xã Đồng Tâm sẽ đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Đồng Tâm đạt 62 triệu đồng/người/năm".

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 5.

Nhiều con đường ngõ, xóm ở Đồng Tâm được bê tông phẳng lỳ, hai bên đường trồng cây xanh, hoa rất đẹp. Ảnh: Trần Quang.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, khi về đích nông thôn mới, các chương trình văn hóa - y tế trên địa bàn xã đã được nâng lên rõ rệt. Đồng Tâm có trạm y tế được đầu tư xây dựng hơn 11 tỷ đồng. Trường học 3 cấp: mầm non, tiểu học, trung học trên địa bàn xã đã được được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đảm bảo cơ sở vật chất cho học sinh và giáo viên dạy và học. Kết quả chương trình giáo dục của xã nhà luôn là đơn vị đứng top đầu trong ngành giáo dục toàn huyện Mỹ Đức.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đồng Tâm cho biết: “Những năm qua, nhân dân xã Đồng Tâm tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước luôn vượt chỉ tiêu và dẫn đầu toàn huyện Mỹ Đức. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù còn nhiều khó khăn nhưng bà con trong xã đã đóng góp 190 triệu đồng phòng chống dịch Covid-19, ủng hộ nhiều tấn nông sản cho nhân dân các vùng tâm dịch. Nói vậy để thấy, khi lòng dân đã thuận, thì ngay cả trong đại dịch, người dân cũng sẽ hết lòng hết sức vì việc chung".

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 6.

Hai lão niên ngồi đánh cờ tướng bên đình làng ở Đồng Tâm. Cụ ông áo trắng vừa đưa tốt sang sông. Ảnh: Trần Quang.

Thường xuyên lắng nghe, đối thoại trực tiếp với người dân

Nhắc lại thời gian dài Đồng Tâm trở thành "điểm nóng" về tình hình an ninh trật tự, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Hoàng Thanh Hương thẳng thắn cho biết: "Sau sự việc xảy ra ở Đồng Tâm, chúng tôi đã họp và phân tích và rút ra nguyên nhân đến từ cả hai phía khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do, những vi phạm về quản lý đất đai trong các giai đoạn trước xử lý chưa thực sự nghiêm minh, kịp thời. Cùng với đó, một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất làm trái với chủ trương đường lối của Đảng, dẫn đến giảm sút uy tín, niềm tin trong nhân dân, từ đó tích tụ dần thành những vấn đề nóng, khó giải quyết".

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 7.

Sân nhà văn hóa thôn Hoành được lắp đặt dụng cụ tập luyện thể thao phục vụ bà con địa phương sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Trần Quang.

Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm cho biết, bước đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Đồng Tâm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí về đảm bảo trật tự, an ninh ở cơ sở cho đến việc huy động nguồn lực, sự hưởng ứng của người dân. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã Đồng Tâm đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã tập trung huy động các nguồn lực ở địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất để mở rộng đường giao thông, ủng hộ tiền, đóng góp ngày công lao động xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

"Hiện nay, xã Đồng Tâm đã dần ổn định, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đặc biệt, các phong trào xây dựng nông thôn mới, với lòng tin của người dân đối với Đảng đã được phát huy. Nhân dân đã phát huy được tinh thần dân chủ, cùng với chính quyền địa phương đóng góp rất nhiều tiền của, công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp" – ông Hoàng Thanh Hương thông tin.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 8.

Sau khi vận động được hàng chục hộ dân hiến đất, xã Đồng Tâm đã xây dựng, mở rộng đường ngõ xóm trong thôn Hoành 3 đẹp, thoáng hơn. Ảnh: Trần Quang.

Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm cho biết: "Để không còn trở thành "điểm nóng", trong bất cứ việc gì cũng phải giải quyết kịp thời, tìm ra nguyên nhân căn cơ của vấn đề, không để những mâu thuẫn, bức xúc nhỏ tích tụ thành điểm nóng. Bên cạnh đó, để kịp thời giải quyết những kiến nghị của dân, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và nhân dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật, không chấp hành quy định tại địa phương, đảm bảo công tác an ninh trật tự, chính trị trên địa bàn".

Khi chúng tôi đang trò chuyện với lãnh đạo xã Đồng Tâm, tiếng nhạc gần sân UBND vang lên rộn ràng, tiếng chị em phụ nữ tíu tít gọi nhau. Ngồi bên cạnh chúng tôi, anh Nguyễn Văn Huyền phấn khởi khoe: "Chiều nay, các chị em phụ nữ xã Đồng Tâm tập luyện, quay video để đại diện cho huyện Mỹ Đức tham gia Hội thi Dân vũ thể thao cấp thành phố năm 2024. Liên tiếp các năm 2022, 2023, xã Đồng Tâm đã giành được giải Nhất, giải Ba tại Hội thi Dân vũ thể thao huyện Mỹ Đức".

