"Nữ tư lệnh" ngành hồi sức góp phần tạo nên những kỳ tích

Chứng kiến người bà của mình vật vã với những cơn đau của căn bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối, cô gái nhỏ Phạm Thị Ngọc Thảo chuẩn bị thi đại học quyết tâm phải trở thành bác sĩ. Từ quyết tâm ban đầu đó, cô nữ sinh năm nào đã trở thành PGS.TS, "nữ tư lệnh" của ngành hồi sức, 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

"Nữ tư lệnh" ngành hồi sức góp phần tạo nên những kỳ tích - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.D

Góp phần tạo nên những kỳ tích

Phạm Thị Ngọc Thảo mở đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình bằng tấm giấy báo đỗ vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Tốt nghiệp đại học năm 1992, một năm sau đó, bác sĩ Ngọc Thảo chuyển sang Khoa Chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy và gắn bó với nơi đây cho đến hôm nay với cương vị Phó Giám đốc bệnh viện.

Chợ Rẫy là bệnh viện đầu ngành, số lượng bệnh nhân đông. Tận mắt chứng kiến những bệnh nhân của mình trước lằn ranh sinh tử, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo luôn trăn trở với quá trình điều trị để từ đó bà bắt tay vào các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thiết thực, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhân, được áp dụng trong cả lâm sàng và đào tạo.

"Không riêng tôi mà các bác sĩ khác trong khoa, khái niệm ngày – đêm bị xóa bỏ. Bất cứ khi nào bệnh nhân cần, chúng tôi đều có mặt", PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo là người có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 với tư cách là thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng (thuộc Trung tâm chỉ đạo, quản lý, điều hành hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của cả nước). Trong đó phải kể đến những ca nổi bật như "bệnh nhân 91 - phi công người Anh".

Nhớ lại những ngày đầu, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo kể: Lúc bệnh nhân phi công nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hôm đó anh vẫn còn khoẻ, tự đi vào viện và chỉ có biểu hiện sốt nhẹ.

Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, bệnh nhân đã chuyển biến xấu cực kỳ nhanh. Bệnh nhân suy hô hấp nặng, chỉ số oxy hoá máu kém, có lúc phổi đông đặc xuống còn 10% hoạt động. Tại thời điểm đó, bác sĩ buộc phải đưa ra các quyết định kịp thời, vì chỉ chậm một chút, bệnh nhân có thể ngưng tim bất cứ lúc nào.

"Nữ tư lệnh" ngành hồi sức góp phần tạo nên những kỳ tích - Ảnh 3.

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - một trong 10 cá nhân nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2021.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử ê-kíp gồm 4 bác sĩ có chuyên môn cao sang hỗ trợ kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. 43 ngày ấy, mỗi lúc nhận được tin nhắn thông báo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là những giờ căng não của toàn bộ ê-kíp 2 bệnh viện.

"Nhiều thời điểm bệnh nhân xảy ra liên tiếp nhiều sự cố, diễn tiến xấu trong cùng lúc như thuốc không còn tác dụng, màng phổi vừa được phục hồi thì đã đông đặc, lúc này xét nghiệm âm tính virus, lúc khác lại dương tính… Điều đó khiến chúng tôi phải quyết định đúng để cứu sống bệnh nhân. Chúng tôi từng kinh qua nhiều bệnh, dù tuyệt vọng vẫn cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân với tâm thế còn nước còn tát", bác sĩ Thảo kể.

Ngoài ECMO, kíp bác sĩ trẻ còn thực hiện nhiều kỹ thuật trong hồi sức như mở khí quản, lọc máu, kỹ thuật hồi sức huyết động, hô hấp… Đồng thời 1 ê-kíp hỗ trợ thực hiện ghép phổi cứu sống cũng được thành lập.

"Kinh nghiệm ghép phổi ở VN không phải là nhiều, chỉ có vài ca trên đầu ngón tay. Thế nhưng, khi nghe chỉ đạo, chúng tôi đã lập tức thành lập một tổ kết hợp với bệnh viện Việt Đức để tham gia ghép phổi. Tất cả chỉ vỏn vẹn có vài ngày".

Theo bác sĩ Thảo, ICU có nhiều bệnh nhân nặng, nhưng không có người nào nặng như phi công người Anh. Lúc đó, đặc biệt từ dư luận truyền thông đều hướng về tình trạng bệnh của bệnh nhân tại Việt Nam, các bác sĩ gặp không ít áp lực. Thế nhưng, mỗi người đều gạt sang một bên, chỉ tích cực làm công tác chuyên môn để đưa bệnh nhân quay trở về từ cõi chết.

Đặc biệt, trong quá trình bệnh nhân bị phản ứng thuốc, các bác sĩ phải liên tục thay đổi các liệu trình điều trị. 4-5 loại thuốc chưa từng được sử dụng tại Việt Nam lần nào, các bác sĩ phải đặt mua từ nước ngoài, thời gian chờ đợi kéo dài đến 10 ngày.

img
img
img
img
img
img

Bệnh nhân 91 - phi công người Anh và quá trình phục hồi như một "kỳ tích". Ảnh: BVCC

"Khoảng thời gian ấy, bác sĩ "như đi xiếc trên dây" khi phải vừa hồi phục sức khoẻ, vừa đợi thuốc về tới Việt Nam. Chúng tôi phải đọc tài liệu và cập nhật tình hình y tế trên thế giới liên tục. Trong đêm, chúng tôi quyết định sử dụng thuốc khác vì màng ECMO đông liên tục. 

Đây là ca đầu tiên sau 2 giờ khi thực hiện phương pháp ECMO, màng đông cứng, trong khi không phải kíp bình thường có thể thay màng lọc được. Trong 57 ngày, chúng tôi đã thay 7 màng ECMO.

Lúc ấy, những biến chứng sau ECMO dài cả một trang giấy A4, chúng tôi xác định bệnh nhân có thể sẽ không còn hoạt động chân, hay ảnh hưởng tới não… Thế nhưng rất may mắn, mọi chức năng của bệnh nhân vẫn bình thường. Đây là ca quá đặc biệt trên thế giới".

Tư lệnh tiên phong ngành hồi sức

Từ trước đến nay, trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo luôn đóng vai trò là "người tiên phong", thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành này. Nữ bác sĩ được đồng nghiệp và mọi người trìu mến gọi là "chị Hai" hay "nữ tư lệnh hồi sức"…

"Nữ tư lệnh" ngành hồi sức góp phần tạo nên những kỳ tích - Ảnh 5.

Trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo đóng vai trò là "người tiên phong". Ảnh: B.D

Những đề tài khoa học mang tính mở đường mà PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo đã đóng góp có thể kể đến: "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh". Trong đó, nghiên cứu "Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng" là đề tài mang lại nhiều hiệu quả và tính ứng dụng cao.

Thành công của đề tài nghiên cứu khoa học này đã giúp ngành hồi sức cấp cứu cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng sống, góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng, giảm chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm viện của bệnh nhân. Kỹ thuật này đã đạt Giải thưởng Nhà nước về nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng lọc máu trong sepsis, giúp PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo nhận Giải thưởng Kovalepskaia dành cho nhà khoa học nữ.

Đặc biệt, đề tài "Ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS) và viêm cơ tim cấp" chính là kỹ thuật tạo nên kỳ tích tại Việt Nam. 

Là một trong những người tiên phong được cử đi học kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Đại học Regensburg - CHLB Đức, khi về nước cách đây hơn 10 năm, bác sĩ Thảo đã cùng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký triển khai kỹ thuật mới và đưa kỹ thuật cao này vào hoạt động thường quy trong chuyên ngành. Và ECMO đã cứu sống nhiều bệnh nhân rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo còn tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khác liên quan đến cấp cứu chấn thương, hồi sức ghép tạng, nhiễm khuẩn huyết…

BS Phạm Thị Ngọc Thảo đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài tiêu chuẩn các cấp, tiêu biểu là các đề tài "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh tại các khoa Hồi sức cấp cứu", "Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não", "Ứng dụng lọc máu hiện điều trị bệnh lý cấp cứu" và "Ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập".

img
img
img
img
img
img

Ghép tim, gan, thận là thế mạnh của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó BS Thảo đóng vai trò không nhỏ. Ảnh: BVCC

Bà đã có hơn 40 bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên Tạp chí Y học TP.HCM, Y học thực hành, Y học Việt Nam.

Hết lòng vì người bệnh

PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, vừa đảm trách công việc điều trị tại Khoa Chăm sóc đặc biệt, kiêm Trưởng Bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Đại học Y Dược TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP HCM.

Lịch làm việc của nữ bác sĩ luôn đặc kín mọi ngày trong tuần, nhưng bà vẫn không quản ngại lao đến bệnh viện khi có những ca cấp cứu đột xuất ban đêm. "Không riêng tôi mà các bác sĩ khác trong khoa, khái niệm ngày – đêm bị xóa bỏ. Bất cứ khi nào bệnh nhân cần, chúng tôi đều có mặt", bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo chia sẻ về nghề nghiệp của mình.

Bác sĩ Thảo cho biết, với việc thực hiện thành công công trình nghiên cứu "Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng" trong gần 5 năm qua, bệnh viện đã kịp thời cứu chữa cho những ca bệnh có nguy cơ tử vong cao, đem lại cơ hội sống cho hàng nghìn bệnh nhân nhờ ứng dụng công nghệ lọc máu hiện đại.

"Chúng tôi từng kinh qua nhiều bệnh, dù tuyệt vọng vẫn cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân với tâm thế còn nước còn tát" - PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo

Gần như gắn bó với bệnh viện cả ngày lẫn đêm, bà đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ "hậu phương" của mình. Chồng bà cũng là một bác sĩ, cả hai đều vất vả, bận rộn và phải thường xuyên trực đêm. 

Bác sĩ Thảo kể, để bà yên tâm công tác, chồng bà thường chia sẻ nhiều việc, từ việc nhà đến chăm lo cho con cái. Sự hy sinh thầm lặng của người chồng đã đóng góp một phần không nhỏ trong những công trình nghiên cứu khoa học của bà.

Bà tâm sự, ngoài sự hy sinh của chồng, bà phải cảm ơn sự cảm thông của các con. Mặc dù vợ chồng cùng làm ngành y, nhưng vì quá bận rộn nên nhiều lúc con ốm cũng không có điều kiện để chăm sóc các con chu đáo. 

Bà đã rớt nước mắt khi đọc dòng tâm sự của cậu con trai lớn: "Con vẫn nhớ như in vết bỏng bô ở ngày đầu học mẫu giáo hay là lúc khóc sướt mướt ngày vào lớp 1, lúc nào cũng có ba bên cạnh cả. Tuy mẹ không có mặt trong những lúc đó, nhưng mẹ lại là người luôn giúp con trong học tập, luôn có những lời khuyên bảo, đặc biệt là luôn hiểu và tâm sự với con một cách tích cực hơn cả. Con yêu ba mẹ rất nhiều".

Gần 30 năm gắn bó với nghề, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc ưu tú; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Hai; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua Chính phủ…

Bạch Dương thực hiện

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem