Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Với thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học ngành Công nghệ vật liệu mới, Trần Thị Như Hoa (SN 1989) là nữ tiến sĩ trẻ nhất giành giải thưởng Khoa học công nghệ (KHCN) Quả cầu vàng 2022. Nhân dịp 20/11, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nữ TS về chặng đường nghiên cứu khoa học cũng như cơ duyên đến với nghề giáo của cô.
Trước hết xin chúc mừng Như Hoa là một trong những nhà khoa học trẻ đã giành được giải thưởng Quả cầu vàng KHCN 2022. Khi biết tin mình là nữ tiến sĩ trẻ nhất nhận giải, cảm xúc của chị như thế nào? Từ giải thưởng này, chị chia sẻ về gì dự định tương lai trong công tác nghiên cứu khoa học?
- Năm nay, tôi vinh hạnh được chọn là một trong 10 nhà khoa học nhận giải Quả cầu vàng, tôi rất vui và hạnh phúc. Xin cảm ơn ban tổ chức đã phát động và triển khai giảng thưởng quý giá này giành cho các nhà khoa học trẻ. Tôi biết ơn Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, là nơi tôi được giảng dạy, nghiên cứu sau khi về Việt Nam. Hơn hết, tôi rất cảm ơn gia đình của mình, đã luôn đồng hành, là điểm tựa của tôi.
Dự định trong tương lai, tôi sẽ phát triển hướng nghiên cứu hiện tại của mình và ứng dụng rộng trên các lĩnh vực y-sinh học, môi trường, sức khoẻ.
Hiện tại Như Hoa đang là giảng viên tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Vậy cơ duyên nào đã dẫn chị tới với nghề giáo? Cô giáo Như Hoa trong mắt các sinh viên là người như thế nào?
- Năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy hướng dẫn của tôi là GS.TS. Lê Văn Hiếu đã nhận tôi ở lại làm trợ giảng. Sau quá trình học tập và được dìu dắt của thầy/cô, tôi tiếp tục học cao học và nghiên cứu các hướng về vật liệu nano. Tôi "thích" các bạn sinh viên khi được hướng dẫn các bạn, và theo nghề tới tận giờ.
Tôi trong mắt các sinh viên à – xinh và hiền (cười).
Như Hoa từng được học bổng du học, làm việc tại Hàn Quốc, sau đó chị trở về quê hương tham gia nghiên cứu và giảng dạy. Ảnh: NVCC
Ngoài sự nỗ lực, Như Hoa có thể chia sẻ thầy cô nào đã giúp chị nhận ra đam mê của bản thân để rồi có được những thành công bước đầu như ngày hôm nay?
- Trước hết phải kể đến ba mẹ tôi - cũng chính là người thầy dẫn dắt tôi chọn ngành Khoa học vật liệu. Ba mẹ cũng làm nghề giáo và nhận thấy ngành Khoa học vật liệu là ngành tiềm năng, sẽ có các ứng dụng cho cuộc sống.
Ngoài ra, tôi rất cảm ơn các thầy - GS.TS Lê Văn Hiếu, GS.TS Phan Bách Thắng đã hướng dẫn và dìu dắt từ lúc tôi còn là cô bé sinh viên đến lúc cao học, cho đến bây giờ. Các thầy truyền cho tôi tinh thần lạc quan, và sự yêu nghề, đam mê con đường nghiên cứu.
Không rõ cô học trò Như Hoa ngày xưa trong mắt thầy cô là người thế nào?
- Trong mắt thầy/cô, tôi là cô sinh viên hiền và ham học hỏi, đôi khi trầm tính (cười).
Được biết Như Hoa từng giành học bổng cao học và du học Hàn Quốc, nhận bằng tiến sĩ sau 3 năm, sau đó có thời gian làm việc tại Hàn Quốc. Vậy điều gì đã thôi thúc chị trở về quê hương để nghiên cứu và gắn bó với nghề giáo, chứ không phải là một nghề nào khác?
- Tôi chọn về quê hương vì muốn phát triển hướng nghiên cứu mới về vật liệu cảm biến quang học với các ứng dụng mới về y-sinh, môi trường.
Làm việc tại Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM cho tôi cảm giác thoải mái, và các đồng nghiệp thân thiện, giúp đỡ nhau. Đó cũng chính là một yếu tố khiến tôi muốn quay về nơi mình đã học và làm việc từ năm 2011.
Như Hoa có thể chia sẻ cụ thể hơn về chuyên ngành chị đang nghiên cứu? Công nghệ Vật liệu mới có phải là một ngành học mới?
- Các nghiên cứu của tôi gần đây kể từ khi về Việt Nam, được xem là các nghiên cứu nổi bật. Ví dụ như thiết kế cảm biến sợi quang học trong kỹ thuật y sinh ứng dụng trong chẩn đoán: (chẩn đoán bệnh như bệnh tim, ung thư dạ dày…); cảm biến y-sinh học cộng hưởng plasmon bề mặt định xứ (có độ nhạy cao nhờ vào tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS); xây dựng, thiết kế và chế tạo các cảm biến cộng hưởng plasmon bề mặt tăng cường tín hiệu huỳnh quang ứng dụng để phát hiện, chẩn đoán mức độ phân tử...
Ngành Công nghệ vật liệu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM là ngành mới, được trang bị kiến thức cơ bản liên ngành có liên quan đến Lý, Hóa và Sinh như đã nêu trên nhưng sẽ chú trọng hơn các kiến thức về quy trình, công nghệ hoặc nguyên lý hoạt động máy móc thiết bị.
Sinh viên được đào tạo chuyên sâu hơn với các học phần kiến thức bổ trợ có liên quan đến các công nghệ truyền thống và mới - tiên tiến trong/ngoài nước, các quy trình kỹ thuật có liên quan đến các lĩnh vực tổng hợp chế tạo và sản xuất các loại sản phẩm vật liệu đang được sử dụng phổ biến từ trong cuộc sống hàng ngày đến những loại vật liệu mới tiên tiến ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật cao như linh kiện quang – điện tử - viễn thông, phương tiện giao thông, sản phẩm chuyển hóa năng lượng, vật liệu dược – y sinh, vật liệu polymer/composite/nanocomposite…
Đối với việc giảng dạy cho sinh viên ngành này, Như Hoa có bí quyết gì để các sinh viên tiếp thu nhanh và đạt kết quả tốt?
- Đối với sinh viên, tôi chỉ dạy từ kiến thức cơ bản và dùng các phương pháp dạy mới như CDIO, FCDI để giúp sinh viên hiểu rõ và tiếp thu nhanh hơn.
Ngoài việc giảng dạy lý thuyết, tôi sẽ cho sinh viên có các buổi thuyết trình nhóm để các em tự tìm hiểu vấn đề đặt ra và cùng nhau thảo luận. Song song đó, kết hợp với thực hành tại các phòng thí nghiệm của Khoa sẽ giúp ích cho các em hiểu rõ hơn vấn đề đã được học lý thuyết.
Một ngày, chị dành bao nhiêu thời gian cho công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm?
- Thông thường thì tôi dành 1/3 thời gian cho việc nghiên cứu. Phần còn lại tôi giảng dạy cho sinh viên và cân đối với việc gia đình.
Tôi thường nghe người ta nói là nữ giới mà làm về nghiên cứu khoa học thì "khó, khô, và khổ". Tôi muốn nghe chia sẻ từ một nhà khoa học nữ như chị, những điều đó có đúng không?
- Ngành Khoa học và Công nghệ Vật liệu (KH&CN Vật liệu) còn đang rất mới tại Việt Nam, tuy nhiên ở nước ngoài đã phát triển từ lâu. Khi mẹ tôi biết đến ngành này, tại thời điểm đó chỉ có Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM đào tạo tại miền Nam. Tôi rất vinh dự khi được tốt nghiệp tiến sĩ và theo nghiên cứu các sản phẩm về vật liệu cho đến các ứng dụng của chúng. Cho đến thời điểm này, ngành KH&CN Vật liệu đang trên đà phát triển tại Việt Nam, điển hình có rất nhiều công ty tuyển dụng sinh viên khi tốt nghiệp tại Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu (chiếm hơn 90% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp) và khoảng 50% sinh viên là nữ khi đăng ký học ngành này.
Đó là con số nói lên khi nữ giới làm khoa học không phải khô khan và khổ. Với sự phát triển như hiện nay, bất kỳ một ngành nào cũng phù hợp với nữ giới ngay cả phi công, hay sữa chữa ô tô,…
Đã bao giờ chị rơi vào tình trạng "cháy túi" hoặc thiếu kinh phí khi tham gia nghiên cứu khoa học?
- Tham gia nghiên cứu khoa học thì tôi cũng hay xảy ra tình trạng trên, tuy nhiên, các nghiên cứu của tôi đã và đang được sự hỗ trợ kinh phí từ đề tài của Trường ĐHQG TP.HCM, các Quỹ như Nafosted, Quỹ Kurita – Nhật Bản…
Vừa là một nhà khoa học, giảng viên, lại là một người mẹ có con nhỏ 10 tháng, Như Hoa sắp xếp mọi việc như thế nào? Có bao giờ chị cảm thấy mình "quá tải"?
- Tôi rất biết ơn gia đình đã luôn đồng hành để tôi có được như ngày hôm nay. Việc cân bằng giữa việc dạy – nghiên cứu – làm mẹ là một vấn đề khá khó. Tuy vậy, tôi cũng đã cố gắng hết sức và nhờ gia đình hỗ trợ nhiều. Không thành công nào mà không có những giọt nước mắt yêu thương.
Con gái xinh xắn và gia đình nhỏ của nữ tiến sĩ trẻ. Ảnh: NVCC
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chị có lời chúc nào tới các thầy cô giáo trên cả nước nói chung, và những thầy cô tham gia nghiên cứu khoa học nói riêng?
- Xin kính chúc thầy/cô luôn luôn mạnh khỏe, là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò. Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, với tất cả tấm chân tình mà con/tôi muốn gửi đến thầy cô, chúc cho tất cả thầy cô luôn vui vẻ, tràn ngập niềm tin trong cuộc sống, ngày nào cũng luôn gặp may mắn, và thành công trên con đường dạy học của mình!
- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.