Chúng tôi chia tay Đồng Tâm khi ánh chiều đã nhạt, trong tiếng nhạc rộn ràng của một giai điệu quê hương. Một tốp chị em phụ nữ với trang phục áo dài truyền thống thướt tha cùng những điệu nhảy dân vũ khiến cho bức tranh làng quê trở nên êm đềm, vui tươi như nó vốn có.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 9.

Hàng ngày, Hội Phụ nữ Đồng Tâm nhảy dân vũ dưới gốc đa làng Hoành. Ảnh: Trần Quang.

Đã từng "ngại" vì quê hương mình suốt thời gian dài mang tiếng là "điểm nóng", nay người dân Đồng Tâm tự hào vì địa phương mình trở thành lá cờ đầu trong các phong trào văn hóa văn nghệ của huyện Mỹ Đức. Những cánh đồng phủ màu xanh no ấm, những gì của quá khứ đã lùi lại phía sau, hôm nay, người dân Đồng Tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, đồng thuận, chung lòng xây dựng nên một làng quê đáng sống.

"Điểm nóng" Đồng Tâm bắt đầu từ đâu?

"Điểm nóng" ở Đồng Tâm bắt đầu xảy ra từ năm 2014 đến năm 2020. Bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm.

Đến năm 2014, Bộ Quốc phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46ha thuộc xã Đồng Tâm. Đây là khu đất đồng Sênh, nơi người dân canh tác hàng chục năm qua. Người dân muốn thành phố làm rõ trắng, đen ranh giới đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng và khi thu hồi cần có giấy tờ cụ thể.

Trong khi đó, thông tin từ chính quyền Hà Nội lại cho rằng, do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương nên người dân đã "lấn chiếm, sử dụng, xây dựng công trình trên đất quốc phòng", người dân đã có đơn thư khiếu tố lên huyện, thành phố. Từ cuối năm 2016, tình hình tại xã Đồng Tâm trở nên nóng bỏng khi hoạt động giải phóng mặt bằng diễn ra ở đồng Sênh trong sự phản đối của người dân.

Vụ việc lên đến đỉnh điểm vào ngày 15/4/2017, khi Công an Hà Nội bắt 4 công dân Đồng Tâm để điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã. Hành động này vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân bởi trong số đó có ông Lê Đình Kình (82 tuổi), người có tiếng nói và ảnh hưởng lớn đối với dân làng Hoành (Đồng Tâm) khi ông cùng với những người khác đã đứng ra thành lập cái gọi là "Tổ đồng thuận", từ đó kích động nhiều người tham gia và có những hành động quá kích, gây mất an ninh, trật tự ở địa phương.

Trước diễn biến tình hình tại xã Đồng Tâm, để bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn của Bộ Quốc phòng đoạn qua xã Đồng Tâm, ngày 9/1/2020, khi lực lượng chức năng triển khai làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an ninh khi thi công tường rào sân bay Miếu Môn đã xảy ra vụ án giết người, chống người thi hành công vụ do một số đối tượng kích động gây nên. Vụ án này sau đó đã được đưa ra xét xử công khai, đảm bảo công bằng, đúng pháp luật và nhận được sự đồng thuận cao trong dư luận quần chúng, nhân dân.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 10.

Cổng làng Hoành ngày nay bình yên và sạch đẹp. Ảnh: Trần Quang

Ông Nguyễn Văn Huyền – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đồng Tâm phấn khởi cho biết: Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bà con nhân dân xã Đồng Tâm luôn được Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã quan tâm và phát huy. Hiện nay, trên địa bàn xã Đồng Tâm có 6 CLB dân vũ, thể thao.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã đứng ra tổ chức các hoạt động thể thao mời các xã bạn đến tham gia; điển hình như Giải bóng đá Đồng Tâm được tổ chức thường niên hàng năm bắt đầu từ cuối tháng 7 đến 2/9. Giải bóng đá Đồng Tâm đã thu hút lượng khán giả đến cổ vũ rất đông, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết, đảm bảo an toàn và lan tỏa tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước.

Những "vùng quê dậy sóng" đã thành điểm sáng: Trở lại Đồng Tâm- bình yên, hạnh phúc sau những ngày "bão giông" (Bài 1) - Ảnh 11.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem